Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của mẹ mà còn tác động đến sự phát triển của thai nhi. Nếu không được kiểm soát sớm, bệnh có thể tiến triển nặng làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ.
Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai và dấu hiệu nhận biết
Viêm lợi trùm răng khôn là tình trạng mô lợi che phủ một phần hoặc toàn bộ răng khôn (răng số 8) bị viêm nhiễm trong quá trình mọc răng. Răng số 8 mọc khá muộn (từ 17 – 29 tuổi) nên thường không có không gian để phát triển, răng có xu hướng mọc lệch, mọc ngầm khiến mô nướu trùm bên trên bị kích thích dẫn đến tình trạng viêm đỏ và phù nề.
Thực tế ngay cả khi mọc thẳng, phần lợi bao xung quanh răng vẫn có thể bị sưng viêm và đau nhức do thói quen vệ sinh kém dẫn đến tích tụ mảng bám và cao răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Vì răng số 8 mọc ở tuổi trưởng thành nên mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng viêm lợi trùm răng khôn.
Khác với người bình thường, phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm dễ gặp phải tác dụng phụ khi áp dụng các phương pháp điều trị. Do đó, chữa trị viêm lợi trùm răng khôn ở bà bầu cần phải được thực hiện cẩn trọng để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai:
- Sưng nướu răng trong cùng là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm lợi trùm răng khôn. Nếu quan sát kỹ, mẹ bầu sẽ nhận thấy phần lợi (nướu) bao xung quanh răng bị sưng tấy và có màu đỏ thay vì màu hồng nhạt như bình thường.
- Dùng lưỡi hoặc tay chạm vào phần nướu xung quanh răng thường gây đau nhức nhiều, cơn đau cũng có thể bùng phát trong quá trình ăn uống và tự phát vào ban đêm
- Vi khuẩn tích tụ trong nướu răng tạo mùi hôi vô cùng khó chịu gây ra tình trạng hôi miệng dai dẳng và kéo dài
- Đối với viêm lợi trùm răng khôn cấp, mẹ bầu còn có thể bị sưng hạch góc hàm, cứng hàm, khó khăn khi há miệng, sốt nhẹ đến sốt cao, mệt mỏi
- Cơn đau ở răng số 8 có thể lan sang răng số 7. Nếu không kịp thời điều trị, vi khuẩn có thể tấn công và gây hư hại răng ở những vị trí lân cận.
Các triệu chứng của viêm lợi trùm răng khôn chỉ bùng phát trong một thời gian ngắn. Sau đó, thuyên giảm và chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn này, triệu chứng của bệnh có mức độ nhẹ hơn nhưng dai dẳng và dễ tái phát. Nếu không điều trị sớm, vi khuẩn gây viêm nhiễm có thể tấn công và gây tổn thương các cơ quan lân cận.
Nguyên nhân gây viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai
Viêm lợi trùm chủ yếu xảy ra ở răng khôn – đặc biệt là những trường hợp răng mọc lệch, mọc ngang, mọc ngầm. Khi răng mọc, phần mô lợi bao phủ một phần hoặc toàn bộ răng sẽ bị kích thích dẫn đến tìn trạng viêm đỏ, sưng đau và chảy máu. Theo thời gian, thức ăn có thể ứ đọng bên trong các rãnh, kẽ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm tại chỗ.
Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai có thể xảy ra do những nguyên nhân và yếu tố sau:
1. Do răng khôn mọc lệch, mọc ngầm
Như đã đề cập, răng số 8 mọc khá muộn (17 – 29 tuổi) nên thường không đủ không gian để phát triển. Điều này khiến răng có xu hướng mọc lệch, mọc ngầm, mọc ngang gây chèn ép các răng lân cận. Tình trạng răng mọc lệch còn tạo điều kiện để phần lợi trùm lên trên răng gây ra tình trạng mô nướu sưng viêm và đau nhức.
Ngoài ra, răng mọc lệch, mọc ngầm còn tạo kẽ hở để thức ăn tích tụ tạo mảng bám, cao răng và kích thích sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại. Theo thời gian, phần lợi bao xung quanh răng số 8 (răng khôn) sẽ bị viêm nhiễm, thậm chí có thể gây ứ mủ và rỉ dịch.
2. Vị trí và đặc điểm của răng
Viêm lợi trùm là một dạng viêm nướu răng đặc biệt, chủ yếu ảnh hưởng đến răng số 8 (răng khôn). Không giống với răng ở những vị trí khác trên cung hàm, răng khôn nằm ở vị trí cuối cùng nên rất khó làm sạch hoàn toàn. Thức ăn có thể bám dính vào mặt răng, kẽ răng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm mô nướu lân cận.
