Viêm lợi mãn tính là bệnh nha khoa khá phổ biến, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh lý này có mức độ không quá nghiêm trọng nhưng nếu chủ quan, tình trạng viêm nhiễm nướu có thể chuyển biến nặng dẫn đến nhiều biến chứng như viêm nha chu, viêm lợi loét hoại tử cấp,…
Viêm lợi mãn tính là gì?
Viêm lợi mãn tính là tình trạng mô lợi bị viêm nhiễm, phù nề dai dẳng và kéo dài. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân trực tiếp gây viêm lợi mãn tính là do sự tích tụ của mảng bám và cao răng. Điều này tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh gây viêm đỏ, phù nề và sưng đau mô nướu.
Nếu không điều trị sớm, viêm lợi mãn tính có thể chuyển biến nặng thành viêm nha chu, tăng nguy cơ bị viêm lợi loét hoại tử cấp và nhiều bệnh nha khoa khác. Trên thực tế, bệnh lý này hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm và phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt nên rất nhiều trường hợp chậm trễ trong việc phát hiện khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều vấn đề nha khoa nghiêm trọng.
Dấu hiệu nhận biết viêm lợi mãn tính
Lợi (nướu) là mô mềm có màu hồng nhạt bao xung quanh răng với chức năng chính là ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn vào răng, nha chu và cố định răng trên cung hàm. Tuy nhiên khi bị viêm lợi, mô nướu sẽ có sự thay đổi về màu sắc.
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm lợi mãn tính:
- Mô lợi có màu đỏ thẫm hoặc đỏ tím do viêm nhiễm lâu ngày
- Quan sát thấy cao răng tích tụ nhiều ở chân răng và kẽ răng
- Nướu đau nhức nhẹ, mức độ cơn đau tăng lên khi ăn uống – nhất là với thực phẩm khô cứng, mặn và chứa nhiều gia vị
- Nướu nhạy cảm, sưng viêm, phù nề và dễ chảy máu
- Theo thời gian, mô nướu có xu hướng tụt khiến chân răng lộ ra gây cảm giác ê buốt khi ăn đồ lạnh, nóng và chua
- Viêm lợi mãn tính còn có thể gây hôi miệng dai dẳng, kéo dài
Các triệu chứng của bệnh viêm lợi mãn tính tương đối mờ nhạt. Do đó, rất nhiều người không phát hiện bệnh sớm khiến mô quanh chân răng bị tổn thương nặng dần theo thời gian dẫn đến biến chứng răng lung lay, lỏng lẻo và thậm chí là mất răng vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi mãn tính
Tương tự như viêm lợi thông thường, viêm lợi mãn tính cũng khởi nguồn từ sự tích tụ mảng bám và cao răng. Mảng bám là mảng không màu bám chặt trên kẽ răng, cao răng với cấu tạo chính là carbohydrate và vi khuẩn. Mảng bám thường xuất hiện sau khi ăn – nhất là các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột. Đây là lý do vì sao các bác sĩ Răng hàm mặt thường khuyến khích đánh răng sau bữa ăn để ngăn ngừa các bệnh nha khoa.
Nếu không làm sạch mảng bám hoàn toàn, vi khuẩn sẽ khoáng hóa mảng bám thành cao răng (vôi răng). Cao răng có kết cấu cứng chắc, bám chặt vào răng và không thể làm sạch bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà. Theo thời gian, vi khuẩn gia tăng số lượng và phát triển mạnh vào cao răng. Độc tố từ vi khuẩn và sự kích thích của cao răng tích tụ ở chân răng chính là nguyên nhân trực tiếp gây viêm lợi mãn tính.
Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây bệnh viêm lợi mãn tính:
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém là điều kiện thuận lợi để mảng bám tích tụ gây khoáng hóa tạo thành cao răng. Đây là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ bị viêm lợi mãn tính và hàng loạt các bệnh lý nha khoa khác.
- Cao tuổi: Thực tế cho thấy, người cao tuổi có nguy cơ mắc phải các bệnh lý nha khoa cao hơn trẻ em và người trẻ tuổi. Khi tuổi tác tăng cao, hệ miễn dịch và khả năng bài tiết nước bọt sẽ giảm đi đáng kể. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh gây tổn thương nướu và các cơ quan xung quanh chân răng.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch suy giảm là nguyên nhân gây viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu,… Khi sức đề kháng kém, vi khuẩn trong khoang miệng có thể dễ dàng phát triển gây viêm nhiễm mô lợi, xương ổ răng, cement và dây chằng nha chu. Do đó, viêm lợi mãn tính thường gặp ở người có hệ miễn dịch suy yếu như suy nhược cơ thể, stress kéo dài, tiểu đường, nhiễm HIV.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn tác động xấu đến sức khỏe răng miệng. Nghiên cứu cho thấy, nicotine trong khói thuốc khiến tuần hoàn máu ở khoang miệng và khả năng bài tiết nước bọt giảm đi đáng kể. Tình trạng này tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh gây viêm nhiễm mô lợi mãn tính.
