Trám răng rồi có bị sâu lại không là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Được biết, sâu răng hoàn toàn có thể tái phát sau khi hàn trám nếu không có biện pháp chăm sóc hợp lý. Ngoài ra, tình trạng tái phát cũng có thể bắt nguồn từ những sai sót trong quá trình trám bít hố rãnh.
Trám răng rồi có bị sâu lại không?
Trám răng (hàn răng) là phương pháp chính trong điều trị sâu răng – một dạng nhiễm khuẩn của răng đặc trưng bởi tình trạng mất các mô cứng ở men răng và ngà răng. Khác với tủy và ngà răng, men răng không có tế bào sống nên các tổn thương ở cơ quan này cần phải can thiệp khắc phục vì không có khả năng tự phục hồi và sửa chữa.
Trong đó, hàn răng là thủ thuật được áp dụng phổ biến nhất nhờ có hiệu quả bù lấp các mô răng bị khiếm khuyết, đồng thời giúp bảo vệ răng và phục hồi chức năng ăn nhai, thẩm mỹ. Phương pháp này có quy trình khá đơn giản và chi phí hợp lý nên được chỉ định trong nhiều trường hợp.
Bên cạnh những vấn đề về chi phí, quy trình và ưu điểm – hạn chế, Trám răng rồi có bị sâu lại không? cũng là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Thực tế, vi khuẩn gây sâu răng (Streptococcus mutans) không thể hòa tan vật liệu hàn trám nên miếng trám có thể bảo vệ răng hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng sâu răng vẫn có thể tái phát trở lại do một số nguyên nhân sau:
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa thường gặp khác. Khi răng miệng không được làm sạch, vi khuẩn sẽ phát triển trong mảng bám và sản sinh nhiều axit. Axit tiếp tục hòa tan các mô cứng của răng dẫn đến tình trạng sâu răng tái phát.
- Do thói quen ăn uống: Miếng trám được cố định lên răng bằng keo dán chuyên dụng. Tuy nhiên, miếng trám có thể bị bong, hở và nứt do một số thói quen ăn uống không phù hợp như dùng thức ăn cứng, khô, sử dụng nhiều đồ uống chứa cồn, axit, nhai cố định 1 bên hàm trong thời gian dài,… Tình trạng hở miếng trám sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cấu trúc răng gây tái phát sâu răng và làm phát sinh nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Do sai sót khi hàn trám: Sâu răng cũng có thể tái phát do một số sai sót trong quá trình hàn trám như chưa làm sạch ổ sâu hoàn toàn, sót tủy, không vô khuẩn xoang trám trước khi trám răng,… Tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục phát triển bên trong ngà răng gây hư hại cấu trúc răng nghiêm trọng.
Tóm lại, sâu răng hoàn toàn có thể tái phát ngay cả khi đã hàn trám. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách chăm sóc răng miệng hợp lý và thực hiện kỹ thuật hàn trám ở những cơ sở uy tín, đáng tin cậy.
Cách chăm sóc giúp phòng ngừa sâu răng sau khi hàn trám
Hàn trám chỉ là phương pháp phục hồi hình thể và màu sắc của răng. Do đó, kỹ thuật này hoàn toàn không thể ngăn chặn sâu răng tái phát trở lại. Sau khi hàn răng, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể hạn chế nguy cơ sâu răng tái phát sau khi hàn trám. Bởi sự tích tụ của mảng bám chính là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển mạnh và sản xuất nhiều axit gây hòa tan mô cứng của răng. Ngoài ra, thực hiện tốt vệ sinh răng miệng còn giúp phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp khác.
Cách vệ sinh răng miệng giúp phòng ngừa sâu răng sau khi hàn trám:
- Sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh và kích thước phù hợp để làm sạch răng miệng 2 – 3 lần/ ngày. Khi chải răng, nên di chuyển bàn chải theo chiều dọc để làm sạch mảng bám và thức ăn tích tụ ở kẽ. Đồng thời thao tác nhẹ nhàng để tránh làm mòn men răng và bong bật, nứt, vỡ miếng trám.
