Bị viêm lợi khi đang cho con bú thường có liên quan đến rối loạn nội tiết tố, thói quen vệ sinh kém và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Mặc dù là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ nhưng nếu không được điều trị sớm, viêm lợi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và gián tiếp tác động đến sự phát triển của trẻ.
Dấu hiệu bị viêm lợi khi đang cho con bú
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các vấn đề nha khoa, bao gồm cả bệnh viêm lợi (viêm nướu răng). Viêm lợi là tình trạng mô lợi bao xung quanh răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn phát triển mạnh trong các mảng bám và cao răng. Ngoài nguyên nhân chủ yếu là vệ sinh răng miệng kém, bệnh lý này còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân và yếu tố khác.
Viêm lợi khi đang cho con bú ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống của mẹ, từ đó gián tiếp tác động đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Để có phương án điều trị kịp thời và phù hợp, mẹ bỉm cần phải phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh lý này.
Các dấu hiệu nhận biết viêm lợi khi mang thai:
- Quan sát mô nướu nhận thấy nướu sưng đỏ hơn bình thường, một số trường hợp nướu có thể đổi thành màu đỏ thẫm do viêm nhiễm kéo dài
- Độ bám của mô nướu và chân răng giảm đi đáng kể, mô nướu trở nên lỏng lẻo, nhạy cảm và dễ bị chảy máu
- Nướu và răng đau nhức, cơn đau tăng lên trong quá trình ăn uống
- Có thể gây hôi miệng, hơi thở có mùi dai dẳng dù đã chải răng kỹ
- Một số trường hợp viêm lợi diễn tiến nặng còn có thể gây lung lay răng
Bệnh viêm lợi ở phụ nữ đang cho con bú có triệu chứng khá giống với viêm lợi thông thường. Tuy nhiên trong thời gian mang thai và sau sinh, nội tiết tố thường bất ổn nên các triệu chứng có thể nặng hơn về mức độ và khởi phát với tần suất thường xuyên hơn.
Nguyên nhân gây viêm lợi khi đang cho con bú
Ngoài các nguyên nhân thông thường, viêm lợi khi mang thai và đang cho con bú còn có thể liên quan đến rối loạn nội tiết tố (hormone), chế độ dinh dưỡng và căng thẳng. Đây cũng chính lý do vì sao các bệnh nha khoa ở những đối tượng này tiến triển dai dẳng và kéo dài hơn bình thường.
1. Rối loạn nội tiết tố
Sau khi sinh nở, hormone prolactin (hormone chịu trách nhiệm sản xuất sữa mẹ) tăng lên. Trong khi đó, hormone estrogen và progesterone chưa thực sự trở lại mức cân bằng. Chính vì vậy, đa phần phụ nữ sau khi sinh đều bị rối loạn nội tiết. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn tác động đến sức khỏe răng miệng.
Các nghiên cứu cho thấy, mất cân bằng hormone khiến nướu răng trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương và chảy máu. Hơn nữa, rối loạn nội tiết tố còn khiến hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm mô nướu và men răng. Trong một số trường hợp, viêm lợi có thể xảy ra khi mang thai và kéo dài đến thời gian cho con bú.
2. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Trong thời gian mang thai và sau sinh, cơ thể người mẹ phải dung nạp một lượng lớn dinh dưỡng để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi và đảm bảo sản xuất đủ nguồn sữa cần thiết. Do đó, mẹ bỉm rất dễ gặp phải tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, thiếu chất dinh dưỡng còn tác động tiêu cực đến nướu và răng. Cụ thể, tình trạng viêm lợi khi đang cho con bú có thể xảy ra do thiếu vitamin C, A, D, canxi và các loại khoáng chất cần thiết khác. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng thiết yếu để tái tạo men răng và duy trì sức khỏe mô nướu. Tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể khiến nướu răng bị tổn thương, đau nhức và viêm nhiễm.
