Nhiệt Miệng Và Sùi Mào Gà: Cách Phân Biệt Cho Mọi Người

Nhiệt miệng và sùi mào gà ở miệng có nhiều điểm tương đồng về triệu chứng nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên đây là hai tình trạng khác biệt. So với nhiệt miệng, sùi mào gà nguy hiểm hơn, do virus HPV lây truyền qua đường tình dục. Sùi mào gà không được điều trị sớm có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nhiệt miệng và sùi mào gà
Nhiệt miệng và sùi mào gà cần được phân biệt để có những biện pháp điều trị sớm và phù hợp

Nhiệt miệng và sùi mào gà là gì?

Để phân biệt nhiệt miệng và sùi mào gà, trước tiên bạn cần hiểu hơn về hai bệnh lý này.

1. Nhiệt miệng

Nhiệt miệng là một dạng viêm loét niêm mạc miệng phổ biến, còn được gọi là viêm loét áp tơ tái diễn hay loét áp tơ. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc miệng hoặc lưỡi hình thành những vết mụn nước. Chúng vỡ ra tạo thành vết loét nông, nhỏ, có bờ và gây đau đớn khó chịu.

Nguyên nhân gây nhiệt miệng chưa được xác định. Tuy nhiên bệnh thường gặp ở những người bị kích ứng, chấn thương vùng miệng, thiếu vi chất dinh dưỡng, bệnh lý nha khoa (như sâu răng, viêm tủy răng…).

Vết loét do nhiệt miệng gây đau rát khó chịu nhưng không nghiêm trọng. Nó có thể tự giảm và mất đi trong vòng 7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên nhiệt miệng thường tái phát nhiều lần.

Nhiệt miệng
Nhiệt miệng là những vết loét nông, nhỏ, phát triển từ những mụn nước vỡ, có bờ và gây đau đớn

2. Sùi mào gà

Sùi mào gà (tên khác: Mụn cóc sinh dục, hạt cơm sinh dục) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, do Human Papilloma virus (virus HPV) gây ra. Bệnh lây lan ở những người quan hệ tình dục không an toàn (sinh dục – miệng, sinh dục – sinh dục, hậu môn – sinh dục) và từ mẹ sang con.

Trong đó sùi mào gà ở miệng thường liên quan đến quan hệ tình dục bằng đường miệng, hôn môi hoặc dùng chung những vật trung gian.

Trong giai đoạn đầu bệnh không gây triệu chứng. Vì thế mà các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thường bị bỏ qua. Trong giai đoạn phát triển, sùi mào gà ở miệng gây ra những nốt sần (mụn cóc) trong miệng hoặc cổ họng.

Sùi mào gà là bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm, ung thư hầu họng và nhiều dạng ung thư khác.

Sùi mào gà
Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do Human Papilloma virus gây ra

