Đánh răng thường xuyên là cách đơn giản giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Vì vậy, các bậc cha mẹ thường băn khoăn trẻ mấy tuổi thì đánh răng được và những lưu ý khi vệ sinh răng miệng cho trẻ.
Trẻ mấy tuổi thì nên đánh răng?
Tỷ lệ trẻ mắc các bệnh răng miệng đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do thói quen dùng thức ăn chứa nhiều đường, ít uống nước và vệ sinh răng miệng kém. Thực tế, phần lớn bố mẹ đều ít quan tâm đến sức khỏe răng miệng của trẻ vì cho rằng chỉ khi mọc răng vĩnh viễn mới cần phải chăm sóc.
Tuy nhiên, việc chăm sóc răng miệng cần được thực hiện ngay khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Trong quá trình ăn uống, vi khuẩn sẽ phát triển và khoáng hóa mảng bám thành cao răng. Dần dần cao răng tích tụ làm gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu răng và nhiều bệnh lý khác.
Trước tình trạng sức khỏe răng miệng đang đến mức báo động như hiện nay, không ít phụ huynh đã bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe răng miệng của con trẻ. Trong đó, thắc mắc trẻ mấy tuổi thì nên đánh răng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, trẻ có thể đánh răng từ 1 tuổi trở đi vì lúc này răng sữa đã mọc khá nhiều. Nếu không vệ sinh răng miệng, cao răng sẽ tích tụ ngày qua ngày làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa. Tuy nhiên, đối với trẻ còn nhỏ tuổi, nên đánh răng với nước thay vì kem đánh răng. Từ 3 tuổi trở lên, bố mẹ có thể cho trẻ tập đánh răng với kem đánh răng để giữ vệ sinh răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả.
Đánh răng là biện pháp vệ sinh răng miệng đơn giản và hiệu quả. Khi răng miệng được làm sạch, lượng vi khuẩn có hại trong khoang miệng sẽ được kiểm soát. Từ đó có thể hạn chế nguy cơ sâu răng, hôi miệng, viêm nướu răng và nhiều bệnh lý khác.
Hướng dẫn cách đánh răng cho trẻ ở từng độ tuổi
Việc vệ sinh răng miệng cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt để phòng ngừa các vấn đề nha khoa. Tuy nhiên, với trẻ còn nhỏ tuổi, sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng có thể khiến nướu răng bị kích ứng. Do đó, bố mẹ cần biết cách đánh răng cho trẻ ở từng độ tuổi để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
1. Trẻ từ 1 – 2 tuổi
Từ tháng thứ 8 trở đi, trẻ sẽ bắt đầu mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Do đó, khi trẻ tròn 1 tuổi, gia đình có thể cho trẻ đánh răng để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa. Trong giai đoạn 1 – 2 tuổi, răng và nướu của con trẻ còn khá nhạy cảm. Vì vậy, bố mẹ nên dùng khăn sữa mềm lau nhẹ nhàng lên răng hoặc sử dụng bàn chải dành riêng cho bé để chải răng.
Bàn chải dành cho trẻ từ 1 – 2 tuổi thường có kích thước nhỏ, sợi lông mềm và mảnh nên có thể loại bỏ phần nào mảng bám, thức ăn thừa. Mỗi ngày, nên đánh răng cho trẻ khoảng 1 – 2 lần để ngăn ngừa sâu răng và các bệnh lý nha khoa khác.
Ban đầu, trẻ có thể cảm thấy khó chịu khi phải đánh răng. Vì vậy, bố mẹ nên bắt đầu bằng cách dùng bông gạc mềm hoặc khăn sữa thay vì dùng bàn chải. Khi trẻ đã bắt đầu quen với việc vệ sinh răng miệng, có thể cho trẻ tập làm quen với bàn chải để tăng hiệu quả làm sạch răng miệng.
