Sâu ngà răng là hiện tượng lớp ngà nằm dưới men răng bị tổn thương và hình thành lỗ sâu. Bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu rõ ràng như thường xuyên bị đau nhức, ê buốt răng, bề mặt răng có lỗ đen hoặc nâu. Việc điều trị sâu ngà răng kịp thời có thể giúp bạn tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sâu ngà răng là gì?
Răng được cấu tạo bởi 3 lớp chính gồm men răng, ngà và trong cùng là tủy răng. Sâu ngà răng là tình trạng tổn thương ở ngà răng dẫn đến sự xuất hiện của lỗ sâu và rộng, đồng thời khiến răng trở nên nhạy cảm, dễ bị ê buốt khi tiếp xúc với các thức ăn nóng lạnh quá mức. Đây cũng chính là một trong những giai đoạn phát triển của sâu răng.
Bất cứ ai cũng có thể bị sâu ngà răng, nhất là trẻ em do thói quen ăn vặt hoặc ăn nhiều đồ ngọt nhưng không vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Khi không được điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ phá hủy lớp ngà răng và tiếp tục tấn công vào bên trong gây viêm tủy răng. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị chết tủy răng hoặc mất răng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chức năng nhai.
Để ngăn chặn những rủi ro trên, bạn nên tìm cách điều trị, xử lý sớm ngay khi từ mới có dấu hiệu bị sâu ngà răng. Tránh để bệnh tiếp tục tiến triển nặng gây biến chứng.
Nguyên nhân gây sâu ngà răng
Sự phát triển của sâu ngà răng có liên quan chủ yếu đến thói quen chăm sóc răng miệng và chế độ ăn uống hàng ngày. Bên cạnh đó, một số bất thường trong cấu trúc của răng nướu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây bệnh.
Các nguyên nhân gây sâu ngà răng thường gặp bao gồm:
- Đánh răng không sạch sẽ: Thói quen đánh chải răng sơ sài, không chỉ kỹ các mặt răng, sử dụng bàn chải quá cũ… đều khiến khoang miệng không được làm sạch. Lúc này, thức ăn dư thừa sẽ tồn đọng lại và tạo thành mảng bám khiến vi khuẩn phát triển mạnh gây tổn thương cho men răng, ngà răng.
- Sử dụng sản phẩm vệ sinh răng miệng không phù hợp: Kem đánh răng, nước súc miệng hay các sản phẩm xịt thơm miệng được chúng ta sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, việc lựa chọn các sản phẩm không phù hợp, chứa hóa chất có thể gây hại cho men răng và khiến răng trở nên yếu hơn. Do mất đi lớp bảo vệ, ngà răng sẽ bị vi khuẩn tấn công và tạo ra lỗ sâu.
- Lạm dụng đồ ngọt và các thức ăn vặt: Đây là nguyên nhân phổ biến gây sâu răng nói chung và sâu ngà răng nói riêng ở trẻ em. Những thức ăn trên có thể làm tăng nồng độ axit trong khoang miệng và hình thành mảng bám để vi khuẩn có cơ hội phát triển. Chúng tấn công trực tiếp vào trong men răng và gây tổn thương cho lớp ngà.
- Khô miệng: Miệng khô thường là do giảm tiết nước bọt. Nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen uống ít nước hoặc do bị nôn ói, tiêu chảy kéo dài. Nước bọt ít sẽ khiến cho khoang miệng khoang được làm sạch mỗi khi nuốt thức ăn. Đây chính là thời cơ lý tưởng để vi khuẩn gây sâu ngà răng phát triển.
- Cấu trúc răng kém: Men răng bị nứt, vỡ răng hay mẻ răng khiến thức ăn dễ dàng bám dính trên bề mặt răng và thu hút sự tập trung của vi khuẩn khiến bạn bị sâu ngà răng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Các trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản có nguy cơ bị sâu ngà răng cao. Nguyên nhân là do axit trào ngược từ dạ dày lên miệng sẽ gây ăn mòn, phá hủy men răng. Nhờ vậy, vi khuẩn mới có cơ hội tấn công trực tiếp vào trong ngà răng.
- Sử dụng chất kích thích: Uống nhiều bia rượu, cà phê hoặc hút thuốc lá đều làm giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng. Rất nhiều nam giới bị sâu ngà răng do nguyên nhân này mà không hiểu tại sao.