Cách phân biệt nhiệt miệng và sùi mào gà

Nhiệt miệng và sùi mào gà cần được phân biệt để điều trị hiệu quả và tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Bệnh lý Nhiệt miệng Sùi mào gà
Nguyên nhân
  • Phản ứng dị ứng với một số loại vi khuẩn
  • Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
  • Chấn thương vùng miệng
  • Kích ứng
  • Các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm tủy răng…
Human Papilloma virus
Triệu chứng
  • Nổi mụn nước nhỏ, màu trắng hoặc vàng, hình tròn hoặc hình bầu dục ở niêm mạc miệng
  • Mụn nước vỡ tạo thành vết loét nông, cộm, lõm ở giữa và có bờ rõ rệt
  • Đau rát nhiều, đặc biệt là khi nói chuyện và ăn uống
  • Đỏ vùng niêm mạc xung quanh
  • Vết loét có thể nổi thành cụm hoặc đơn lẻ
  • Sốt cao và nổi hạch ở góc hàm ở trường hợp nặng
  • Vết loét hình thành trong khoảng 1 – 2 ngày.
  • Không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện sau khi nhiễm HPV từ 3 tuần đến 9 tháng.
  • Nổi các mảng sùi, sẩn trên bề mặt da, hình dáng tương tự như súp lơ
  • Mảng sùi màu nâu, màu da hoặc màu hồng. Xuất hiện ở miệng, hậu môn hoặc niêm mạc sinh dục.
Khả năng lây nhiễm Không lây nhiễm. Lây truyền từ mẹ sang con, quan hệ tình dục, hôn môi, dùng chung những vật trung gian.
Mức độ nghiêm trọng Không nguy hiểm. Có thể tự khỏi trong 7 ngày. Nguy hiểm, có thể phát triển thành ung thư.
Biến chứng
  • Chăm sóc không đúng cách có thể gây viêm cấp, khiến toàn bộ niêm mạc miệng sưng tấy, sốt và sưng hạch góc hàm.
  • Đau rát nhiều làm ảnh hưởng đến giao tiếp và ăn uống.
  • Virus phát triển gây tắc nghẽn niệu đạo, âm đạo, hậu môn
  • Bội nhiễm
  • Loạn sản
  • Ung thư. Trong đó sùi mào gà ở miệng làm tăng nguy cơ ung thư hầu họng, ung thư niêm mạc miệng.
Chẩn đoán
  • Kiểm tra lâm sàng
  • Những trường hợp có vết loét nặng được xét nghiệm để phân biệt với các bệnh lý khác. Cụ thể:
    • Viêm loét niêm mạc miệng do Herpes
    • Ung thư vùng miệng
    • Nhiễm HIV
    • Sùi mào gà
    • Thiếu bạch cầu trung tính có chu kỳ
    • Hội chứng Sweet
    • Hội chứng Magic
    • Hội chứng Reiter
  • Kiểm tra lâm sàng, kiểm tra trực tiếp những tổn thương
  • Xét nghiệm Papsmear
  • Xét nghiệm HPV

Phương pháp điều trị nhiệt miệng và sùi mào gà

Nhiệt miệng và các triệu chứng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên tình trạng này dễ tái phát và cần phòng ngừa. Ngược lại sùi mào gà cần được điều trị sớm để tránh phát triển các biến chứng.

1. Điều trị nhiệt miệng

Để giảm nhanh triệu chứng, thuốc và những biện pháp chăm sóc nên được áp dụng trong quá trình điều trị nhiệt miệng.

  • Thuốc

Thuốc trị nhiệt miệng thường được điều chế ở dạng kem bôi, chứa các hoạt chất có khả năng kháng viêm, thúc đẩy chữa lành vết loét. Dựa trên tình trạng cụ thể, nhiệt miệng có thể được điều trị bằng một trong những loại thuốc dưới đây:

    • Thuốc bôi chứa Nitrat bạc: Đây là một loại thuốc bôi trị nhiệt miệng được sử dụng phổ biến. Thuốc này có tác dụng làm dịu niêm mạc, sát trùng, giảm nhẹ cảm giác đau rát. Ngoài ra thuốc bôi chứa Nitrat bạc còn có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.
    • Thuốc gây tê: Trong điều trị nhiệt miệng, thuốc bôi gây tê (chứa Benzocaine hoặc Lidocaine) được sử dụng để giảm đau ở vùng niêm mạc. Thuốc có tác dụng phong bế thần kinh. Vì thế việc sử dụng có thể giúp giảm đau nhanh chóng.
    • Corticoid dạng bôi: Kem bôi chứa Triamcinolone acetonide hoặc một dạng Corticoid khác thường được dùng cho những trường hợp nặng. Thuốc có tác dụng ứng chế miễn dịch, giảm viêm và đau nhanh chóng.
    • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc Paracetamol: Nếu nhiệt miệng gây sốt, viêm sưng hoặc đau nhức nhiều, Paracetamol hoặc NSAID có thể được sử dụng. Paracetamol có tác dụng hạ sốt và giảm đau. NSAID có tác dụng trị viêm, giảm đau và ngăn kết tập tiểu cầu.
    • Kháng sinh: Ít khi kháng sinh được chỉ định trong điều trị nhiệt miệng. Thuốc chỉ phù hợp với những bệnh nhân bị bội nhiễm, loét miệng liên quan đến vi khuẩn. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động gây bệnh và diệt vi khuẩn. Trong điều trị nhiệt miệng, kháng sinh thường được dùng ở dạng kem bôi.
  • Biện pháp chăm sóc

Những cách trị nhiệt miệng tại nhà có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Cụ thể:

