Xiết ăn răng ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị an toàn

Xiết ăn răng ở trẻ em thực chất là tên gọi khác của bệnh sâu răng. Bệnh lý này gặp nhiều ở trẻ nhỏ do cấu trúc răng chưa phát triển hoàn chỉnh, chế độ ăn nhiều đường, chưa biết cách vệ sinh răng miệng,… Phụ huynh cần có biện pháp chăm sóc và điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của bé.

Xiết ăn răng ở trẻ em
Xiết ăn răng là bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ em

Xiết ăn răng ở trẻ em là bệnh gì? Nguy hiểm không?

Xiết ăn răng là tên gọi khác của bệnh sâu răng – một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp nhất. Xiết ăn răng là tình trạng hại khuẩn Streptococcus mutans phát triển mạnh, sản xuất nhiều axit gây mất các mô cứng ở men răng và ngà răng.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là tình trạng răng ngả màu, xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu hoặc đen. Nếu không điều trị sớm, xiết ăn răng sẽ tiến triển vào phần ngà răng dẫn đến cảm giác đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Ở những trường hợp nặng, trẻ còn có thể bị đau răng tự phát vào ban đêm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.

Xiết ăn răng rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh sún răng ở trẻ em. Tuy nhiên, sún răng chỉ gây ra tổn thương thực thể, hoàn toàn không gây đau nhức, ê buốt hay khó chịu. Sún răng cũng không ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn. Trong khi đó, xiết ăn răng có thể gây viêm, hoại tử tủy răng và tác động không nhỏ đến mầm răng bên dưới nếu không được điều trị sớm.

Chính vì vậy, phụ huynh cần chủ động điều trị và chăm sóc răng miệng cho bé để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh xiết ăn răng. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến răng miệng và chất lượng cuộc sống của bé. Về lâu dài, trẻ có thể gặp phải tình trạng ăn uống kém, chán ăn, sụt cân, chậm lớn và giảm khả năng tiếp thu do răng đau nhức nhiều.

Nguyên nhân gây bệnh xiết ăn răng ở trẻ em

Xiết ăn răng ở trẻ em có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:

cách trị xiết ăn răng cho bé
Chế độ ăn nhiều đường là yếu tố làm tăng nguy cơ xiết ăn răng ở trẻ nhỏ
  • Thiểu sản men răng bẩm sinh: Thiểu sản men răng là tình trạng thiếu hụt số lượng men răng do bất thường trong quá trình hình thành lớp men. Tình trạng này khiến cho lớp men bên ngoài suy yếu và dễ tổn thương hơn bình thường. Chính vì vậy, vi khuẩn dễ dàng phát triển, xâm nhập sau đó tấn công vào men răng và ngà răng dẫn đến tình trạng xiết ăn răng.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Trẻ nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng nên thường có thói quen chải răng sơ sài, lười chải răng,… Vệ sinh răng miệng kém chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa, bao gồm cả xiết ăn răng.
  • Thiếu hụt vitamin, khoáng chất: Vitamin, khoáng chất là các thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể nói chung và răng miệng nói riêng. Tình trạng biếng ăn, chán ăn ở trẻ có thể khiến trẻ nhỏ bị thiếu hụt những vi chất cần thiết để tái tạo men răng và ngà răng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và phá hủy các mô cứng của răng.
  • Chế độ ăn nhiều đường: Carbohydrate trong đường là thành phần dinh dưỡng ưa thích của vi khuẩn Streptococcus mutans. Chế độ ăn nhiều đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh gây hòa tan các mô cứng của men răng và ngà răng. Trẻ nhỏ thường có thói quen dùng nhiều bánh kẹo, nước ngọt nên nguy cơ bị xiết ăn răng cao hơn so với người trưởng thành.

Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng xiết ăn răng ở trẻ em có thể xảy ra do các yếu tố và nguyên nhân khác như ít uống nước, nghiến răng khi ngủ, răng bị sứt, mẻ do chấn thương,…

Dấu hiệu nhận biết xiết ăn răng ở trẻ nhỏ

Xiết ăn răng gây ra các triệu chứng khá đa dạng. Mức độ và biểu hiện lâm sàng có sự khác biệt ở từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, xiết ăn răng chỉ gây ra các tổn thương thực thể, hoàn toàn chưa phát sinh triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, bệnh xiết ăn răng ở trẻ em có thể gây đau nhức và ê buốt nhiều khi ăn uống.

Phụ huynh có thể nhận biết bệnh xiết ăn răng ở trẻ em thông qua các triệu chứng sau:

  • Quan sát răng của bé nhận thấy men răng ngả màu, mặt răng và kẽ răng xuất hiện các đốm sâu có màu nâu, xám hoặc đen
  • Trong giai đoạn đầu, xiết ăn răng hầu như không gây đau nhức. Tuy nhiên khi vi khuẩn xâm nhập vào ngà răng, răng có thể bị ê buốt, đau nhức và khó chịu khi ăn uống
  • Một số trường hợp còn có thể đau tự phát vào ban đêm, nướu sưng viêm và dễ chảy máu khi chải răng, ăn uống

Xiết ăn răng là bệnh nha khoa rất phổ biến ở trẻ em. Để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh lý này đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường.