- Tụt nướu: Nướu bị tụt sẽ khiến chân răng bị lộ ra ngoài và trở thành đối tượng tấn công của vi khuẩn. Ban đầu chúng chỉ gây tổn thương men răng nhưng nếu không được phát hiện sớm sẽ khiến cho ngà răng bị sâu.
- Các nguyên nhân khác: Thiếu canxi, flour, lớn tuổi…
Dấu hiệu sâu ngà răng
Khi bị sâu ngà răng, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như sau:
- Xuất hiện các lỗ sâu khác màu so với vùng không bị tổn thương. Chúng có màu nâu, màu đen hay nâu đen
- Lỗ sâu rộng, thường bị dính cơm và thức ăn bên trong
- Đau nhức răng, cơn đau tăng lên khi nhai
- Răng nhạy cảm, dễ bị ê buốt khi nhai đồ cứng hoặc tiếp xúc với nhiệt độ nóng lạnh quá mức từ thức ăn
- Một số trường hợp bị chảy máu chân răng, sưng nướu
Trên đây là các triệu chứng chung của sâu ngà răng. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của chúng còn tùy thuộc giai đoạn phát triển của bệnh. Hãy chú ý đến sức khỏe răng miệng của bạn để không bị bỏ lỡ bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo bệnh.
Quá trình tiến triển của sâu ngà răng
Ngà răng được bảo vệ bằng một lớp men cứng chắc bên ngoài. Khi khoang miệng hình thành mảng bám, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh và kết hợp với axit gây ăn mòn men răng và tấn công trực tiếp vào trong ngà răng.
Sâu ngà răng tiến triển qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Sâu men răng
- Tổn thương chủ yếu xuất hiện ở mặt nhai, kẽ răng hay quanh rìa của miếng trám cũ do những khu vực này dễ bị tích tụ thức ăn
- Bề mặt răng xuất hiện các đốm trắng
- Chưa hình thành lỗ sâu hoặc có nhưng không rõ ràng
- Người bệnh chưa cảm thấy răng ê buốt, đau nhức hay bất cứ cảm giác khó chịu nào nên khó phát hiện.
Giai đoạn 2: Sâu ngà răng
Do không phát hiện và điều trị sớm, vi khuẩn gây phá hủy men răng và tiếp tục tổn thương đến lớp ngà. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy các dấu hiệu rõ ràng như:
- Xuất hiện lỗ sâu trên bề mặt bị tổn thương
- Bề mặt lỗ sâu có màu nâu hoặc màu đen
- Ê buốt, đau nhức răng do các dây thần kinh trong tủy kém được bảo vệ và trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng lạnh. Thậm chí người bệnh còn bị đau khi nhai đồ cứng.
Quá trình sâu men răng tới ngà răng thường tiến triển âm thầm và sau 1 – 2 năm cấu trúc răng của bạn có thể bị phá hủy hoàn toàn. Việc chủ quan không tiến hành điều trị sâu ngà răng từ sớm sẽ khiến bạn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sâu ngà răng có nguy hiểm không?
Sâu ngà răng là giai đoạn cảnh báo sâu răng đã bắt đầu bước vào giai đoạn tiến triển mạnh. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời, bạn có nguy cơ phải đối mắt với nhiều biến chứng như:
- Viêm tủy răng
- Viêm hoặc áp xe quanh chóp răng
- Răng lung lay
- Mất răng
- Áp xe nướu
- Viêm xương hàm
- Viêm tuyến nước bọt
- Viêm xoang
- Nhiễm trùng máu…
Không chỉ gây ra nhiều mối nguy tiềm ẩn cho sức khỏe, tình trạng sâu ngà răng nặng còn thường xuyên gây ê buốt, đau nhức răng khiến bạn khó chịu và gặp khó khăn khi ăn uống. Các trường hợp bị sâu răng cửa thậm chí còn trở nên mất tự tin khi cười nói, giao tiếp với người khác vì sợ để lộ răng sâu ra ngoài.
Cách điều trị sâu ngà răng
Tình trạng sâu ngà răng có thể được chẩn đoán dễ dàng thông qua quan sát bằng kính lúp. Tùy theo mức độ tổn thương của ngà răng mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp khắc phục phù hợp.
