Viêm loét niêm mạc miệng là tình trạng lưỡi và niêm mạc bên trong khoang miệng xuất hiện các vết loét với kích thước từ vài mm đến vài cm. Bệnh lý này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn đều có mức độ nhẹ và có khả năng tự thuyên giảm sau 7 – 14 ngày.
Viêm loét niêm mạc miệng là bệnh gì?
Viêm loét niêm mạc miệng là tình trạng niêm mạc bên trong khoang miệng và lưỡi xuất hiện các mảng, đốm viêm loét với kích thước từ vài mm đến vài cm. Tổn thương đi kèm với mụn mủ, mụn nước hoặc chỉ là vết loét đơn thuần. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và mức độ viêm loét đa dạng.
Viêm loét niêm mạc miệng thường gây đau rát, khó chịu nhất là khi ăn uống. Những trường hợp loét nặng còn có thể gây nổi hạch góc hàm hoặc thậm chí là sốt cao. Đa phần viêm loét niêm mạc miệng đều có mức độ nhẹ và có khả năng tự lành sau 7 – 14 ngày. Tuy nhiên nếu loét sâu và ổ viêm loét có phạm vi rộng, cần phải điều trị để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây viêm loét niêm mạc miệng
Viêm loét niêm mạc miệng có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:
1. Chấn thương, kích thích tại chỗ
Chấn thương do va đập, té ngã và các kích thích tại chỗ (dùng thức ăn quá nóng) là nguyên nhân phổ biến gây viêm loét niêm mạc miệng. Trong trường hợp này, vết loét thường chỉ khu trú ở vùng niêm mạc bị tác động, ít khi lan tỏa ra các vùng niêm mạc xung quanh.
2. Tác động của các chất hóa học
Trong một số trường hợp, viêm loét niêm mạc miệng cũng có thể xảy ra do tiếp xúc với axit trong kem đánh răng, nước súc miệng hoặc bị hóa chất bắn vào miệng. Nếu do nguyên nhân này, vùng niêm mạc bị viêm loét thường có hiện tượng đau rát và nổi mụn nước.
3. Nhiễm vi khuẩn
Khoang miệng chứa hơn 50 tỷ vi khuẩn. Vi khuẩn thường chỉ tồn tại trong khoang miệng với mức độ hạn chế do sự kiểm soát từ hệ miễn dịch và nước bọt. Tuy nhiên khi sức đề kháng suy giảm, nhiều loại vi khuẩn có thể phát triển gây viêm loét lợi, lưỡi và má trong.
Tình trạng này gặp nhiều người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch, thiếu dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, vệ sinh răng miệng kém hoặc do thói quen hút thuốc lá trong thời gian dài.
4. Virus – Nguyên nhân gây viêm loét niêm mạc miệng thường gặp
Virus là tác nhân chủ yếu gây viêm loét niêm mạc miệng. Bệnh có thể xảy ra do các loại virus sau:
- Virus Herpes: Virus Herpes có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi xâm nhập vào khoang miệng, virus phát triển gây ra các mụn nước, sau đó lan rộng tạo thành các vết loét. Vết loét do virus Herpes thường xuất hiện ở mép niêm mạc miệng và môi. Ngoài ra, nhiễm virus Herpes còn gây ra một số triệu chứng khác như viêm họng, sốt và nổi hạch.
- Varicella zoster virus (VZV): VZV là virus thường gây bệnh thủy đậu. Sau khi thủy đậu được kiểm soát, virus trú ngụ trong các mô dây thần kinh và gây nổi mụn nước khi có điều kiện thích hợp (bệnh zona thần kinh). Mụn nước có thể nổi ở ngoài da hoặc niêm mạc miệng, sau đó vỡ tạo thành vết viêm, loét.
- Coxsackie virus: Coxsackie virus là tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Virus gây ra tổn thương mụn nước ở tay chân và bên trong niêm mạc miệng (lưỡi gà, niêm mạc má, lưỡi, amidan khẩu cái,…). Các mụn nước do Coxsackie virus gây ra rất dễ vỡ và tạo thành vết loét ở bên trong niêm mạc.
- Rubella: Rubella là tác nhân gây ra bệnh sởi ở trẻ nhỏ. Trước khi phát sinh các triệu chứng toàn thân khoảng 1 – 2 ngày, virus sẽ làm xuất hiện các dát hồng ban nhỏ với trung tâm bị hoại tử và có màu trắng bên trong niêm mạc má.
- Epstein – Barr virus: Epstein – Barr virus là virus thuộc họ Herpes có khả năng lây lan thông qua tiếp xúc với nước bọt và dịch tiết có chứa virus. Nhiễm Epstein – Barr virus có thể gây phát ban, sưng hạch ở cổ, viêm họng, sốt, mệt mỏi và gây loét ở vùng sau miệng hầu.