Hơn nữa, răng số 8 là răng có mặt nhai lớn, bề mặt nhiều rãnh kẽ nên dễ tích tụ mảng bám và cao răng hơn bình thường. Với hình thái và vị trí đặc biệt, răng khôn dễ bị viêm lợi trùm và gặp phải các bệnh nha khoa khác như sâu răng, viêm nướu răng,…
3. Thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai
Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai có liên quan mật thiết đến sự thay đổi hormone của cơ thể. Khi mang thai, lượng hormone progesterone tăng lên đáng kể khiến phần nướu trở nên nhạy cảm và dễ chảy máu. Nếu mọc răng khôn trong thời điểm này, phần lợi bao xung quanh răng rất dễ bị viêm nhiễm, sưng đỏ và đau nhức.
Ngoài ra trong thời gian mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm đáng kể. Đây là điều kiện thuận lợi để hại khuẩn bên trong khoang miệng phát triển mạnh gây tổn thương nướu và răng. Những yếu tố này chính là nguyên nhân khiến viêm lợi trùm răng khôn xuất hiện trong thời gian mang thai – dù răng khôn mọc thẳng, không chen chúc các răng khác trên cung hàm.
4. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai. Khoang miệng không được làm sạch hoàn toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám và cao răng. Vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong cao răng gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng đang mọc.
Ngoài ra, thói quen vệ sinh răng miệng kém còn là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác như sâu răng, viêm tủy răng, viêm nướu răng, áp xe chân răng,…
5. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai còn có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như:
- Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia
- Mắc chứng khô miệng
- Có sẵn các bệnh lý nha khoa như viêm lợi mãn tính, viêm nha chu mãn tính
- Mắc các viêm nhiễm trong thời gian mọc răng khôn (cảm lạnh, cảm cúm,…)
Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, mọc răng khôn và sự thay đổi của nội tiết tố được xem là những nguyên nhân chính.
Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai có nguy hiểm không?
Viêm lợi trùm răng khôn là bệnh lý khá phổ biến ở người trong độ tuổi từ 17 – 29. Vì hình thái và vị trí đặc điểm nên phần lợi bao xung quanh răng số 8 rất dễ bị viêm nhiễm – ngay cả khi răng mọc thẳng, không lệch lạc và chen chúc. Tuy nhiên nếu răng mọc thẳng, tình trạng viêm sưng mô lợi có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau 1 thời gian ngắn. Ngược lại trong trường hợp răng mọc ngầm, lợi bao phủ lên một phần hoặc toàn bộ răng, viêm lợi trùm răng khôn có thể tiến triển dai dẳng và mãn tính.
Thực tế, các bệnh viêm nhiễm răng miệng ít khi đe dọa đến tính mạng. Hầu hết các bệnh lý này đều có đáp ứng tốt sau khi chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên ở phụ nữ mang thai, viêm lợi trùm răng khôn và các bệnh nha khoa thường gặp khác đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Các ảnh hưởng, biến chứng của bệnh viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai:
- Gây khó khăn khi ăn uống: Răng số 8 là một trong những răng có chức năng nghiền nát thức ăn. Tình trạng viêm lợi trùm răng khôn khiến răng dễ đau nhức, viêm đỏ và gặp nhiều khó khăn khi ăn uống. Cơn đau bùng phát liên tục khi nhai nuốt thức ăn sẽ khiến mẹ bầu phát sinh tâm lý chán ăn, ăn uống kém. Theo thời gian, sức khỏe của mẹ và cả thai nhi đều bị ảnh hưởng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa: Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai không được điều trị có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn bùng phát và gây tổn thương các cơ quan kế cận. Bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa như viêm tủy răng, áp xe chân răng, viêm nha chu,…
- Tăng nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp: Vi khuẩn gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng còn có thể phát triển và lây lan đến các cơ quan hô hấp. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm kéo dài trong khoang miệng có thể làm giảm chức năng đề kháng của các cơ quan miễn dịch như hầu họng và amidan. Nếu không được điều trị sớm, viêm lợi trùm răng khôn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang hàm,…
- Tăng nguy cơ gặp phải biến chứng thai kỳ: Ngoài những ảnh hưởng trên, viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai còn là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng thai kỳ. Vi khuẩn gây viêm nhiễm lợi có thể đi vào tuần hoàn máu di chuyển đến tử cung gây đáp ứng miễn dịch dẫn đến tăng sinh prostaglandin (thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm). Tuy nhiên, tăng prostaglandin khiến tử cung co bóp nhiều gây sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân.
