Nhiệt Miệng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Điều Trị

Nhiệt miệng (loét áp tơ) là một dạng viêm loét niêm mạc miệng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Đây là bệnh lành tính, tự giới hạn và có thể thuyên giảm sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, loét áp tơ rất dễ tái phát và gây đau rát nhiều nên cần có biện pháp chăm sóc, xử lý và phòng ngừa phù hợp.

nhiệt miệng là gì
Nhiệt miệng (loét áp tơ) là dạng viêm loét niêm mạc miệng có thể gặp ở trẻ em và người trưởng thành

Nhiệt miệng là bệnh gì?

Nhiệt miệng còn được gọi là loét áp tơ, viêm miệng áp tơ tái diễn (tiếng Anh: Recurrent Aphthous Stomatitis) là một dạng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp. Biểu hiện của bệnh là các nốt mụn nước có màu trắng hoặc vàng nhạt nằm bên trong niêm mạc miệng, khi vỡ tạo thành vết loét nông gây ra cảm giác đau rát và khó chịu. Nhiệt miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ 20 – 30% người lớn và khoảng 40% trẻ em.

Mặc dù là bệnh lý rất phổ biến nhưng căn nguyên của nhiệt miệng chưa rõ ràng. Dù vậy, đây là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính, có thể tự khỏi và dễ tái phát. Ảnh hưởng duy nhất của bệnh lý này là gây đau rát, khó chịu, phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt.

Nhiệt miệng có thể nổi ở bên trong môi, niêm mạc miệng, lưỡi hoặc cổ họng. Để phân biệt, nhiệt miệng thường được gọi tên theo vị trí nổi vết loét, chẳng hạn như nhiệt lưỡi, nhiệt miệng ở môi, nhiệt miệng ở cổ họng,… Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng do tái phát nhiều, mỗi người cần phải biết cách điều trị và phòng ngừa để hạn chế phiền toái do bệnh lý này gây ra.

Triệu chứng của nhiệt miệng

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiệt miệng và mỗi người sẽ gặp phải tình trạng này ít nhất 1 lần trong đời. Triệu chứng của nhiệt miệng có sự khác biệt ở từng trường hợp nhưng đa phần đều có biểu hiện nhẹ và có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhiệt miệng:

  • Đầu tiên, các mụn nước nhỏ nổi ở niêm mạc miệng có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 2 – 10mm
  • Mụn nước thường có màu trắng hoặc màu đục, rất dễ vỡ
  • Khi vỡ tạo thành vết loét nông, bờ rõ rệt, cộm và lõm ở chính giữa
  • Vết loét có kích thước nhỏ nhưng gây đau rát nhiều – nhất là khi ăn uống và nói chuyện
  • Các vết loét do nhiệt miệng gây ra thường không có khả năng lây lan
  • Thông thường, vết loét thường nổi đơn độc 1 vết hoặc vài vết mọc rải rác. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vết loét có số lượng nhiều và mọc tập trung thành đám.
  • Một số trường hợp nặng có thể bị tấy đỏ vùng niêm mạc xung quanh kèm theo cảm giác đau rát nhiều, thậm chí nổi hạch ở góc hàm, sốt cao và gặp khó khăn khi ăn uống.

Toàn bộ quá trình hình thành vết loét diễn ra trong khoảng 1 – 2 ngày hoặc ngắn hơn. Vết loét sẽ tồn tại trong 5 – 7 ngày và tự thuyên giảm mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, do bệnh có khả năng tái phát cao và gây đau rát nhiều nên buộc phải thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị và phòng ngừa.

