Xây dựng chế độ ăn hợp lý có thể giảm tình trạng ê buốt, đau nhức sau khi hàn răng và hỗ trợ kéo dài tuổi thọ của miếng trám. Nắm bắt vấn đề Sau khi trám răng nên ăn gì và kiêng gì? sẽ là cơ sở để dễ dàng xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.
Sau khi trám răng nên ăn gì để giảm ê buốt?
Trám răng (hàn răng) là thủ thuật nha khoa được áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh sâu răng. Ngoài ra, phương pháp này cũng được thực hiện đối với trường hợp răng sứt, mẻ, nứt, mòn men răng, răng thưa và răng xỉn màu, vàng ố. Trám răng là thủ thuật khá đơn giản và có thể hoàn tất chỉ trong 1 – 2 buổi hẹn.
Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cũng cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp sau khi hàn trám răng để giảm nhanh cảm giác ê buốt và đau nhức nhẹ. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp bảo vệ men răng và tăng tuổi thọ của miếng trám. Ngược lại, ăn uống không hợp lý có thể khiến răng đau nhức, mô nướu sưng, nhạy cảm, miếng trám nhanh bong tróc và ố màu.
Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, sau khi trám răng nên dùng các món ăn sau:
1. Các món ăn mềm như cháo, súp, cơm
Sau khi hàn răng, đặc biệt là trám răng Inlay/ Onlay, răng có thể bị ê buốt và đau nhức nhẹ. Tình trạng này thường kéo dài trong khoảng vài ngày và có thể tự thuyên giảm.
Tuy nhiên, cảm giác buốt và khó chịu có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu dùng các món ăn cứng, khô. Vì vậy sau khi mới trám răng, nên dùng các món ăn mềm như cơm, cháo và súp. Nếu dùng cơm, nên ăn kèm với các món ăn được nấu nhừ như thịt viên, cá, canh củ hầm, rau luộc,…
Trong trường hợp răng nhạy cảm và đau nhức nhiều, nên ăn các món cháo và súp để giảm áp lực lên răng hàm. Các món ăn này có kết cấu lỏng, mềm với nguyên liệu đa dạng và cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng nên có thể ăn liên tục trong 2 – 5 ngày đến khi cơn đau thuyên giảm hoàn toàn.
Khi chế biến cháo và súp, nên cân đối lượng tinh bột với đạm, chất xơ và vitamin. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng quá nhiều gia vị khi nêm nếm. Các loại gia vị cay nóng như mù tạt, tiêu, ớt có thể kích thích mô nướu xung quanh răng vừa hàn trám dẫn đến tình trạng đau nhức và ê buốt.
2. Người mới trám răng nên dùng sữa và sữa chua
Ngoài các món cháo và súp, sau khi trám răng bạn cũng có thể dùng sữa chua và các loại sữa bò, sữa hạt để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Sữa chứa nhiều đạm, khoáng chất, mang đến nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Vì vậy, bạn cũng có thể dùng sữa để thay thế cho các món thịt cứng, dai.
Bên cạnh hàm lượng đạm dồi dào, sữa chua và sữa còn là nguồn cung cấp vitamin D và canxi. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của răng và xương. Bổ sung sữa vào chế độ ăn hằng ngày có thể tăng độ bám dính giữa miếng trám và răng thật. Đồng thời cải thiện sức khỏe răng miệng và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh nha khoa.
Không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, sữa chua còn có tác dụng làm sạch mảng bám một cách tự nhiên. Do đó khi dùng loại thực phẩm này, bạn có thể hạn chế di chuyển bàn chải quá nhiều lần ở răng vừa mới hàn trám. Điều này sẽ giúp cho miếng trám nhanh chóng ổn định, hạn chế tình trạng hở và bong tróc.
3. Bổ sung thực phẩm giàu canxi và fluor
Canxi và fluor đều là những khoáng chất cần thiết cho sức khỏe răng miệng, đặc biệt là men răng. Đa phần những trường hợp hàn trám răng đều gặp phải các vấn đề nha khoa như mòn men, sâu răng, răng nhạy cảm. Vì vậy sau khi trám răng, bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm này để cải thiện độ cứng chắc của men răng.