5. Biểu hiện của một số bệnh lý khác
Viêm loét niêm mạc miệng còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:
- Lao, giang mai
- Loét niêm mạc miệng do các bệnh tự miễn như (hồng ban đa dạng, lupus ban đỏ, lichen phẳng, Pemphigus, áp tơ, Pemphigoid,…)
- Loét do ung thư
- Hoại tử chuyển sản tuyến nước bọt
- Hội chứng Behcet
6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài ra, viêm loét niêm mạc miệng cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân ít gặp hơn như:
- Thiếu sắt
- Thiếu các loại vitamin như vitamin PP, B6, B12, C,…
- Dị ứng thức ăn
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh
Dấu hiệu nhận biết viêm loét niêm mạc miệng
Viêm loét niêm mạc miệng có triệu chứng khá đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân cụ thể. Điểm chung của tất cả các trường hợp là niêm mạc miệng xuất hiện ổ viêm, loét kèm theo triệu chứng đau rát và khó chịu khi ăn uống.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm loét niêm mạc miệng:
- Xuất hiện vết loét ở niêm mạc miệng với hình dáng và kích thước đa dạng, có thể kèm mủ, dịch hoặc chỉ là vết loét đơn thuần
- Niêm mạc miêng xung quanh vết loét có hiện tượng sưng nóng, đỏ và đau – nhất là khi ăn uống.
- Trường hợp viêm loét nặng có thể gây nổi hạch ở hàm và sốt cao
- Viêm loét niêm mạc miệng rất dễ tái phát, gây đau đớn, khó chịu khi ăn uống và sinh hoạt.
Biểu hiện cụ thể của viêm loét niêm mạc miệng theo từng nguyên nhân:
- Áp tơ (aphthe): Áp tơ là dạng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp nhất. Phổ biến là các dạng áp tơ nhỏ với đường kính dưới 1cm, nông, thường chỉ có 1 vết hoặc vài vết loét mọc rải rác hoặc mọc thành từng đám. Đa phần áp tơ đều có thể tự thuyên giảm sau 7 – 14 ngày và hoàn toàn không để lại dấu vết. Tuy nhiên có khoảng 10% trường hợp bị loét áp tơ lớn (được gọi là bệnh Sutton) với triệu chứng là vết loét lớn hơn 1cm, chậm lành, kéo dài trong nhiều tuần, sau đó hoại tử lan rộng và để lại sẹo.
- Loét do virus Herpes: Thường gây ra nhiều vết loét (khoảng 10 – 100 vết), mỗi vết chỉ có kích thước khoảng 1 – 3mm và có xu hướng mọc chụm lại thành từng đám. Vết loét do virus Herpes thường mất khoảng 7 – 30 ngày mới có thể lành hẳn, đau nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
- Loét do Varicella zoster virus (gây zona thần kinh): Thường gặp ở người lớn tuổi với các triệu chứng như mụn nước nổi thành từng đám, xuất hiện ở niêm mạc má khẩu cái đi kèm với triệu chứng khó chịu và mệt mỏi toàn thân.
- Loét do Coxsackie virus (bệnh tay chân miệng): Thường gặp ở trẻ em với biểu hiện là vết loét nằm bên trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Tổn thương ở da và niêm mạc đi kèm với tình trạng sốt cao.
- Viêm loét niêm mạc miệng do chấn thương: Vết loét có hình dáng và kích thước đa dạng tùy theo nguyên nhân nhưng thường khu trú, ít lan tỏa. Vết loét do chấn thường có khả năng tự lành mà không cần phải điều trị.
- Loét niêm mạc miệng do săng giang mai: Thường xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn khoảng 3 – 4 tuần với biểu hiện là các hòn chắc, kích thước vài cm xuất hiện ở môi và đầu lưỡi. Sau đó, bề mặt dần bị loét, vết loét có màu đỏ như thịt, bờ gốc, không đau và gây nổi hạch ở các vùng lân cận.
- Loét do lao (gặp ở bệnh nhân lao phổi): Tình trạng này tương đối ít gặp với vị trí ảnh hưởng là lưng lưỡi. Vết loét có đặc điểm là bờ rách, có thể gây đau hoặc không đau.
- Loét do ung thư: Thường xảy ra ở ung thư tuyến dạng nang và Carcinom tế bào gai. Loét do Carcinom tế bào gai đặc trưng bởi vết loét nhổ cao, gồ cứng, bờ loét không đồng đều và thường xuất hiện ở lưỡi, sàn miệng. Ung thư tuyến dạng nang thường xảy ra ở khẩu cái với đặc điểm là khối sưng có dấu hiệu loét bề mặt.