Một số hình ảnh của bệnh nhiệt miệng

hình ảnh nhiệt miệng
Ban đầu, nhiệt miệng gây nổi các mụn nước có màu vàng nhạt hoặc trắng đục, hình tròn hoặc oval
hình ảnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng thường mọc đơn độc nhưng cũng có thể mọc cùng lúc nhiều vết loét tạo thành từng đám
hình ảnh nhiệt miệng
Vết loét do nhiệt miệng gây ra có đường kính từ 2 – 10mm
hình ảnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng có thể mọc ở bất cứ đâu trong khoang miệng như lưỡi, mặt trong của môi, cổ họng, nướu răng,…

Nguyên nhân gây nhiệt miệng

Dân gian cho rằng nhiệt miệng là do dùng thức ăn cay nóng khiến niêm mạc miệng nổi các mụn nước, sau đó vỡ thành vết loét. Tuy nhiên trên thực tế, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh nhiệt miệng vẫn chưa được xác định. Hiện tại, các chuyên gia chỉ tìm được các yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này như:

  • Chấn thương vùng miệng: Chấn thương vùng miệng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nhiệt miệng. Khi niêm mạc bị trầy xước do chải quá mạnh, dùng thức ăn cứng, có cạnh sắc nhọn, ma sát với khí cụ niềng răng, cắn phải khi ăn,… vết loét sẽ hình thành ở vị trí này. Dù cơ chế chưa được biết rõ nhưng đa phần những trường hợp bị nhiệt miệng đều bắt nguồn từ các vết rách, xước.
  • Các bệnh lý nha khoa: Nhiệt miệng có thể là hệ quả do các bệnh lý nha khoa như viêm tủy răng, viêm quanh răng, sâu răng,… Những trường hợp này thường nổi vết loét ở niêm mạc bên trong má và nướu răng.
  • Do kích ứng: Ngoài những nguyên nhân trên, loét áp tơ (nhiệt miệng) cũng được xác định có liên quan đến tình trạng kích ứng các chất hóa học có trong một số sản phẩm chăm sóc răng miệng như natri lauryl sulfat, cồn, hương liệu.
  • Các yếu tố nội sinh: Bệnh nhiệt miệng có liên quan mật thiết với những yếu tố nội sinh như chấn thương thể chất, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (axit folic, sắt, vitamin B12), dị ứng thức ăn, phản ứng bất thường của hệ miễn dịch (thường có liên quan đến các bệnh lý như bệnh Celiac, bệnh Crohn,…).
  • Các yếu tố khác: Ngoài những yếu tố kể trên, nhiệt miệng còn có liên quan đến tác dụng phụ của một số loại thuốc, hóa trị liệu trong điều trị ung thư, thay đổi nội tiết tố khi mang thai, tiền mãn kinh, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori,…

Cả căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của nhiệt miệng đều chưa được biết rõ. Hiện nay các chuyên gia ủng hộ giả thiết nhiệt miệng là một bệnh tự miễn. Khi có kích thích, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng nguyên ở niêm mạc miệng dẫn đến nổi các nốt mụn nước. Do môi trường ẩm ướt nên vết loét không lành nhanh chóng như trên da mà kéo dài từ 5 – 7 ngày.

Giả thiết này được ủng hộ vì nhiệt miệng có thể tự khỏi và dễ tái phát khi bị stress, suy nhược, thiếu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, sự xuất hiện của các vết loét sau khi bị chấn thương cũng cho thấy cơ chế miễn dịch rõ rệt.

Nhiệt miệng có biến chứng gì không?

Loét áp tơ là một dạng viêm loét niêm mạc miệng phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Thông thường, các vết loét sẽ tự thuyên giảm sau 7 – 10 ngày và có thể nhanh hơn nếu chăm sóc đúng cách. Nhìn chung đây là bệnh lành tính nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

nguyên nhân bị nhiệt miệng
Vết loét do nhiệt miệng gây đau rát nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống và giao tiếp

Tuy nhiên, nếu thể trạng suy nhược và không chăm sóc đúng cách, vết loét có thể bị viêm cấp dẫn đến sưng tấy toàn bộ niêm mạc miệng, sưng hạch góc hàm và sốt nhẹ. Ngoài ra, vết loét do nhiệt miệng gây ra thường có cảm giác đau rát . Do đó, bệnh lý này sẽ gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp.

