Răng bị đen là dấu hiệu cho thấy răng miệng đang gặp phải một số vấn đề. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với chức năng ăn nhai, tình trạng này còn gây ra tâm lý không thoải mái, thiếu tự tin khi giao tiếp và gặp gỡ.
Nguyên nhân khiến răng bị đen
Răng khỏe mạnh thường có màu trắng ngà và màu sắc của răng được quyết định bởi chất lượng men răng. Tùy theo cơ địa của mỗi người, màu sắc của răng có thể dao động từ trắng sáng đến trắng ngả vàng. Màu sắc của răng được tạo nên từ canxi có trong men răng.
Men răng có kết cấu vô cùng cứng chắc để có thể bảo vệ ngà răng và tủy răng trước tác động của nhiệt độ, gia vị, cồn, axit,… có trong thức ăn và đồ uống. Theo thời gian, men răng mỏng dần làm lộ ngà răng khiến cho răng có hiện tượng sẫm màu hơn. Tuy nhiên, răng bị đen không phải là màu sắc tự nhiên của răng mà là dấu hiệu cho thấy răng miệng đang gặp phải vấn đề.
Tình trạng răng bị đen có thể xảy ra ở chân răng, bề mặt răng, mặt trong hoặc mặt ngoài. Ngoài ra, cũng có những trường hợp toàn bộ thân răng bị ngả sang màu đen. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho răng bị đen, trong đó phải kể đến những nguyên nhân thường gặp sau:
1. Do cao răng tích tụ lâu ngày
Cao răng tích tụ lâu ngày thường sẽ có màu nâu đỏ hoặc đen. Lý do là vì nướu răng chảy máu khiến cho các sắc tố trong máu bám vào cao răng. Cao răng là kết quả khoáng hóa của mảng bám nên không thể làm sạch bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường mà chỉ có thể loại bỏ khi lấy cao răng tại nha khoa.
Cao răng tích tụ chính là điều kiện để vi khuẩn phát triển. Nếu không lấy cao răng thường xuyên, cao răng sẽ có xu hướng đậm màu hơn theo thời gian. Tình trạng răng bị đen do cao răng tích tụ thường sẽ xuất hiện ở mặt trong hoặc mặt nhai của răng.
2. Sâu răng khiến răng bị đen
Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp nhất và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong khoang miệng tồn tại nhiều chủng vi khuẩn, trong đó có Streptococcus mutans. Loại vi khuẩn này sẽ tiết ra axit để làm hòa tan các mô cứng của răng – quá trình này được gọi là hủy khoáng.
Quá trình hủy khoáng diễn ra rất chậm, trong khi đó quá trình tái khoáng diễn ra nhanh hơn. Do đó, những tổn thương ở men răng sẽ dễ dàng được bù lấp và phục hồi. Tuy nhiên, khi có một số yếu tố thuận lợi, hủy khoáng có thể diễn ra nhanh hơn tái khoáng. Kết quả là khiến răng xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu, đen và kích thước của lỗ sâu sẽ lớn dần theo thời gian.
Sâu răng có thể là nguyên nhân khiến răng bị đen. Ngoài hiện tượng đổi màu răng, bệnh lý này còn gây ra một số triệu chứng như răng đau nhức, ê buốt,… Sâu răng có thể được điều trị nhanh chóng và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, tình trạng có thể tiến triển nặng gây ra các hậu quả nặng nề như viêm tủy răng, áp xe răng, chết tủy,…
3. Nhiễm kháng sinh
Nhiễm kháng sinh Tetracycline là một trong những nguyên nhân khiến răng bị ố vàng, xỉn màu và thậm chí là bị đen toàn bộ thân răng. Tetracycline là kháng sinh phổ rộng được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, dùng kháng sinh khi mang thai hoặc dùng cho trẻ dưới 9 tuổi có thể khiến màu răng bị đổi vĩnh viễn.
Nhiễm kháng sinh Tetracycline thường gây đen toàn bộ các răng trên cung hàm. Răng đen nhiều ở phần chân và nhạt màu ở rìa cắn. Tình trạng răng đen do nhiễm kháng sinh rất khó có thể cải thiện.
4. Tủy răng hoại tử khiến răng bị đen
Tủy răng được xem là “trái tim” của mỗi chiếc răng. Cơ quan này có vai trò dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng ngà răng. Nhờ có tủy răng mà răng luôn chắc khỏe và có thể phục hồi sau khi bị chấn thương.
Khác với men răng và ngà răng, tủy răng có kết cấu lỏng lẻo nên không có khả năng tự bảo vệ. Trong trường hợp sâu răng ăn vào tủy hoặc chấn thương mạnh, tủy răng có thể bị hoại tử hoàn toàn. Tủy răng hoại tử đồng nghĩa với việc răng không được nuôi dưỡng. Do đó, sau khoảng vài năm, răng sẽ có hiện tượng đổi sang màu đen hoặc tím, răng giòn, dễ nứt, gãy.
