Các bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi có thể cải thiện tình trạng mô nướu sưng đỏ, đau nhức, chảy máu chân răng,… Bên cạnh đó, phương pháp này còn có hiệu quả điều hòa công năng tạng phủ và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bệnh viêm lợi theo quan niệm Đông y
Viêm lợi (viêm nướu răng) là bệnh nha khoa thường gặp, xảy ra khi vi khuẩn phát triển trong mảng bám và cao răng gây bài tiết độc tố dẫn đến viêm sưng, kích ứng và chảy máu mô nướu. Bệnh lý này có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành.
Theo y học hiện đại, viêm lợi xảy ra do vệ sinh răng miệng kém khiến cao răng tích tụ nhiều theo thời gian. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như sức đề kháng suy giảm, thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, hút thuốc lá,…
Khác với y học hiện đại, Đông y cho rằng bệnh viêm lợi xảy ra do phong nhiệt bên trong kết hợp với ngoại cảm phong tà bên ngoài mà thành (giai đoạn cấp tính). Nếu không điều trị kịp thời, bệnh kéo dài khiến dạ dày tích nhiệt, thận âm hư, vị âm hư, thân hư hỏa vượng làm giảm tân dịch, vi khuẩn phát triển mạnh gây hư hại nướu và chân răng.
Viêm lợi và các bệnh nha khoa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn tác động đến thể trạng. Do đó, Đông y thường chữa bệnh lý này bằng các bài thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ. Các bài thuốc Đông y chữa viêm lợi không chỉ giúp tiêu viêm, giảm đau mà còn hỗ trợ cải thiện và nâng cao sức khỏe.
Các bài thuốc Đông y chữa trị bệnh viêm lợi hiệu quả
Đông y lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh viêm lợi (thuốc uống + thuốc dùng tại chỗ). Để đạt hiệu quả cao, cần xác định đúng giai đoạn bệnh (cấp tính, mãn tính) và lựa chọn bài thuốc phù hợp.
1. Bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi thể cấp tính
Viêm lợi răng thể cấp tính đặc trưng bởi tình trạng lợi phù nề, sưng viêm và đau nhức nhiều. Dùng tay ấn mạnh vào nướu có thể gây rỉ dịch và mủ có mùi hôi. Trường hợp viêm nhiễm nặng có thể gây sốt, sưng hạch dưới hàm kèm theo ăn uống kém và đại tiện táo.
Đối với viêm lợi răng thể cấp tính, Đông y thường sử dụng các bài thuốc có tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt và sơ phong để cải thiện. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi răng thể cấp tính được áp dụng phổ biến:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị kim ngân hoa và liên kiều mỗi thứ 16g, bạc hà, đan bì và hoàng liên mỗi thứ 8g, ngưu bàng tử 12g, thạch cao 40g, sinh địa và thăng ma 4g. Sắc đặc lấy nước uống, mỗi ngày dùng đều đặn 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng bạc hà và xuyên sơn giáp mỗi thứ 6g, liên kiều, tạo giác thích, kim ngân mỗi thứ 20g, chi tử và ngưu bàng tử mỗi thứ 12g, hạ khô thảo 8g. Cho tất cả các nguyên liệu vào ấm và sắc với nước. Chia nước sắc thành 2 – 3 lần phần bằng nhau và dùng uống hết trong ngày.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị bồ công anh 20g, gai bồ kết và bạc hà mỗi thứ 8g, hạ khô thảo và kim ngân hoa mỗi thứ 16g, ngưu bàng tử 12g. Đem dược liệu cho vào ấm, sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
2. Các bài thuốc Đông y chữa viêm lợi thể mãn tính
Bệnh viêm lợi thể mãn tính có triệu chứng mờ nhạt và khó phát hiện hơn so với bệnh ở giai đoạn cấp tính. Ở giai đoạn mãn tính, viêm nướu thường gây hôi miệng, lợi đỏ, mềm hơn bình thường. Đôi khi có mủ ở chân răng, răng lung lay đi kèm với một số biểu hiện ít gặp hơn như đầu lưỡi đỏ và cổ họng khô.
Đối với bệnh viêm lợi mãn tính, Đông y dùng các bài thuốc có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt để giảm sưng nướu răng và bồi bổ sức khỏe. Tùy theo tình trạng răng miệng, bạn có thể áp dụng 1 trong 2 bài thuốc sau:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị hoài sơn, thục địa, thăng ma, ngọc trúc, kỷ tử và bạch thược mỗi thứ 12g, tri mẫu, hoàng bá, phục linh, trạch tả, đan bì và sơn thù mỗi thứ 8g. Cho tất cả vào ấm sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang đến khi triệu chứng thuyên giảm.
- Bài thuốc 2: Dùng kim ngân hoa 16g, ngọc trúc, quy bản, kỷ tử, sa sâm, sinh địa và huyền sâm mỗi thứ 12g, bạch thược 8g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
3. Bài thuốc Đông y trị bệnh viêm lợi cho trẻ em
Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ em do trẻ chưa biết cách chăm sóc răng miệng, thường xuyên dùng món ăn và đồ uống chứa nhiều đường. Bệnh không chỉ gây đau răng, chảy máu mô nướu, hôi miệng,… mà còn khiến trẻ chậm phát triển, đại tiện táo và ăn uống kém. Đối với bệnh viêm lợi ở trẻ em, Đông y dùng các bài thuốc có tác dụng bài trùng, khu phong và thanh vị để cải thiện.
