Sâu răng ăn vào tủy không được điều trị có thể gây hoại tử tủy (chết tủy), áp xe quanh chóp răng, polyp tủy và nhiều biến chứng nặng nề khác. Đối với tình trạng này, bác sĩ sẽ xem xét điều trị nội nha, trám bít hố rãnh và sử dụng thuốc trong một số trường hợp cần thiết.
Nhận biết tình trạng sâu răng ăn vào tủy
Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh lý này thực chất là một dạng nhiễm khuẩn của răng, đặc trưng bởi tình trạng mất các mô cứng ở men răng và ngà răng. Sâu răng phát triển qua 2 giai đoạn là sâu men và sâu ngà.
Nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây viêm nhiễm tủy răng (cơ quan nằm trong cùng của răng). Sâu răng ăn vào tủy là tình trạng tủy răng đã bị hư hại, phá hủy do sâu răng không được thăm khám và khắc phục kịp thời.
Tủy răng là cơ quan tập hợp nhiều mạch máu và dây thần kinh. Do đó khi sâu răng ăn vào tủy, răng sẽ bị đau nhức, ê buốt dữ dội. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, tủy răng có thể bị hoại tử (chết tủy) khiến răng mất hoàn toàn khả năng thụ cảm.
Để phát hiện và điều trị sớm sâu răng ăn vào tủy, bạn có thể nhận biết tình trạng qua một số dấu hiệu như:
- Khi vi khuẩn vừa mới tấn công vào tủy răng, răng sẽ bùng phát tình trạng đau nhức – nhất là khi dùng các món ăn nóng, lạnh và chua.
- Theo thời gian, cơn đau tăng dần cả về mức độ và tần suất. Đau buốt kéo dài ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và giấc ngủ.
- Cơn đau có thể gia tăng mức độ khi dùng đồ nóng lạnh, thức ăn khô, cứng, khó nhai,…
- Tình trạng đau nhức làm gián đoạn hoạt động ăn uống, gây chán ăn, ăn uống kém, sụt cân, suy nhược,…
- Sâu răng ăn vào tủy thường xuất hiện lỗ sâu lớn ở bề mặt răng kèm theo hôi miệng
- Nếu không điều trị sớm, tủy răng sẽ bị hoại tử (chết tủy). Lúc này, vị trí răng bị sâu hoàn toàn không có bất kỳ cảm giác gì do tủy răng đã bị hư hại nặng. Tuy nhiên, sâu răng vẫn sẽ tiếp tục phát triển khiến răng hư hại, gãy và vỡ nặng nề
Sâu răng ăn vào tủy có nguy hiểm không?
Sâu răng ăn vào tủy là tình trạng sâu răng giai đoạn nặng do thói quen chủ quan không thăm khám và điều trị sớm. Khác với men răng và ngà răng, tủy là cơ quan có kết cấu mềm, bao gồm tập hợp các dây thần kinh và mạch máu. Do đó, vi khuẩn sẽ dễ dàng tấn công và gây hoại tử tủy nếu không được điều trị sớm.
Các biến chứng có thể gặp phải nếu sâu răng ăn vào tủy không được điều trị sớm:
- Chết tủy (Hoại tử tủy): Chết tủy là tình trạng tủy răng bị phá hủy nặng nề. Lúc này, tủy răng mất hẳn các chức năng vốn có như dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng ngà răng. Hoại tử tủy khiến răng trở nên giòn, dễ tổn thương và có tuổi thọ ngắn hơn so với các răng khác.
- Viêm tủy triển dưỡng (polyp tủy): Sâu răng ăn vào tủy không được điều trị cũng có thể gây polyp tủy – tình trạng khoang tủy xuất hiện khối mô mềm màu hồng nhạt, không đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên, polyp tủy gây khó khăn khi ăn uống và có thể phá hủy cấu trúc răng nếu không được khắc phục sớm.
- Áp xe quanh chóp răng: Sau khi xâm nhập vào khoang tủy, vi khuẩn có thể di chuyển đến phần chóp răng (chân răng) và gây viêm nhiễm tại đây. Áp xe quanh chóp răng là tình trạng chân răng bị nhiễm trùng và hình thành túi mủ. Tình trạng này không chỉ gây đau nhiều mà còn có thể phá hủy chân răng dẫn đến mất răng vĩnh viễn.
Ngoài những ảnh hưởng trên, sâu răng vào tủy còn tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng như đau nhức, ê buốt, hôi miệng,… gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống – đặc biệt là với những người làm công việc phải tiếp xúc và gặp gỡ thường xuyên.
Cách điều trị răng sâu vào tủy hiệu quả
Răng sâu vào tủy là giai đoạn nặng của bệnh sâu răng. Do đó nếu nghi ngờ mắc phải bệnh lý này, bạn nên tiến hành thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán như khám lâm sàng, chụp X-Quang,… bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương răng và xem xét chỉ định một trong những phương pháp điều trị sau:
1. Lấy tủy răng (điều trị nội nha)
Điều trị nội nha (lấy tủy răng) là phương pháp chính trong điều trị sâu răng ăn vào tủy. Lấy tủy răng được thực hiện bằng cách mở ống tủy, loại bỏ phần tủy bị viêm nhiễm và bơm rửa nhiều lần với nước sạch để chắc chắn không bị sót tủy. Sau đó, bác sĩ sẽ sát khuẩn và làm khô buồng tủy trước khi trám bít bằng vật liệu nhân tạo.