Ngoài những vấn đề trên, răng bị đen do hoại tử tủy thường có tuổi thọ giảm thấp hơn so với răng khỏe mạnh. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, răng có thể bị gãy, rụng sau một thời gian.
5. Răng bị đen do một số thói quen
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, răng bị đen đôi khi là hậu quả do các thói quen xấu như:
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém chính là điều kiện để mảng bám và vôi răng tích tụ. Về lâu dài, vôi răng đổi từ màu vàng nhạt sang màu đỏ nâu, nâu sẫm và đen. Trong khi đó, những người có thói quen vệ sinh răng miệng tốt sẽ ít gặp phải tình trạng này.
- Hút thuốc lá: Nicotine trong khói thuốc lá có thể làm oxy hóa men răng. Theo thời gian, men răng sẽ bị ố vàng và xỉn màu. Ở những người có thói quen hút thuốc lá lâu năm, răng sẽ bị đen nhiều ở mặt trong và kẽ răng. Mặt ngoài thường có hiện tượng xỉn màu và ố vàng.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây đổi màu răng. Ngoài kháng sinh Tetracycline, một số loại thuốc khác như kháng sinh Amoxicillin, lạm dụng fluor, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc phiện đều có thể khiến răng bị đổi màu.
6. Do răng sứ kim loại bị oxy hóa
Răng sứ kim loại thường được sử dụng để phục hình răng bị nứt, mẻ, răng sâu nặng,… Loại răng sứ này có sườn kim loại, sau đó được phủ sứ ở bên ngoài để khôi phục hình thể và màu sắc của răng.
So với răng sứ toàn sứ, răng sứ kim loại có giá thành rẻ hơn nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, phần kim loại bên trong sẽ bị oxy hóa và chuyển thành màu đen. Kết quả là răng và nướu răng bị đen gây mất thẩm mỹ.
Đây cũng là lý do răng sứ kim loại có độ bền kém hơn răng sứ toàn sứ. Thông thường, sau khoảng 3 – 5 năm sử dụng, bạn cần thay thế mão sứ để tránh phải tình trạng này.
7. Do tập tục ăn trầu
Ăn trầu là tập tục có từ rất lâu đời. Sự kết hợp giữa lá trầu, vôi và cau tạo ra hỗn hợp có đặc tính kháng khuẩn mạnh. Ngoài ra, canxi có trong vôi còn giúp củng cố độ chắc khỏe của men răng, hỗ trợ phòng ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa hiệu quả.
Tuy nhiên, tục ăn trầu có thể khiến cho răng bị đen. Lý do là vì vôi có thể phản ứng hóa học với lá trầu và cau tạo nên hỗn dịch có màu đỏ. Việc tiếp xúc thường xuyên với hỗn dịch này khiến cho răng bị đen và đổi màu.
Răng bị đen có ảnh hưởng gì không?
Màu sắc của răng ảnh hưởng nhiều đến yếu tố thẩm mỹ. Hàm răng trắng sáng sẽ giúp bạn tự tin khi trò chuyện, gặp gỡ. Tuy nhiên, nếu răng ố vàng và bị đen, bạn sẽ khó tránh khỏi tình trạng tự ti, e ngại và không thoải mái khi cười nói.
Ngoài ảnh hưởng đối với ngoại hình, răng bị đen đôi khi còn là biểu hiện của một số vấn đề nha khoa như sâu răng, hoại tử tủy,… Các bệnh lý này có thể tiến triển nặng theo thời gian khiến cho răng bị đau nhức và giảm chức năng ăn nhai.
Khi nhận thấy răng bị đen, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng này. Điều trị sớm sẽ giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp và phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Cách điều trị răng bị đen hiệu quả
Răng bị đen ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng. Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bạn có thể lựa chọn một trong những cách khắc phục sau:
1. Cạo vôi răng
Vôi răng tích tụ là nguyên nhân khiến cho răng bị xỉn màu, ố vàng. Do đó, cần cạo vôi răng để trả lại màu răng tự nhiên. Ngoài ra, cạo vôi răng còn giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Khi loại bỏ vôi răng, tình trạng răng bị đen sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vì vôi răng tích tụ nhiều nên men răng có thể đã bị ngả màu. Để lấy lại hàm răng trắng sáng hoàn toàn, bạn có thể kết hợp với tẩy trắng răng.