- Chải răng chỉ làm sạch được khoảng 80% thức ăn thừa và mảng bám trong khoang miệng. Do đó, bạn nên dùng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám tích tụ ở kẽ răng. Chỉ tơ nha khoa có kích thước nhỏ, mảnh nên có thể len lõi vào kẽ răng mà không gây tổn thương nướu, men răng như khi dùng tăm tre.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng để làm sạch vi khuẩn có hại tích tụ trong khoang miệng. Nếu có thể, bạn nên dùng nước súc miệng chứa fluor và các hoạt chất kháng khuẩn như Chlorhexidin, Hexetidine, Zinc gluconate, Hydrogen peroxide,… để tăng hiệu quả làm sạch và ngăn ngừa sâu răng.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng nói trên có thể giảm nguy cơ tái phát sâu răng sau khi hàn trám. Thống kê cho thấy, phần lớn những trường hợp bị sâu răng lại sau khi trám đều có liên quan đến thói quen vệ sinh răng miệng kém.
2. Điều chỉnh thói quen ăn uống
Ngoài thói quen vệ sinh kém, sâu răng tái phát sau khi hàn trám cũng có thể xảy ra do chế độ ăn uống phù hợp. Một số sai lầm trong quá trình ăn uống có thể dẫn đến sâu răng tái phát, bao gồm:
- Dùng thức ăn chứa nhiều đường và thực phẩm giàu tinh bột có kết cấu dẻo như gạo nếp, bánh dày,… làm tăng hình thành mảng bám. Mảng bám chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển mạnh gây hòa tan các mô cứng của men răng và ngà răng. Do đó, bạn nên hạn chế lượng đường trong chế độ ăn để phòng ngừa sâu răng tái phát sau khi hàn trám.
- Không sử dụng thực phẩm cứng, khô và dai. Áp lực trong quá trình ăn nhai có thể khiến miếng trám bị nứt, mẻ và bong bật. Ngoài ra, thường xuyên dùng các món ăn cứng và khô còn dẫn đến mòn men răng, răng ê buốt, suy yếu,…
- Hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm chứa nhiều axit như soda, nước ngọt có gas, các loại trái cây họ cam chanh,… Ngoài axit từ vi khuẩn, axit từ các loại thực phẩm cũng có thể gây mòn men răng và miếng trám. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong ngà răng gây sâu răng và làm phát sinh nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Sau khi mới trám răng, nên hạn chế ăn uống trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, cần kiêng cữ các loại đồ uống và thức ăn có hại cho răng miệng trong khoảng 7 – 10 ngày để miếng trám ổn định hoàn toàn. Tình trạng miếng trám nứt, mẻ và bong bật chính là điều kiện để hại khuẩn phát triển dẫn đến sâu răng và nhiều vấn đề nha khoa khác.
3. Xử lý triệt để tình trạng răng nứt, mẻ
Sâu răng cũng có thể phát triển từ những vết nứt, mẻ trên bề mặt răng. Thông thường, tủy răng và ngà răng được bảo vệ bởi lớp men cứng chắc. Tuy nhiên khi có vết nứt và mẻ, vi khuẩn Streptococcus mutans sẽ dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây sâu răng, viêm tủy răng và thậm chí là áp xe răng. Trong trường hợp răng bị nứt, mẻ do chấn thương, bạn nên hàn trám sớm để bảo vệ răng. Nếu không xử lý, sâu răng có thể tái phát trở lại.
4. Thay đổi một số thói quen xấu
Ngoài thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng, bạn cũng nên thay đổi một số thói quen xấu khác để bảo vệ răng và phòng ngừa sâu răng tái phát.
Ngăn ngừa sâu răng lại sau khi hàn trám bằng cách thay đổi các thói quen như:
- Hút thuốc lá là thói quen làm tăng nguy cơ tái phát sâu răng mà nhiều người không ngờ đến. Các chất độc hại trong khói thuốc có thể làm giảm tiết nước bọt và gây rối loạn hệ vi sinh trong khoang miệng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để hại khuẩn phát triển mạnh và tấn công vào men răng, ngà răng.