1. Điều trị sâu ngà răng bằng y tế
Các phương pháp được ứng dụng trong nha khoa để chữa sâu ngà răng bao gồm:
- Trám răng: Sau khi làm sạch ổ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ dùng các vật liệu như GIC, Composite để trám bít lỗ sâu ở ngà răng. Sau đó tạo hình lại bề mặt răng để đảm bảo tính thẩm mỹ và không gây cảm giác cộm vướng khó chịu. Phương pháp trám răng được áp dụng chủ yếu cho các trường hợp bị sâu ngà nông.
- Điều trị sâu ngà sâu: Đối với những lỗ sâu nặng, đã ăn sâu vào trong, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp như hàn che tủy hay hàn nót. Vật liệu được sử dụng chủ yếu là Ca(OH)2, MTA. Bệnh nhân cũng được yêu cầu tái khám thường xuyên để theo dõi trong vòng 1 tuần tới 6 tháng. Nếu không còn cảm giác đau thì tiến hành lấy bớt chất hàn trên bề mặt và hàn lỗ sâu vĩnh viễn.
- Chữa tủy răng: Sâu ngà răng nặng có thể gây viêm tủy. Lúc này, bệnh nhân được điều trị tủy bằng cách loại bỏ hết các mô bị tổn thương, tạo hình và bơm rửa ống tủy cho sạch sẽ. Cuối cùng, ống tủy được trám bít kín để bảo tồn mô răng khỏe mạnh và ngăn chặn không cho vi khuẩn có cơ hội tiếp tục tấn công vào bên trong.
- Bọc răng: Đối với những lỗ sâu to hoặc có mẻ, vỡ răng, nếu chỉ trám răng thông thường thì không đảm bảo được chức năng nhai cũng như tính thẩm mỹ. Bệnh nhân được khuyến cáo nên bọc toàn bộ thân răng bằng các vật liệu như sứ, inlay/onlay hay veneer…
- Nhổ răng: Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn sau cùng cho sâu ngà răng. Nếu cấu trúc răng bị phá hủy hoàn toàn, răng lung hay hoặc không thể giữ lại, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nhổ răng.
2. Các phương pháp hỗ trợ chữa trị sâu ngà răng tại nhà
Để nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn chặn tình trạng sâu ngà răng tiến triển nặng hơn, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng mỗi ngày 2 -3 lần để tiêu diệt vi khuẩn và làm sạch thức ăn tồn đọng trong lỗ sâu.
- Giã nát rễ lá lốt với một ít muối. Vắt nước cốt rồi dùng bông gòn thấm nước chấm vào răng bị sâu.
- Pha loãng vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc nấu lá tươi lấy nước súc miệng hàng ngày. Phương pháp này có tác dụng giảm đau nhức răng, chống hôi miệng, giúp hơi thở thơm mát hơn.
- Lấy 2 – 3 lá trầu không tươi giã nát với vài hạt muối ăn. Thêm vào hỗn hợp một ít rượu trắng và vắt lấy nước cốt.
Cách phòng ngừa sâu ngà răng
Để ngăn ngừa sâu ngà răng hiệu quả, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Đánh răng và súc miệng sạch sẽ mỗi ngày 2 – 3 lần, nhất là sau khi ăn xong hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Sử dụng kem đánh răng chứa thành phần flour để củng cố men răng, giúp bảo vệ ngà tốt hơn.
- Đánh kỹ toàn bộ các mặt răng kết hợp làm sạch cả bề mặt lưỡi trong quá trình đánh răng để vi khuẩn không có cơ hội phát triển.
- Định kỳ thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3 – 4 tháng. Không dùng bàn chải đã bị tưa đầu lông chải.
- Sử dụng chỉ nha khoa để các kẽ răng được làm sạch dễ dàng mà không gây tổn thương cho nướu.
- Hạn chế ăn vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo ngọt.
- Cạo vôi răng định kỳ bởi đây chính là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây sâu ngà răng phát triển.
- Khám nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị sâu men răng, tránh để bệnh tiếp tục phát triển dẫn đến tổn thương ngà răng.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết liên quan
Bị sâu ở giữa 2 răng cửa: Nguyên nhân và cách khắc phục
Răng Sâu Bị Ăn Mòn Hết: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Xứ Lý
Cách chữa sâu răng bằng lá tía tô có hiệu quả không?
Xịt Chống Sâu Răng Nhật Bản Hamikea Có tốt không? Có nên dùng?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!