Răng ố vàng và có cao răng có thể gặp ở trẻ em và người trưởng thành. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này và cần dựa vào nguyên nhân để lựa chọn giải pháp khắc phục hiệu quả.
Răng ố vàng và có cao răng do đâu?
Đây là tình trạng khá phổ biến. Cao răng thực chất là mảng bám được khoáng hóa bởi vi khuẩn trong khoang miệng. Sự tích tụ của cao răng khiến cho răng ố vàng, xỉn màu dần theo thời gian. Ban đầu, cao răng sẽ có màu vàng nhạt, sau đó đậm màu dần nếu không được làm sạch. Cao răng tích tụ nhiều năm có thể chuyển sang màu nâu đậm, thậm chí là màu nâu đen.
Răng ố vàng và có cao răng thường xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém khiến mảng bám không được làm sạch và tích tụ nhiều theo thời gian tạo thành cao răng. Khác với mảng bám, cao răng có kết cấu cứng chắc và bám chặt vào chân răng nên không thể làm sạch thông qua đánh răng hằng ngày. Thói quen vệ sinh răng miệng kém khiến cho cao răng bám nhiều vào chân răng gây sưng nướu, chảy máu và ố vàng răng.
- Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá có thể là nguyên nhân khiến răng ố vàng và có cao răng. Khói thuốc lá vốn không có màu nhưng khi tiếp xúc với oxy sẽ đổi sang màu vàng nâu. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng gây khô miệng và gia tăng tốc độ tích tụ mảng bám. Vì vậy, răng có cao răng và ố vàng có thể xảy ra do thói quen hút thuốc lá.
- Do thói quen dùng thức ăn, đồ uống đậm màu: Ngoài những nguyên nhân trên, còn có thể do thói quen dùng thức ăn, đồ uống có màu đậm như cà phê, nước ngọt có gas, rượu bia, cà ri,… Lâu dần, men răng bị ngả màu khiến cho răng ố vàng và mất đi độ trắng sáng vốn có.
- Do các bệnh nha khoa: Tình trạng này có thể là biểu hiện hoặc hậu quả của một số bệnh nha khoa như sâu răng, thiểu sản men răng, khô miệng, viêm nha chu,… Nếu do các bệnh nha khoa, răng ố vàng và có cao răng thường đi kèm với cảm giác đau nhức, khó chịu.
Cách khắc phục răng ố vàng và có cao răng
Tình trạng này thường dẫn đến hôi miệng, mất tự tin và e ngại khi giao tiếp hằng ngày. Bên cạnh đó, cao răng tích tụ nhiều còn tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây ra nhiều vấn đề nha khoa như viêm nha chu, viêm nướu răng và sâu răng. Vì vậy nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên thăm khám sớm để được thăm khám và tư vấn biện pháp khắc phục.
Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp khắc phục sau:
1. Lấy cao răng
Cao răng tích tụ nhiều khiến cho răng bị ố vàng, khoang miệng có mùi hôi và gia tăng các vấn đề nha khoa. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định lấy cao răng để cải thiện độ trắng của răng và phòng ngừa các bệnh răng miệng thường gặp.
Lấy cao răng sử dụng thiết bị chuyên dụng để làm sạch cao răng tích tụ ở bề mặt thân răng và bên dưới chân răng. Sau khi cao răng được làm sạch, tình trạng hôi miệng, vàng răng, nướu răng sưng đỏ và chảy máu sẽ được cải thiện đáng kể.
Ngay cả khi không có vấn đề nha khoa, bạn vẫn cần tập thói quen lấy cao răng 1 – 2 lần/ năm. Bởi cao răng tích tụ chính là điều kiện để phát triển các vấn đề nha khoa. Bên cạnh đó, lấy cao răng còn giúp giữ răng trắng sáng và ngăn ngừa tình trạng hôi miệng.
2. Tẩy trắng răng
Để giải quyết tình trạng răng ố vàng, bác sĩ sẽ chỉ định tẩy trắng răng. Tẩy trắng răng sử dụng hoạt chất oxy hóa để loại bỏ các mảng màu bám trên bề mặt răng. Từ đó trả lại hàm răng trắng sáng rạng rỡ giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp.
