Vì sử dụng mặt dán sứ siêu mỏng nên dán sứ Veneer có thể không nhất thiết phải mài răng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, đa phần đều được chỉ định mài một lớp men răng mỏng để đảm bảo hiệu quả của phương pháp.
Dán sứ Veneer có cần mài răng không?
Dán sứ Veneer là một trong những phương pháp phục hình răng được ưa chuộng gần đây. Phương pháp này thực chất được cải tiến từ kỹ thuật bọc răng sứ truyền thống. Cả hai phương pháp đều giúp khôi phục hình thể và chức năng của răng nhưng bọc sứ sử dụng mão răng còn dán sứ Veneer sử dụng mặt dán sứ siêu mỏng từ 0.2 – 0.8mm.
Mặt dán sứ Veneer được dán trực tiếp lên bề ngoài của răng nên có thể che màu răng bị ố màu, các vết nứt, mẻ và khắc phục tình trạng răng thưa kẽ, lệch lạc nhẹ. Vì sử dụng miếng dán sứ siêu mỏng nên khá nhiều người băn khoăn, liệu dán sứ Veneer có cần mài răng hay không.
Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, dán sứ Veneer vẫn phải mài răng nhưng tỷ lệ mài rất thấp. Ngoài ra, một số trường hợp ngoại lệ có thể phục hình răng bằng kỹ thuật này nhưng không cần mài răng. Việc có mài răng hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng răng miệng và mặt dán sứ mà bạn lựa chọn.
1. Trường hợp cần mài răng khi dán sứ Veneer
Hầu hết những trường hợp dán sứ Veneer đều phải mài răng. Mặc dù có kích thước mỏng nhưng nếu không mài răng, răng dễ cộm, chênh và vướng trong quá trình ăn uống. Đồng thời không mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Do đó, bác sĩ buộc phải mài nhỏ một lớp men răng để đảm bảo miếng dán sứ Veneer sát khít 100% với cùi răng thật, răng được phục hình đều tăm tắp và có màu trắng sáng tự nhiên.
Đối với những trường hợp răng nứt mẻ, chiều dài các răng không đồng đều và chênh cộm, mài răng còn giúp bác sĩ điều chỉnh thân răng để đảm bảo hiệu quả sau khi dán sứ Veneer. Chính vì vậy, mài răng là bước không thể thiếu trong kỹ thuật phục hình răng.
2. Trường hợp không cần mài răng
Như đã đề cập, một số trường hợp có thể không phải mài răng khi phục hình bằng kỹ thuật dán sứ. Ưu điểm của dán sứ không mài răng là có thể bảo tồn răng thật tối đa và không gặp phải tình trạng ê buốt, đau nhức trong quá trình thực hiện.
Những trường hợp không nhất thiết phải mài răng khi dán sứ Veneer:
- Trường hợp răng thưa kẽ: Răng thưa kẽ có kích thước răng nhỏ và khoảng cách giữa các răng lớn. Điều này khiến hàm răng không đồng đều, thiếu thẩm mỹ và gây ra tâm lý tự ti khi giao tiếp. Vì đã có sẵn kẽ hở nên những trường hợp răng thưa kẽ và răng mọc tương đối đồng đều, hài hòa sẽ được dán sứ trực tiếp và hầu như không phải mài răng.
- Sử dụng miếng dán sứ siêu mỏng: Hiện nay, một số nha khoa sử dụng miếng dán sứ siêu mỏng (0.1 – 0.3 mm) chuẩn từng nanomet để phục hình răng. Vì kích thước rất mỏng nên những trường hợp này hoàn toàn có thể dán trực tiếp mặt sứ mà không cần phải mài cùi răng.
Dán sứ Veneer không mài răng chỉ được thực hiện khi toàn bộ răng trên cung hàm mọc tương đối đồng đều và hài hòa. Nếu răng chênh cộm và mọc lộn xộn, chen chúc, bác sĩ buộc phải mài răng để đảm bảo hiệu quả sau khi bọc sứ.
Mài răng khi dán sứ Veneer có đau không?
Mài răng khi dán sứ Veneer có đau không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm – đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm và chịu đau kém. Thực tế, dù tỷ lệ mài men răng không đáng kể nhưng tác động từ dụng cụ mài ít nhiều sẽ gây ra cảm giác đau nhức và ê buốt.
Tuy nhiên khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê nên bạn hoàn toàn không có cảm giác khó chịu. Tình trạng ê buốt và đau nhức chỉ xảy ra sau khi thuốc tê hết tác dụng (khoảng 2 – 3 giờ sau đó). Vì chỉ mài một lớp men răng rất mỏng nên mức độ ê buốt sau khi mài răng dán sứ thường nhẹ hơn so với bọc sứ thông thường. Nếu chăm sóc đúng cách, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng này chỉ sau 24 giờ.
