Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ là phản ứng thông thường do nướu và răng chưa kịp thích nghi với chất liệu từ mão sứ. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra do vật liệu chế tác mão sứ kém chất lượng, bác sĩ mài cùi răng quá nhiều,…
Nguyên nhân khiến răng bị ê buốt sau khi bọc sứ
Răng bị ê buốt là tình trạng răng nhạy cảm với các kích thích như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, thực phẩm chua, áp lực,… Tình trạng này gây ra cảm giác rất khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, ê buốt răng còn là dấu hiệu cho thấy răng đang gặp phải một số vấn đề bất thường.
Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ là tình trạng khá phổ biến. Bọc sứ (bọc răng sứ thẩm mỹ) là phương pháp phục hình được ưa chuộng trong những năm gần đây. Phương pháp này sử dụng mão sứ có hình dáng, màu sắc tương tự răng thật chụp lên răng bị tổn thương để phục hồi chức năng thẩm mỹ và sinh lý. Ngoài ra, bọc mão sứ còn giúp bảo vệ chân răng và duy trì hàm răng khỏe mạnh.
Thông thường sau khi bọc sứ, răng sẽ bị ê buốt và đau nhức nhẹ trong vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng ê buốt cũng có thể kéo dài với mức độ nặng dần theo thời gian do một số sai sót trong quá trình thực hiện. Để có hướng khắc phục phù hợp, bạn nên tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây ê buốt răng sau khi bọc sứ:
1. Răng, nướu chưa kịp thích nghi
Như đã đề cập, sau khi bọc mão sứ, răng sẽ bị đau nhức và ê buốt nhẹ trong vài ngày. Đây là phản ứng thông thường khi nướu và răng chưa kịp thích nghi với mão sứ. Mão sứ được chế tác từ vật liệu nhân tạo nên cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi.
Nếu không có vấn đề bất thường, tình trạng răng ê buốt sau khi bọc sứ sẽ cải thiện chỉ sau khoảng 3 – 5 ngày mà không cần phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên, mức độ cơn đau, cảm giác ê buốt và thời gian hồi phục thực tế còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người.
2. Mài cùi răng quá nhiều
Trước khi lắp mão sứ, bác sĩ sẽ phải tiến hành mài mòn răng để thu nhỏ kích thước răng thật. Đây là bước bắt buộc khi bọc sứ để đảm bảo mão sứ ôm khít hàm răng, tránh tình trạng cộm, chênh trong quá trình giao tiếp và sinh hoạt.
Bác sĩ sẽ thông qua hình ảnh X-Quang để xác định tỷ lệ răng cần phải mài mòn. Trong trường hợp tính toán sai tỷ lệ, mài cùi quá sâu, răng có thể trở nên nhạy cảm sau khi bọc mão sứ. Ngoài ra, cùi răng bị mài quá nhỏ sẽ tạo khoảng trống khi lắp răng sứ, tạo điều kiện thuận lợi để hại khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, tổn thương răng.
3. Mão sứ không tương thích, lệch, cộm
Bọc răng sứ là kỹ thuật nha khoa đòi hỏi cao về tay nghề bác sĩ và sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị y tế. Nếu không đáp ứng 1 trong 2 yêu cầu này, mão sứ sau khi chế tác sẽ không có độ tương thích 100% với răng thật dẫn đến tình trạng cộm, lệch và chênh.
Trong trường hợp này, mão sứ sẽ chèn ép lên ngà răng gây ra cảm giác đau nhức và ê buốt. Tình trạng ê buốt có thể xảy ra ngay cả khi không dùng đồ lạnh, nóng và chua. Nếu không cải thiện sớm, mức độ ê buốt răng sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian.
4. Răng sứ có chất liệu kém
Hiện nay, mão răng sứ được chế tác từ nhiều chất liệu như răng sứ kim loại, răng sứ toàn sứ,… Mỗi chất liệu đều có những ưu điểm và hạn chế chất định. Tất cả các chất liệu được sử dụng hiện nay đều đã được Bộ y tế kiểm định về độ an toàn đối với sức khỏe.
