Răng toàn sứ Zirconia là mão răng được chế tác hoàn toàn từ sứ Zirconia (ZrCO2). Với khả năng chịu lực tốt, độ bền cao và màu sắc tương tự như răng thật, loại răng sứ này rất được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật phục hình răng.
Răng toàn sứ Zirconia là gì?
Răng toàn sứ Zirconia là một trong những loại răng sứ không kim loại được sử dụng phổ biến hiện nay. Loại răng sứ này được làm hoàn toàn từ sứ Zirconia (ZrCO2) với đặc tính cứng chắc, độ bền cao, khả năng chịu lực tốt và màu sắc tương tự như răng thật. Chất liệu ZrCO2 không bị mài mòn dưới tác động của vi khuẩn, axit trong khoang miệng và thực phẩm.
Sứ Zirconia được phát minh bởi nhà khoa học Martin Heinrich Klaproth người Đức vào năm 1789. Hiện tại, có nhiều quốc gia sản xuất loại răng sứ này như Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Tuy nhiên, răng sứ Zirconia được sản xuất tại Đức vẫn được ưa chuộng hơn nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội.
Răng toàn sứ Zirconia có mấy loại?
Răng sứ Zirconia có 2 loại chính là dạng rắn (nguyên bản) và dạng lớp. Hiện tại, cách gọi từng loại răng toàn sứ Zirconia không đồng nhất do một số nha khoa gọi tên răng sứ thông qua thương hiệu. Tuy nhiên về cơ bản, loại răng sứ này chỉ gồm có 2 loại chính:
1. Răng sứ Zirconia nguyên bản (dạng rắn)
Răng sứ Zirconia nguyên bản sử dụng chất liệu ZrCO2 để làm lớp sườn và dùng lớp men sứ để phủ bên ngoài. Ưu điểm của loại răng sứ này là độ bền rất cao và khả năng chịu lực tốt. Chính vì vậy, răng sứ Zirconia dạng rắn thường được sử dụng để phục hình răng hàm (răng số 6 và số 7).
2. Răng sứ Zirconia dạng lớp/ Zirconia HT
Răng sứ Zirconia dạng lớp được cải tiến so với răng sứ nguyên bản. Loại răng sứ này sử dụng công nghệ chế tác hiện đại bằng cách đắp nhiều lớp sứ tạo thành mão răng có độ cứng chắc tốt và hiệu quả thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, hạn chế của răng Zirconia dạng lớp là khả năng chịu lực kém hơn. Do đó, loại răng sứ này chủ yếu được dùng để phục hình răng cửa và răng tiền hàm.
Cả hai loại răng sứ Zirconia đều độ bền cao, khả năng chịu lực tốt và mang lại hiệu quả thẩm mỹ tối ưu. Các bác sĩ thường khuyến khích dùng răng Zirconia HT để phục hình các răng không phải chịu áp lực lớn và dùng răng Zirconia nguyên bản để phục hình răng hàm. Vì vậy, bạn có thể dựa vào đặc điểm của từng loại để lựa chọn chất liệu phù hợp khi phục hình răng.
Răng sứ Zirconia có tốt không? Ưu nhược điểm
Hiện nay, răng sứ Zirconia rất được ưa chuộng nhờ có nhiều ưu điểm và giá thành hợp lý. Ngoài ra, chất liệu Zirconia cũng được ứng dụng để chế tác các mão sứ mới như răng sứ Cercon, Zolid,… Có thể nói, răng toàn sứ Zirconia đáp ứng được hầu hết các yêu cầu như hiệu quả thẩm mỹ, độ bền, khả năng chịu lực và chi phí.
Tuy nhiên để có đánh giá khách quan hơn về loại răng sứ này, bạn đọc nên tìm hiểu ưu nhược điểm của răng toàn sứ Zirconia.
Ưu điểm của răng toàn sứ Zirconia:
- Khả năng chịu lực tốt: Chất liệu Zirconia được chứng minh có độ bền tốt. Răng sứ được làm từ chất liệu này có khả năng chịu lực cao gấp 10 lần so với răng thật và chịu được sức uốn lên đến 1200Mpa.
- Độ bền cao: Với khả năng chịu lực tốt, răng toàn sứ Zirconia có thể sử dụng được trong thời gian dài. Chất liệu này hoàn toàn không bị mài mòn dưới tác động của axit trong thức ăn, nước bọt và vi khuẩn. Nếu chăm sóc đúng cách, răng sứ Zirconia có thể sử dụng được từ 10 – 15 năm.
