Trồng răng Implant có đau không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm liên quan đến phương pháp phục hình răng bằng trụ Implant. Để được giải đáp thắc mắc và có hình dung cụ thể hơn về phương pháp này, bạn đọc có thể tham khảo thông tin giải đáp trong bài viết sau.
Trồng răng Implant là phương pháp trồng răng giả tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này có thể phục hình trong trường hợp mất 1 răng, mất nhiều răng và thậm chí là mất toàn bộ răng hàm. Khác với làm hàm giả tháo lắp và cầu răng sứ, trồng răng Implant có thể ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương nhờ sử dụng trụ Implant cấy ghép vào xương hàm để thay thế cho chân răng thật.
Sau khi trụ Implant được cấy ghép, bác sĩ sẽ lắp mão sứ đã chế tác với trụ thông qua khớp nối (Abutment). Răng Implant hoàn chỉnh có thể thực hiện các chức năng tương tự như răng thật như ăn nhai, hỗ trợ giao tiếp và ngăn hiện tượng xô lệch các răng trên cung hàm.
Trồng răng Implant có đau không?
Cấy ghép Implant có đau không cũng là vấn đề được quan tâm. Khác với các phương pháp trồng răng giả thông thường, phương pháp này phải cấy trụ Implant vào bên trong xương hàm nên phải tiến hành tiểu phẫu. Cũng chính vì vậy mà nhiều người lo ngại cấy Implant có thể gây đau nhức, khó chịu.
Trên thực tế, quá trình cấy trụ Implant hầu như không gây đau và ê buốt nhờ tác dụng của thuốc tê/ thuốc mê. Tuy nhiên sau khi thực hiện, vị trí cấy ghép trụ Implant cũng có thể bị đau nhức và sưng viêm trong vài ngày.
Nếu chăm sóc đúng cách, cơn đau sẽ nhanh chóng thuyên giảm và hầu như không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Bạn cũng không nên quá lo lắng về vấn đề đau nhức sau khi cấy ghép vì bác sĩ thường kê toa thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh để sử dụng trong 5 – 7 ngày.
Các biện pháp giảm đau sau khi trồng răng Implant
Đau nhức là tình trạng không thể tránh khỏi khi can thiệp các kỹ thuật nha khoa xâm lấn. Trong trường hợp răng đau nhức và ê buốt sau khi trồng răng Implant, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Dùng thuốc theo hướng dẫn
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là cách đơn giản để giảm đau nhức sau khi cấy ghép Implant. Ngoài thuốc giảm đau, bác sĩ còn chỉ định dùng thêm kháng sinh và thuốc chống viêm để ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm phù nề.
Các loại thuốc này thường được chỉ định dùng trong 5 – 7 ngày tùy theo từng trường hợp. Nếu có tiền sử dị ứng kháng sinh (đặc biệt là kháng sinh beta lactam), Paracetamol và tiền sử khởi phát cơn hen cấp, nổi mề đay, phát ban sau khi dùng NSAID, cần thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Bởi phần lớn những trường hợp sau khi cấy ghép Implant thường được chỉ định các loại thuốc kể trên.
2. Chườm lạnh
Chườm lạnh là biện pháp giảm đau nhức răng tại nhà an toàn, hiệu quả. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm giúp mạch máu co lại, tránh tình trạng chảy máu kéo dài. Ngoài ra, chườm lạnh còn giúp giảm phù nề và cải thiện phần nào cảm giác đau nhức, khó chịu.
Trong vòng 24 giờ đầu, bạn nên chườm đá từ 10 – 15 phút mỗi lần và lặp lại sau khoảng 2 – 4 giờ. Thực hiện liên tục vài lần cho đến khi giảm sưng đau và khó chịu. Chườm lạnh cũng là cách giảm đau hiệu quả sau khi nhổ răng, cắt lợi trùm và phẫu thuật chữa cười hở lợi.
3. Chú ý chế độ ăn uống
Sau khi cấy trụ Implant, bạn nên chú ý đến thói quen ăn uống để tránh tình trạng đau nhức và phù nề mô nướu. Ngoài ra, ăn uống hợp lý cũng giúp cho vết thương nhanh lành và hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm.
Chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm đau nhức, phù nề sau khi cấy ghép Implant:
- Tránh dùng thức ăn cứng, khô và cần nhiều lực nhai trong 5 – 7 ngày đầu tiên. Áp lực khi ăn nhai các loại thực phẩm này có thể khiến cơn đau bùng phát, vết thương chậm lành và sưng viêm nhiều hơn.
- Sử dụng các món ăn mềm, lỏng, nguội và ít gia vị như cháo, súp, miến, phở và sinh tố trong khoảng vài ngày đầu cho đến khi vết thương lành hẳn và cảm giác đau nhức, ê buốt cũng giảm đi đáng kể.
- Hạn chế nhai trực tiếp và tránh đẩy lưỡi liên tục đến vị trí vừa cấy ghép Implant. Tác động cơ học có thể khiến cho vết thương chậm lành, dễ chảy máu và mưng mủ.
- Tránh dùng thức ăn, đồ uống chứa nhiều axit và cồn để tránh tình trạng vết thương lở loét, chảy máu.
- Súc miệng nhẹ nhàng và chải răng sau các bữa ăn để tránh sự gia tăng quá mức của hại khuẩn. Vi khuẩn có hại tăng lên đột ngột khiến cho vết thương chậm lành và có nguy cơ viêm nhiễm cao hơn bình thường.
4. Tránh một số hoạt động, thói quen
Sau khi cấy ghép Implant, vết thương cần một khoảng thời gian mới có thể lành hoàn toàn. Chính vì vậy, bạn cần tránh một số hoạt động và thói quen để vết thương lành hẳn.
Một số hoạt động, thói quen cần hạn chế sau khi cấy ghép Implant:
- Không dùng tay hoặc lưỡi chạm vào vùng cấy ghép Implant trong ít nhất 5 – 7 ngày.
- Khi chải răng, nên hạn chế di chuyển đầu bàn chải vào mô nướu ở vị trí vừa cấy ghép Implant.
- Không súc miệng với nước muối và tránh súc miệng quá mạnh sau khi trồng răng Implant. Thay vào đó, bạn có thể súc miệng nhẹ nhàng với nước sạch hoặc nước muối sinh lý để tránh kích thích trực tiếp lên vết thương.
- Hạn chế các hoạt động nặng, thể thao với cường độ cao trong khoảng 7 – 10 ngày. Hoạt động quá mạnh trong thời gian này có thể gây chảy máu và làm chậm quá trình phục hồi vết thương.
Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng đau nhức, phù nề sau khi trồng răng Implant sẽ thuyên giảm nhanh sau khoảng vài ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tái khám theo lịch hẹn để được kiểm tra tình trạng trụ Implant và thực hiện tiếp các bước phục hình kế tiếp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trồng răng Implant xong nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Trồng răng Implant và 101 câu hỏi thường gặp
Trồng Răng Giả Có Đau Không? Đau bao lâu khỏi?
Mất răng hàm có bị hóp má không? Nên làm gì để phòng?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!