3. Vệ sinh răng miệng kém
Sau khi sinh, một số mẹ bỉm kiêng tiếp xúc với nước để tránh đau nhức do nhiễm hàn. Do đó, có rất nhiều phụ nữ đang cho con bú không chải răng đầy đủ 2 – 3 lần/ ngày. Hơn nữa, do ảnh hưởng từ quá trình sinh nở nên răng của mẹ bỉm thường bị suy yếu và dễ chảy máu khi đánh răng. Vì vậy, một số mẹ bầu chỉ chải răng 1 lần/ ngày.
Thói quen vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm lợi và hàng loạt các vấn đề nha khoa khác. Khi răng miệng không được làm sạch, mảng bám và thức ăn thừa sẽ tích tụ bên trong chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn phát triển quá mức chính là nguyên nhân trực tiếp gây viêm nướu khi đang cho con bú.
4. Stress quá mức
Do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết tố và áp lực từ việc chăm sóc con cái, mẹ bỉm thường rơi vào trạng thái căng thẳng trong ít nhất 1 – 2 tháng đầu thai kỳ. Nếu không có sự thấu hiểu và sẻ chia từ những người xung quanh, stress có thể kéo dài gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Trong đó, viêm lợi là một trong những vấn đề thường gặp.
Ít người biết rằng, stress có mối liên hệ mật thiết với các bệnh lý nha khoa. Căng thẳng kéo dài khiến tuần hoàn máu đến mô nướu suy giảm, nướu dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến tình trạng phù nề và chảy máu. Theo ước tính, nguy cơ mắc bệnh viêm lợi có thể tăng lên gấp 2 lần nếu bị căng thẳng mãn tính.
5. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh viêm lợi khi đang cho con bú cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân, yếu tố khác như:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là thói quen xấu gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Nicotine và các độc tố có trong khói thuốc đã được chứng minh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng. Đồng thời làm giảm tuần hoàn máu nuôi dưỡng tủy răng và mô nướu. Đây là những yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng.
- Thói quen dùng đồ uống chứa cồn: Uống rượu bia không chỉ có hại cho hệ tiêu hóa mà còn làm tăng 20% nguy cơ mắc bệnh viêm lợi. Cồn và axit có trong thức uống này có thể làm mòn men răng, gây mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng và giảm tiết nước bọt. Khi lượng nước bọt giảm, vi khuẩn có hại sẽ phát triển mạnh và tấn công gây viêm nhiễm, tổn thương mô nướu.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Viêm lợi và các bệnh nha khoa thường gặp có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc. Trong thời gian cho con bú, mẹ bầu có thể phải sử dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc chống trào ngược, thuốc kháng histamine H1, thuốc chống trầm cảm,… Các loại thuốc này đều có thể gây khô miệng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng thường gặp.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Sau khi sinh nở, thể trạng của mẹ bị ảnh hưởng đáng kể và cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể hồi phục hoàn toàn. Hệ miễn dịch suy giảm là yếu tố thuận lợi để tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây viêm nhiễm mô lợi bao xung quanh răng.
- Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân được đề cập, tình trạng viêm lợi khi đang cho con bú có thể xảy ra do một số yếu tố khác như di truyền (nướu nhạy cảm), ăn quá nhiều đồ ngọt, thói quen nghiến răng khi ngủ, mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên,…
Bị viêm lợi sau khi sinh có nguy hiểm không?
Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp. Bệnh lý này có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên so với các bệnh nha khoa khác, viêm lợi có triệu chứng khá mờ nhạt nên rất ít trường hợp phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.
Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, viêm lợi khi đang cho con bú có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là bệnh nha khoa có mức độ nặng, xảy ra khi vi khuẩn tấn công hoàn toàn vào các tổ chức nâng đỡ răng như mô nướu, dây chằng nha chu, cement và xương ổ răng. Khác với viêm nướu, viêm nha chu có tiến triển dai dẳng và có thể gây mất răng vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Sau khi sinh nở, mô nướu và răng của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Do đó nếu bị viêm lợi trong thời gian này, răng có thể bị đau nhức và chảy máu trong quá trình ăn uống. Điều này khiến cho mẹ bỉm chán ăn, ăn uống kém dẫn đến sụt cân và suy nhược.