- Màu sắc tương tự răng thật: Răng sứ Zirconia có màu sắc tương tự răng thật, đặc biệt là răng toàn sứ Zirconia dạng lớp. Răng có độ trong suốt, vân răng và rìa cắn giống đến 95%. Vì phần khung sườn được làm từ sứ nên không xảy ra hiện tượng ánh đen và đen viền nướu sau một thời gian sử dụng. Chất liệu sứ Zirconia có nhiều tone màu nên phù hợp với tất cả các màu môi và màu da.
- Khả năng ăn nhai tương tự răng thật: Với đặc tính chịu lực tốt và độ bền cao, răng sứ Zirconia có thể mang đến cảm giác ăn nhai tương tự răng thật. Mão răng được gắn cố định nên hoàn toàn không xảy ra tình trạng xê dịch và cộm vướng khi ăn uống.
- Độ an toàn cao: Răng toàn sứ Zirconia sử dụng 100% sứ nguyên chất nên an toàn, lành tính và có độ tương thích sinh học cao. Do đó, nếu bị dị ứng kim loại, bạn có thể cân nhắc sử dụng loại răng sứ để giảm nguy cơ dị ứng và kích ứng.
Nhược điểm của răng toàn sứ Zirconia:
- Giá thành khá cao: So với răng sứ kim loại, răng toàn sứ Zirconia có giá thành cao hơn. Chính vì vậy, loại răng sứ này không phải là giải pháp đối với những trường hợp eo hẹp về tài chính.
- Không phù hợp với răng có buồng tủy lớn: Trường hợp răng có buồng tủy lớn không thể sử dụng răng toàn sứ mà bắt buộc phải dùng răng sứ kim loại. Tuy nhiên, hầu hết răng có buồng tủy lớn đều là răng hàm nên bạn có thể dùng răng sứ Zirconia để phục hình răng cửa và răng tiền hàm để mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
Trên thực tế, mỗi loại răng sứ đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chính vì vậy, bạn nên dựa vào nhu cầu, sở thích và khả năng tài chính để lựa chọn được răng sứ phù hợp. Hoặc có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn mão răng có chất liệu thích hợp.
Quy trình bọc răng sứ Zirconia
Răng sứ Zirconia có thể sử dụng để khôi phục hình thể của răng trong nhiều trường hợp khác nhau như răng bị nứt, mẻ, răng nhiễm màu nặng, răng bị sâu, mòn men, các răng trên cung hàm mọc lộn xộn và có chiều dài không đồng đều. Quy trình bọc răng sứ Zirconia được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1 – Thăm khám và chụp phim toàn cảnh
Trước tiên, khách hàng sẽ được thăm khám để bác sĩ đánh giá sức khỏe răng miệng và khuyết điểm của răng. Với những trường hợp có thể bọc răng sứ để cải thiện, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp phim X quang toàn cảnh. Hình ảnh từ thiết bị này giúp bác sĩ đánh giá chính xác cấu trúc răng miệng và tư vấn cho khách hàng loại răng sứ phù hợp với vị trí răng cần phục hình.
Bước 2 – Lên kế hoạch bọc răng sứ Zirconia
Bọc răng sứ Zirconia là kỹ thuật phức tạp có nhiều công đoạn. Sau khi đánh giá cụ thể khuyết điểm và sức khỏe răng miệng, bác sĩ sẽ tư vấn về số lượng răng cần phục hình, thời gian thực hiện, chi phí và tỷ lệ mài răng. Bảng kế hoạch bọc răng sứ Zirconia chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý khách hàng.
Bước 3 – Gây tê và mài cùi răng
Sau khi khách hàng đã đồng ý thực hiện, bác sĩ sẽ làm sạch răng miệng và cạo vôi răng (nếu cần thiết). Đối với những trường hợp mắc các bệnh lý nha khoa, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị dứt điểm trước khi làm răng sứ để phòng tránh rủi ro và biến chứng về sau.
Nếu răng miệng không có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ trực tiếp gây tê và tiến hành mài răng. Tùy theo vị trí và tình trạng răng, bác sĩ sẽ mài từ 0.5 – 2mm men răng để đảm bảo mão sứ sau khi phục hình có thể ổn định trên cung hàm.
Bước 4 – Lấy dấu mẫu hàm
Sau khi mài cùi răng, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm để chế tác răng sứ. Các răng sứ được làm từ chất liệu Zirconia sẽ được chế tác theo công nghệ CAD/ CAM, đảm bảo có kích thước và hình dáng tương tự như răng thật.