- Các yếu tố khác: Ngoài ra, nguy cơ bị viêm lợi mãn tính cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố khác như mắc chứng khô miệng, sử dụng một số loại thuốc gây khô miệng, thay đổi nội tiết tố do mang thai, hành kinh, sử dụng thuốc tránh thai, hậu quả do thực hiện các kỹ thuật nha khoa ở những phòng khám nha khoa kém chất lượng,…
Viêm lợi mãn tính có nguy hiểm không?
Viêm lợi mãn tính là bệnh nha khoa thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi cao răng, mảng bám tích tụ lâu ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng. Viêm lợi mãn tính thường chỉ gây đau nhức nhẹ kèm theo sưng mô nướu, chảy máu, nhạy cảm,… nên ít khi được chú ý phát hiện và điều trị trong giai đoạn sớm.
Nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển dai dẳng, tạo điều kiện để vi khuẩn lây lan đến các mô xung quanh răng như dây chằng nha chu, cement, xương ổ răng,… Trong trường hợp không được kiểm soát sớm, bệnh viêm lợi mãn tính có thể gây ra một số biến chứng như:
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là tình trạng nhiễm khuẩn tổ chức nâng đỡ răng bao gồm nướu răng, cement, dây chằng nha chu và xương ổ răng. Bệnh lý này thường tiến triển từ viêm lợi (viêm nướu răng) không được điều trị sớm. Khác với viêm lợi mãn tính, viêm nha chu là bệnh nha khoa có mức độ nặng. Theo số liệu thống kê, bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng vĩnh viễn.
- Viêm lợi loét hoại tử cấp (ANUG): Viêm lợi loét hoại tử cấp (ANUG) là tình trạng mô lợi bị loét và hoại tử do vi khuẩn xâm nhập. Bệnh lý này thường gặp ở người bị stress kéo dài, tiểu đường, nhiễm HIV và người có sẵn các bệnh lý ở nha chu như viêm lợi mãn tính, viêm nha chu mãn tính. Vì vậy nếu không điều trị sớm bệnh viêm lợi, nguy cơ mắc hội chứng viêm lợi loét hoại tử cấp sẽ tăng lên đáng kể.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Theo thời gian, viêm lợi mãn tính sẽ chuyển biến nặng khiến chân răng lung lay, lỏng lẻo, dễ đau nhức và chảy máu. Các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, tình trạng viêm lợi kéo dài còn gây hôi miệng, men răng ngả màu,…
Viêm lợi mãn tính là bệnh nha khoa phổ biến, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Nếu được chăm sóc và điều trị tốt, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh chuyển biến nặng dẫn đến nhiều biến chứng và tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Cách điều trị bệnh viêm lợi mãn tính
Viêm lợi mãn tính có thể được chữa trị dứt điểm nếu thăm khám và can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời. Sau khi khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh lý, chụp X-Quang và xét nghiệm máu (nghi ngờ nhiễm HIV, tiểu đường,…), bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và xác định được nguyên nhân gây bệnh. Qua đó có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp nhất.
Các biện pháp điều trị bệnh viêm lợi mãn tính hiệu quả bao gồm:
1. Cạo vôi răng + xử lý gốc răng
Khởi nguồn của bệnh viêm lợi mãn tính là do sự tích tụ của mảng bám và cao răng. Theo thời gian cao răng kích thích mô nướu khiến cơ quan này viêm đỏ, sưng đau và dễ chảy máu. Vì vậy, điều trị ưu tiên đối với bệnh viêm lợi mãn tính là cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng.
Mục tiêu của các phương pháp này là làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hình thành cao răng ở gốc răng. Từ đó loại bỏ vi khuẩn có hại và giúp mô nướu phục hồi, tái tạo hoàn toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần để ngăn sự phát triển quá mức của hại khuẩn trong khoang miệng. Thói quen này có thể phòng ngừa viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
2. Sử dụng thuốc điều trị viêm lợi mãn tính
Ngoài cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm một số loại thuốc để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm ở mô nướu. Tùy theo mức độ viêm nhiễm, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các loại thuốc sau:
- Kháng sinh dạng bôi: Kháng sinh dạng bôi được sử dụng trực tiếp lên mô nướu bị viêm nhiễm để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn không cho vi khuẩn phát triển gây tổn thương nướu và các tổ chức bao xung quanh răng. Đối với những trường hợp viêm lợi nặng, bác sĩ có thể cân nhắc dùng kháng sinh dạng uống.
- Thuốc chấm gây tê: Để giảm đau, bạn có thể dùng các loại thuốc chấm chứa hoạt chất gây tê như Lidocaine và Benzocaine. Các hoạt chất này có hiệu quả phong bế thần kinh, từ đó giảm thụ cảm tín hiệu đau và não bộ. Thuốc chấm gây tê được sử dụng để giảm đau nhức tại vùng nướu bị sưng viêm và chảy máu.
- Dung dịch súc miệng sát khuẩn: Dung dịch súc miệng sát khuẩn thường chứa Zinc gluconate, Chlorine Dioxide, Hexetidine, Chlorhexidine,… Các dung dịch này được sử dụng 2 lần/ ngày trong ít nhất 3 – 4 tuần khi điều trị viêm lợi mãn tính. Tác dụng chính của dung dịch sát khuẩn là loại bỏ vi khuẩn có hại tích tụ trong mô nướu, ngăn ngừa hình thành mảng bám và giúp nướu răng phục hồi hoàn toàn.
