Các bài tập vật lý trị liệu chữa viêm khớp thái dương hàm có thể giảm cơn đau, cải thiện tình trạng khó há miệng và giúp khớp dễ dàng cử động khi ăn nhai, giao tiếp. Áp dụng vật lý trị liệu song song với sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống có thể kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Tác dụng của các bài tập vật lý trị liệu đối với viêm khớp thái dương hàm
Đau khớp thái dương hàm là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp thái dương hàm. Triệu chứng đau do bệnh lý này thường xảy trong quá trình ăn uống và giao tiếp. Ở những trường hợp nặng, cơn đau có thể bùng phát vào ban đêm gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.
Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý răng hàm mặt thường gặp ở nữ giới từ 30 – 40 tuổi. Một trong những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả là tập vật lý trị liệu. Các bài tập vật lý trị liệu có thể cải thiện chức năng khớp và giảm các rối loạn của những cơ quan cấu thành khớp như đĩa sụn, đầu xương, dây chằng, dây thần kinh,…
Ngoài ra, các bài tập vật lý trị liệu còn có tác dụng thư giãn cơ, giảm đau và thúc đẩy tuần hoàn máu nuôi dưỡng khớp. Thực hiện các bài tập này thường xuyên còn đẩy nhanh tốc độ phục hồi ổ khớp và giúp khớp hoạt động tốt hơn. Vật lý trị liệu là phương pháp an toàn, chủ yếu tận dụng các tác động vật lý và cơ học. Trong điều trị viêm khớp thái dương hàm, phương pháp này thường được thực hiện đồng thời với sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
Các bài tập vật lý trị liệu giảm đau khớp thái dương hàm
Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau nhức và cải thiện chức năng của khớp thái dương hàm. Thực hiện các bài tập này đều đặn mỗi ngày có thể kiểm soát triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tái tạo các cơ quan bị tổn thương.
Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu giảm đau nhức khớp thái dương hàm bạn có thể áp dụng:
Bài tập 1 – Thư giãn cơ hàm
Hàm bị co cứng trong thời gian dài làm tăng áp lực lên các khối cơ, đĩa sụn và đầu xương. Bài tập thư giãn cơ hàm giúp kéo giãn cơ và tăng phạm vi chuyển động của khối cơ xung quanh khớp thái dương hàm. Bài tập này có thể giảm cơn đau và cải thiện tình trạng khó há miệng ở bệnh nhân bị viêm khớp thái dương hàm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Đầu tiên, đặt lưỡi ở phía sau răng cửa (không sử dụng lực)
- Há miệng nhẹ nhàng để thư giãn cơ hàm trong vài giây và khép miệng lại như ban đầu
- Thực hiện khoảng 5 – 10 lần để kéo giãn và thư giãn cơ hàm
Bài tập 2 – Bài tập mở miệng một phần
Bài tập mở miệng một phần cũng là một trong những động tác giúp thư giãn cơ và giảm đau khớp thái dương hàm hiệu quả. Bài tập này tạo ra một lực vừa phải nhằm kích thích khớp thái dương hàm phục hồi và tái tạo. Thực hiện bài tập mở miệng một phần thường xuyên giúp cải thiện chức năng ăn nhai và giảm tình trạng đau hàm khi ăn uống, giao tiếp.
Hướng dẫn thực hiện:
- Đặt lưỡi lên vòm miệng (dùng lực nhẹ nhàng) để tránh làm tăng áp lực lên khớp thái dương hàm
- Đặt ngón trỏ vào khớp thái dương hàm
- Tay còn lại dùng ngón trỏ đặt chính giữa cằm và há miệng 1 nửa, sau đó ngậm miệng lại (khi ngậm miệng thì ngón trỏ đặt lên cằm cần tạo ra lực mạnh vừa đủ để tạo ra áp lực nhằm tăng cường chức năng khớp thái dương hàm)
- Thực hiện liên tục trong vòng 6 lần
Bài tập 3 – Bài tập mở miệng hoàn toàn
Viêm khớp thái dương hàm thường gây khó khăn khi há miệng trong quá trình ăn uống và giao tiếp. Sau khi thực hiện bài tập thư giãn cơ hàm và mở miệng 1 nửa, bạn nên tiếp tục thực hiện bài tập mở miệng hoàn toàn. Bài tập này tác động đến vùng khớp thái dương hàm và giúp hạn chế cảm giác đau nhức khi ăn uống, giao tiếp.
