Răng sứt mẻ có hàn được không còn phụ thuộc vào vị trí và kích thước vết mẻ. Những người có vết mẻ không quá lớn, không làm tổn thương nhiều mô và chưa lộ tủy răng có thể áp dụng kỹ thuật hàn trám răng để phục hình. Vật liệu dùng trong kỹ thuật này có độ bền cao, giữ được trong nhiều năm.
Răng sứt mẻ có hàn được không?
Răng sứt mẻ là tình trạng răng cửa hoặc răng hàm có một vết mẻ lớn, mảnh gãy tách ra khỏi răng chính. Răng là cấu trúc vững chắc với men răng bao bọc bên ngoài, sau đó đến ngà răng, trong cùng là tủy răng. Do có hàm lượng khoáng chất cao (chiếm 95%), nên men răng cứng chắc, khó hỏng, bảo vệ răng khỏi nhiệt độ, vi khuẩn và các tác nhân khác.
Tuy nhiên răng bị mẻ khiến men răng hỏng, lớp ngà răng và tủy răng bên trong không được bảo vệ, dễ bị nhiễm trùng và hư hỏng. Mặt khác người bệnh còn có dấu hiệu đau nhức hoặc ê buốt khi ăn. Tình trạng này thường do cắn đồ vật, cắn thức ăn cứng, sâu răng hoặc do chấn thương, có thể gặp ở người lớn và cả trẻ em.
Răng sứt mẻ không tự hồi phục, cần sớm can thiệp với những phương pháp thích hợp. Vậy răng sứt mẻ có hàn được không? Theo các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, răng sứt mẻ có thể được phục hình bằng kỹ thuật hàn răng (trám răng).
Trám răng (hàn răng) là phương pháp dùng vật liệu chuyên dụng để thay thế cho mảnh gãy và trám bít hố rãnh. Từ đó phục hồi cấu trúc cho các răng bị sứt mẻ. Vật liệu chuyên dụng có độ ổn định cao, màu sắc tương tự như răng thật. Chính vì thế mà hàn răng thường đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ, cải thiện chức năng nhai, có độ bền cao.
Để đảm bảo về độ bền, phương pháp này cần được thực hiện trên răng có vết mẻ không quá lớn. Những người có răng bị mẻ nhiều (1/3 răng), lộ tủy răng hoặc kèm theo lỗ sâu nặng (đặc biệt là răng cửa) nên xem xét bọc răng sứ để đạt hiệu quả phục hình và bảo vệ răng. Mão răng giúp bảo vệ cùi răng thật, phục hồi màu sắc và hình dáng của răng.
Hàn răng sứt mẻ có bền không?
Có nhiều vật liệu được sử dụng trong kỹ thuật hàn trám răng. Cụ thể như sứ, composite, Amalgam (trám bạc), Glass Ionomer Cement… Tuy nhiên composite là vật liệu được sử dụng phổ biến nhất.
Vật liệu này có độ bền và độ ổn định cao, màu sắc tương tự như răng thật, chi phí hợp lý. Chính vì thế mà composite thường được ưu tiên trong hàn trám răng cửa và răng tiền hàm (các răng dễ nhìn thấy khi giao tiếp) để tránh bị lộ mảnh trám.
Tuổi thọ trung bình của miếng trám composite là 3 năm. Nếu được chăm sóc tốt, miếng trám có thể được giữ lâu hơn trên răng. Ngược lại những trường hợp chăm sóc răng miệng không đúng cách, thường xuyên ăn thức ăn cứng, khô… sẽ có miếng trám dễ dàng bung ra sau một thời gian ngắn.
Do đó cần áp dụng các biện pháp vệ sinh và chăm sóc răng miệng phù hợp sau khi hàn răng sứt mẻ. Ngoài ra nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tăng hiệu quả phục hình và chất lượng của mảnh trám.
Hàn răng sứt mẻ có đau không?
Quy trình hàn răng sứt mẻ khá đơn giản và không gây đau. Thông thường người bệnh chỉ có cảm giác ê buốt nhẹ khi làm sạch vết mẻ và tạo hình xoang trám. Cảm giác này có thể nhanh chóng qua đi hoặc chỉ kéo dài trong vòng 2 – 5 ngày.
Đối với những trường hợp có vết mẻ lớn, gần tủy răng, thuốc gây tê tại chỗ có thể được sử dụng để giảm cảm giác khó chịu trong quá trình hàn trám răng.
Quy trình hàn răng sứt mẻ
Hàn răng (trám răng) được thực hiện nhanh chóng với những bước đơn giản. Để đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền, vật liệu composite sẽ được sử dụng. Sau khi hàn răng xong, tia laser được dùng để tăng độ vững chắc và làm đông cứng vật liệu.
Dưới đây là quy trình hàn răng sứt mẻ:
- Bước 1: Khám và tư vấn.
- Bước 2: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để phòng ngừa viêm nhiễm.
- Bước 3: Gây tê để giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
- Bước 4: Tạo hình xoang hàm, làm sạch vết mẻ.
- Bước 5: Cho vật liệu vào vết mẻ đã được làm sạch. Nhẹ nhàng điều chỉnh để vật liệu bao phủ toàn bộ vết mẻ cũng như phần răng cần trám.