- Hội chứng Behcet: Là một dạng rối loạn mô cơ xương và mô liên kết không rõ nguyên nhân. Đặc trưng là sự xuất hiện các vết loét ở miệng, mắt và cơ quan sinh dục.
- Loét do Pemphigoid: Pemphigoid là bệnh tự miễn với biểu hiện ngoài da là chủ yếu. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra vết loét bên trong niêm mạc miệng. Tổn thương loét do Pemphigoid thường là các vết trợt, bọng nước hoặc mụn nước xuất hiện ở sàn miệng, niêm mạc má, nướu và amidan khẩu cái.
- Loét do Pemphigus: Pemphigus là bệnh bọng nước do tự miễn, xảy ra ở da và niêm mạc. Loét niêm mạc miệng do bệnh lý này thường các bọng nước và vết trợt ở nướu, niêm mạc má và amidan khẩu cái. Bệnh lý này có mức độ nặng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
- Loét niêm mạc miệng do lichen phẳng: Thường gây tổn thương ở miệng (55% trường hợp) với các dạng tổn thương như trợt, teo,… xuất hiện ở mô nướu, lưng lưỡi và niêm mạc má. Tổn thương loét niêm mạc miệng do lichen phẳng thường xảy ra ở cả hai bên và có tính chất đối xứng.
- Loét niêm mạc miệng do lupus ban đỏ: Niêm mạc miệng xuất hiện các vết loét hoặc trợt ở má hoặc khẩu cái (thường chỉ ảnh hưởng đến 1 bên). Biểu hiện bên trong niêm mạc miệng xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân.
- Loét do hồng ban đa dạng: Hồng ban đa dạng là bệnh viêm da phát ban xảy ra do nhiều nguyên nhân và chủ yếu gặp ở người trẻ tuổi. Khoảng 30% trường hợp mắc bệnh gặp phải các triệu chứng ở miệng với tổn thương là dạng áp tơ khổng lồ xuất hiện ở môi dưới.
Viêm loét niêm mạc miệng có triệu chứng rất đa dạng. Trong đó, tổn thương dạng áp tơ là biểu hiện phổ biến nhất, sau đó là loét do virus Herpes, tay chân miệng và loét do chấn thương. Biểu hiện loét niêm mạc miệng do các bệnh lý khác tương đối ít gặp.
Viêm loét niêm mạc miệng có nguy hiểm không?
Viêm loét niêm mạc miệng là bệnh lý khá phổ biến và ít khi đe dọa đến sức khỏe. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều có tổn thương dạng áp tơ nhỏ (chiếm hơn 90%), mức độ nhẹ và thường tự thuyên giảm sau 7 – 14 ngày mà không cần can thiệp điều trị. Loét do chấn thương, nhiễm virus Herpes và các nguyên nhân thường gặp khác hầu như cũng có thể tự thuyên giảm nhưng mất nhiều thời gian hơn.
Điều trị đối với bệnh viêm loét niêm mạc miệng chủ yếu là kiểm soát triệu chứng để giảm ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, bệnh lý này rất dễ tái phát gây ra nhiều vấn đề như mất ngủ, suy nhược do không thể ăn uống, ảnh hưởng đến thẩm mỹ,…
Loét niêm mạc miệng đôi khi cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm. Dù triệu chứng này không phải nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến sức khỏe. Nhưng nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều ảnh hưởng và biến chứng nghiêm trọng. Nếu nghi ngờ viêm loét niêm mạc miệng xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn, nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị viêm loét niêm mạc miệng
Đa phần các trường hợp bị viêm loét niêm mạc miệng có thể tự khỏi sau 7 – 14 ngày mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, bệnh lý này gây đau rát, khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy, nên thực hiện một số biện pháp điều trị và chăm sóc để làm giảm các triệu chứng khó chịu.
1. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc để sát trùng, kháng khuẩn khoang miệng và giảm đau nhức, phù nề.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm loét niêm mạc miệng:
- Dung dịch súc miệng kháng khuẩn: Có thể sử dụng dịch dịch súc miệng chứa Hydrogen peroxide 1%, Clorhexidin hoặc Tetracycline,… để sát trùng và tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Nước súc miệng kháng khuẩn được sử dụng nhằm ức chế hại khuẩn, ngăn vết loét lan rộng và tạo điều kiện cho quá trình lành thương của niêm mạc miệng.
- Thuốc giảm đau: Trường hợp viêm loét niêm mạc miệng gây đau có thể sử dụng Lidocaine tại chỗ để cải thiện. Đây là hoạt chất gây tê có tác dụng tại chỗ giúp làm giảm tình trạng đau rát và khó chịu do các vết loét gây ra. Nếu viêm loét niêm mạc miệng gây đau kèm theo sốt cao, có thể dùng Paracetamol dạng viên uống hoặc bột sủi.