Tuy nhiên để tăng lợi nhuận, một số phòng khám sử dụng vật liệu kém chất lượng khi chế tác mão sứ. Các chất liệu này thường có độ bền và khả năng cách nhiệt kém. Khi sử dụng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ sẽ đi sâu vào bên trong ngà răng kích thích tủy răng dẫn truyền tín hiệu về não bộ, kết quả là gây đau nhức và ê buốt răng dữ dội.
5. Không điều trị triệt để bệnh lý nha khoa trước khi bọc sứ
Trước khi bọc răng sứ, bạn cần đến nha khoa để được thăm khám và tư vấn. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi không có bất cứ bệnh lý răng miệng nào. Đối với những trường hợp bị sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe răng,… bác sĩ sẽ kiểm soát triệt để trước khi lắp mão sứ.
Nếu không điều trị hoàn toàn các bệnh lý nha khoa, răng sẽ dễ bị ê buốt và đau nhức sau khi bọc sứ. Theo thời gian, vi khuẩn bên trong ngà răng và tủy răng sẽ tiếp tục phát triển gây hư hại cấu trúc răng nghiêm trọng.
Ê buốt răng sau khi bọc sứ có ảnh hưởng gì không?
Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ là tình trạng khá phổ biến. Nếu do nướu và răng chưa kịp thích nghi, tình trạng răng ê buốt và đau nhức sẽ thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra do các sai sót khi chế tác và lắp mão sứ, bạn cần phải đến phòng khám để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xử lý phù hợp. Đa phần các trường hợp thăm khám và khắc phục sớm đều được kiểm soát, ít tiến triển nặng dẫn đến hư hại răng và xương ổ răng. Ngược lại nếu chủ quan, tình trạng này có thể chuyển biến nặng gây ra rất nhiều biến chứng chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa, cùi răng bị tổn thương, hư hại nặng phải nhổ bỏ,…
Cách khắc phục tình trạng răng ê buốt sau khi bọc sứ
Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ rất có thể là dấu hiệu cho thấy cùi răng bị mài mòn quá nhiều, mão sứ không tương thích hoặc có chất liệu kém,… Để tránh tình trạng chuyển biến xấu gây ra nhiều biến chứng, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
1. Tìm gặp bác sĩ chuyên khoa
Ê buốt sau khi làm răng sứ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu mức độ ê buốt tăng dần theo thời gian, bạn nên sắp xếp thời gian gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Sau khi khám trực tiếp và yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng (X-Quang), bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Các phương pháp khắc phục răng ê buốt sau khi bọc sứ:
- Điều trị các bệnh nha khoa triệt để: Trong trường hợp ê buốt răng do các bệnh nha khoa chưa được điều trị triệt để, bác sĩ sẽ tiến hành tháo mão sứ. Sau đó, chữa trị dứt điểm các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm tủy răng, áp xe chân răng,… Để tránh tình trạng lặp lại, bạn nên lựa chọn bệnh viện uy tín, tránh quay trở lại phòng khám đã thực hiện bọc sứ trước đây.
- Chế tác lại mão sứ: Trong trường hợp mão sứ không tương thích, bị cộm, lệch hoặc chất liệu chế tác mão sứ không đảm bảo, bác sĩ sẽ lấy dấu răng và chế tác lại răng sứ phù hợp. Ngay sau khi đổi mão sứ, tình trạng răng ê buốt, đau nhức, khó khăn khi ăn uống,… sẽ được cải thiện đáng kể.
Thực tế, đa phần các trường hợp răng bị ê buốt sau khi bọc sứ đều xảy ra do thực hiện ở những phòng khám nha khoa kém chất lượng, bác sĩ không đủ chuyên môn và sử dụng các vật liệu nha khoa không đảm bảo. Vì vậy nếu có vấn đề phát sinh, bạn nên tránh quay lại các cơ sở này. Thay vào đó, nên lựa chọn các bệnh viện lớn để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro trong quá trình thực hiện.