Nhiệt miệng là bệnh dễ tái phát. Tình trạng tái phát thường xuyên khiến cơ thể dễ sụt cân do ăn uống kém. Ngoài ra, cảm giác khó chịu do nhiệt miệng gây ra cũng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, tâm trạng và khả năng tập trung khi học tập, làm việc.

Chẩn đoán nhiệt miệng bằng cách nào?

Hầu hết những trường hợp bị nhiệt miệng đều có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu vết loét có kích thước lớn, sâu, dai dẳng hơn 2 tuần và tái phát thường xuyên, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Bởi một số dạng viêm loét niêm mạc miệng nghiêm trọng có thể bị nhầm lẫn với bệnh lý này.

Để chẩn đoán nhiệt miệng, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác triệu chứng trong những lần bị nhiệt miệng trước để xác định những đặc điểm điển hình như vết loét nhỏ, nông, gây đau rát khi ăn uống và tự giới hạn sau khoảng 7 – 10 ngày. Những trường hợp vết loét nặng hơn và chậm lành sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán với các bệnh lý sau:

  • Viêm loét niêm mạc miệng do Herpes
  • Các bệnh tự miễn như Behcet, loét sinh dục
  • Hội chứng Reiter
  • Ung thư vùng miệng
  • Nhiễm HIV
  • Thiếu bạch cầu trung tính có chu kỳ
  • Hội chứng Sweet
  • Hội chứng Magic

Trên thực tế, chẩn đoán không cần thiết đối với những trường hợp nhiệt miệng thông thường. Tuy nhiên nếu tình trạng tái phát nhiều và có biểu hiện nặng, chẩn đoán sẽ giúp loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra. Đồng thời giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân cụ thể, từ đó có phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Các phương pháp điều trị bệnh nhiệt miệng

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh nhiệt miệng. Tuy nhiên, đây là bệnh tự giới hạn nên mục tiêu chính của điều trị là làm giảm triệu chứng và giúp vết loét nhanh lành hơn. Những trường hợp nhẹ có thể áp dụng một số mẹo tại nhà và chăm sóc đúng cách để cải thiện tình trạng. Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc nếu vết loét gây đau rát nhiều, ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và sinh hoạt.

Một số phương pháp điều trị nhiệt miệng phổ biến:

1. Sử dụng thuốc

Thuốc dùng để điều trị nhiệt miệng được chia thành 2 loại là thuốc giảm triệu chứng và thuốc tạo màng ngăn để thúc đẩy vết loét nhanh lành. Phần lớn thuốc được sử dụng đều là thuốc dùng ngoài nhưng nếu cần thiết, bạn có thể dùng thuốc uống.

nguyên nhân bị nhiệt miệng
Có thể dùng một số loại thuốc để giảm triệu chứng do nhiệt miệng gây ra

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhiệt miệng:

