Trật khớp thái dương hàm là tình trạng khớp thái xương hàm và xương sọ bị trật ra khỏi vị trí bình thường. Bệnh lý này không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai và giao tiếp. Ngoài ra, trật khớp cũng khiến cho khuôn mặt bị biến dạng và mất cân đối.
Trật khớp thái dương hàm là gì?
Trật khớp thái dương hàm là tình trạng xương sọ và xương hàm dưới mất cân bằng dẫn đến khó khăn khi ăn nhai và giao tiếp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng trật khớp thái dương hàm gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và có thể dẫn đến những biến chứng, di chứng nặng nề.
Có khá nhiều nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, bệnh thường khởi phát sau khi khớp thái dương hàm bị viêm nhiễm trong một thời gian dài nhưng không được thăm khám và điều trị kịp thời. Khớp thái dương hàm giữ vai trò quan trọng trong hoạt động ăn nhai. Vì vậy, khi gặp phải các vấn đề ở cơ quan này, cần thăm khám và điều trị sớm để tránh những hậu quả lâu dài.
Các dạng trật khớp thái dương hàm
Tình trạng mất cân bằng giữa xương sọ và xương hàm dưới thường xảy ra do lồi cầu di chuyển quá mức và bị kẹt lại ở vị trí nào đó. Dựa vào vị trí của cầu lồi, trật khớp thái dương hàm được chia thành nhiều dạng:
- Trật ra trước
- Trật sang bên
- Trật ra sau
- Trật lên trên
Trong đó, trật ra trước là dạng thường gặp nhất. Ở dạng này, lồi cầu bị kẹt lại ở phần lồi của xương thái dương khiến cho việc ăn nhai trở nên khó khăn. Tuy nhiên, đây là dạng gần như không hồi phục và có xu hướng mãn tính, tái diễn.
Biểu hiện của trật khớp thái dương hàm
Trật khớp thái dương hàm có biểu hiện khá đa dạng. Trong đó, được chia thành 3 nhóm bao gồm biểu hiện ở cơ, khớp và khuôn mặt.
1. Biểu hiện ở cơ
Tình trạng mất cân bằng khớp thái dương hàm và xương sọ khiến cho vùng cơ xung quanh khớp bị đau nhức nhiều. Cơn đau tăng lên khi nhai thức ăn cứng, dai và ăn nhai thường xuyên.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng gặp khó khăn trong việc há miệng và giao tiếp. Trường hợp trật nghiêm trọng có thể bị đau cổ, đau đầu và phì đại cơ cắn (biểu hiện là khuôn mặt sưng lên và mất cân đối).
2. Biểu hiện ở khớp
Khi bị trật khớp thái dương hàm, biểu hiện ở khớp là rõ ràng nhất. Các biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Khớp đau khi há miệng và ăn nhai
- Nghe tiếng ken két và lục cục ở vùng khớp thái dương hàm
- Khó khăn khi há miệng, thậm chí không thể há miệng được
Ban đầu, khớp thái dương hàm sẽ bị giãn, sau đó phát triển dẫn đến dính khớp và có thể tiến triển nặng hơn dẫn đến thủng đĩa khớp. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, đầu xương sẽ bị phá hủy khiến cho khớp bị xơ cứng và không thể há miệng.
3. Biểu hiện ở khuôn mặt
Trật khớp thái dương hàm sẽ gây ra các biểu hiện ở khuôn mặt sau một thời gian dài tiến triển. Trong đó thường gặp nhất là không ngậm được miệng sau khi cười lớn hoặc ngáp. Ngoài ra, một số người có thể bị biến dạng mặt do phì đại cơ cắn.
Bên cạnh đó, triệu chứng của trật khớp thái dương hàm cũng sẽ có sự khác biệt giữa trật khớp một bên hoặc trật khớp hai bên:
- Trật khớp 1 bên: Hàm lệch sang 1 bên, nước bọt chảy nhiều, mỏi khớp, đau nhức, khó nuốt và khó khăn khi ăn nhai. Nhìn vào hình dáng mặt sẽ thấy cằm lệch một bên, má hóp và miệng há nhỏ hơn bình thường.
