Hiện nay, có rất nhiều loại mão răng được sử dụng trong các kỹ thuật phục hình. Để hiểu rõ hơn về ưu nhược điểm và chi phí của từng loại, bạn đọc có thể tham khảo những thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Các loại mão răng được sử dụng phổ biến
Mão răng là răng giả được chế tác từ nhiều vật liệu có hình dáng và cấu tạo tương tự như răng thật. Mão răng có ruột rỗng bên trong để chụp lên cùi răng thật nhằm che phủ hoàn toàn phần thân răng và đảm bảo sự ổn định khi ăn nhai. Hiện nay, mão răng được sử dụng trong nhiều kỹ thuật nha khoa như bọc răng sứ, trồng răng Implant, làm cầu răng sứ,…
Như đã đề cập, mão răng được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào vật liệu chế tác. Trong đó, mão sứ kim loại và mão răng toàn sứ là hai loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Các loại khác ít được sử dụng hơn do chi phí cao, độ bền kém và hiệu quả thẩm mỹ chỉ ở mức tương đối.
Dưới đây là các loại mão răng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:
1. Mão răng thép không gỉ
Mão răng thép không gỉ hay còn được gọi là mão răng tạm thời. Mão răng được này đúc sẵn và sử dụng ngay sau khi mài cùi răng thật. Mão răng tạm thời được dùng trong khoảng vài ngày trong thời gian chờ chế tác mão sứ.
Ở trẻ em, mão răng thép không gỉ được dùng để bao ngoài răng sữa bị sâu để ngăn ngừa sâu răng tiến triển nặng hơn. Ngoài ra, mão răng còn giúp tạo không gian để đảm bảo các răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí, không mọc lệch và chen chúc vào vị trí của răng bị tổn thương. Khi răng sữa rụng để chuẩn bị mọc răng vĩnh viễn, mão răng cũng sẽ rụng theo. Vì vậy, mão răng thép không gỉ chủ yếu được dùng trong thời gian ngắn.
2.Mão răng bằng nhựa
Mão răng bằng nhựa được làm từ nhựa composite có màu sắc tương tự như răng thật. Mão răng bằng nhựa cũng được sử dụng như một biện pháp tạm thời tương tự như mão răng thép không gỉ. So với mão răng bằng thép, mão răng được làm từ composite có tính thẩm mỹ cao hơn nên được cân nhắc sử dụng cho người trưởng thành.
3. Mão kim loại toàn diện
Mão kim loại toàn diện là mão răng được chế tác hoàn toàn từ kim loại như vàng, bạc và bạch kim. Ngoài ra, một số mão răng cũng được làm từ hợp kim mạ. Các mão kim loại toàn diện có màu sắc khác biệt so với răng thật nên chỉ thích hợp để phục hình cho răng hàm. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người muốn làm mão kim loại quý để tạo sự sang trọng và đẳng cấp.
Mão kim loại toàn diện có độ bền cao, khả năng chịu lực tốt và tuổi thọ lên đến 15 năm. Đây là loại mão răng có tuổi thọ cao nhất nhưng có hạn chế là chi phí cao hơn rất nhiều lần so với các mão răng thông thường.
4. Mão sứ kim loại
Mão sứ kim loại là các mão răng được chế tác từ kim loại và men sứ. Trong đó, kim loại/ hợp kim được dùng để làm khung sườn và lớp ngoài được phủ men sứ màu trắng ngà như màu răng thật. Nhờ vậy, mão sứ kim loại mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, răng có độ ăn nhai tốt, độ bền cao và chi phí khá hợp lý.
Mão sứ kim loại có 3 loại chính là mão sứ kim loại thường, mão sứ Titan và mão sứ kim loại quý. Trong đó, mão sứ kim loại thường có chi phí thấp nhất nhưng gặp phải tình trạng đen viền nướu sau một thời gian sử dụng.
5. Mão răng toàn sứ
Mão răng toàn sứ được chế tác từ sứ nguyên khối (khung sườn + lớp men bên ngoài). Đây là loại mão răng cao cấp mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Mão răng toàn sứ có độ phản quang, rìa cắn và vân gần như răng thật. Hơn nữa, chất liệu sứ được sử dụng an toàn tuyệt đối với sức khỏe, không xảy ra tình trạng đen viền nướu như răng sứ kim loại.
Mão răng toàn sứ có độ bền cao (khoảng 9 – 10 năm) và khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên, răng toàn sứ có chi phí cao hơn so với răng sứ kim loại nên không thích hợp với tất cả các đối tượng.
Mão răng loại nào tốt nhất?
Mão răng loại nào tốt nhất là băn khoăn của nhiều bạn đọc, đặc biệt là những người đang có ý định phục hình răng. Trên thực tế, mỗi loại mão răng đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, cần xem xét tình trạng răng miệng, nhu cầu và khả năng tài chính để lựa chọn được mão răng phù hợp.
Nếu có chi phí eo hẹp, bạn có thể cân nhắc giữa răng sứ kim loại thường và răng sứ Titan. Trường hợp đang tìm kiếm răng sứ có độ thẩm mỹ cao và lành tính, nên chọn các loại mão răng toàn sứ. Nếu muốn chọn mão răng sứ có độ bền tốt, mão được chế tác từ kim loại quý sẽ là lựa chọn thích hợp nhất.
Các mão răng tạm thời được sử dụng trong thời gian ngắn nên không cần phải cân nhắc quá nhiều. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng loại mão răng có sẵn cho khách hàng. Sau khoảng 2 – 3 ngày, bạn cần quay lại phòng khám để được gắn mão răng cố định.
Mão răng có giá bao nhiêu?
Chi phí làm mão răng cũng là vấn đề đáng quan tâm với những người đang có ý định phục hình răng. Như đã đề cập, chi phí chế tác các mão răng phụ thuộc vào vật liệu mà bạn lựa chọn. Ngoài ra, giá thành thực tế cũng chênh lệch ít nhiều tùy theo phòng khám/ bệnh viện và thời điểm thực hiện (đặc biệt là các mão sứ được làm từ kim loại quý).
Bảng giá làm mão răng (chỉ có tính chất tham khảo):
- Mão răng sứ kim loại có giá dao động từ 1 – 2.5 triệu đồng
- Răng toàn sứ có giá khoảng 4 – 8 triệu đồng
- Mão răng làm từ kim loại quý có chi phí từ 15 – 25 triệu đồng và có thể chênh lệch tùy theo từng thời điểm
- Các mão răng tạm thời có chi phí thấp, dao động khoảng 200 – 250.000 đồng/ răng. Nếu thực hiện các kỹ thuật phục hình, chi phí sử dụng mão răng tạm thời sẽ được miễn phí hoàn toàn
Bài viết đã giới thiệu các loại mão răng được sử dụng phổ biến hiện nay. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ ưu nhược điểm, chi phí, qua đó lựa chọn được mão răng phù hợp với nhu cầu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Keo dán răng sứ là gì? Loại nào tốt nhất nên dùng?
Răng sứ Titan là gì? Có mấy loại? Có ưu nhược điểm gì?
Bọc Răng Sứ Có Hết Hô Không? Giá Bao Nhiêu?
Dán Sứ Veneer Laminate Có Tốt Không? Giá Bao Nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!