  • Corticoid dạng bôi: Corticoid dạng bôi (thường là hoạt chất Triamcinolone acetonide) có tác dụng kháng viêm bằng cách ức chế hệ miễn dịch. Trong trường hợp vết loét sưng tấy và đau nhức nhiều, có thể dùng thuốc thoa 2 lần/ ngày trong khoảng vài ngày để giảm tạm thời các triệu chứng.
  • Thuốc bôi gây tê: Các loại thuốc bôi gây tê chứa Lidocaine hoặc Benzocaine cũng có thể được dùng khi điều trị nhiệt miệng. Thuốc có tác dụng phong bế thần kinh tại chỗ, từ đó giảm cảm giác đau rát và khó chịu. Ngoài thành phần này, một số loại thuốc chứa chiết xuất từ các loại thảo dược như hoa cúc, nha đam,… để hỗ trợ giảm đau rát và thúc đẩy vết loét phục hồi.
  • Nitrat bạc: Thuốc bôi chứa Nitrat bạc cũng được sử dụng để thoa lên vết loét do nhiệt miệng gây ra. Loại thuốc này có tác dụng sát trùng và làm dịu niêm mạc, từ đó cải thiện tình trạng đau rát và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét chỉ sau 3 – 5 ngày.
  • Dung dịch súc miệng chứa Tetracycline: Tetracycline là hoạt chất kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Đối với những vết loét sâu và rộng, nên dùng dung dịch súc miệng chứa hoạt chất này 1 lần/ ngày trong khoảng 5 ngày để giảm đau, ngăn ngừa viêm nhiễm và giúp vết loét nhanh lành hơn.
  • Thuốc tạo màng ngăn: Hiện nay, thuốc tạo màng ngăn được sử dụng rất phổ biến khi điều trị nhiệt miệng. Loại thuốc này tạo màng ngăn giữa vết loét với thức ăn và nước bọt, từ đó giúp giảm đau và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét. Thuốc chứa công thức kết hợp giữa hoạt chất tạo màng ngăn, Serathiopeptit, Trimethoprim và Sulfamethoxazol. Thuốc được bào chế ở dạng bột và được dùng bằng cách rắc trực tiếp lên vết loét. Nên dùng thuốc 6 giờ/ lần để làm giảm triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét.
  • Paracetamol hoặc NSAID: Trong trường hợp vết loét gây đau nhức nhiều và có biểu hiện sốt, sưng hạch, có thể dùng NSAID (thuốc chống viêm không steroid) hoặc Paracetamol để giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên, nên ưu tiên dùng Paracetamol vì loại thuốc này khá an toàn ở liều điều trị và phù hợp với cả trẻ em.
  • Kháng sinh: Trong trường hợp vết loét bị bội nhiễm, cần dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Loại kháng sinh được dùng phổ biến nhất là Cotrimoxazol. Thuốc được bào chế ở dạng bột, khi dùng hòa với nước cất và dùng tăm bông chấm lên vết loét 3 – 4 lần/ ngày. Trường hợp vết loét lớn cần phải dùng kháng sinh uống như Metronidazole, Spiramycin, Amoxicillin,…
  • Các loại thuốc khác: Đối với trường hợp nhiệt miệng tái phát thường xuyên hoặc vết loét bị bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm vitamin PP, vitamin C và vitamin B2. Các loại vitamin này có vai trò nâng cao hệ miễn dịch và đẩy nhanh tốc độ làm vết loét.

2. Các mẹo cải thiện triệu chứng

Những trường hợp nhiệt miệng nhẹ không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Thay vào đó, có thể cải thiện triệu chứng bằng một số biện pháp đơn giản như:

  • Súc miệng với nước nha đam: Nha đam chứa các hoạt chất có khả năng kháng virus và vi khuẩn mạnh như emodin, barbaloin, anthraquinon,… Do đó, có thể dùng nước nha đam súc miệng hằng ngày từ 2 – 3 lần để làm dịu vết loét và giảm đau. Nếu kiên trì thực hiện, vết loét sẽ liền lại chỉ sau 2 – 3 ngày.
  • Chườm lạnh: Trong trường hợp vết loét ở niêm mạc miệng gây sưng tấy và đau nhiều, có thể dùng viên đá lạnh đặt trực tiếp lên vết loét để giảm triệu chứng tạm thời. Nếu vết loét nằm gần chân răng, bạn có thể ngậm nước lạnh trong khoảng 15 giây để làm dịu vết loét thay vì đặt đá trực tiếp.
  • Mật ong: Mật ong có thể giảm sưng tấy và ngăn ngừa viêm nhiễm ở vết loét nhờ chứa hoạt chất hydrogen peroxide. Ngoài ra, trong mật ong còn có nhiều vitamin và khoáng chất giúp đẩy nhanh tốc độ lành thương. Để cải thiện nhiệt miệng, nên dùng mật ong thoa lên vết loét vài lần/ ngày và kiên trì thực hiện cho đến khi vết loét lành hẳn.

