Phụ huynh nên áp dụng một số cách điều trị sún răng cho trẻ để giúp con trẻ thoải mái hơn khi ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, điều trị đúng cách còn ngăn ngừa sún răng tiến triển nặng và bảo vệ mầm răng vĩnh viễn.
5 Cách điều trị sún răng cho trẻ an toàn
Sún răng là một trong những bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ bên cạnh hội chứng sâu răng do bú bình. Sún răng đặc trưng bởi tình trạng răng bị mủn và tiêu dần theo thời gian dẫn đến hiện tượng giảm thể tích và thay đổi hình dáng. Khi răng bị phá hủy hoàn toàn, bờ lợi chỉ còn lại phần chân răng có màu đen và kết cấu cứng chắc.
Sún răng ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ từ 1 – 3 tuổi. Bệnh lý này không gây ê buốt, đau nhức và khó chịu, đồng thời không ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn và hiếm khi phát sinh các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, tình trạng giảm thể tích khiến răng gặp khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt. Trẻ bị sún răng còn có tâm lý e ngại khi giao tiếp và vui chơi cùng với bạn bè.
Bệnh sún răng không ảnh hưởng nhiều đến răng miệng của bé. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc và điều trị để giúp bé thoải mái hơn khi ăn uống. Ngoài ra, chăm sóc hợp lý còn giúp bảo vệ mầm răng vĩnh viễn và hạn chế những bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ em như sâu răng, viêm lợi (viêm nướu răng),…
Dưới đây là một số cách điều trị sún răng cho trẻ an toàn phụ huynh có thể áp dụng:
1. Chải răng đều đặn 2 lần/ ngày – Cách điều trị sún răng cho trẻ an toàn
Khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa, mẹ nên vệ sinh răng miệng cho trẻ sau khi ăn và bú sữa. Đối với trẻ còn quá nhỏ, mẹ có thể dùng khăn mềm thấm nước, sau đó vắt nhẹ và dùng để làm sạch mảng bám ở thân răng. Khi trẻ đủ 1.5 – 2 tuổi, phụ huynh nên bắt đầu chải răng cho bé bằng nước sạch.
Răng và nướu của trẻ còn khá nhạy cảm. Do đó, nên lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm và mảnh để làm sạch thức ăn bên trong các kẽ, mảng bám ở mặt nhai và thân răng. Khi trẻ được 3 tuổi, có thể dùng các loại kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé để tăng hiệu quả làm sạch.
2. Súc miệng với nước muối pha loãng
Ngoài đánh răng 2 lần/ ngày, phụ huynh cũng cần cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng. Hầu hết các loại nước súc miệng đều dùng cho trẻ trên 3 tuổi. Vì vậy đối với trẻ từ 1 – 3 tuổi bị sún răng, mẹ nên pha loãng muối biển với nước ấm và hướng dẫn trẻ dùng để ngậm, súc miệng sau mỗi lần chải răng.
Nước muối pha loãng có đặc tính sát trùng và chống viêm. Cho trẻ súc miệng với nước muối từ 2 – 3 lần/ ngày có thể làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng và hỗ trợ điều trị bệnh sún răng. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm thiểu nguy cơ bị viêm lợi và sâu răng ở trẻ em.
3. Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Sún răng là bệnh lý phổ biến ở trẻ em nhưng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, trẻ chán ăn, suy dinh dưỡng có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.
Chính vì vậy, mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho bé. Nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, C, magie, kẽm,… để cải thiện độ chắc khỏe của men răng và mô nướu. Khi bị sún răng, trẻ sẽ gặp khó khăn khi ăn nhai. Do đó, mẹ nên chế biến các món ăn mềm, lỏng để trẻ có thể dễ dàng khi ăn uống.
4. Thay đổi một số thói quen xấu ở trẻ
Ngoài những cách điều trị sún răng cho trẻ trên, phụ huynh nên xác định những thói quen xấu ở con trẻ và hướng dẫn trẻ cách cải thiện. Bởi duy trì các thói quen xấu trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa và ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn.
Nên thay đổi một số thói quen xấu của trẻ như:
- Nếu nhận thấy trẻ nghiến răng khi ngủ, mẹ nên thực hiện các biện pháp giúp trẻ thư giãn như tắm nước ấm, xoa bóp với tinh dầu, vui chơi ngoài trời,… Bên cạnh đó, nên nói chuyện với trẻ để hiểu rõ cảm xúc của bé bởi đây là giai đoạn trẻ bắt đầu nhận thức về các sự vật và sự việc xung quanh.
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi thường có thói quen mút tay. Thói quen này không chỉ vô tình đưa vi khuẩn vào bên trong cổ họng mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa. Vì vậy, mẹ nên dặn dò và giám sát để thay đổi dần thói quen này ở con trẻ.
- Hạn chế lượng đường trong chế độ ăn của bé. Sử dụng quá nhiều đường làm tăng hình thành mảng bám ở răng, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng và nhiều bệnh nha khoa khác.
- Nếu nhận thấy trẻ thở bằng miệng khi ngủ, nên đổi tư thế ngủ và cho bé mặc trang phục thoáng mát. Thở bằng miệng khiến khoang miệng bị khô và giảm tiết nước bọt. Tình trạng này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây tổn thương mô nướu và răng.
- Không cho trẻ bú bình khi nằm và nên cho trẻ dùng ly ngay khi trẻ đủ 1 tuổi. Thói quen bú bình có thể gây tích tụ đường trong sữa ở kẽ và mặt răng dẫn đến tăng nguy cơ sâu răng.
5. Tìm gặp nha sĩ khi cần thiết
Trên thực tế, sún răng ở trẻ em là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ, không ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn và hoàn toàn không gây đau nhức, ê buốt. Nếu chăm sóc đúng cách, mẹ có thể giữ gìn sức khỏe răng miệng cho bé và hạn chế những vấn đề nha khoa bùng phát.
Khi đến tuổi thay răng, phần chân răng bị đen sẽ rụng và mọc răng vĩnh viễn. Tuyệt đối không nhổ bỏ răng bị sún khiến mầm răng vĩnh viễn bị hư hại, răng mọc lệch, mọc ngầm hoặc thậm chí là không mọc răng.
Nếu nhận thấy trẻ bị đau nhức, khó chịu khi ăn uống, lợi sưng đỏ và rỉ dịch, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng răng miệng của trẻ, sau đó xem xét hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và khắc phục phù hợp.
Bài viết đã tổng hợp 5 cách điều trị sún răng cho trẻ an toàn, hiệu quả. Phụ huynh cần tránh tự ý áp dụng các mẹo chữa dân gian từ các loại lá cây và không tùy tiện nhổ răng của bé. Nếu muốn can thiệp bất cứ phương pháp điều trị nào, bắt buộc phải tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh rủi ro và biến chứng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Các Giai Đoạn Phát Triển Của Sâu Răng: Cách xác định và điều trị
Lấy tủy răng sữa ở trẻ có ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn không?
Top 10 Cách Trị Sâu Răng Tại Nhà An Toàn Và Hữu Hiệu
Trẻ Bị Sâu Răng Vào Tuỷ Là Do Đâu? Cách Điều Trị Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!