Mắc cài là khí cụ không thể thiếu trong kỹ thuật niềng răng. Các loại mắc cài niềng răng được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm mắc cài kim loại, mắc cài sứ/ pha lê, mắc cài mặt trong và mắc cài tự buộc. Mỗi loại mắc cài đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy, nên xem xét kỹ lưỡng để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
Mắc cài là gì?
Mắc cài là khí cụ quan trọng được sử dụng trong quá trình niềng răng – chỉnh nha. Tổ hợp mắc cài được gắn cố định lên răng nhằm tạo ra lực siết để nắn chỉnh răng về vị trí mong muốn và điều chỉnh khớp cắn giữa hai hàm. Tùy theo mức độ lệch lạc của răng và độ tuổi, quá trình niềng thường mất từ 6 – 36 tháng.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chỉnh nha khác nhau. Trong đó được chia thành 2 nhóm chính là niềng răng mắc cài và niềng răng không mắc cài. Mặc dù là khí cụ chỉnh nha truyền thống nhưng mắc cài vẫn được ưa chuộng và sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Ngoài mắc cài bằng kim loại, khí cụ này cũng đã được cải tiến về vật liệu và cấu tạo để đáp ứng được yêu cầu của tất cả khách hàng.
Các loại mắc cài niềng răng phổ biến (Ưu điểm – Hạn chế)
Dưới đây là các loại mắc cài niềng răng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:
1. Niềng răng mắc cài kim loại
Mắc cài kim loại là khí cụ được sử dụng đầu tiên trong thủ thuật niềng răng. Khí cụ có thể được làm từ vàng, bạc và hợp kim thép không gỉ (Titanium-Niken). Ưu điểm của mắc cài kim loại là độ cứng cao, bền và khả năng chịu lực tốt. Do đó, khả năng siết hàm của khí cụ này cũng tốt hơn so với các loại mắc cài khác.
Hiện nay, mắc cài bằng vàng và bạc ít được sử dụng do chi phí cao. Mắc cài bằng thép không gỉ vẫn đảm bảo hiệu quả chỉnh nha và có chi phí thấp nên được xem là giải pháp tối ưu. Đây cũng là loại mắc cài niềng răng có giá thành hợp lý nhất. Chính vì vậy, mặc dù là khí cụ truyền thống nhưng niềng răng mắc cài kim loại vẫn là phương pháp được ưa chuộng nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội.
Ưu điểm của niềng răng mắc cài kim loại:
- Mắc cài có độ bền cao, khả năng chịu lực tốt nên mang lại hiệu quả chỉnh nha tối ưu.
- Mắc cài kim loại có khả năng phân bố lực đều và ổn định. Do đó, phương pháp này có thời gian chỉnh nha nhanh hơn so với các loại mắc cài niềng răng khác.
- Chi phí hợp lý (20 – 30 triệu đồng/ 2 hàm) nên phù hợp với tất cả mọi người
Hạn chế của niềng răng mắc cài kim loại:
- Bị lộ ra khi ăn uống và giao tiếp nên không thích hợp với những người làm các công việc yêu cầu về ngoại hình. Đồng thời gây ra cảm giác thiếu tự tin trong thời gian chỉnh nha.
- Mắc cài cứng nên có thể ma sát gây xây xước, loét niêm mạc miệng.
- Dễ bung súc dây chun, mắc cài, tuột lỏng dây cung khi ăn uống và sinh hoạt
Nhìn chung, mắc cài kim loại vẫn là loại mắc cài niềng răng được ưa chuộng nhất với 2 ưu điểm nổi bật là chi phí thấp và hiệu quả chỉnh nha cao.
2. Mắc cài niềng răng bằng sứ/ pha lê
Ngoài kim loại, mắc cài còn được làm từ sứ và pha lê. Sứ có màu trắng ngà tương tự như màu răng thật còn pha lê có màu trong suốt. Nhờ vậy, các loại mắc cài này ít bị “lộ” và có tính thẩm mỹ cao hơn. Mắc cài thường chỉ “lộ” ra khi tiếp xúc gần nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngoại hình như mắc cài kim loại.
Niềng răng mắc cài sứ/ pha lê có cấu tạo tương tự như mắc cài kim loại truyền thống và chỉ khác biệt về chất liệu. Vì được làm sứ và pha lê nên khả năng chịu lực của loại mắc cài này sẽ kém hơn so với mắc cài được làm từ hợp kim thép không gỉ.
