Thun liên hàm là khí cụ được sử dụng để nắn chỉnh răng mọc lệch, khấp khểnh về đúng vị trí và khắc phục tình trạng khớp cắn hở một cách triệt để. Tuy nhiên, dùng khí cụ không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả và thậm chí gây ra nhiều sự cố khi chỉnh nha.
Thun liên hàm là gì? Tác dụng trong niềng răng
Thun liên hàm là một trong những loại dây thun niềng răng được sử dụng trong các trường hợp chỉnh nha mắc cài. Thun liên hàm có đường kính rộng hơn so với thun tách kẽ và thun được dùng để cố định dây cung trên mắc cài. Loại thun này cũng được làm từ cao su với độ đàn hồi tốt và màu sắc đa dạng.
Thun liên hàm được đeo vào mắc cài thông qua hooks (khí cụ có dạng móc được thiết kế ở một số mắc cài). Khí cụ này sẽ được gắn vào mắc cài hàm trên và hàm dưới nhằm tạo ra lực kéo để nắn chỉnh, điều hướng răng về đúng vị trí. Với lực kéo liên tục, thun liên hàm có thể khắc phục tình trạng răng mọc quá cao, răng khấp khểnh, răng chìa ra quá nhiều về phía trước gây ra tình trạng khớp cắn hở.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào niềng răng mắc cài cũng phải sử dụng dây thun liên hàm. Khí cụ này chỉ được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá cấu trúc răng và tốc độ chỉnh nha của từng trường hợp để xem xét về thời điểm và khoảng thời gian sử dụng thun liên hàm.
Khi nào cần dùng thun liên hàm?
Thun liên hàm tạo ra lực kéo theo chiều dọc và xéo thay vì lực siết theo chiều ngang như dây cung chỉnh nha. Do đó, khí cụ này chỉ được dùng trong những trường hợp sau:
- Răng khấp khểnh
- Răng mọc lệch, chìa ra phía trước quá nhiều
- Răng mọc quá cao so với các răng còn lại trên cung hàm
- Khớp cắn hở
Với những trường hợp niềng răng trong suốt, bác sĩ có thể đề nghị gắn mắc cài vào 2 – 3 tháng cuối lộ trình kết hợp với sử dụng thun liên hàm nhằm hoàn thiện khớp cắn và khắc phục tình trạng răng khấp khểnh, chen chúc triệt để. Bởi khay niềng trong suốt chỉ tạo ra lực siết theo chiều ngang, hoàn toàn không có khả năng kéo răng theo chiều dọc.
Đeo thun liên hàm vào giai đoạn nào? Đeo bao lâu?
Đeo thun liên hàm vào giai đoạn nào khi niềng răng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, thời điểm sử dụng khí cụ này hoàn toàn khác biệt ở từng trường hợp. Yếu tố này phụ thuộc vào tình trạng răng miệng và tốc độ chỉnh nha của từng bệnh nhân.
Với những người răng khấp khểnh nặng, bác sĩ có thể yêu cầu đeo đun liên hàm ngay từ khi gắn khí cụ. Tuy nhiên nếu mức độ răng khấp khểnh không quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng khí cụ này trong khoảng 3 – 6 tháng cuối lộ trình.
Dây thun liên hàm được sử dụng với mục đích tạo ra lực kéo nhằm dịch chuyển răng về đúng vị trí. Để tạo ra lực kéo liên tục, khí cụ này phải được sử dụng 20 giờ/ ngày. Ngoài ra, bạn có thể tháo dây thun liên hàm khi ăn uống, chải răng hoặc khi có những cuộc gặp gỡ quan trọng.
Hướng dẫn cách đeo thun liên hàm
Thun liên hàm được làm từ cao su có độ đàn hồi cao nên dễ bị giãn. Do đó, khí cụ này cần phải được thay từ 2 – 3 lần/ ngày để đảm bảo tạo ra lực kéo đủ để nắn chỉnh các răng về đúng vị trí trên cung hàm. Nếu không thay dây thun liên hàm thường xuyên, tốc độ chỉnh nha sẽ bị gián đoạn và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của phương pháp.