- Giảm chất lượng sữa mẹ: Sức khỏe của mẹ bỉm suy giảm đồng nghĩa với việc giảm chất lượng sữa mẹ và gián tiếp tác động đến sự phát triển của trẻ. Về lâu dài, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như chậm lớn, thấp còi, kém phát triển về ngôn ngữ và khả năng tiếp thu.
Viêm lợi khi đang cho con bú là vấn đề sức khỏe khá phổ biến. Bệnh lý này hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua các phương pháp điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển dai dẳng dẫn đến nhiều biến chứng và ảnh hưởng đối với sức khỏe của mẹ và bé.
Cách chữa viêm lợi khi đang cho con bú an toàn
Phụ nữ mang thai, cho con bú là nhóm đối tượng đặc biệt, dễ gặp phải tác dụng phụ khi can thiệp các phương pháp điều trị. Do đó, mẹ bỉm tuyệt đối không tự ý chữa trị nếu chưa tham vấn y khoa.
Dưới đây là các phương pháp điều trị viêm lợi khi đang cho con bú an toàn, hiệu quả:
1. Giữ vệ sinh răng miệng
Đa phần các trường hợp viêm lợi khi đang cho con bú đều có liên quan đến rối loạn nội tiết tố. Vì vậy nếu giữ vệ sinh răng miệng tốt, tình trạng này có thể thuyên giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, giữ vệ sinh răng miệng còn giúp phòng ngừa một số bệnh nha khoa thường gặp như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng,…
Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện bệnh viêm lợi ở phụ nữ đang cho con bú:
- Chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày là biện pháp vệ sinh răng miệng cơ bản bắt buộc phải thực hiện. Để giảm tác động lên răng và nướu, mẹ bỉm nên lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ và lông chải mềm, mảnh.
- Tránh sử dụng nước súc miệng và kem đánh răng chứa axit, các thành phần dễ gây kích ứng, màu, hương liệu,… Các sản phẩm này có thể khiến mô nướu bị kích ứng và dễ đau nhức, chảy máu khi có tác động.
- Ngoài chải răng, mẹ bỉm nên sử dụng nước súc miệng có công thức an toàn, lành tính để làm sạch khoang miệng. Hoặc có thể ngậm nước muối ấm 2 lần/ ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Nên sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng. Chỉ nha khoa có thể len lỏi vào các kẽ răng giúp làm sạch mảng bám và loại bỏ thức ăn thừa.
- Nếu răng bị lung lay, nhạy cảm, mẹ bầu nên dùng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluor – khoáng chất cần thiết để tái khoáng men răng và ức chế vi khuẩn có hại trong mô nướu.
Giữ vệ sinh răng miệng là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị bệnh viêm lợi khi đang cho con bú. Với những trường hợp nhẹ, viêm nướu răng có thể thuyên giảm chỉ sau vài tuần.
2. Áp dụng các mẹo chữa tại nhà
Viêm lợi có thể gây đau nhức răng, nướu sưng đỏ, chảy máu, ê buốt,… Để cải thiện các triệu chứng này, mẹ bỉm nên áp dụng một số mẹo chữa tại nhà như:
- Ngậm nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm và sát trùng khoang miệng. Mỗi khi mô nướu sưng đau và chảy máu, mẹ bỉm nên ngậm một ít nước muối ấm để cải thiện các triệu chứng khó chịu. Bên cạnh hiệu quả giảm đau, nước muối ấm còn cung cấp khoáng chất để tái khoáng men răng và bù lấp các lỗ sâu li ti trên bề mặt.
- Dùng dầu dừa: Axit lauric trong dầu dừa là thành phần có khả năng kháng sinh mạnh. Nghiên cứu cho thấy, thành phần này có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn, nấm men và virus có hại trong khoang miệng. Vì vậy, mẹ bầu nên dùng dầu dừa nguyên chất thoa trực tiếp lên vùng nướu bị viêm nhiễm hoặc súc miệng với dầu dừa để giảm các triệu chứng do viêm lợi gây ra.