Với những người làm công việc văn phòng, ít giao tiếp và thường xuyên bị căng thẳng, khớp thái dương hàm dễ bị co cứng sau thời gian dài làm việc. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên áp dụng bài tập 1, 2 và 3 mỗi ngày.
Hướng dẫn thực hiện:
- Thực hiện tương tự như bài tập 2
- Tuy nhiên, nên mở miệng hoàn toàn để tác động sâu đến khớp thái dương hàm
- Chú ý mở miệng từ từ, không há miệng đột ngột khiến khớp thái dương hàm bị kích thích và bùng phát cơn đau dữ dội
Bài tập 4 – Bài tập cúi cằm
Sau khi thực hiện các bài tập thư giãn cơ hàm, bạn có thể chuyển sang bài tập cúi cằm. Bài tập này giữ thư giãn toàn bộ góc hàm và cằm, qua đó giãn cơ và giảm đau nhức khi ăn uống, giao tiếp. Thực hiện bài tập cúi cằm thường xuyên còn thúc đẩy khớp thái dương hàm tái tạo và phục hồi.
Hướng dẫn thực hiện:
- Ngồi hoặc đứng thẳng, thả lỏng phần cổ và vai
- Sau đó, cúi cằm xuống sát vào cổ để tạo ra ngấn (có thể dùng hai ngón tay để ép sát cằm)
- Giữ tư thế trong 3 giây và trở lại vị trí ban đầu
- Thực hiện liên tục khoảng 10 lần
Bài tập 5 – Bài tập đối kháng khi mở miệng
Bài tập đối kháng giúp tăng cơ vùng xương hàm và cải thiện phạm vi vận động của khớp thái dương hàm. Bài tập này có thể giảm tình trạng đau nhức và khó há miệng ở người bị viêm khớp thái dương hàm. Ngoài ra, bạn cũng có thể luyện tập để phòng ngừa loạn chức năng khớp thái dương hàm do stress quá mức.
Hướng dẫn thực hiện:
- Nắm bàn tay và dùng phần bên của ngón tay trỏ đặt lên phần cằm
- Mở miệng từ từ và dùng bàn tay tạo ra lực để đối kháng lại
- Giữ trong khoảng 3 – 6 giây và ngậm miệng lại từ từ
- Thực hiện từ 5 – 10 lần
Bài tập 6 – Đối kháng khi ngậm miệng
Sau khi thực hiện bài tập đối kháng khi mở miệng, bạn có thể chuyển sang bài tập đối kháng khi ngậm miệng. Bài tập này có tác dụng giảm đau và thư giãn cơ ở khớp thái dương hàm + xương hàm. Đồng thời tăng cường chức năng ăn nhai của khớp.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng hai bàn tay bóp chặt cằm
- Sau đó, dùng tay kéo miệng ra và từ từ ngậm miệng lại trong khi đó ngón tay tạo ra lực kháng lại động tác ngậm miệng để tăng cường chức năng cơ và khớp thái dương hàm
- Thực hiện bài tập từ 5 – 10 lần
Bài tập 7 – Bài tập đẩy lưỡi lên
Bài tập đẩy lưỡi lên cũng có thể giảm phần nào cảm giác đau nhức trong quá trình ăn uống. Bài tập này tác động đến phần cơ lưỡi, góc hàm và khớp thái dương hàm. Qua đó tăng cường chức năng của khớp, giảm đau và cải thiện tình trạng khó khăn khi há miệng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng đầu lưỡi chạm vào vòm miệng
- Từ từ há miệng ra và ngậm miệng lại
- Thực hiện động tác từ 5 – 10 lần
- Nên há miệng và ngậm miệng từ từ để tránh gây đau khớp thái dương hàm
Bài tập 8 – Bài tập chuyển động hàm
Bài tập chuyển động hàm tác động sâu đến khớp thái dương hàm. Bài tập này giúp luyện tập khả năng ăn nhai và tăng cường chức năng của khớp. Bài tập chuyển động góc hàm thích hợp với những người bị viêm khớp thái dương hàm do rối loạn cơ, chấn thương và thoái hóa khớp.