Cách đeo thun liên hàm khá đơn giản. Để gắn khí cụ này, bạn cần há miệng lớn và xác định vị trí của hooks. Sau đó, đặt dây thun liên hàm ở vị trí răng hàm trên và hàm dưới theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi thay dây thun liên hàm, cần sử dụng theo chỉ dẫn, tuyệt đối không dùng cùng lúc 2 dây thun hay tự ý thay đổi vị trí.
Đeo thun liên hàm có đau không?
Thông thường khi gắn khí cụ chỉnh nha mới, răng sẽ bị đau nhức và ê buốt do chưa quen với tác động từ lực siết. Tương tự, đeo thun liên hàm cũng có thể gây ra tình trạng này trong một vài ngày đầu. Tuy nhiên, mức độ đau khi đeo thun liên hàm thường không đáng kể và có thể thuyên giảm nhanh sau khoảng vài ngày.
Để giảm nhanh cảm giác đau nhức, ê buốt, bạn nên dùng thức ăn mềm, lỏng và chườm ấm. Nếu chăm sóc đúng cách, các triệu chứng khó chịu có thể giảm nhanh sau 24 – 48 giờ đồng hồ.
Dây thun liên hàm giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Dây thun liên hàm có giá khoảng 70 – 90.000 đồng/ túi gồm có 100 chun. Giá bán có thể chênh lệch tùy theo số lượng chun và thương hiệu sản xuất. Hiện tại, dây thun liên hàm có bán tại nhiều nha khoa, bệnh viện và quầy thuốc tư nhân. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua trên các trang thương mại điện tử nhưng cần lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy để tránh mua phải dây chun kém chất lượng.
Một số lưu ý khi dùng thun liên hàm
Thun liên hàm là khí cụ quan trọng trong niềng răng. Với sự hỗ trợ của khí cụ này, các khuyết điểm như răng khấp khểnh, chen chúc và khớp cắn hở sẽ được cải thiện triệt để. Ngoài ra, sử dụng thun liên hàm còn giúp rút ngắn thời gian niềng răng so với chỉ dùng mắc cài thông thường.
Tuy nhiên khi dùng thun liên hàm, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Sử dụng thun liên hàm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi vị trí và tăng số lượng thun liên hàm. Tình trạng này có thể khiến răng bị đau nhức và gây ra nhiều tình huống ngoài ý muốn.
- Thay dây thun liên hàm 2 – 3 lần/ ngày để đảm bảo hiệu quả chỉnh nha. Bạn nên đem sẵn dây thun bên mình để thay thế khi cần thiết. Ngoài ra, cần chủ động thay dây chun nếu nhận thấy dây bị giãn và đứt.
- Dây thun liên hàm có nhiều màu sắc khác nhau. Nếu e ngại vấn đề thẩm mỹ, bạn nên lựa chọn dây màu xám bạc để tránh ố màu do ảnh hưởng của quá trình ăn uống.
- Nên tháo dây thun liên hàm khi ăn uống và vệ sinh răng miệng để tránh thun bị đứt gây đau và chảy máu. Ngoài ra, tháo khí cụ còn giúp quá trình ăn uống và chải răng diễn ra thuận lợi hơn.
- Bảo quản dây thun liên hàm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng và nơi ẩm mốc.
Thun liên hàm là khí cụ quan trọng đối với quá trình niềng răng. Để hiểu rõ hơn về khí cụ này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ Răng hàm mặt. Nếu có sự cố phát sinh trong thời gian sử dụng, vui lòng liên hệ với bác sĩ để được xử lý kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến kết quả sau khi chỉnh nha.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Đối Tượng Nào Nên Chọn Niềng Răng Mắc Cài Kim Loại?
Răng Lồi Xỉ Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả
Răng Bị Ố Vàng Khi Niềng: Nguyên nhân và cách khắc phục
Niềng Răng Có Mấy Giai Đoạn? Thời Gian Niềng Mất Bao Lâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!