Các biện pháp giảm đau, ê buốt sau khi mài răng dán sứ
Sau khi mài răng dán sứ, răng có thể bị đau nhức và ê buốt. Với những người có nền răng yếu và nhạy cảm, tình trạng này có thể kéo dài trong vài ngày và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống. Để giảm đau nhức và ê buốt sau khi mài răng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Các biện pháp giảm đau tạm thời
Sau khi thuốc tê hết tác dụng, răng sẽ xuất hiện cảm giác đau nhức và ê buốt khó chịu. Để giảm nhanh tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tạm thời như:
- Ngậm nước muối ấm: Ngậm nước muối ấm là biện pháp giảm đau nhức và ê buốt răng tại nhà khá hiệu quả. Nước muối có đặc tính tiêu viêm và sát trùng nên có thể ngăn sự xâm nhập của vi khuẩn vào ngà răng. Bên cạnh đó, nhiệt độ ấm từ nước muối cũng sẽ làm dịu cảm giác ê buốt quá mức sau khi mài răng dán sứ.
- Súc miệng bằng nước lá bạc hà: Hoạt chất menthol trong lá bạc hà có đặc tính làm mát, gây tê, giảm đau và kháng khuẩn. Dùng lá bạc hà tươi sắc đặc và ngậm từ 1 – 2 phút có thể giảm đau nhức do mài răng gây ra. Bên cạnh đó, tinh chất trong thảo dược này còn khử mùi hôi và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng.
- Dùng trà hoa cúc: Uống trà hoa cúc không chỉ có tác dụng an dịu thần kinh mà còn hỗ trợ giảm các cơn đau tại nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả đau nhức răng. Với hiệu quả an thần, loại trà này giúp não bộ giảm đáp ứng với tín hiệu gây đau, từ đó giảm phần nào tình trạng đau nhức và ê buốt xảy ra sau khi mài răng dán sứ.
Các biện pháp này có thể giảm nhanh tình trạng đau nhức và ê buốt sau khi thuốc tê hết tác dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng những mẹo đơn giản trên để cải thiện tình trạng răng đau nhức do mọc răng khôn, viêm nướu răng, sâu răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
2. Dùng thức ăn mềm, nguội
Mài răng sẽ làm mỏng lớp men răng ngoài cùng nên ít nhiều sẽ tăng mức độ nhạy cảm của ngà răng bên trong. Với những người có cơ địa răng nhạy cảm, răng có thể bị đau nhức và ê buốt nhiều. Vì vậy sau khi mài răng dán sứ, bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý để giảm tình trạng răng đau nhức và ê buốt.
Ngoài ra, sau khi phục hình bằng kỹ thuật dán sứ, bạn cũng cần có chế độ ăn uống phù hợp để kéo dài tuổi thọ của miếng dán sứ và hạn chế tình trạng răng ố vàng, ngả màu.
Sau khi mài răng, bạn nên dùng món ăn mềm, ít gia vị và nguội để tránh kích thích cảm giác đau nhức và ê buốt bùng phát. Nếu ăn uống hợp lý, các triệu chứng khó chịu sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 ngày. Ngược lại, dùng thức ăn cứng, khô, dai, nhiều gia vị, dùng thức ăn chứa nhiều cồn và axit có thể làm tăng mức độ đau nhức và khiến triệu chứng kéo dài trong nhiều ngày.
3. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Sau khi mài răng, răng sẽ trở nên nhạy cảm nên bạn cũng cần chú ý đến vệ sinh răng miệng đúng cách. Ngoài ra, nên duy trì các biện pháp vệ sinh khoa học để phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và tình trạng hôi miệng sau khi dán sứ Veneer.
Các biện pháp chăm sóc răng miệng sau khi mài răng:
- Nếu răng ê buốt và đau nhức nhiều, bạn nên dùng bàn chải có lông mảnh, mềm để làm sạch răng. Chỉ nên chải răng khoảng 2 lần/ ngày, tránh chải răng quá mạnh và quá nhiều lần.
- Súc miệng với nước muối ấm thay vì các dung dịch sát khuẩn chứa cồn và hương liệu.
- Nên uống nhiều nước và súc miệng với nước sạch sau các bữa ăn để loại bỏ thức ăn thừa.
Từ những thông tin trong bài viết, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn vấn đề “Dán sứ Veneer có cần mài răng không? Có đau không?”. Nếu có thắc mắc xoay quanh phương pháp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể trước khi quyết định thực hiện.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bọc Răng Sứ Bị Đen Nướu: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Bọc răng sứ khớp cắn ngược (móm) có hiệu quả không?
Dán Sứ Veneer Laminate Có Tốt Không? Giá Bao Nhiêu?
So Sánh Răng Sứ Kim Loại Và Răng Toàn Sứ Có Gì Khác Nhau?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!