Sử dụng thuốc là biện pháp hỗ trợ bên cạnh cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng. Vì vậy, bạn cần đến phòng khám để được làm sạch cao răng chuyên nghiệp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để cải thiện triệu chứng vì có thể che lấp các triệu chứng của bệnh khiến viêm lợi tiến triển âm thầm dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
3. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể kiểm soát và phòng ngừa bệnh viêm lợi mãn tính hiệu quả. Ngoài các phương pháp y tế được bác sĩ chỉ định, bạn cần xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng khoa học để mô nướu phục hồi hoàn toàn và kiểm soát nồng độ vi khuẩn bên trong khoang miệng.
Các biện pháp chăm sóc răng miệng giúp cải thiện tình trạng viêm lợi mãn tính:
- Sử dụng bàn chải có kích thước vừa phải, lông chải mềm, mảnh để làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hình thành cao răng. Cần đảm bảo chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày và sử dụng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám tích tụ ở kẽ răng.
- Dùng các loại nước súc miệng có đặc tính sát khuẩn hoặc có thể súc miệng với nước muối 2 lần/ ngày. Khoảng 2 – 3 tháng, bạn nên dùng các loại nước súc miệng chứa hoạt chất Hexetidine và Chlorhexidin để phòng ngừa các bệnh liên quan đến mô nướu và men răng.
- Cân nhắc sử dụng máy tăm nước và bàn chải điện nếu muốn tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng.
- Thay bàn chải đánh răng 2 – 3 tháng/ lần hoặc thay bất cứ khi nào lông chải bị sờn.
- Uống nhiều nước và tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây để kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Ngoài tác dụng hỗ trợ phân giải chất dinh dưỡng trong thực phẩm, nước bọt còn có tác dụng trung hòa axit, tái khoáng men răng và kiểm soát sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong khoang miệng.
- Fluor là khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Vì vậy, bạn nên bổ sung fluor bằng cách dùng kem đánh răng và nước súc miệng chứa thành phần này định kỳ 3 tháng/ lần để đảm bảo hiệu quả.
- Tăng cường sức khỏe răng miệng bằng các loại thực phẩm giàu canxi và khoáng chất như trứng, cá, hàu, nghêu, tôm, cua, các loại đậu, hạt,… Khoáng chất giúp răng chắc khỏe và tăng độ bám của mô nướu đối với chân răng.
- Trong thời gian điều trị viêm lợi mãn tính, nên tránh dùng thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường và axit. Ngoài ra, nên hạn chế thực phẩm cứng, khô và đồ uống chứa cồn.
Phòng ngừa bệnh viêm lợi mãn tính
Viêm lợi mãn tính là bệnh nha khoa không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh lý này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều vấn đề răng miệng như viêm nha chu, viêm tủy răng, viêm lợi loét hoại tử cấp,… Vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm lợi mãn tính:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng với nước muối và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
- Nếu dùng bữa ăn ở ngoài và không có điều kiện để chải răng sau khi ăn, bạn có thể làm sạch răng miệng bằng cách súc miệng với nước sạch, dùng chỉ nha khoa và nhai kẹo cao su không đường. Hoặc có thể dùng một số loại thực phẩm có khả năng làm sạch mảng bám tự nhiên như táo, sữa chua, mía,…
- Trong trường hợp có răng mọc lệc, mọc ngầm, cần thăm khám và xử lý sớm. Bởi răng có những điều kiện này rất dễ hình thành cao răng dẫn đến viêm lợi trùm và viêm lợi mãn tính.
- Chú ý vệ sinh răng miệng khi niềng răng bởi hệ thống mắc cài có thể khiến thức ăn bám dính vào tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần và khám răng miệng ít nhất 1 lần/ năm để được kiểm tra, phát hiện và xử lý sớm các bệnh nha khoa tiềm ẩn.
- Cung cấp khoáng chất và vitamin để cải thiện sức khỏe răng miệng.
- Thay đổi các thói quen tác động xấu đến răng, mô nướu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dùng món ăn quá nóng, quá lạnh, nghiến răng, dùng răng cắn, xé các vật cứng,…
- Người có nguy cơ cao bị viêm lợi mãn tính như bệnh nhân tiểu đường, nhiễm HIV/ AIDS, mang thai,… cần chú ý vệ sinh răng miệng và xây dựng lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Viêm lợi mãn tính là bệnh nha khoa khá phổ biến. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh lý này sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong một thời gian ngắn. Ngoài ra sau khi điều trị, bạn cũng nên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để phòng ngừa bệnh tái phát và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa khác.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm lợi (viêm nướu răng): Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Viêm Lợi Sau Khi Bọc Răng Sứ Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Viêm Lợi Trùm Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị An Toàn
10 Cách Chữa Viêm Lợi Tại Nhà Đơn Giản, Hiệu Quả Nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!