Cách điều trị xiết ăn răng ở trẻ em

Xiết ăn răng ở trẻ em ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt và hiệu quả học tập của bé. Chính vì vậy, phụ huynh cần sắp xếp thời gian đưa trẻ đến phòng khám. Sau khi khám răng miệng, chụp phim và thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị như:

1. Liệu pháp fluor

Tình trạng xiết ăn răng có thể xảy ra do thiểu sản men răng. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng fluor ở dạng gel bôi, nước súc miệng và kem đánh răng để bù lấp những lỗ sâu li ti. Fluor là khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng lớp men, đồng thời có hiệu quả ngăn ngừa hình thành mảng bám và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn.

cách trị xiết ăn răng cho bé
Liệu pháp fluor được chỉ định trong trường hợp xiết ăn răng xảy ra do thiểu sản men răng

Sau khi được dung nạp, fluor sẽ kết hợp với tinh thể hydroxyl apatite trong men răng tạo thành fluorapatite có kết cấu vô cùng cứng chắc và ít bị hòa tan bởi axit do hại khuẩn bài tiết. Fluor cũng thúc đẩy tốc độ tái khoáng nhằm bù lấp những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng, qua đó ngăn chặn tình trạng xiết ăn răng tiến triển.

Liệu pháp fluor không chỉ có hiệu quả hỗ trợ điều trị xiết ăn răng mà còn giúp ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác. Vì vậy sau khi điều trị, bác sĩ thường tư vấn cho phụ huynh một số sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor để cải thiện sức khỏe răng miệng cho bé.

2. Trám răng + bọc răng sứ

Trám răng là phương pháp điều trị xiết ăn răng cho cả trẻ em và người lớn. Phương pháp này sử dụng các chất liệu chuyên dụng như amalgam, composite, sứ, kim loại quý,… để hàn trám hố rãnh và lỗ sâu. Trước khi trám, bác sĩ sẽ nạo bỏ phần răng bị sâu và sát trùng để đảm bảo vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trám răng có thể bảo vệ răng và ngăn không cho xiết ăn răng tiến triển nặng. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp bảo vệ ngà răng, tủy răng và giảm tình trạng đau nhức, ê buốt trong quá trình ăn uống. Trám răng được áp dụng cho cả trường hợp sâu răng sữa và răng vĩnh viễn.

Đối với răng sữa, trám răng giúp ngăn vi khuẩn phá hủy răng và hạn chế ảnh hưởng lên mầm răng vĩnh viễn ở bên dưới. Trong trường hợp răng vĩnh viễn của bé bị sâu nặng, bác sĩ sẽ nạo phần sâu và chỉ định bọc răng sứ để bảo vệ răng thật, tránh tình trạng răng bị tổn thương trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.

3. Nhổ răng sâu

Nhổ răng sâu cũng có thể được xem xét trong trường hợp xiết ăn răng ở trẻ em. Biện pháp này được chỉ định khi răng sâu nặng và sâu răng sữa. Sau khi nhổ bỏ, mầm răng vĩnh viễn vẫn sẽ tiếp tục phát triển và mọc khi đến độ tuổi thích hợp. Ngược lại nếu không nhổ bỏ răng trong trường hợp sâu răng nặng, vi khuẩn có thể tấn công gây hư hại xương ổ răng, chân răng vĩnh viễn khiến răng mọc lệch hoặc thậm chí là không mọc răng.

cách trị xiết ăn răng cho bé
Nếu sâu răng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để tránh gây ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn bên dưới

Đối với răng vĩnh viễn, nhổ bỏ răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn chức năng thẩm mỹ và sinh lý. Để tránh hiện tượng tiêu xương hàm, bác sĩ sẽ chỉ định cấy ghép Implant cho trẻ sau khi răng bị nhổ bỏ.

Chăm sóc, phòng ngừa xiết ăn răng tái phát

Xiết ăn răng là bệnh nha khoa rất phổ biến ở trẻ em. Do cấu trúc răng của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh và thói quen ăn chứa nhiều đường nên bệnh lý này có thể tái phát sau khi điều trị. Vì vậy ngoài các biện pháp y tế, phụ huynh nên xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý để hỗ trợ kiểm soát và phòng ngừa xiết ăn răng tái phát.

cách trị xiết ăn răng cho bé
Mẹ nên hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng để phòng ngừa xiết ăn răng và các bệnh nha khoa thường gặp

Các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa xiết ăn răng tái phát:

  • Khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa, mẹ nên dùng khăn mềm ẩm lau nhẹ nhàng nướu và răng của bé sau khi ăn, bú sữa. Ngoài ra, nên tránh cho trẻ nằm bú bình để giảm thiểu nguy cơ sâu răng và viêm nướu.
  • Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh nên dùng bàn chải nhỏ, lông mềm để chải răng với nước. Sau khi trẻ đủ 3 tuổi, nên hướng dẫn trẻ cách chải răng và có thể dùng thêm các loại kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé.
  • Ngoài chải răng, cần tập thói quen cho trẻ súc miệng với nước sạch hoặc nước muối pha loãng sau khi ăn, chải răng. Súc miệng giúp làm sạch thức ăn thừa và hạn chế hình thành mảng bám hiệu quả.
  • Khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa, mẹ nên cho trẻ đến nha khoa khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Mọc răng sữa và thay răng vĩnh viễn là hai giai đoạn vô cùng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng về sau. Chính vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý cho trẻ khám định kỳ để kịp thời chỉnh nha nếu răng mọc lệch, mọc chen chúc,…
  • Hạn chế lượng đường trong chế độ ăn của bé. Thay vì sử dụng bánh kẹo và nước ngọt, mẹ nên cho trẻ dùng các món ăn vặt tốt cho sức khỏe và có vị ngọt tự nhiên như các món ăn, thức uống từ mật ong, hoa quả tươi, nước ép, sinh tố, các loại mứt,…
  • Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin C và D cho bé qua chế độ dinh dưỡng. Mẹ cũng nên khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời để tăng hấp thu vitamin D và canxi vào xương, răng.

Xiết ăn răng là bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ em. Để hạn chế ảnh hưởng của bệnh lý này đối với sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Ngoài ra, cần chăm sóc răng miệng cho bé đúng cách để ngăn ngừa bệnh tái phát và hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa thường gặp khác.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!