- Trật khớp 2 bên: Trật khớp 2 bên cũng gây chảy nhiều nước bọt, đau, mỏi khớp, khó nhai nuốt, cằm đưa về phía trước và má hóp 2 bên. Đặc biệt dạng trật khớp 2 bên sẽ khiến cho miệng há to hơn bình thường.
Nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm
Có khá nhiều nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm như stress, nhiễm khuẩn, nghiến răng, chấn thương,… Trong nhiều trường hợp, bệnh lý này là hệ quả do nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động.
Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây trật khớp thái dương hàm:
- Các bệnh lý xương khớp: Tình trạng nhiễm khuẩn khớp thái dương hàm, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp,… không được điều trị và kiểm soát có thể dẫn đến trật khớp thái dương hàm. Ngoài ra, một số trường hợp có thể tiến triển nặng gây dính khớp hoàn toàn.
- Chấn thương: Các dạng chấn thương như va đập, cười quá lớn hoặc há miệng rộng đều làm gia tăng nguy cơ trật khớp thái dương hàm.
- Nghiến răng khi ngủ: Nghiến răng khi ngủ là một trong những thói quen xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Nghiến răng tạo áp lực lớn lên răng, khớp và xương hàm dẫn đến rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm hoặc trật khớp thái dương hàm. Ngoài ra, thói quen này còn là nguyên nhân gây mòn men răng, răng ê buốt, tụt lợi, sâu răng,…
- Trật khớp sau khi nhổ răng: Thông thường, với răng số 8 mọc lệch, mọc chen chúc, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để phòng tránh các bệnh lý nha khoa và bảo toàn chức năng ăn nhai. Tuy nhiên sau khi nhổ răng, khớp có thể bị trật do cấu trúc răng thay đổi. Trường hợp này thường dễ cải thiện và đa phần đều thuyên giảm nhanh.
- Các nguyên nhân khác: Trật khớp thái dương hàm cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân như căng thẳng quá mức, nhai kẹo cao su quá nhiều, thói quen dùng răng cắn bút, ngậm ti giả, mất răng,…
Trật khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?
Khớp thái dương hàm là cơ quan quan trọng chi phối hoạt động ăn nhai và giao tiếp. Chính vì vậy, những vấn đề ở cơ quan này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Nếu được thăm khám và điều trị đúng cách, tình trạng sẽ được cải thiện nhanh chóng và ít có nguy cơ phát sinh biến chứng.
Tuy nhiên, trường hợp bệnh kéo dài và không được điều trị sẽ có nguy cơ bị dính khớp và xơ cứng khớp khiến cho bệnh nhân không thể há miệng, ăn nhai hay giao tiếp. Do đó, bạn không nên chủ quan khi gặp phải các vấn đề bất thường liên quan đến khớp thái dương hàm. Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải biến chứng, nên thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Các phương pháp điều trị trật khớp thái dương hàm
Trật khớp thái dương hàm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ăn nhai và giao tiếp. Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn nên đến bệnh viện/ phòng khám nha khoa để được kiểm tra và điều trị.
Sau khi hỏi bệnh và khai thác tiền sử bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang hoặc MRI hệ thống xương sọ – mặt để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Dựa vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét phương pháp điều trị phù hợp:
1. Điều trị không can thiệp
Điều trị không can thiệp thường được chỉ định với những trường hợp bị trật khớp thái dương hàm do chấn thương hoặc nhổ bỏ răng khôn. Tình trạng này thường sẽ cải thiện nhanh sau khi áp dụng một số biện pháp như:
- Sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như đau nhức khớp, cơ, đau khi ăn uống và há miệng. Các loại thuốc thường được dùng để trị trật khớp thái dương hàm bao gồm thuốc giảm đau (Paracetamol), thuốc chống viêm (corticoid), thuốc giãn cơ,… Các loại thuốc này thường được chỉ định trong 7 – 10 ngày tùy vào trường hợp cụ thể.
- Vật lý trị liệu: Bên cạnh sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại, xoa nắn, đeo máng nhai và tập vận động hàm để nâng đỡ khớp và đưa khớp trở về vị trí cân bằng. Những biện pháp này mang lại hiệu quả rất tốt trong điều trị trật khớp và rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm.