Các mẹo đơn giản này có thể giảm phần nào cảm giác đau rát, khó chịu do nhiệt miệng gây ra. Nếu vết loét nông và có kích thước nhỏ, bạn nên áp dụng mẹo tự nhiên thay vì sử dụng thuốc.

3. Chế độ chăm sóc

Về cơ bản, nhiệt miệng là bệnh tự giới hạn và có thể thuyên giảm hẳn sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu có chế độ chăm sóc hợp lý, vết loét sẽ lành nhanh hơn và các triệu chứng đau rát, khó chịu sẽ giảm đi rõ rệt.

biểu hiện của nhiệt miệng
Khi bị nhiệt miệng, nên dùng món ăn lỏng, nguội và ít gia vị để giảm đau rát

Chế độ chăm sóc giúp cải thiện tình trạng nhiệt miệng:

  • Vết loét có thể bị bội nhiễm bởi virus, nấm men và vi khuẩn có trong khoang miệng. Do đó, trong thời gian này bạn nên giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, nên dùng thêm chỉ nha khoa và súc miệng bằng dung dịch kháng khuẩn.
  • Vết loét ở niêm mạc miệng thường gây khó chịu và đau rát nhiều khi ăn uống. Để giảm triệu chứng, nên dùng các món ăn lỏng, nguội, mềm và ít gia vị. Có thể dùng thêm thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét.
  • Nghỉ ngơi hợp lý và tránh thức khuya, căng thẳng khi bị nhiệt miệng – nhất là với những trường hợp tái phát thường xuyên.
  • Hạn chế chạm lưỡi và tay vào vết loét. Thói quen này không chỉ gia tăng nguy cơ bội nhiễm mà còn khiến vết loét chậm lành hơn bình thường.
  • Ngưng sử dụng sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa natri lauryl sulfat (SLS) và tránh các loại thực phẩm bị dị ứng để vết loét nhanh lành.

Phòng ngừa nhiệt miệng tái phát

Nhiệt miệng là một trong những dạng viêm loét niêm mạc miệng dễ tái phát. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vết loét gây đau rát nhiều khi ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa, tình trạng tái đi tái lại còn khiến cơ thể suy nhược do ăn uống khó khăn.

điều trị nhiệt miệng
Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có thể phòng ngừa bệnh nhiệt miệng tái phát

Sau khi điều trị nhiệt miệng, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa công thức lành tính và an toàn. Hạn chế dùng nước súc miệng chứa SLS, hương liệu, cồn,…
  • Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng bao gồm đánh răng 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa, súc miệng và cạo lưỡi (1 – 2 lần/ tuần).
  • Không dùng thức ăn có tiền sử dị ứng và hạn chế các loại thực phẩm cứng, khô. Ngoài ra, nên thận trọng khi ăn nhai để tránh làm xước, rách niêm mạc miệng.
  • Thiếu vitamin B12, axit folic, kẽm,… có liên quan đến viêm loét niêm mạc miệng nói chung và loét áp tơ nói riêng. Do đó để phòng ngừa bệnh, bạn nên xây dựng chế độ ăn khoa học và có thể bổ sung vitamin, khoáng chất bằng viên uống nếu cần thiết.
  • Hệ miễn dịch suy giảm là điều kiện để nhiệt miệng tái phát. Vì vậy, nên kiểm soát những yếu tố thuận lợi như stress, thức khuya, suy nhược cơ thể,…
  • Trong trường hợp niềng răng, nên dùng sáp nha khoa để tránh mắc cài ma sát gây xước, loét niêm mạc miệng.
  • Khám nha khoa định kỳ và điều trị dứt điểm các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm quanh chân răng, viêm nha chu,…

Nhiệt miệng là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trong bài viết, bạn đã biết cách chăm sóc, điều trị và phòng ngừa bệnh lý này. Tuy nhiên, nếu vết loét lớn và tái phát nhiều lần, nên thăm khám để được tư vấn phương pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!