Hướng dẫn thực hiện:
- Sử dụng vật dài và tròn đặt ở răng cửa giữa hai hàm có đường kính khoảng 0.5cm (thường dùng nắp bút bi)
- Sau đó, dùng lực nhai nhẹ nhàng lên vật cứng và chuyển động hàm sang hai bên
- Khi khớp thái dương hàm giảm độ cứng và có thể vận động dễ dàng hơn, nên tăng đường kính của vật cứng
- Thực hiện bài tập từ 5 – 10 lần tùy theo khả năng (không nên cố thực hiện khiến khớp bị đau nhức nhiều)
Bài tập 9 – Bài tập đẩy hàm dưới ra trước
Bài tập đẩy hàm dưới ra trước là bài tập được thực hiện cuối cùng. Bài tập này tác động đến lực của khớp thái dương hàm nhằm giảm tình trạng đau nhức và khó khăn khi há miệng. Tương tự như bài tập chuyển động hàm, bài tập đẩy hàm dưới ra trước thích hợp với người bị viêm khớp thái dương hàm do thoái hóa và chấn thương.
Hướng dẫn thực hiện:
- Đặt vật nhỏ có đường kính khoảng 0.5cm giữa răng cửa như bài tập số 8
- Dùng lực lên vật cứng và dịch chuyển hàm dưới về phía trước một cách nhẹ nhàng
- Khi khớp vận động dễ dàng hơn hơn, có thể tăng đường kính của vật để cải thiện chức năng của khớp thái dương hàm
- Thực hiện liên tục từ 5 – 10 lần
Một số lưu ý khi tập vật lý trị liệu giảm đau khớp thái dương hàm
Tập vật lý trị liệu là phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm hiệu quả bên cạnh sử dụng thuốc và điều chỉnh thói quen. Vật lý trị liệu có thể giảm đau nhức, cải thiện tình trạng khó há miệng và khó khăn khi ăn uống, giao tiếp,… Đồng thời có thể cải thiện chức năng và thúc đẩy tái tạo, phục hồi khớp hiệu quả.
Tuy nhiên khi tập vật lý trị liệu chữa viêm khớp thái dương hàm, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Trước khi tập vật lý trị liệu, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, vật lý trị liệu phải được thực hiện sau khi tình trạng viêm nhiễm và phù nề ở khớp đã được kiểm soát. Tự ý tập vật lý trị liệu có thể khiến hàm bị đau nhức và sưng viêm nặng hơn.
- Với mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu phù hợp để giảm triệu chứng và cải thiện chức năng của ổ khớp. Vì vậy nếu có ý định áp dụng phương pháp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi luyện tập.
- Vật lý trị liệu chỉ là phương pháp hỗ trợ trong điều trị viêm khớp thái dương hàm. Ngoài phương pháp này, bạn nên thay đổi các thói quen xấu và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết, có thể phải chọc rửa khớp và phẫu thuật để sửa chữa các cơ quan bị tổn thương.
- Nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình luyện tập, nên thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng khắc phục.
- Người thường xuyên bị căng thẳng – stress và người bị viêm khớp thái dương hàm do thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp nên duy trì các bài tập này để phòng ngừa bệnh tái phát.
Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu thường xuyên có thể giảm đau khớp thái dương hàm. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng. Bên cạnh đó, nên phối hợp với các phương pháp y tế và biện pháp chăm sóc hợp lý để kiểm soát bệnh hoàn toàn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị viêm khớp thái dương hàm nên ăn gì và kiêng gì?
Trật Khớp Thái Dương Hàm Có Nguy Hiểm? Cách Xử Lý, Điều Trị
Cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà
Đau Quai Hàm Gần Tai Bên Trái: 6 Vấn đề có thể gặp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!