2. Áp dụng mẹo giảm ê buốt tại nhà
Nếu tình trạng ê buốt răng sau khi bọc sứ xảy ra do nướu và răng chưa kịp thích nghi, bạn có thể khắc phục bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà như:
- Ngậm nước muối ấm: Nước muối ấm có đặc tính làm dịu mô nướu, kháng khuẩn và sát trùng. Ngoài ra, muối biển còn chứa hơn 60 loại khoáng chất thiết yếu, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tái khoáng men răng. Ngậm nước muối từ 3 – 5 phút có thể giảm nhẹ mức độ ê buốt và đau nhức răng sau khi bọc mão sứ.
- Dùng thảo dược: Một số loại thảo dược có đặc tính tiêu viêm và kháng khuẩn tự nhiên như dầu dừa, bạc hà, tinh dầu đinh hương, cỏ xạ hương,… Tận dụng các thảo dược này có thể làm giảm tình trạng răng ê buốt, đau nhức và hôi miệng sau khi bọc mão sứ.
- Sử dụng thuốc không kê toa: Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa để cải thiện tình trạng răng ê buốt sau khi bọc sứ. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm thuốc gây tê dạng gel bôi, Paracetamol và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Để tránh tác dụng phụ và rủi ro khi dùng, bạn không nên sử dụng các loại thuốc này quá 5 ngày.
Các mẹo chữa tại nhà có thể giảm phần nào mức độ đau nhức và ê buốt răng. Tuy nhiên, nếu tình trạng chuyển biến xấu, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp chủ quan, răng có thể bị hư hại và tổn thương nặng.
Chế độ chăm sóc giúp giảm ê buốt răng sau khi bọc sứ
Như đã đề cập, răng thường có xu hướng ê buốt nhẹ sau khi bọc răng sứ và can thiệp các thủ thuật nha khoa khác như tẩy trắng răng, hàn răng, lấy cao răng,… Để cải thiện tình trạng này và đẩy nhanh tốc độ phục hồi răng, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc phù hợp sau khi bọc mão sứ.
Chế độ chăm sóc giúp cải thiện tình trạng răng ê buốt sau khi bọc sứ:
- Đánh răng nhẹ nhàng để giảm áp lực lên răng. Ngoài ra, nên chú ý chải răng 2 – 3 lần/ ngày để bảo vệ răng khỏi tác động của vi khuẩn.
- Sau khi đánh răng, nên sử dụng thêm nước súc miệng để sát trùng và kháng khuẩn khoang miệng. Điều này sẽ giúp kiểm soát triệt để hại khuẩn và ngăn ngừa các vấn đề nha khoa xảy ra ở răng vừa bọc mão sứ.
- Dùng chỉ nha khoa sau các bữa ăn để làm sạch thức ăn bám dính trong các kẽ. Nếu không làm sạch hoàn toàn, thức ăn có thể tạo thành mảng bám – nơi vi khuẩn trú ngụ và phát triển. Đối với răng vừa bọc sứ, mô nướu còn khá nhạy cảm nên sẽ dễ đau nhức và sưng viêm nếu số lượng vi khuẩn trong khoang miệng phát triển quá mức.
- Sau khi bọc mão sứ, nên dùng các món ăn nguội, mềm và dễ nhai như cháo, bún, miến, súp,… để giảm áp lực lên răng trong quá trình ăn uống. Duy trì thói quen này trong khoảng 3 – 5 ngày giúp răng có điều kiện thuận lợi để thích nghi và hồi phục hoàn toàn.
- Tránh dùng răng cắn, xé các vật cứng sau khi bọc sứ, Tình trạng này khiến mão sứ bị nứt, tạo điều kiện cho hại khuẩn xâm nhập gây đau nhức và ê buốt răng dữ dội.
- Tránh các thói quen làm chậm quá trình phục hồi của răng như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nghiến răng,…
- Chú ý các biểu hiện sau khi bọc răng sứ và tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ là tình trạng khá phổ biến. Để hạn chế tình trạng chuyển biến xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy răng ê buốt nhiều, đau nhức,… sau khi lắp mão sứ. Ngoài ra, nên chú ý lựa chọn phòng khám/ bệnh viện uy tín nhằm hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình chữa trị.
Tham khảo thêm:
Cialis Online Pharmacy Reviews Wcjdca – Cialis Dopfyk Cialis cialis au quebec – Cialis Agvtdm