- Tinh dầu đinh hương: Trong trường hợp răng đau nhức nhiều, nướu chảy máu đi kèm với hôi miệng, phụ nữ mang thai nên sử dụng tinh dầu đinh hương pha loãng với nước để súc miệng. Tinh dầu đinh hương có khả năng khử mùi tốt, giúp đánh bật mùi khó chịu tích tụ trong kẽ và hốc răng. Ngoài ra, hoạt chất Eugenol trong nguyên liệu này còn có hiệu quả gây tê và giảm đau tại chỗ.
Các mẹo chữa viêm lợi tại nhà chủ yếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá an toàn với sức khỏe của phụ nữ đang cho con bú. Đối với những trường hợp viêm lợi nhẹ, kết hợp vệ sinh răng miệng tốt với các mẹo chữa này có thể kiểm soát bệnh chỉ trong một thời gian ngắn.
3. Khám và điều trị y tế
Nếu viêm lợi không có cải thiện khi áp dụng các phương pháp trên, mẹ bỉm nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp. Để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định các phương pháp an toàn như:
- Cạo vôi răng: Vôi răng tích tụ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và sinh sôi mạnh. Do đó để cải thiện bệnh viêm lợi, bác sĩ sẽ lấy cao răng bằng dụng cụ chuyên dụng. Lấy cao răng là biện pháp không xâm lấn nên khá an toàn với phụ nữ đang cho con bú. Sau khi cạo bỏ cao răng, số lượng vi khuẩn trong khoang miệng sẽ giảm đi đáng kể. Từ đó giúp cải thiện tình trạng nướu sưng viêm, phù nề và chảy máu.
- Sử dụng thuốc: Đối với phụ nữ đang cho con bú, bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định các loại thuốc tại chỗ như kháng sinh dạng bôi và các dung dịch súc miệng sát khuẩn chứa Chlorhexidine, Hexetidine, Zinc gluconate,… Các loại thuốc này được dùng tại chỗ nên hầu như không bài tiết qua sữa mẹ và rất ít khi gây ra các tác dụng không mong muốn.
Viêm lợi là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ. Nếu tuân thủ các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định, tình trạng viêm nhiễm mô nướu sẽ nhanh chóng được cải thiện. Tuy nhiên, mẹ bỉm cần phối hợp thêm với các biện pháp vệ sinh răng miệng để kiểm soát bệnh triệt để.
Phòng ngừa viêm lợi ở phụ nữ đang cho con bú
Viêm lợi khi đang cho con bú ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của mẹ bỉm và tác động gián tiếp đến sự phát triển của trẻ. Do đó sau khi điều trị, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm lợi ở phụ nữ đang cho con bú:
- Phụ nữ sau khi sinh cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để ngăn ngừa viêm lợi và một số bệnh nha khoa thường gặp khác. Khi trẻ được 3 – 4 tháng, mẹ bỉm nên khám răng miệng và lấy cao răng định kỳ bởi cao răng không thể làm sạch bằng các biện pháp chăm sóc răng miệng tại nhà.
- Ăn uống điều độ để phục hồi thể trạng và chức năng đề kháng. Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, D, canxi,… để cải thiện sức khỏe răng miệng.
- Nếu gặp phải tình trạng lo âu, căng thẳng, nên học cách chia sẻ với bạn đời và những người xung quanh. Trong trường hợp cần thiết, có thể đến gặp bác sĩ Tâm lý để được thăm khám và tư vấn trị liệu.
- Thay đổi các thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và dùng quá nhiều thực phẩm chứa đường. Các thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn tác động đến nguồn sữa và sự phát triển của trẻ.
- Nếu bị nghiến răng khi ngủ, mẹ bỉm nên sử dụng máng niềng trainer để bảo vệ men răng và mô nướu.
- Trong thời gian sử dụng các loại thuốc gây khô miệng, nên uống nhiều nước và vệ sinh răng miệng tốt để phòng ngừa các bệnh nha khoa.
Bị viêm lợi khi đang cho con bú ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ bỉm, đồng thời có thể tác động đến nguồn sữa và sự phát triển của trẻ. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, mẹ bỉm đã biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh lý này an toàn, hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Lợi Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Cách Trị An Toàn Cho Bà Bầu
Cắt viêm lợi trùm có đau không? Chi phí bao nhiêu?
Phác đồ điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp tính
Viêm Lợi Răng Hàm Gây Sưng Đau Và Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!