- Thuốc kháng virus, kháng sinh: Trong trường hợp viêm loét niêm mạc miệng do nhiễm virus, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc kháng virus như Alcyclovir, Famciclovir và Acyclovir. Ngược lại trường hợp nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh.
- Thuốc chống viêm tại chỗ, toàn thân: Để giảm hiện tượng phù nề ở niêm mạc miệng, có thể dùng các loại thuốc bôi tại chỗ như Flucocinonide 0.05% gel. Trong trường hợp vết loét lớn gây đau nhiều và sưng đỏ nặng, bác sĩ có thể được cân nhắc dùng các loại thuốc chống viêm dạng uống như Isoprinosine và Prednisolone.
- Vitamin, khoáng chất: Viêm loét niêm mạc miệng có thể tái phát thường xuyên do thiếu vitamin và khoáng chất. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu dùng kèm theo các loại vitamin và khoáng chất tổng hợp như sắt, vitamin B12, acid folic,…
2. Các biện pháp chăm sóc
Song song với sử dụng thuốc, bạn nên kết hợp với chế độ chăm sóc để giảm nhẹ tình trạng đau rát và khó chịu do viêm loét niêm mạc miệng gây ra. Với những trường hợp nhẹ, các biện pháp chăm sóc có thể làm lành vết loét chỉ sau vài ngày mà không cần phải sử dụng thuốc.
Cách chăm sóc khi bị viêm loét niêm mạc miệng:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày để ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong khoang miệng. Nên lựa chọn lông chải có sợi lông mảnh và mềm để tránh gây kích thích lên vết loét. Ngoài ra, cần chú ý thao tác nhẹ nhàng khi chải răng để tránh gây chảy máu vết loét, tổn thương mô nướu và men răng.
- Lựa chọn các loại kem đánh răng và nước súc miệng không chứa chất ăn mòn. Các sản phẩm này có thể kích thích lên niêm mạc và khiến vết loét lan rộng hơn.
- Sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để làm sạch thức ăn bám dính ở kẽ răng. Kết hợp biện pháp này cùng với chải răng và súc miệng sẽ giúp khoáng miệng được làm sạch hoàn toàn.
- Uống nhiều nước (khoảng 2.5 lít nước) mỗi ngày để kích thích khoang miệng tăng tiết nước bọt. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét ở niêm mạc miệng và lưỡi.
- Trong thời gian bị viêm loét niêm mạc miệng, không nên dùng thức ăn có kết cấu cứng, khô và món ăn chứa nhiều muối và gia vị cay nóng. Ngoài ra, cần hạn chế dùng nước quá nóng, rượu bia để tránh kích thích lên vết loét ở niêm mạc miệng.
- Không dùng các loại trái cây chứa nhiều axit như dứa, chanh, cam,…
- Ưu tiên dùng các món ăn mềm, lỏng, ít gia vị, nguội và dễ tiêu hóa để giảm tình trạng đau rát ở niêm mạc miệng.
- Đảm bảo giữ ẩm niêm mạc miệng thường xuyên để vết loét được làm dịu và nhanh lành hơn. Các biện pháp giúp làm ẩm niêm mạc miệng có thể áp dụng như thường xuyên uống nước, mỗi lần dùng 1 ngụm nhỏ, ngậm viên đá nhỏ hoặc nhai kẹo cao su không đường.
3. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Viêm loét niêm mạc miệng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý. Do đó, nên tiến hành thăm khám để được xác định bệnh lý nguyên nhân và can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời. Khi bệnh lý được kiểm soát, tổn thương dạng loét ở niêm mạc miệng và lưỡi sẽ thuyên giảm dần.
Phòng ngừa viêm loét niêm mạc miệng tái phát
Viêm loét niêm mạc miệng là bệnh lý có khả năng tái phát cao. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống và giấc ngủ. Vì vậy sau khi điều trị, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
- Uống nhiều nước và có thể nhai kẹo cao su không đường để kích thích khoang miệng tiết nước bọt.
- Không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia, thực phẩm gây dị ứng và các món ăn có tính nóng.
- Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc để tránh chấn thương lên niêm mạc miệng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để phòng ngừa tình trạng viêm loét niêm mạc miệng do thiếu sắt và vitamin.
- Khám răng miệng và sức khỏe tổng quát 1 – 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
Viêm loét niêm mạc miệng là tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh có thể thuyên giảm nhanh sau 7 – 14 ngày nhưng rất dễ tái phát. Vì vậy bên cạnh các phương pháp khắc phục, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhiệt Miệng Và Sùi Mào Gà: Cách Phân Biệt Cho Mọi Người
Nhiệt Miệng Ở Trẻ Em: Nguyên nhân, Cách xử lý, Phòng ngừa
Bà Bầu Bị Nhiệt Miệng: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý An Toàn
Nhiệt Miệng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!