Sau khi loại bỏ phần tủy bị viêm nhiễm, các triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên, vì tủy răng đã bị loại bỏ nên răng sẽ có xu hướng giòn và ngả màu theo thời gian. Do đó nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ để bảo vệ cùi răng thật và kéo dài tuổi thọ của răng.
2. Trám bít lỗ sâu
Để phòng ngừa sâu răng tái phát, bác sĩ sẽ nạo bỏ phần ngà bị viêm nhiễm và tiến hành sát khuẩn. Kế tiếp sử dụng vật liệu nhân tạo để trám bít lỗ sâu ngăn không cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào bên trong cấu trúc răng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định trám dự phòng ở mặt nhai và cổ chân răng đối với những răng có nguy cơ bị sâu cao như răng hàm, răng cửa – đặc biệt là ở người bị chứng khô miệng, hệ miễn dịch kém và người bị tiểu đường. Trám răng dự phòng hoàn toàn có thể giảm sự hình thành mảng bám và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.
3. Dùng thuốc
Ngoài điều trị nội nha và trám bít lỗ sâu, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc. Mục tiêu của sử dụng thuốc là kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng đau nhức và tăng cường men răng để hạn chế nguy cơ sâu răng tái phát.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị sâu răng ăn vào tủy:
- Dung dịch súc miệng: Khi điều trị sâu răng ăn vào tủy, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại dung dịch súc miệng chứa hoạt chất Hexetidine và Chlorhexidine. Các dung dịch này được sử dụng 2 lần/ ngày sau khi chải răng để làm sạch hại khuẩn trong khoang miệng và ngăn ngừa sâu răng tái phát hiệu quả.
- Kháng sinh: Kháng sinh thường được dùng trước khi điều trị nội nha nếu tình trạng viêm diễn tiến cấp tính gây sưng viêm và đau nhức nhiều. Thuốc thường được dùng từ 5 – 7 ngày. Sau khi tình trạng viêm được kiểm soát, bác sĩ sẽ can thiệp các phương pháp chuyên sâu như lấy tủy răng và trám bít hố rãnh.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Nếu sâu răng vào tủy gây đau nhức nhiều, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc giảm đau, chống viêm như Paracetamol, Lysozym, NSAID, Prednisolon, Dexamethason,… Các loại thuốc này thường được dùng trong thời gian ngắn để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ phát sinh.
- Các sản phẩm bổ sung fluor: Fluor là khoáng chất giúp đẩy nhanh tốc độ tái khoáng men răng, bù lấp các lỗ sâu li ti và tăng cường sức khỏe mô nướu. Fluor thường có trong gel bôi nướu, kem đánh răng và nước súc miệng. Ngay cả khi sâu răng được kiểm soát, bạn vẫn nên sử dụng các sản phẩm này định kỳ 2 – 3 tháng/ lần để phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp.
Phòng ngừa sâu răng ăn vào tủy
Sâu răng ăn vào tủy là tình trạng sâu răng nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Như đã đề cập, tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những trường hợp chủ quan, không thăm khám và điều trị sâu răng sớm. Vì vậy, bạn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng một số biện pháp đơn giản như:
- Chủ động thăm khám và điều trị sâu răng ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường (bề mặt răng xuất hiện lỗ sâu, răng ê buốt, đau nhức,…). Nếu khắc phục từ giai đoạn sâu men, bạn có thể phòng ngừa các biến chứng như sâu ngà, sâu răng ăn vào tủy, áp xe chân răng, viêm tủy răng.
- Nếu sâu răng tái phát nhiều, nên áp dụng liệu pháp fluor 2 – 3 tháng/ lần, lấy cao răng định 6 tháng/ lần và trám dự phòng mặt nhai, các kẽ răng có nguy cơ bị sâu cao.
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng là cách phòng ngừa sâu răng ăn vào tủy hiệu quả. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, bạn nên dùng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để tăng hiệu quả làm sạch.
- Hạn chế món ăn chứa nhiều đường như socola, bánh kẹo, nước ngọt có gas,… Tránh dùng rượu bia và đồ uống chứa nhiều axit. Thói quen ăn uống không phù hợp cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
- Người mắc bệnh tiểu đường, mang thai,… có hệ miễn dịch kém nên nguy cơ mắc các bệnh nha khoa sẽ tăng lên đáng kể. Trong trường hợp này, nên kết hợp các biện pháp vệ sinh răng miệng và tổ chức lại lối sống để nâng cao sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Sâu răng ăn vào tủy có thể gây chết tủy, áp xe răng, mất răng và nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, nên chủ động thăm khám và chữa trị sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Hầu hết các trường hợp khắc phục kịp thời đều có đáp ứng tốt, ít khi gặp phải biến chứng và ảnh hưởng nặng nề.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Tìm hiểu cách điều trị sâu ngà răng phục hồi bằng Eugenate
Con Sâu Răng Có Thật Không? Thông Tin Hữu Ích Nên Biết
Top 10 Cách Trị Sâu Răng Cho Bà Bầu An Toàn, Hiệu Quả
Sâu răng có lây không? Có di truyền không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!