Răng bị ê buốt tự hết không? Có chữa được không? là những vấn đề được quan tâm xung quanh tình trạng răng ê buốt (nhạy cảm). Để được giải đáp các thắc mắc này một cách chi tiết, bạn có thể tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Răng bị ê buốt có tự hết không?
Răng bị ê buốt (răng nhạy cảm) là vấn đề nha khoa thường gặp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống và sinh hoạt. Tình trạng này thực chất là hiện tượng quá cảm ngà do men răng bị mài mòn và tổn thương. Khi đó, các kích thích như thức ăn chua, đồ uống/ món ăn quá nóng và quá lạnh có thể gây ra cảm giác ê buốt, khó chịu.
Răng bị ê buốt có tự hết không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tế, đa phần các trường hợp răng nhạy cảm đều không thể tự thuyên giảm nếu không can thiệp điều trị. Ngược lại, tình trạng chủ quan còn có thể khiến men răng bị hư hại nặng dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng khác.
Tuy nhiên, ê buốt răng do một số nguyên nhân tạm thời như mang thai, sau khi can thiệp các thủ thuật nha khoa (tẩy trắng răng, niềng răng, hàn trám,…) có thể thuyên giảm sau một thời gian nhất định. Vì vậy, bạn nên xác định chính xác nguyên nhân khiến răng bị ê buốt để có hướng điều trị và chăm sóc phù hợp.
Răng ê buốt có chữa được không?
Ê buốt răng có chữa được không cũng là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Được biết, tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị bằng các biện pháp cải thiện tại nhà và phương pháp y tế. Nếu tuân thủ theo hướng dẫn, răng nhạy cảm sẽ thuyên giảm chỉ sau khoảng 1 – 2 tháng (tùy trường hợp).
Đối với người có men răng mỏng bẩm sinh, răng thường xuyên bị ê buốt và đau nhức khi dùng thức ăn nóng, lạnh và chua, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện các phương pháp phục hình để giảm độ nhạy cảm của ngà răng với nhiệt độ, vị chua có trong thức ăn.
Có thể thấy, hầu hết các trường hợp bị ê buốt đều có phương pháp điều trị. Do đó, bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp khắc phục phù hợp. Tránh tình trạng chủ quan khiến tình trạng răng bị ê buốt kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các biện pháp điều trị răng bị ê buốt hiệu quả
Răng bị ê buốt là dấu hiệu cho thấy men răng bị mài mòn, cấu trúc răng hư tổn và suy yếu. Tùy theo mức độ và nguyên nhân gây ê buốt răng, bạn có thể can thiệp các phương pháp điều trị như:
1. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Chăm sóc răng miệng đúng cách là biện pháp cải thiện ê buốt răng có mức độ nhẹ. Mục đích của biện pháp này là giảm tác động lên răng, đồng thời tái tạo và phục hồi men răng. Hơn nữa, duy trì thói quen vệ sinh răng miệng khoa học còn giúp bảo vệ men răng, mô nướu và phòng ngừa các bệnh nha khoa hiệu quả.
Các biện pháp chăm sóc răng miệng giúp cải thiện tình trạng răng ê buốt:
- Chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải có kích cỡ vừa phải, lông chải mềm và mảnh. Ngoài ra, nên dùng lực vừa phải và thao tác chải răng theo chiều dọc để tránh gây tổn thương men răng, mô nướu.
- Để tăng hiệu quả giảm ê buốt, bạn có thể dùng các loại kem đánh răng, nước súc miệng và gel bôi dành riêng cho răng nhạy cảm. Các sản phẩm này thường được bổ sung Potassium nitrate và fluorua có tác dụng tái khoáng men răng giúp làm dịu mô nướu và cải thiện tình trạng ê buốt răng.
- Có thể ngậm nước muối ấm từ 2 – 3 lần/ ngày để giảm nhanh tình trạng ê buốt và đau nhức răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám và thức ăn ở kẽ răng. Bởi đây là những vị trí khuất nên rất khó làm sạch hoàn toàn nếu chỉ đánh răng thông thường.
- Uống nhiều nước sau bữa ăn để làm sạch khoang miệng và kích thích tiết nước bọt. Nước bọt giúp làm sạch mảng bám ở mặt nhai, kẽ răng, đồng thời thúc đẩy tốc độ tái khoáng và trung hòa axit từ vi khuẩn. Qua đó cải thiện tình trạng răng nhạy cảm và hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.
- Tránh dùng thức ăn cứng, chua, quá nóng và quá lạnh khi điều trị ê buốt. Các món ăn và thức uống này có thể khiến men răng bị mài mòn và tăng độ nhạy cảm của ngà răng.
- Bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất như tôm, cua, hàu, trứng, thịt,… để tái khoáng men răng và tăng cường sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe bằng một số loại thực phẩm giàu vitamin như rau xanh, củ, trái cây,…
Các biện pháp chăm sóc răng miệng không chỉ giúp giảm tình trạng răng ê buốt và nhạy cảm mà còn bảo vệ sức khỏe răng miệng toàn diện. Hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện một số vấn đề nha khoa khác như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,…
2. Các phương pháp y tế
Như đã đề cập, ê buốt răng hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm. Đối với những trường hợp ê buốt nặng và không cải thiện khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn nên đến gặp nha sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Các phương pháp y tế được áp dụng trong trường hợp ê buốt răng:
- Gel bôi chứa fluor: Fluor là thành phần cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng. Đối với những trường hợp răng ê buốt ở mức độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ chỉ định dùng gel bôi chứa fluor để cải thiện. Sau khoảng vài tuần sử dụng, cảm giác ê buốt khi ăn đồ lạnh, nóng và chua sẽ được cải thiện đáng kể.
- Sử dụng máng nhai: Trong trường hợp men răng bị mài mòn do thói quen nghiến răng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng máng nhai. Máng nhai giúp khắc phục tình trạng men răng bị mài mòn và giảm tình trạng đau nhức, ê buốt răng khi ăn uống.
- Hàn trám răng: Hàn trám răng là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị ê buốt răng. Phương pháp này sử dụng vật liệu nhân tạo để trám bít lỗ sâu răng, vùng men răng bị nứt, mẻ và mài mòn. Hàn răng được cân nhắc trong trường hợp ê buốt răng do sâu răng, mòn cổ chân răng, răng nứt, mẻ,…
- Bọc răng sứ: Đối với răng sứt mẻ nặng, men răng mỏng bẩm sinh hoặc cấu trúc răng hư hại nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ. Mão răng sứ được chụp lên răng thật đã được mài nhỏ giúp bảo vệ răng khỏi tác động của nhiệt độ lạnh, nóng và vị chua có trong các món ăn, thức uống. Ngoài ra, bọc răng sứ còn giúp phục hồi hình dáng và màu sắc của răng bị tổn thương.
- Một số phương pháp khác: Trong trường hợp răng bị ê buốt do tụt lợi làm lộ lớp cement chân răng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định một số phương pháp điều trị khác như ghép lợi (mô nướu), đẩy vạt về phía thân răng, phẫu thuật nha chu,…
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Răng bị ê buốt có tự hết không? Có chữa được không?”, đồng thời đề cập đến một số phương pháp chữa răng ê buốt hiệu quả. Nếu có thắc mắc, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được tư vấn cụ thể hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
10 Cách trị ê buốt răng tại nhà đơn giản hiệu quả nhất
Ê Buốt Chân Răng Hàm Dưới: Nguyên nhân và cách khắc phục
Răng sâu bị ê buốt: Nguyên nhân và Cách khắc phục hiệu quả
Răng Bị Ê Buốt Sau Khi Bọc Sứ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!