- Thay đổi thói quen dùng răng xé bao bì và cắn những vật cứng. Tác động cơ học trong các hoạt động này đều làm mòn men răng và gia tăng nguy cơ tái phát bệnh sâu răng. Một số trường hợp còn có thể bị sứt, mẻ răng do thói quen dùng răng cắn xé vật cứng.
- Nguy cơ bong bật miếng trám, sâu răng và viêm tủy răng tăng lên đáng kể ở người có thói quen nghiến răng khi ngủ. Do đó nếu có thói quen này, bạn nên sử dụng máng chống nghiến và thực hiện thêm một số biện pháp thư giãn để cải thiện.
- Không dùng tăm tre hay các vật cứng để làm sạch kẽ răng. Ngoài ra, tránh sử dụng các miếng dán tẩy trắng răng không rõ nguồn gốc.
5. Trám dự phòng
Trám dự phòng là kỹ thuật sử dụng các vật liệu có khả năng giải phóng fluor để phòng ngừa sâu răng. Kỹ thuật này được áp dụng trong trường hợp có nguy cơ tái phát sâu răng cao. Cụ thể, bác sĩ sẽ sử dụng xi măng silicat, glass ionomer cement (GIC),… để phủ lên mặt nhai và kẽ răng nhằm tăng độ cứng chắc cho men răng.
Sau khi được giải phóng, fluor sẽ kết hợp với cấu trúc tinh thể hydroxyl apatite trong men răng tạo thành fluorapatite có độ cứng chắc cao. Nhờ vậy, men răng sẽ trở nên cứng và tăng khả năng đề kháng với axit từ vi khuẩn. Trám dự phòng thường được chỉ định cho trẻ nhỏ bởi đa phần trẻ đều chưa biết cách vệ sinh răng miệng, chải răng sơ sài và không đúng cách.
6. Lấy cao răng định kỳ
Cao răng thực chất là mảng bám bị vi khuẩn khoáng hóa. Cao răng tích tụ chủ yếu ở chân răng và có kết cấu cứng chắc nên không thể làm sạch thông qua các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà.
Ngay cả khi thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng (chải răng, súc miệng và dùng chỉ nha khoa), máng bám bên trong răng miệng cũng không thể sạch hoàn toàn 100%. Mảng bám tồn tại trong 7 ngày sẽ chuyển thành cao răng và tích tụ dần theo thời gian.
Vi khuẩn sẽ trú ngụ bên trong cao răng và sản sinh axit liên tục gây hòa tan các mô cứng của men răng, ngà răng. Do đó, lấy cao răng định kỳ 1 – 2 lần/ năm sẽ giúp phòng ngừa sâu răng tái phát sau khi hàn trám và giảm nguy cơ mắc các bệnh nha chu đáng kể.
7. Một số biện pháp khác
Ngoài ra để phòng ngừa sâu răng sau khi trám, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp sau:
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe: Trên thực tế, sâu răng không chỉ là hậu quả do thói quen vệ sinh răng miệng kém mà còn xảy ra do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản và chứng khô miệng. Do đó ngay cả sau khi hàn trám, răng có thể bị sâu lại sau một thời gian ngắn. Để giảm nguy cơ bệnh tái phát, nên kết hợp vệ sinh răng miệng đúng cách và thực hiện thêm một số biện pháp kiểm soát các bệnh lý nói trên.
- Dùng viên ngậm, xịt chống sâu răng cho bé: Trẻ dưới 12 tuổi chưa thực sự biết cách vệ sinh răng miệng và thường xuyên dùng nhiều thức ăn, đồ uống chứa đường nên có nguy cơ tái phát sâu răng cao. Để phòng ngừa tình trạng này, phụ huynh có thể cho bé sử dụng các sản phẩm chống sâu răng ở dạng viên ngậm hoặc chai xịt sau mỗi bữa ăn.