2. Tẩy trắng răng
Tẩy trắng răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng bị đen do các nguyên nhân như nhiễm kháng sinh, hút thuốc lá, sử dụng cà phê, trà đặc trong thời gian dài. Với từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tẩy trắng răng phù hợp:
- Tẩy trắng răng nội nha: Tẩy trắng răng nội nha là phương pháp được áp dụng trong trường hợp răng chết tủy. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ mở lối buồng tủy răng, sau đó cho thuốc tẩy trắng và trám bít lại. Sau một thời gian, bác sĩ sẽ thay thuốc và lặp lại cho đến khi răng trắng sáng trở lại. Nếu toàn bộ hàm răng cũng có hiện tượng ố vàng, sau khi tẩy trắng răng nội nha bạn có thể tẩy trắng răng bằng các phương pháp khác.
- Các phương pháp khác: Đối với những trường hợp còn lại, bác sĩ sẽ chỉ định tẩy trắng răng bằng laser, plasma,… Các phương pháp này sử dụng thuốc oxy hóa thoa lên răng và dùng ánh sáng để đẩy nhanh tốc độ hủy khoáng.
3. Bọc răng sứ/ dán sứ
Tẩy trắng răng đôi khi không mang lại hiệu quả với trường hợp răng bị đen nặng do chết tủy, hút thuốc lá lâu năm và nhiễm kháng sinh. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng dán sứ hoặc bọc răng sứ để phục hồi màu sắc của răng.
Các bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn chất liệu sứ có tone màu phù hợp với răng thật. Sau đó, chế tác mặt dán sứ hoặc mão răng, kế tiếp sẽ phục hình lên răng bị đen. Nếu không điều kiện, bạn có thể bọc răng sứ nguyên hàm để có được hàm răng trắng sáng và tự tin hơn khi giao tiếp.
So với tẩy trắng răng, bọc răng sứ có chi phí cao hơn. Tuy nhiên, phương pháp này đặc biệt được khuyến khích trong trường hợp răng chết tủy. Bởi tủy răng đã bị hoại tử nên không còn khả năng nuôi dưỡng và tái tạo ngà răng. Bọc răng sứ giúp khắc phục tình trạng răng bị đen, đồng thời bảo vệ răng thật và giúp phòng ngừa hiện tượng răng suy yếu, lung lay.
4. Các phương pháp khác
Ngoài những phương pháp trên, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng răng bị đen bằng một số biện pháp khác như:
- Trám răng: Nếu răng bị đen do sâu răng, giải pháp hiệu quả nhất là trám răng. Bác sĩ sẽ loại bỏ ổ sâu và sát trùng để tiêu diệt vi khuẩn Streptococcus mutans. Sau đó, sử dụng vật liệu trám để bù lấp lỗ sâu trên bề mặt.
- Lấy tủy răng: Lấy tủy răng sẽ được chỉ định đối với trường hợp sâu răng nặng gây viêm tủy răng hoặc tủy răng đã bị hoại tử. Tủy răng sẽ được loại bỏ để tránh tình trạng hôi miệng và viêm nhiễm lan rộng. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng vật liệu trám để trám bít buồng tủy. Thông thường, răng đã bị lấy tủy sẽ được khuyến khích bọc răng sứ để bảo vệ răng thật.
Răng bị đen hoàn toàn có thể khắc phục bằng các biện pháp kể trên. Tuy nhiên, bạn nên thăm khám và điều trị sớm để tránh phải can thiệp quá nhiều phương pháp. Hơn nữa, điều trị kịp thời cũng sẽ giúp hạn chế những biến chứng và hậu quả nặng nề.
Các biện pháp phòng ngừa răng bị đen
Răng bị đen là tình trạng khá phổ biến và chủ yếu ảnh hưởng đến người ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi. Có thể thấy, răng bị đen không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa tình trạng này.
Các biện pháp phòng ngừa răng bị đen:
- Tránh các thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng thức ăn và đồ uống đậm màu.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, đồng thời nên thăm khám định kỳ và lấy vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm.
- Không sử dụng kháng sinh và các loại thuốc một cách tùy ý.
- Hạn chế đường trong chế độ ăn để tránh sâu răng và các bệnh răng miệng thường gặp khác. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý uống nhiều nước và bổ sung khoáng chất để củng cố độ chắc khỏe của men răng.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor để bảo vệ men răng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng fluor quá mức vì có thể khiến răng ngả màu.
- Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn nên thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng.
Răng bị đen có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh lý, thói quen sinh hoạt, ăn uống,… Dù xảy ra do bất cứ nguyên nhân nào, bạn cũng nên thăm khám và điều trị sớm. Nếu để lâu dài, tình trạng răng bị đen có thể nghiêm trọng dần theo thời gian và đôi khi không thể khắc phục bằng các biện pháp thông thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Tẩy trắng răng bằng đèn Plasma: Quy trình và chi phí
Sau khi tẩy trắng răng bao lâu thì ăn được? Nên ăn gì và kiêng gì?
Dùng Bột Than Tre Tẩy Trắng Răng có tốt không? Loại nào tốt?
10 Bí quyết làm trắng răng bằng chanh hiệu quả ngay tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!