Tủy răng có vai trò vô cùng quan trọng đối với độ chắc khỏe của mỗi chiếc răng. Khi không có tủy nuôi dưỡng, tuổi thọ của răng sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, không ít người băn khoăn Răng chết tủy tồn tại được bao lâu?.
Răng chết tủy tồn tại được bao lâu?
Tủy răng là cơ quan nằm sâu bên trong răng và được bao bọc, bảo vệ bởi men răng và ngà răng. Tuy nhiên, khi có chấn thương mạnh hoặc vi khuẩn xâm nhập, tủy răng có thể bị viêm nhiễm và thậm chí là hoại tử (chết tủy).
Mặc dù có kết cấu lỏng lẻo nhưng tủy răng được xem là “trái tim” của mỗi chiếc răng. Chức năng chính của cơ quan này là nuôi dưỡng, tái tạo ngà răng, bảo vệ răng bằng cách sản sinh tế bào miễn dịch và dẫn truyền cảm giác. Khi tủy răng bị hoại tử, răng sẽ không còn bất cứ cảm giác nào.
Ban đầu, răng bị chết tủy sẽ không có triệu chứng gì khác thường so với những răng còn lại. Tuy nhiên sau vài năm, răng sẽ chuyển thành màu xám hoặc đen do ngà răng không được tủy nuôi dưỡng trong một thời gian dài. Lúc này, răng sẽ có hiện tượng giòn, suy yếu và cuối cùng là rụng.
Răng chết tủy tồn tại được bao lâu là vấn đề được nhiều người quan tâm. Được biết, răng khỏe mạnh có thể tồn tại suốt đời nếu không mắc phải các vấn đề nha khoa. Tuy nhiên, răng chết tủy (trường hợp đã chữa tủy hay chưa chữa tủy) đều có tuổi thọ thấp hơn vì ngà răng không được tái tạo, phục hồi thường xuyên. Theo tính toán của các chuyên gia, răng chết tủy sẽ tồn tại được trong 15 – 20 năm hoặc có thể lên đến 25 năm nếu chăm sóc tốt.
Răng chết tủy đa phần đều do sâu răng nặng gây ra. Do đó, bạn cần giữ vệ sinh răng miệng và điều trị sớm các vấn đề nha khoa để tránh tình trạng chết tủy, mất răng, răng lung lay. Sau khi răng chết tủy bị rụng, bạn cần can thiệp các phương pháp phục hình để có thể ăn nhai và giao tiếp một cách thoải mái.
Cách tăng độ bền cho răng bị chết tủy
Răng đã chết tủy có tuổi thọ thấp hơn so với răng khỏe mạnh. Dù vậy, bạn vẫn có thể kéo dài tuổi thọ của răng bằng một số biện pháp chăm sóc sau:
1. Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là phương pháp có thể kéo dài tuổi thọ của răng chết tủy. Đối với những trường hợp chết tủy, bác sĩ sẽ loại bỏ tủy răng bị hoại tử, sát khuẩn và trám bít bằng vật liệu chuyên dụng. Lúc này, răng vẫn có hình dáng và chức năng tương tự như các răng khác trên cung hàm.
Tuy nhiên, vì răng đã không còn tủy nên không được tái tạo ngà thường xuyên. Dưới tác động của nhiệt độ, axit, gia vị trong thức ăn và áp lực trong quá trình ăn nhai, răng sẽ trở nên giòn và suy yếu. Vì lý do này, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân chữa tủy nên bọc răng sứ để kéo dài tuổi thọ cho răng.
Răng sứ được chế tác có hình dáng tương tự như răng thật. Chất liệu sứ dày sẽ giúp bảo vệ cùi răng thật ở bên trong. Nhờ đó, răng đã chết tủy sẽ không phải tiếp xúc với axit từ thức ăn, nhiệt độ nóng – lạnh, vi khuẩn, áp lực trong quá trình ăn nhai,…
Bọc răng sứ có thể kéo dài tuổi thọ của răng đã chết tủy, đồng thời có thể khắc phục tình trạng răng ngả sang màu đen và màu xám sau một thời gian. Phương pháp này có cách thực hiện nhanh chóng, đơn giản và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, răng sứ cần được thay sau 5 – 10 năm tùy loại sứ để đảm bảo hiệu quả bảo vệ răng.
2. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Ngay cả khi đã bọc răng sứ, bạn vẫn cần chú ý vệ sinh răng miệng nếu muốn kéo dài tuổi thọ của răng đã chết tủy. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng đúng cách cũng giúp phòng ngừa các vấn đề nha khoa và bảo vệ những răng khỏe mạnh còn lại.
Cách vệ sinh răng miệng giúp kéo dài tuổi thọ cho răng đã chết tủy:
- Chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày bằng bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm, mảnh. Khi chải răng, nên thao tác bàn chải theo chiều dọc và đánh răng nhẹ nhàng để làm sạch răng miệng hiệu quả mà không gây tổn thương răng.
- Đối với trường hợp răng chết tủy, bạn nên đầu tư máy tăm nước để việc vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng hơn. Máy tăm nước giúp làm sạch thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng mà không gây tổn thương nướu như tăm tre hay chỉ nha khoa.
- Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Hoặc bạn cũng có thể tự pha nước muối để súc miệng hằng ngày.
- Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà, nên đến nha khoa cạo vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm. Bởi chải răng và súc miệng không thể làm sạch răng miệng hoàn toàn nên một lượng nhỏ mảng bám có thể tích tụ thành cao răng. Cạo răng chính là môi trường để vi khuẩn phát triển gây tổn thương nướu, răng và tổ chức nha chu.
Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp hạn chế tối đa những vấn đề ở răng chết tủy và các răng lân cận. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này sau khi tủy răng bị hoại tử.
3. Chú ý thói quen ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ của răng chết tủy. Để kéo dài tuổi thọ của răng, bạn nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp kéo dài tuổi thọ của răng chết tủy:
- Tránh các món ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thực phẩm chứa nhiều axit, gia vị cay mặn, các loại thực phẩm cứng, khô và dai. Các món ăn này sẽ khiến cho răng chết tủy bị tổn thương và nhanh suy yếu. Đối với những trường hợp bọc răng sứ, thói quen ăn uống không phù hợp cũng sẽ làm giảm tuổi thọ của răng sứ. Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn, bạn sẽ phải phục hình lại.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi, phốt pho, vitamin C, protein,… để củng cố độ chắc khỏe của răng. Chế độ ăn hợp lý có thể nâng cao độ cứng chắc của men răng và kéo dài tuổi thọ của răng đã bị chết tủy.
- Hạn chế dùng răng cắn hoặc xé bao bì, vật cứng. Nếu có thói quen nghiến răng, bạn nên sử dụng máng chống nghiến để bảo vệ răng. Bởi áp lực khi nghiến răng có thể gây vỡ, nứt răng sứ và ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng thật bên trong.
- Trong quá trình sinh hoạt nên chú ý để hạn chế tối đa tai nạn, va đập.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ thắc mắc “Răng chết tủy tồn tại được bao lâu?” và cách chăm sóc để kéo dài tuổi thọ của răng đã chết tủy. Ngoài ra, nếu nhận thấy tủy răng bị hoại tử, cần chữa tủy sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Tủy Răng Bị Nhiễm Trùng: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị
Viêm Tủy Răng Nặng: Dấu Hiệu và Cách Xử Lý
Lấy tủy răng hàm có đau không? Mất bao lâu?
Viêm tủy răng để lâu có sao không? Có gây biến chứng nguy hiểm?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!