Fluor có thể kết hợp với hydroxyl apatite trong men răng tạo thành chất fluorapatite có kết cấu cứng chắc. Fluorapatite ít bị hòa tan bởi axit trong thực phẩm, đồ uống và axit do các vi khuẩn thường trú bài tiết. Chính vì vậy, bổ sung thực phẩm chứa fluor và canxi có thể hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nha khoa sau khi hàn trám.
Một số loại thực phẩm chứa canxi và fluor bao gồm nấm mỡ, cà chua, tảo biển, khoai lang, dưa chuột, khoai tây, tép, hàu,… Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một số loại thức uống như sữa và trà xanh để cung cấp fluor cho răng.
4. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
Sau khi trám răng, bạn cũng nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ. Bởi đa phần các loại thực phẩm này đều mềm và dễ nhai nuốt. Bên cạnh đó, chất xơ còn có tác dụng làm sạch mảng bám và trung hòa axit do hại khuẩn trong khoang miệng bài tiết. Ngoài ra khi chế biến, nên nấu mềm nhừ để đảm bảo quá trình ăn nhai không làm tăng áp lực lên răng mới hàn trám.
5. Các loại thực phẩm khác
Ngoài ra, người mới trám răng cũng có thể dùng thêm một số loại thực phẩm như:
- Các loại cá: So với các loại thịt, cá có kết cấu mềm và dễ nhai nuốt hơn. Do đó nếu gặp phải tình trạng đau nhức khi dùng thịt, bạn có thể thay thế bằng một số loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu,… Tuy nhiên, cần tránh các loại cá có nhiều xương nhỏ vì xương có thể gây chảy máu và tổn thương nướu răng.
- Trứng: Ngoài cá, bạn cũng có thể dùng trứng để thay thế cho thịt trong thời gian sau khi trám răng. Trứng cung cấp cho cơ thể nhiều protein cùng với khoáng chất và vitamin thiết yếu. Hơn nữa, trứng có kết cấu mềm, không gây áp lực lên răng khi ăn nhai và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Tinh bột trong các loại ngũ cốc cung cấp carbohydrate để vi khuẩn sản sinh mảng bám. Tuy nhiên, đây là chất dinh dưỡng chính của cơ thể nên không thể kiêng cữ hoàn toàn. Để giảm hình thành mảng bám, bạn nên dùng ngũ cốc nguyên hạt thay cho các loại ngũ cốc đã qua tinh chế như gạo nếp, gạo trắng, bột mì,… Chất xơ dồi dào trong ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm sạch mảng bám và ngăn sự phát triển quá mức của hại khuẩn trong khoang miệng.
- Nước: Uống đủ nước sau khi hàn trám răng để đẩy nhanh quá trình tái khoáng và tăng độ bám dính của miếng trám với răng thật. Nếu không uống đủ nước, khoang miệng có thể giảm tiết nước bọt dẫn đến chứng khô miệng. Tình trạng này không chỉ gây khô môi, hôi miệng mà còn gia tăng nguy cơ sâu răng và nhiều vấn đề nha khoa khác.
Nhìn chung sau khi hàn trám răng, bạn vẫn có thể duy trì chế độ dinh dưỡng như bình thường nếu răng không đau nhức và ê buốt nhiều. Trong trường hợp có nướu và nền răng nhạy cảm, nên điều chỉnh chế độ ăn để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tái tạo.
Mới trám răng nên kiêng gì?
Ngoài những loại thực phẩm nên bổ sung, bạn cũng nên kiêng một số món ăn và đồ uống sau khi hàn trám răng. Nếu không kiêng cữ, răng có thể bị đau nhức và ê buốt kéo dài. Một số trường hợp còn có thể bị bong, hở miếng trám do chế độ ăn không phù hợp.
