Trám răng cửa bị sâu, mẻ là kỹ thuật nha khoa khá đơn giản và chi phí thấp. Nhìn chung, phương pháp này mang lại hiệu quả tốt trong việc khắc phục răng nứt, mẻ và sâu. Tuy nhiên, do độ bền khá hạn chế nên cần phải thay miếng trám định kỳ.
Khi nào nên trám răng cửa bị sâu, mẻ?
Răng cửa bị sâu, mẻ là tình trạng khá phổ biến. Răng cửa nằm ở chính giữa cung hàm và thường được sử dụng để cắn, xé thức ăn. Nếu dùng thức cứng hoặc bị chấn thương, răng có thể bị mẻ và nứt. Ngoài ra, do thường xuyên tiếp xúc với thức ăn nên răng dễ bị sâu và tích tụ nhiều cao răng.
Không giống với các cơ quan khác, sang thương ở răng không thể tự hồi phục mà bắt buộc phải điều trị. Trong đó, trám răng là phương pháp thường được áp dụng cho răng cửa bị sâu và mẻ. Phương pháp này sử dụng vật liệu lỏng để bù lấp lỗ sâu và phần răng bị nứt, mẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng ánh sáng để làm đông vật liệu và tăng độ bám dính của miếng trám với răng thật.
Trên thực tế, trám răng là phương pháp nha khoa rất phổ biến được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện phương pháp này.
Những trường hợp răng cửa sâu, mẻ có thể thực hiện trám răng:
- Sâu răng cửa ở mức độ nhẹ đến trung bình
- Răng cửa bị nứt và mẻ nhẹ cũng có thể trám răng
Nhìn chung, trám răng chỉ phù hợp với những trường hợp răng sâu, nứt và mẻ nhẹ. Phương pháp này không thể thực hiện trong trường hợp răng sâu nặng, vết nứt sâu và răng bị mẻ lớn. Bên cạnh đó, trám răng cũng được thực hiện với răng cửa mới chớm sâu để ngăn ngừa lỗ sâu tiến triển vào bên trong.
Trám răng cửa bị sâu, mẻ có bền không?
Nhiều người khá lo lắng về tuổi thọ của miếng trám răng vì cơ bản phương pháp này không thể so sánh với bọc răng sứ. Vậy trám răng cửa bị sâu, mẻ có bền không?.
Nhìn chung, trám răng có độ bền dao động từ 2 – 3 năm nếu biết cách chăm sóc và không có các thói quen xấu như nghiến răng, dùng răng cắn xé vật cứng, cạy đồ vật,… Sau một thời gian, miếng trám sẽ giảm độ bám dính với răng thật và bạn cần trám lại để bảo vệ răng cửa. Mặc dù tuổi thọ không cao nhưng chi phí trám răng khá thấp và thực hiện nhanh chóng nên việc trám răng lại cũng không thực sự là vấn đề lớn.
Ngoài cách chăm sóc, độ bền của miếng trám còn phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ và vật liệu trám. Với răng cửa, bác sĩ sẽ ưu tiên dùng composite – chất liệu có màu trắng ngà tương tự như màu răng nên khi trám lên vết nứt hoặc lỗ sâu không bị lộ và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Mặc dù tuổi thọ lên đến 2 – 3 năm nhưng để đảm bảo an toàn, bạn phải đến phòng khám kiểm tra định kỳ 6 tháng/ lần. Bởi miếng trám bong, hở chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây viêm tủy răng và áp xe răng.
Quy trình trám răng cửa bị sâu, mẻ
Trám răng là kỹ thuật nha khoa khá đơn giản. Trong trường hợp răng cửa sâu và mẻ, thời gian trám răng sẽ kéo dài khoảng 30 – 40 phút cho mỗi răng. Nhìn chung quy trình trám răng cửa bị sâu và mẻ sẽ diễn ra trong 3 giai đoạn chính:
1. Thăm khám và đánh giá
Trước khi trám răng, bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá tình trạng sâu răng, mức độ nứt và mẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ phương pháp trám răng để bạn hiểu rõ cơ chế và độ bền của miếng trám. Đối với những trường hợp có nhiều cao răng, bác sĩ sẽ lấy vôi răng trước khi thực hiện các phương pháp khác.
2. Tiến hành trám răng
Trám răng là kỹ thuật khá đơn giản và không xâm lấn vào cấu trúc răng. Trước tiên, bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng và sát khuẩn răng cửa. Đối với trường hợp sâu răng, bác sĩ sẽ nạo bỏ lỗ sâu răng và sát trùng trước khi trám răng. Nếu không sát trùng kỹ, vi khuẩn vẫn sẽ phát triển và gây sâu răng ở bên trong.
Sau khi sát trùng, bác sĩ sẽ cho vật liệu trám lên lỗ sâu hoặc vết nứt, sau đó tiến hành tạo hình và sử dụng ánh sáng để làm đông vật liệu. Quá trình này tương đối đơn giản nhưng cần được thực hiện cẩn trọng để đảm bảo miếng trám không bị chênh cộm.
Răng cửa là răng nằm ở chính giữa cung hàm nên miếng trám cần đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả điều trị và cả thẩm mỹ. Sau khi trám, bác sĩ sẽ đánh bóng để làm nhẵn và kiểm tra lại để đảm bảo miếng trám đã chắc chắn.
3. Tư vấn cách chăm sóc
Sau khi trám răng, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách chăm sóc để đảm bảo miếng trám ổn định và không bị bong tróc. Ngoài ra, chế độ chăm sóc cũng giúp ích rất nhiều trong việc tăng độ bền của miếng trám.
Trám răng là kỹ thuật nha khoa khá đơn giản nên quá trình chăm sóc thường không phức tạp. Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cần hạn chế tối đa lực lên miếng trám nhất là với răng cửa bị mẻ, miếng trám thường không có điểm tựa nên dễ bị nứt, mẻ và gãy. Một điều quan trọng không kém là cần phải khám nha khoa định kỳ để bác sĩ kiểm tra miếng trám và thay thế trong trường hợp cần thiết.
Trám răng cửa mẻ, sâu giá bao nhiêu?
Trám răng cửa bị mẻ, sâu có giá bao nhiêu là vấn đề khá được quan tâm. Theo khảo sát, chi phí để thực hiện kỹ thuật này khá thấp, chỉ dao động khoảng 200 – 500.000 đồng tùy cơ sở thực hiện. Nếu trám răng tại các bệnh viện công lập, chi phí có thể chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về phương pháp trám răng cửa bị sâu và mẻ. Nếu có điều kiện, bạn có thể xem xét dán sứ Veneer và bọc răng sứ nếu hình thể răng xấu, răng mòn men, răng thưa,…
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng sứ bị mẻ có trám được không?
Trám Răng Cửa Thưa Có Bền Không? Trám bằng gì tốt?
Sau khi trám răng nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
Trám răng bằng Composite có bền không? Quy trình và chi phí
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!