- Bước 6: Dùng tia laser để vật liệu nhanh chóng đông cứng và tăng độ bám dính với răng thật.
- Bước 7: Kiểm tra, loại bỏ phần trám dư thừa, sau đó mài nhẵn để tránh tình trạng bị cộm.
- Bước 8: Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng.
Hàn răng sứt mẻ giá bao nhiêu?
Hàn răng sứt mẻ không quá đắt. Chi phí cụ thể phụ thuộc vào tình trạng răng và vật liệu được sử dụng trong kỹ thuật hàn trám răng. Ngoài ra chi phí cũng có thể chênh lệch tùy thuộc vào mức độ khó của răng, cơ sở thực hiện, bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế.
Vì thế bạn cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, tiến hành thăm khám xác định tình trạng và phương pháp điều trị để được tư vấn chi phí. Dưới đây là mức chi phí tham khảo:
- Hàn trám răng cửa bị mẻ: 200.000 – 500.000 đồng/ răng đơn giản, 800.000 – 1.000.000 đồng/ răng phức tạp.
- Hàn trám răng tiền hàm/ răng hàm bị mẻ: 300.000 – 600.000 đồng/ răng.
- Trám tạm Eugenate: 100.000 đồng/ răng.
- Trám răng sữa: 200.000 đồng/ răng.
- Trám GIC: 250.000 đồng/ răng.
- Trám Inlay – Onlay sứ: 5.000.000 đồng/ răng.
Cách chăm sóc sau khi hàn răng sứt mẻ
Răng sứt mẻ có thể hàn trám được. Phương pháp này được đánh giá là tối ưu cho những trường hợp có răng cửa / răng tiền hàm / răng hàm bị mẻ. Sau khi áp dụng, răng phục hồi được cấu trúc, hình dáng và chức năng nhai.
Tuy nhiên để đảm bảo đạt hiệu quả cao, độ bền chắc và tránh phát sinh rủi ro, bạn cần lựa chọn nha khoa uy tín, có bác sĩ chuyên khoa giỏi. Bên cạnh đó kỹ thuật này cần được chỉ định và đánh giá hiệu quả bởi bác sĩ.
Sau khi hàn trám răng xong, bạn cần áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp để tăng độ bền vững cho mảnh trám, ngăn vết trám bị bong ra hoặc xê dịch sau một thời gian ngắn.
Dưới đây là những cách chăm sóc sau khi hàn răng sứt mẻ:
-
Chú ý đến chế độ ăn uống:
- Trong vòng 2 giờ đầu sau khi hàn trám răng, không nên ăn uống để đảm bảo miếng trám cố định hoàn toàn trên răng.
- Trong vòng 5 – 7 ngày đầu tiên, nên ưu tiên những món ăn lỏng, mềm như phở, miến, cháo, súp… để tránh tạo áp lực lên răng .
- Không nên ăn thức ăn quá khô, cứng, dai để không làm ảnh hưởng đến miếng trám, tránh tình trạng sứt mẻ mảnh trám.
- không nên ăn thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng, thức ăn có tính axit cao, chứa quá nhiều đường. Đồng thời cần tránh đồ uống chứa nhiều cồn (rượu, bia). Những loại thức ăn, đồ uống này có thể làm giảm tuổi thọ của miếng trám, miếng trám hỏng hoặc xô lệch, tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi và các bệnh răng miệng khác.
- Chải răng đúng cách: Nên chải răng nhẹ nhàng, theo chiều dọc và xoay tròn bằng bàn chải lông mềm. Không nên chải răng quá mạnh để tránh làm tăng áp lực lên miếng trám, mô nướu và men răng, phòng ngừa miếng trám bị bong ra hoặc xê dịch. Tránh dùng tăm xỉ răng. Nên dùng chỉ nha khoa để nhẹ nhàng làm sạch kẽ răng.
- Loại bỏ thói quen nghiến răng: Thói quen nghiến răng có thể khiến miếng trám bị mòn, bong tróc hoặc bị nứt mẻ. Chính vì thế cần bỏ thói quen này hoặc dùng máng nhai để giảm lực ma sát giữa các răng ở người nghiến răng khi ngủ.
- Khám nha khoa: Sau khi hàn trám răng bị sứt mẻ, nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Thông báo ngay với bác sĩ nếu miếng trám bị xê dịch, dị ứng với vật liệu trám răng, mô nướu sưng, viêm, ngứa, đau nhức kéo dài sau khi trám răng… Ngoài ra nên khám nha khoa mỗi 6 tháng 1 lần để kiểm tra tình trạng răng miệng.
Thông tin trong bài xoay quanh “Răng sứt mẻ có hàn được không?”, quy trình và các biện pháp chăm sóc. Trên thực tế, hàn răng (trám răng) là phương pháp tối ưu cho người có răng bị mẻ không quá lớn, không làm lộ tủy răng. Sau khi hàn răng, các biện pháp chăm sóc cần được thực hiện để tăng độ bền cho mảnh trám.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Sâu Lỗ To Có Trám Được Không? Bảng Giá Chi Tiết
Răng Mẻ Có Hồi Phục Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Trám răng Inlay/ Onlay là gì? Giá bao nhiêu?
Trám răng bằng Composite có bền không? Quy trình và chi phí
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!