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi ở trẻ em:
- Bài thuốc 1: Dùng cúc hoa, sử quân tử mỗi thứ 40g, cốc tinh thảo 12g, uy linh tiên 20g, ý dĩ 80g, dạ minh sa và hồ tiêu mỗi thứ 8g. Đem cốc tinh thảo bỏ cuống, sử quân tử ngâm với nước nóng rồi đem bỏ hai đầu nhọn và bóc hết màng. Cho tất cả các vị vào nồi sao vàng, tán thành bột mịn và chia thành từng gói nhỏ (4g) dán kín. Sử dụng 2 – 3 lần/ ngày với liều lượng phụ thuộc vào độ tuổi. Khi dùng bài thuốc này, cần kiêng các món ăn cay nóng.
- Bài thuốc 2: Dùng tỳ bà diệp và chỉ xác mỗi thứ 5g, cam thảo 4g, thạch hộc, nhân trần, hoàng cầm, sinh địa, thục địa, mạch môn và thiên môn đông mỗi thứ 6g. Sắc lấy nước uống hằng ngày, dùng đều đặn mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị gạo nếp 200g, thần khúc và sử quân tử mỗi thứ 30g, sơn tra, ý dĩ và mạch nha mỗi thứ 70g, hoài sơn, đậu ván trắng và hạt sen mỗi thứ 100g, đường cát vừa đủ. Đem các vị sao vàng tán thành bột mịn, sau đó hòa đường trắng với nước và cô lại, vo thành viên bằng hạt đậu xanh rồi đem sấy khô đóng lọ kín. Mỗi lần dùng từ 10 – 50 viên (tùy độ tuổi), ngày dùng đều đặn 2 lần với nước ấm.
4. Các bài thuốc Đông y trị viêm lợi dùng tại chỗ
Ngoài các bài thuốc uống, Đông y còn lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh viêm lợi dùng tại chỗ. Nên áp dụng đồng thời cả thuốc uống và thuốc bôi để tăng hiệu quả, giảm nhanh tình trạng mô nướu sưng đỏ và đau nhức.
Các bài thuốc Đông chữa viêm lợi sử dụng tại chỗ:
- Bài thuốc 1: Sử dụng xuyên tiêu 10g, bằng sa và đồng thanh mỗi thứ 4g. Đem các vị tán thành bột mịn. Trước khi dùng, cần súc miệng với nước sạch và xát thuốc vào chân răng để tiêu diệt vi khuẩn, giảm sưng đau mô nướu.
- Bài thuốc 2: Dùng ngũ bội tử, thanh đại, mai hoa băng phiến và bạch phàn đem nghiền thành bột mịn rồi trộn đều. Súc miệng sạch, mỗi lần dùng tăm bông chấm khoảng 0.05g – 0.1g thoa vào lợi và chân răng đau nhức. Nên sử dụng sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ để thuốc thẩm thấu tốt và mang lại hiệu quả cao.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị băng phiến, hùng hoàng và thanh đại mỗi thứ 2g, lô hội, bạch phàn và bằng sa mỗi thứ 4g. Đem các vị tán thành bột mịn và bảo quản để dùng dần. Súc miệng sạch trước khi dùng, sau đó dùng tăm bông lấy thuốc chấm vào chân răng và mô lợi sưng đỏ, đau nhức.
Ngoài các bài thuốc uống và thuốc dùng ngoài, cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để kiểm soát bệnh viêm lợi hoàn toàn. Bên cạnh đó, nên thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Lưu ý khi dùng thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi có thể giảm nhanh các triệu chứng như mô nướu sưng đỏ, phù nề, đau nhức, chảy máu,… đồng thời cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Để đảm bảo hiệu quả, cần tìm gặp thầy thuốc trước khi dùng thuốc. Dựa vào triệu chứng và tình trạng sức khỏe, thầy thuốc sẽ hướng dẫn bài thuốc phù hợp với thể bệnh.
- Tự áp dụng các bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm lợi được lưu truyền trong dân gian có thể không mang đến hiệu quả như mong đợi. Và thậm chí có thể gây ra một số rủi ro và tác dụng ngoài ý muốn.
- Hiện nay trên thị trường có khá nhiều nơi kinh doanh dược liệu kém chất lượng. Để đảm bảo hiệu quả, cần lựa chọn nguồn dược liệu có phẩm chất tốt và an toàn với sức khỏe.
- Không tự ý kết hợp bài thuốc Đông y với thuốc điều trị viêm lợi như kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau,… Các loại thuốc này có thể tương tác gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
- Hầu hết các bài thuốc Đông y chữa viêm lợi đều có tác dụng chậm. Vì vậy, bạn nên kiên trì áp dụng trong thời gian được chỉ định để đạt được hiệu quả tốt.
- Thuốc Đông y có độ an toàn cao, lành tính, ít tác dụng phụ và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên trong trường hợp viêm lợi có mức độ nặng, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị bằng thuốc Tây để kiểm soát bệnh nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
- Nên áp dụng đồng thời thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ để đạt hiệu quả tốt.
- Ngoài các phương pháp điều trị, cần chú ý vệ sinh răng miệng (chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng). Bên cạnh đó, nên tránh dùng một số loại thực phẩm và thức uống gây hại cho răng miệng như bánh kẹo, món ăn cay nóng, đồ lạnh, thức uống có gas và rượu bia.
Bài viết đã tổng hợp những thông tin liên quan đến bệnh viêm lợi theo quan niệm Đông y và các bài thuốc chữa trị công hiệu. Nếu có ý định áp dụng phương pháp này, bạn nên trao đổi với thầy thuốc để được thăm khám và tư vấn bài thuốc phù hợp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Dùng dầu dừa trị viêm lợi có hiệu quả không?
Thuốc Sindolor Trị Viêm Lợi: Cách dùng, Thành phần, Review
Thử Ngay Cách Chữa Viêm Lợi Bằng Lá Trầu Không
Cắt viêm lợi trùm có đau không? Chi phí bao nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!