Ưu điểm của mắc cài sứ/ pha lê:
- Tính thẩm mỹ cao, ít ảnh hưởng đến ngoại hình
- Vật liệu lành tính và an toàn, thích hợp với những trường hợp dị ứng Niken không thể niềng răng bằng mắc cài kim loại
- Chi phí khá hợp lý dao động từ 30 – 50 triệu đồng
Nhược điểm của mắc cài sứ/ pha lê:
- Khả năng chịu lực và độ bền kém hơn so với mắc cài kim loại. Khi hoạt động quá mạnh hoặc có chấn thương, mắc cài có thể bị nứt và vỡ
- Vì có khả năng chịu lực kém hơn nên lực siết hàm khi niềng răng mắc cài sứ/ pha lê cũng yếu hơn mắc cài kim loại. Do đó, thời gian niềng sẽ lâu hơn từ 3 – 6 tháng tùy theo mức độ khuyết điểm của răng
- Có thể gặp phải tình trạng tuột lỏng dây cung, súc mắc cài, đứt, giãn dây chun tương tự như mắc cài kim loại
Nhờ có chi phí khá hợp lý và tính thẩm mỹ cao nên niềng răng mắc cài sứ/ pha lê vẫn khá được ưa chuộng. Loại mắc cài này sẽ phù hợp với những người muốn giữ sự tự tin khi giao tiếp nhưng không có đủ chi phí để niềng răng mặt trong và niềng răng trong suốt.
3. Niềng răng mắc cài tự khóa
Niềng răng mắc cài tự khóa là loại mắc cài được cải tiến về cấu tạo so với mắc cài truyền thống. Khí cụ này được thiết kế thêm nắp trượt tự động để cố định dây cung trong khe rãnh mắc cài thay vì sử dụng chun như trước đây.
Chính vì vậy, niềng răng mắc cài tự khóa ít gặp phải tình trạng đứt, giãn dây chun và súc dây cung. Tuy nhiên, hạn chế của khí cụ này là cấu tạo khá dày gây cộm, vướng víu và chi phí cao hơn so với mắc cài được chế tác theo cấu tạo truyền thống.
Ưu điểm của niềng răng mắc cài tự khóa:
- Mắc cài được thiết kế thêm nắp trượt nên dây cung sẽ được cố định chắc chắn và phân bố lực đồng đều hơn.
- Mang lại hiệu quả chỉnh nha cao nhờ vào cấu trúc chắc chắn.
- Không gặp phải tình trạng bung tuột dây cung do giãn và đứt dây chun chỉnh nha
Nhược điểm của niềng răng mắc cài tự khóa:
- Chi phí cao hơn so với mắc cài thông thường (trung bình 1 lộ trình sẽ có chi phí khoảng từ 35 – 65 triệu đồng)
- Cấu tạo mắc cài phức tạp và dày nên dễ bị cộm, vướng víu trong quá trình ăn uống.
- Mắc cài tự buộc bằng kim loại có tính thẩm mỹ thấp. Trong khi đó, mắc cài tự buộc bằng sứ có thời gian chỉnh nha lâu hơn từ 3 – 6 tháng.
4. Niềng răng mắc cài mặt trong (mặt lưỡi)
Niềng răng mắc cài mặt trong (mặt lưỡi) cũng là loại mắc cài được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này vẫn sử dụng mắc cài kim loại nhưng thay vì gắn ở mặt ngoài, bác sĩ sẽ cố định khí cụ ở mặt trong của răng. Nhờ vậy, niềng răng mặt lưỡi vẫn đảm bảo được hiệu quả chỉnh nha và có tính thẩm mỹ cao.
Ưu điểm khi niềng răng mắc cài mặt trong:
- Tính thẩm mỹ cao, hoàn toàn không bị “lộ” ra trong quá trình giao tiếp.
- Hiệu quả chỉnh nha tối ưu và nhanh chóng
- Thích hợp với nhiều trường hợp như răng thưa, răng mọc lệch, khấp khểnh, chen chúc, hô, móm và sai khớp cắn có mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng
Hạn chế của niềng răng mắc cài mặt lưỡi:
- Chi phí cao hơn so với mắc cài truyền thống (lộ trình hoàn chỉnh có chi phí từ 60 – 100 triệu)
- Gây cảm giác cộm, vướng víu và có thể khiến lưỡi bị loét, chảy máu do ma sát
- Khó khăn khi vệ sinh răng miệng do mắc cài được gắn cố định ở mặt trong của răng
Nên niềng răng bằng loại mắc cài nào?
Có rất nhiều loại mắc cài được sử dụng trong quá trình niềng răng – chỉnh nha. Vì vậy, để lựa chọn được loại mắc cài phù hợp thật sự không dễ dàng. Nếu đang băn khoăn trong việc lựa chọn mắc cài niềng răng, bạn nên xem xét về những yếu tố sau:
- Hiệu quả chỉnh nha
- Mức độ lệch lạc của răng
- Tính thẩm mỹ
- Chi phí
Ngoài ra, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để được cho lời khuyên hữu ích. Bác sĩ sẽ xem xét những yếu tố trên để tư vấn cho bạn loại mắc cài niềng răng thích hợp nhất.
Bài viết đã tổng hợp các loại mắc cài niềng răng phổ biến cùng với thông tin về ưu điểm và hạn chế. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc có thể cân nhắc và lựa chọn được phương pháp chỉnh nha thích hợp với nhu cầu, tình trạng răng miệng và khả năng tài chính.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Độ tuổi nào niềng răng là tốt nhất? Bao nhiêu tuổi không nên niềng?
Hàm Duy Trì Vivera giá bao nhiêu? Ưu – Nhược điểm cần biết
Niềng Răng Bị Lung Lay: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Chỉ Niềng 2 Răng Cửa Có Được Không? Giá Bao Nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!