Có khá nhiều phương pháp tẩy trắng răng. Tùy theo nhu cầu, bạn có thể chọn các phương pháp sau:
- Tẩy trắng răng bằng máng tại nhà
- Tẩy trắng răng tại phòng khám bằng laser, plasma,…
- Tẩy trắng răng bằng các sản phẩm làm trắng răng không kê toa
Ngoài ra, bạn cũng có thể tẩy trắng răng tại nhà bằng một số mẹo như sử dụng vỏ chuối, giấm táo, baking soda (muối nở), dầu dừa,… Mẹo tại nhà có ưu điểm lành tính và ít tốn kém nhưng tác dụng tương đối chậm. Vì vậy, nên xem xét mức độ ố vàng răng để lựa chọn phương pháp phù hợp.
3. Điều trị các bệnh nha khoa
Răng ố vàng và có cao răng là biểu hiện của nhiều bệnh lý nha khoa. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định điều trị để bảo vệ sức khỏe răng miệng và cải thiện tình trạng răng ố vàng, có nhiều cao răng. Sau khi điều trị các bệnh nha khoa, bạn có thể tẩy trắng răng nếu cần thiết.
4. Các biện pháp khác
Trong một số trường hợp, tẩy trắng răng có thể không khắc phục được răng ố vàng nặng do hút thuốc lá lâu năm và nhiễm kháng sinh. Vì vậy, bạn có thể xem xét thêm một số biện pháp sau:
- Bọc răng sứ: Bọc răng sứ thường được áp dụng trong trường hợp răng ố vàng nặng. Phương pháp này còn giúp khắc phục những khuyết điểm như hình thể răng xấu, răng thưa, chen chúc nhẹ,… Sau khi bọc răng sứ, hàm răng sẽ trở nên đồng đều và trắng sáng.
- Dán sứ Veneer: Dán sứ Veneer là phương pháp khá giống với bọc răng sứ. Tuy nhiên, thay vì dùng mão sứ, phương pháp này dùng miếng dán sứ mỏng để cải thiện màu sắc của răng. Kỹ thuật dán sứ Veneer tương đối phức tạp nên đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và tay nghề cao. Hơn nữa, chi phí dán sứ cũng cao hơn so với bọc răng sứ.
Phòng ngừa răng ố vàng và có cao răng
Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, thẩm mỹ và giao tiếp. Ngoài ra, cao răng tích tụ nhiều còn là điều kiện thuận lợi để phát triển các vấn đề nha khoa. Do đó, cần chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Các biện pháp phòng ngừa răng ố vàng và có cao răng:
- Vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ ngày. Đánh răng đúng cách, sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch khoang miệng một cách hiệu quả nhất.
- Tập thói quen lấy cao răng 1 – 2 lần/ năm. Ngoài ra khi khám nha khoa định kỳ, bác sĩ có thể phát hiện và điều trị sớm các vấn đề tiềm ẩn như viêm nha chu, sâu răng,…
- Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống có màu đậm như cà phê, rượu bia, cà ri, nước ngọt có gas,… Sau khi dùng các món ăn và đồ uống đậm màu, nên súc miệng bằng nước sạch để ngăn ngừa răng ố vàng.
- Cai thuốc lá để phòng ngừa chứng hôi miệng, khô miệng và nhiều vấn đề nha khoa khác. Ngoài ra, tránh hút thuốc lá còn hạn chế được tình trạng răng ố vàng và tích tụ mảng bám.
Răng ố vàng và có cao răng là tình trạng khá phổ biến. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên thăm khám sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức vệ sinh răng miệng để phòng ngừa tình trạng tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Chia sẻ 15 cách làm trắng răng sau 1 đêm hiệu quả nên thử
Răng Đã Bọc Sứ Có Tẩy Trắng Được Không?
Phụ nữ đang mang thai có nên đi tẩy trắng răng không?
Sau khi tẩy trắng răng bao lâu thì ăn được? Nên ăn gì và kiêng gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!