2. Trẻ từ 3 – 6 tuổi
Từ 3 tuổi trở lên, trẻ có thể sử dụng kem đánh răng để làm sạch răng miệng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bố mẹ nên theo sát trẻ trong thời gian này để tránh tình trạng trẻ nuốt phải kem đánh răng hoặc đánh răng sai cách. Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi là thời điểm trẻ rất dễ bị sâu răng, viêm nướu răng. Vì lúc này trẻ đã bắt đầu đa dạng thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng và đặc biệt yêu thích các món ăn, thức uống chứa đường.
Các bệnh lý nha khoa trong giai đoạn 3 – 6 tuổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thay răng. Bởi vi khuẩn có thể xâm nhập xuống mầm răng bên dưới gây tổn thương răng vĩnh viễn. Ngoài ra, tình trạng mất răng sữa sớm cũng khiến cho răng vĩnh viễn mọc lệch, mọc sai vị trí và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe răng miệng.
Vì vậy, muộn nhất là từ 3 tuổi trở lên, bố mẹ phải bắt đầu hướng dẫn trẻ cách đánh răng và vệ sinh răng miệng. Trẻ ở độ tuổi này đã bắt đầu có nhận thức riêng nên đôi khi không hợp tác trước yêu cầu của bố mẹ. Do đó, gia đình cần phải kiên nhẫn để giúp trẻ rèn thói quen đánh răng 2 – 3 lần/ ngày nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng lâu dài.
3. Trẻ từ 6 tuổi trở lên
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, gia đình có thể để trẻ tự đánh răng. Tuy nhiên, vẫn nên kiểm tra để chắc chắn để chải răng đủ 2 – 3 lần/ ngày. Ở độ tuổi này, trẻ đã có ý thức về sức khỏe của bản thân. Do đó, bố mẹ nên giáo dục trẻ vì sao phải giữ vệ sinh răng miệng và những ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa để trẻ chủ động hình thành thói quen đánh răng mỗi ngày.
Từ 6 tuổi trở lên, răng sữa sẽ bắt đầu rụng để chuẩn bị mọc răng vĩnh viễn nên cần quan tâm đặc biệt đến thói quen vệ sinh răng miệng. Ở độ tuổi này, trẻ có thể sử dụng các loại kem đánh răng chứa fluor để củng cố độ chắc khỏe của men răng.
Một số vấn đề cần lưu ý khi cho trẻ đánh răng
Khi hướng dẫn trẻ đánh răng, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Chọn bàn chải có kích thước nhỏ
Cung hàm của trẻ khá nhỏ nên không thể sử dụng bàn chải đánh răng có kích thước như người lớn. Để dễ dàng làm sạch kẽ răng, mặt nhai và thân răng, nên lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm và mảnh.
Với các bàn chải lông mềm, trẻ sẽ dễ dàng thao tác để làm sạch các răng ở sâu bên trong. Ngoài ra, sử dụng bàn chải lông mềm cũng sẽ giúp giảm cảm giác khó chịu trong quá trình vệ sinh răng miệng.
2. Lựa chọn sản phẩm chăm sóc răng miệng phù hợp
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, mẹ chỉ nên cho trẻ đánh răng với nước để tránh bị kích ứng nướu. Từ 3 tuổi trở lên, có thể chọn các loại kem đánh răng phù hợp với lứa tuổi để việc vệ sinh răng miệng trở nên hiệu quả hơn. Các sản phẩm dành riêng cho trẻ thường có vị ngọt, mùi thơm nên sẽ không gây khó chịu khi sử dụng.
Tuy nhiên, khi trẻ đã đủ 6 tuổi, bố mẹ nên cho trẻ dùng các loại kem đánh răng chứa fluor và khoáng chất để củng cố độ chắc khỏe của men răng. Các sản phẩm này không chỉ giúp làm sạch răng miệng mà còn hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp.
3. Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách
Khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên giúp trẻ đánh răng. Tuy nhiên khi trẻ đủ 3 tuổi, nên hướng dẫn con cách vệ sinh răng miệng. Trước tiên, cần hướng dẫn trẻ cách lấy lượng kem đánh răng vừa đủ, thao tác chải răng theo chiều dọc thay vì chiều ngang, chải răng nhẹ nhàng từ mặt ngoài, sau đó di chuyển vào mặt nhai và mặt trong của răng.
Mỗi khi hướng dẫn trẻ, nên động viên để con có động lực. Thông thường, trẻ sẽ chỉ đánh răng đúng cách khi có mặt bố mẹ. Bởi trẻ thường không kiên nhẫn và cảm thấy nhàm chán khi vệ sinh răng miệng. Do đó, gia đình cần phải theo sát trẻ trong một thời gian dài để rèn cho con thói quen.
4. Tập cho trẻ thói quen đánh răng 2 lần/ ngày
Đánh răng là thói quen cần duy trì hằng ngày với tần suất 2 – 3 lần. Bố mẹ nên giáo dục con vì sao phải đánh răng và nên đánh răng vào thời điểm nào. Quá trình này cần một thời gian dài nên đòi hỏi gia đình phải kiên nhẫn.
Khi trẻ đã quen với việc vệ sinh răng miệng, bố mẹ nên để trẻ chủ động thay vì nhắc nhở khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Khi con trẻ quên đánh răng, hãy nhắc nhở con nhẹ nhàng hoặc đặt câu hỏi liệu con có quên chưa làm gì hay không. Cách ứng xử khéo léo sẽ giúp con không có phản ứng chống đối, cáu kỉnh trước đề nghị của bố mẹ.
5. Tạo hứng thú cho trẻ khi vệ sinh răng miệng
Trẻ nhỏ thường không thích vệ sinh răng miệng nói chung và đánh răng nói riêng. Do đó, bố mẹ cần tạo hứng thú cho con để trẻ duy trì thói quen này lâu dài.
Một số cách giúp tăng hứng thú cho trẻ khi đánh răng:
- Chuẩn bị cho trẻ từ 2 – 3 bàn chải với hình dáng đa dạng và màu sắc sặc sỡ. Điều này sẽ giúp con hào hứng hơn khi đánh răng và có thể thay đổi bàn chải tùy theo sở thích, tâm trạng.
- Chọn loại kem đánh răng có mùi hương mà trẻ yêu thích. Đây cũng là cách giúp trẻ có hứng thú khi vệ sinh răng miệng và chủ động hơn trong việc đánh răng.
- Khi trẻ đánh răng, bố mẹ cũng nên đánh răng cùng con để tạo động lực và giúp trẻ hình thành thói quen. Hơn nữa, đánh răng cùng nhau cũng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa con và bố mẹ.
- Khen ngợi con sau khi trẻ đánh răng đúng cách và tự giác trong việc vệ sinh răng miệng.
- Cho trẻ đọc sách, xem video clip với nội dung về việc giữ gìn vệ sinh răng miệng và ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng,… Thông qua cách truyền tải này, con trẻ sẽ dần hình thành ý thức về việc vệ sinh răng miệng và chủ động đánh răng sau mỗi bữa ăn.
Hy vọng qua bài viết, phụ huynh đã hiểu rõ hơn về vấn đề “Trẻ mấy tuổi thì có thể đánh răng?” và những lưu ý khi hướng dẫn trẻ đánh răng. Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà, bố mẹ cũng nên cho trẻ khám nha khoa định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề nha khoa và đánh giá sự phát triển của răng, xương hàm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trẻ Mọc Răng Chậm Do Nguyên Nhân Gì? Cách Xử Lý Bố Mẹ Nên Biết
Trẻ 8 Tháng Chưa Mọc Răng Có Đáng Lo? Cần Bổ Sung Gì Cho Bé
Có Nên Bọc Răng Sứ Cho Trẻ Em? Cần Lưu Ý Gì?
Cách Vệ Sinh Răng Miệng Cho Bé 1 Tuổi đơn giản mẹ nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!