- Thận trọng khi dùng một số loại thuốc: Ngoài tác dụng giảm triệu chứng, một số loại thuốc còn có thể gây khô miệng và làm tăng nguy cơ bị sâu răng. Vì vậy, bạn nên chú ý uống nhiều nước, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây trong thời gian sử dụng các loại thuốc làm giảm tiết nước bọt như thuốc kháng histamine H1, thuốc chống trầm cảm,…
Thực hiện đầy đủ các biện pháp này có thể phòng ngừa tình trạng sâu răng tái phát sau khi hàn trám. Ngoài ra, các biện pháp kể trên còn có hiệu quả phòng ngừa đối với những vấn đề nha khoa thường gặp như viêm lợi (viêm nướu răng), viêm nha chu, viêm tủy răng và áp xe quanh chóp răng.
Cách khắc phục sâu răng sau khi hàn trám
Như đã đề cập, răng đã hàn trám vẫn có thể bị sâu răng trở lại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nhận thấy răng xuất hiện lỗ, đốm sâu có màu nâu đen, răng đau nhức và ê buốt khi ăn uống, bạn cần đến nha khoa để được xử lý sớm. Trong trường hợp xảy ra ở răng đã hàn trám, sâu răng thường có tiến triển nhanh hơn do bản thân cấu trúc răng đã bị hư hại đáng kể.
Tùy theo mức độ tổn thương của răng, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp khắc phục sau:
1. Tiến hành hàn trám lại
Tương tự sâu răng lần đầu tiên, bác sĩ cũng sẽ chỉ định hàn trám đối với sâu răng tái phát. Trước khi trám, cần nạo bỏ phần men răng, ngà răng bị sâu để tránh tình trạng sâu răng tiếp tục phát triển. Nếu sâu răng đã ăn vào tủy, bác sĩ buộc phải lấy tủy răng trước khi trám bít lỗ sâu.
Hàn trám là thủ thuật nha khoa khá đơn giản và có thể hoàn thành chỉ sau 1 – 2 buổi hẹn. Trong trường hợp phải lấy tủy, quy trình sẽ trở nên phức tạp hơn và mất thêm khoảng 2 – 3 buổi hẹn tùy theo vị trí của răng và số lượng ống tủy.
Sau khi hàn trám, răng sẽ giảm đau nhức và ê buốt trong quá trình ăn uống. Đồng thời giúp bù lấp lỗ sâu, phục hồi hình dáng và màu sắc vốn có của răng. Tuy nhiên để phòng ngừa sâu răng tiếp tục tái phát, bạn nên thực hiện các biện pháp được đề cập trong bài viết.
2. Bọc răng sứ
Nếu sâu răng tái phát tại răng đã hàn trám, răng có thể bị tổn thương và hư hại nặng. Trong trường hợp không thể trám, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ. Bọc răng sứ là phương pháp phục hình sử dụng sứ, titan,… để chế tác thành thân răng rỗng ở bên trong.
Sau đó, bác sĩ sẽ mài cùi răng thật và đặt mão sứ lên trên để phục hồi hình dáng, chức năng của răng. Mão sứ có độ cứng cao giúp bảo vệ răng trước nhiệt độ, tác động cơ học và axit từ vi khuẩn. Ngoài ra, bọc răng sứ còn giúp tăng tuổi thọ của răng đã bị lấy tủy.
Sau khi hàn trám, răng có thể bị sâu lại nếu không có biện pháp chăm sóc đúng cách. Chính vì vậy, bạn nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa sâu răng tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Sau khi trám răng bao lâu thì ăn uống bình thường?
Trám răng hàm sử dụng được bao lâu? Giá bao nhiêu?
Răng Bị Mẻ Có Sao Không? Nguyên Nhân và Cách Khắc Phục
Tìm Hiểu Trám Răng Sâu: Quy Trình Và Bảng Giá Cụ Thể
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!