Dùng dầu dừa
Dầu dừa chứa acid lauric có khả năng kháng khuẩn, giảm sưng và làm dịu cảm giác đau rát do nhiệt miệng
    • Dùng dầu dừa: Dầu dừa chứa acid lauric tự nhiên giúp kháng khuẩn, giảm đau rát và sưng do vết loét. Ngoài ra nó còn có tác dụng làm dịu niêm mạc miệng, chống khô miệng và giúp vết loét lành lại nhanh chóng.
    • Súc miệng với nước muối: Nước muối có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau. Vì thế súc miệng với nước muối mỗi ngày có thể giúp giảm sưng và giảm cảm giác đau rát do vết loét. Ngoài ra biện pháp này còn có khả năng làm khô vết nhiệt miệng và thúc đẩy chữa lành tổn thương.
    • Chườm lạnh: Đặt viên đá lạnh lên vết loét vài phút có thể giúp giảm sưng tấy và đau hiệu quả.
    • Cách trị nhiệt miệng bằng mật ong: Mật ong chứa hydrogen peroxide có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, thúc đẩy chữa lành vết loét bằng cách cân bằng nồng độ pH trong khoang miệng. Ngoài ra mật ong còn giúp làm dịu niêm mạc miệng, giảm kích ứng, giảm sưng và đau. Khi dùng có thể thoa trực tiếp mật ong lên vết loét hoặc hòa mật ong với nước ấm và súc miệng.
    • Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp: Thường xuyên ăn sữa chua nếu nhiệt miệng liên quan đến vi khuẩn gây bệnh viêm ruột hoặc vi khuẩn HP. Hàm lượng lactobacillus trong sữa chua có thể giúp cân bằng hệ vi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Từ đó phòng ngừa và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét. Ngoài ra nên tăng cường bổ sung vitamin có trong rau củ, trái cây, hạt, đậu và những loại thực phẩm lành mạnh khác. Điều này giúp tăng khả năng kháng viêm, cải thiện sức khỏe và giảm sưng đau. Tránh ăn những loại thực phẩm chứa nhiều gia vị, cay nóng để không gây kích ứng.

2. Điều trị sùi mào gà

Sau khi xuất hiện những thương tổn, sùi mào gà cần được điều trị đúng cách. Các phương pháp điều trị có thể giúp ngăn ngừa phát triển các biến chứng (bội nhiễm, ung thư, tắc nghẽn), loại bỏ thương tổn và giảm nguy cơ lây nhiễm.

Đối với sùi mào gà ở miệng, các phương pháp điều trị thường bao gồm:

  • Thuốc bôi: Một số loại thuốc bôi Podophilox, Sinecatechins, kem Imiquimod… có thể giúp làm dịu những tổn thương trên niêm mạc, thúc đẩy quá trình chữa lành. Tuy nhiên thuốc cần được dùng dài hạn theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả.
  • Phẫu thuật lạnh: Đóng băng mụn cóc bằng cách sử dụng nitơ lỏng. Phương pháp này giúp giảm đau, giảm sưng viêm và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương.
  • Tiêm interferon alfa-2B (Intron A, Roferon-A): Trong nhiều trường hợp, thuốc interferon alfa-2B (Intron A, Roferon-A) được chỉ định để điều trị nhiễm virus, khắc phục chứng sùi mào gà.
Dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ để điều trị những tổn thương do sùi mào gà
Sử dụng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ để điều trị những tổn thương do sùi mào gà

Trong quá trình điều trị sùi mào gà, các phương pháp cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Quá trình điều trị nên diễn ra cho đến khi hoàn toàn không thấy tổn thương mới. Người bệnh cần tái khám thường xuyên để theo dõi, đánh giá quá trình điều trị và kịp thời áp dụng những biện pháp xử lý khi cần thiết.

Nhiệt miệng và sùi mào gà cần được phân biệt để có những phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời. So với nhiệt miệng, sùi mào gà khó điều trị, nguy hiểm, có khả năng gây biến chứng bội nhiễm và ung thư. Chính vì thế người bệnh cần thăm khám nếu vết loét miệng lớn, nặng, xuất hiện kéo dài trên 10 ngày và không thuyên giảm.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!