Bước 5 – Gắn mão sứ
Sau khi mão sứ được phục hình, bác sĩ sẽ hẹn lịch đến phòng khám để cố định mão sứ. Trước tiên, bác sĩ sẽ thử mão sứ trên cùi răng thật để đảm bảo mão sứ được chế tác đúng kích thước, không chênh cộm và hở. Sau đó, sử dụng keo dán chuyên dụng để cố định mão trên cùi răng thật và mài bớt phần mài sứ bị thừa.
Độ bền của răng Zirconia và cách chăm sóc
Răng sứ Zirconia có độ bền cao nhờ kết cấu cứng chắc và khả năng chịu lực tốt. Như đã đề cập, loại răng sứ này có thể sử dụng được từ 10 – 15 năm nếu được chăm sóc đúng cách. So với răng sứ kim loại (chỉ có tuổi thọ từ 5 – 7 năm), răng sứ Zirconia có độ bền cao hơn rất nhiều. Do đó, mặc dù có giá thành khá cao nhưng nhiều người vẫn lựa chọn răng sứ Zirconia trong kỹ thuật phục hình.
Để răng sứ Zirconia có thể sử dụng được trong thời gian dài, bạn cần có chế độ chăm sóc hợp lý. Nếu có biện pháp chăm sóc tốt, răng sứ có thể sử dụng được lâu dài, tránh gặp phải tình trạng hở chân răng, hôi miệng,…
Cách chăm sóc răng toàn sứ Zirconia:
- Trong 24 giờ đầu tiên, nên tránh dùng thức ăn cứng, khô và dai. Thay vào đó, nên dùng cháo lỏng, súp và sinh tố để răng và mô nướu phục hồi hoàn toàn. Sau đó khoảng vài ngày có thể ăn uống như bình thường. Tuy nhiên vẫn cần kiêng đồ cứng, khô để kéo dài độ bền của răng sứ.
- Trong trường hợp răng đau nhức, ê buốt sau khi niềng, có thể chườm đá lạnh và sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết.
- Hạn chế thức ăn có màu sẫm như cà phê, nước ngọt có gas, nghệ, sâm panh,… Các món ăn và thức uống này có thể khiến răng sứ bị ngả màu và phải thay mão sứ mới trong thời gian ngắn.
- Trong trường hợp phục hình răng sứ toàn hàm, cần ăn nhai đều 2 bên để tránh đau nhức và phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm.
- Sử dụng máng chống nghiến nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ. Bởi một số trường hợp nghiến răng quá mạnh có thể gãy, nứt mão răng và tổn thương cùi răng bên trong.
- Không dùng răng cắn và cạy vật cứng.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết để cải thiện độ chắc khỏe của răng. Khi cùi răng chắc chắn và ổn định, mão răng sứ sẽ có tuổi thọ tăng lên đáng kể.
- Tránh hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Không chỉ ảnh hưởng đến men răng, sử dụng các chất kích thích và cồn còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe răng miệng. Những người nghiện rượu và hút thuốc lá lâu năm dễ gặp phải tình trạng răng lung lay, mão sứ dễ ngả màu và hư tổn nặng.
- Thường xuyên tái khám để được kiểm tra tình trạng răng sứ và xử lý ngay khi có vấn đề phát sinh.
Răng toàn sứ Zirconia có giá bao nhiêu? Bảo hành bao lâu?
Răng toàn sứ Zirconia có giá dao động từ 5 – 6 triệu đồng tùy theo từng loại và cơ sở thực hiện. Ngoài chi phí làm răng sứ, bạn cũng cần chuẩn bị thêm chi phí khám, chụp X quang, cạo vôi răng và phí điều trị các bệnh lý nha khoa (nếu có). Răng sứ được làm từ chất liệu Zirconia sẽ được hưởng chế độ bảo hành 10 năm. Ngoài ra, một số nha khoa còn có các chế độ hậu mãi cho khách hàng phục hình bằng loại răng sứ này.
Trên đây là những thông tin về răng toàn sứ Zirconia. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về đặc điểm, ưu nhược điểm, chi phí, quy trình và cách chăm sóc loại răng sứ này. Nếu có thắc mắc về răng sứ Zirconia và các loại răng sứ hiện có, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bọc Răng Sứ Xong Bao Lâu Thì Ăn Được?
Răng Cửa Bị Hô Bọc Sứ Có Được Không?
So Sánh Răng Sứ Zirconia Và Cercon: Loại Nào Tốt Nhất?
Mặt dán sứ Veneer siêu mỏng không mài răng: Ưu nhược điểm và chi phí
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!