Đối với những trường hợp nhẹ, tình trạng sẽ thuyên giảm sau 3 – 5 ngày. Sau đó, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
2. Các phương pháp can thiệp đến hệ thống nha
Ngoài các phương pháp không can thiệp, một số trường hợp sẽ phải can thiệp đến hệ thống nha để điều chỉnh lại khớp thái dương hàm. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp như:
- Chỉnh khớp cắn
- Nhổ răng
- Phục hình răng
Đối với những trường hợp phải thực hiện các phương pháp can thiệp đến hệ thống nha, thời gian phục hồi sẽ chậm hơn. Thông thường, tình trạng sẽ thuyên giảm sau khoảng 1 tháng (chiếm khoảng 90% trường hợp). 10% trường hợp còn lại sẽ mất từ 3 – 6 tháng để điều trị hoàn toàn.
3. Nắn khớp hoặc phẫu thuật
Với những trường hợp không có đáp ứng với các phương pháp trên, bác sĩ sẽ chỉ định nắn khớp hoặc phẫu thuật. Nắn khớp thường sẽ được thực hiện bằng tay. Trước khi nắn, bác sĩ sẽ xoa bóp vùng da bên ngoài khớp hoặc tiêm thuốc giãn cơ để thư giãn các cơ xung quanh khớp thái dương hàm. Khi cơ được thư giãn, lồi cầu có thể tự trở về vị trí bình thường và bác sĩ cũng sẽ dễ dàng hơn khi nắn khớp.
Nắn khớp được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân ngồi thư giãn ở ghế và đầu tựa chắc chắn vào thành ghế. Bác sĩ đứng và đặt 2 ngón tay cái vào bên trong mặt nhai của hàm dưới, các tay còn lại đẩy khớp hàm dưới về đúng vị trí. Sau khi nắn, bệnh nhân sẽ được đeo băng chun cố định từ 10 – 14 ngày để khớp phục hồi hoàn toàn.
Trường hợp nắn khớp không mang lại hiệu quả sẽ được xem xét phẫu thuật. Phẫu thuật giúp điều chỉnh lồi cầu về vị trí bình thường và điều chỉnh bất thường ở khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, phẫu thuật ít được chỉ định hơn vì chi phí cao và mất nhiều thời gian phục hồi.
Cách chăm sóc, phòng ngừa trật khớp thái dương hàm
Trật khớp thái dương hàm là bệnh về răng miệng khá phổ biến. Bên cạnh các phương pháp điều trị, bạn cũng cần chăm sóc đúng cách để phục hồi khớp và hạn chế các biến chứng, di chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách còn giúp phòng ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa trật khớp thái dương hàm tái phát:
- Bệnh nhân nên dùng thức ăn mềm, lỏng để giảm áp lực trong và sau quá trình điều trị. Tình trạng dùng thức ăn quá cứng hoặc khô có thể làm tăng áp lực lên khớp thái dương hàm, từ đó gây đau nhức, sưng viêm và làm tăng nguy cơ trật khớp trở lại.
- Hạn chế cười lớn, há miệng quá mức.
- Căng thẳng là nguyên nhân gây ra tình trạng co cơ và tăng trương lực cơ xung quanh khớp thái dương hàm. Đây là một trong những yếu tố gia tăng các vấn đề ở khớp như trật khớp thái dương hàm, rối loạn cơ năng khớp thái dương, viêm khớp thái dương hàm,… Do đó nên nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên để giải tỏa stress.
- Nên thay đổi thói quen nghiến răng và dùng răng cắn các vật cứng.
- Nếu cần thiết, nên nhờ bác sĩ hướng dẫn các động tác massage nhẹ nhàng ở vùng mặt để thư giãn cơ và ngăn ngừa trật khớp thái dương hàm bùng phát.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là cách bảo vệ sức khỏe răng miệng và giảm nguy cơ bị trật khớp thái dương hàm.
Trật khớp thái dương hàm ảnh hưởng đáng kể đến chức năng ăn nhai và giao tiếp. Dù không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ra nhiều phiền toái và có thể để lại biến chứng nặng nề nếu không được thăm khám, điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Phác đồ điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm
Bị đau khớp thái dương hàm nên đi khám ở đâu?
Bài tập vật lý trị liệu giảm đau khớp thái dương hàm
Đau Quai Hàm Gần Tai Bên Trái: 6 Vấn đề có thể gặp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!