Do đó, người mới trám răng nên kiêng các món ăn và thức uống sau:
1. Thực phẩm cứng, khô, khó nhai
Như đã đề cập, dùng các thực phẩm khô, cứng và khó nhai như khô mực, gân bò, cá khô, thịt bò dai,… có thể gây đau nhức răng vừa mới hàn trám. Ngoài ra khi nhai các thức ăn, áp lực lên mặt răng sẽ tăng lên đáng kể dẫn đến nứt, hở và thậm chí là mẻ miếng trám.
Mặc dù miếng trám có thể đông lại sau khi chiếu tia laser nhưng để ổn định hoàn toàn, bạn cần chăm sóc đặc biệt trong khoảng vài ngày. Nếu dùng thức ăn khô và cứng, miếng trám có thể bị hư hại dẫn đến tình trạng hở và bong tróc. Khi gặp phải tình trạng này, bạn nên đến ngay phòng khám để được chỉnh sửa miếng trám kịp thời. Trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ có thể chỉ định thay miếng trám mới.
2. Đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh
Sau khi hàn răng, răng có thể bị ê buốt nhẹ do tác động trong quá trình trám. Vì vậy ngoài thức ăn khô, cứng và dai, bạn cũng nên hạn chế dùng đồ ăn quá nóng và quá lạnh. Nhiệt độ có thể tạo ra kích thích dẫn đến cảm giác đau nhức, ê buốt răng. Trong trường hợp mới trám răng, dùng đồ ăn quá nóng và quá lạnh có thể làm tăng mức độ ê buốt đáng kể.
Ngoài ra, dùng thức ăn nóng/ lạnh thường xuyên còn làm giảm tuổi thọ của miếng trám, miếng trám để ngả màu và bong tróc – đặc biệt là khi trám răng bằng xi măng silicat. Vì vậy ngay cả khi miếng trám đã ổn định, bạn cũng nên các món ăn quá nóng và quá lạnh.
3. Thực phẩm, đồ uống chứa nhiều axit
Đồ uống, thực phẩm chứa nhiều axit có thể gây mòn men răng. Axit làm hòa tan các mô cứng của men răng dẫn đến tình trạng mòn men ở mặt nhai và cổ răng. Mặc dù có kết cấu cứng nhất trong tất cả các cơ quan trong cơ thể nhưng men răng không tế bào sống nên các tổn thương đều không thể tự sửa chữa và phục hồi. Chính vì vậy, giải pháp tối ưu đối với mòn men răng là trám răng.
Để đảm bảo hiệu quả của phương pháp, bạn nên hạn chế đồ uống và thực phẩm chứa nhiều axit sau khi hàn tràm. Tình trạng này có thể khiến mòn men răng tái phát và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, răng ê buốt, tự lợi,…
4. Thức uống có màu đậm
Thức uống có màu đậm như cà phê, trà, nước ngọt có gas và rượu bia có thể gây ố màu răng. Tương tự như men răng, miếng trám cũng có thể xỉn màu do sử dụng các loại thức uống kể trên.
Tốc độ ố màu của miếng trám thường nhanh hơn so với men răng. Do đó nếu duy trì thói quen này thường xuyên, miếng trám sẽ có màu sắc khác biệt so với men răng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và làm giảm tuổi thọ của miếng trám.
Ngoài chế độ ăn uống, bạn cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để miếng trám ổn định, hạn chế tình trạng hở và bong tróc. Bên cạnh đó, nên chú ý khám nha khoa định kỳ để bác sĩ đánh giá tình trạng răng miệng và thay thế miếng trám cũ trong trường hợp cần thiết.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Sau khi trám răng nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp để kiểm soát nhanh tình trạng răng đau nhức, ê buốt và giúp kéo dài tuổi thọ của miếng trám. Ngoài ra, nên kết hợp với các biện pháp vệ sinh răng miệng và khám nha khoa định kỳ sau khi trám răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trám răng bằng Composite có bền không? Quy trình và chi phí
Trám răng xong bị đau nhức nguyên nhân do đâu?
Răng sứ bị mẻ có trám được không?
Xi Măng Nha Khoa Là Gì? Có Mấy Loại? Địa Chỉ Mua Uy Tín
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!