Viêm lợi trùm răng khôn và các bệnh nha khoa thường gặp khác đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng nếu xảy ra trong thời gian mang thai. Chính vì vậy, ngay khi gặp phải các triệu chứng bất thường, bà bầu cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách điều trị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai
Điều trị viêm lợi trùm răng khôn ở bà bầu phụ thuộc vào giai đoạn của thai kỳ. Đối với 3 tháng đầu và 3 tháng cuối, lựa chọn ưu tiên là sử dụng thuốc tại chỗ và chăm sóc răng miệng đúng cách. Nếu phải can thiệp các phương pháp xâm lấn, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
1. Cắt lợi trùm, nhổ răng khôn
Cắt lợi trùm, nhổ răng khôn là các phương pháp y tế được áp dụng trong điều trị viêm lợi trùm răng khôn. Các phương pháp này thường được thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ (từ tháng 4 – 7). Tùy theo tình trạng của răng số 8, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ răng hoặc tiểu phẫu cắt bỏ phần lợi dư thừa.
- Cắt lợi trùm: Cắt lợi trùm là tiểu phẫu được thực hiện nhằm cắt bỏ phần lợi bao phủ lên một phần hoặc toàn bộ răng khôn. Sau khi phần lợi thừa được loại bỏ, răng khôn sẽ tiếp tục phát triển như bình thường. Phương pháp này chỉ được áp dụng khi răng số 8 mọc thẳng, không chen lấn và chèn ép các răng khác trên cung hàm.
- Nhổ răng khôn: Nhổ răng khôn được chỉ định khi răng mọc lệch, mọc ngầm, mọc chen chúc,… Răng số 8 là răng có cấu tạo phức tạp, chân răng dài. Chính vì vậy, bác sĩ chỉ tiến hành nhổ bỏ răng không cho bà bầu trong trường hợp cần thiết. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao khi nhổ răng, lựa chọn ưu tiên là các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn để trì hoãn tiến triển của bệnh.
Ba tháng giữa thai kỳ được xem là “thời điểm vàng” để điều trị các bệnh nha khoa. Tuy nhiên trên thực tế, can thiệp các phương pháp xâm lấn trong giai đoạn này vẫn có thể gây ra rủi ro và tác dụng phụ. Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên lựa chọn bệnh viện uy tín và chỉ can thiệp các phương pháp kể trên khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
2. Sử dụng thuốc
Trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc tại chỗ để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm mô lợi bao xung quanh răng. Thuốc cũng có thể được dùng sau khi can thiệp các phương pháp xâm lấn để giảm triệu chứng đau nhức và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai:
- Dung dịch súc miệng sát khuẩn: Các loại dung dịch súc miệng sát khuẩn chứa Zinc gluconate, Chlorine Dioxide, Chlorhexidine,… tương đối an toàn với phụ nữ mang thai. Sử dụng các sản phẩm này với tần suất 2 lần/ ngày có thể kiểm soát tình trạng viêm nhiễm ở mô lợi bao xung quanh răng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
- Thuốc kháng sinh dạng bôi: Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh dạng bôi để sử dụng trực tiếp lên mô nướu bị viêm nhiễm. Thuốc thường được dùng với tần suất 2 – 3 lần/ ngày trong khoảng 5 – 7 ngày để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể xem xét cho bà bầu dùng kháng sinh đường uống nếu lợi ích cao hơn rủi ro tiềm tàng.
- Thuốc gây tê tại chỗ: Trong thời gian mang thai, thuốc gây tê tại chỗ được sử dụng phổ biến hơn so với thuốc giảm đau đường uống. Các loại thuốc này thường chứa hoạt chất gây tê như Lidocaine, Benzocaine có khả năng phong bế thần kinh và giảm đau tại chỗ. Thuốc được sử dụng trực tiếp lên mô nướu sưng đau từ 2 – 3 lần/ ngày.
3. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể cải thiện và kiểm soát bệnh viêm lợi trùm răng khôn. Ngoài ra, duy trì các thói quen vệ sinh răng miệng tốt trong thời gian mang thai còn giúp phòng ngừa một số bệnh nha khoa thường gặp khác.
Các biện pháp chăm sóc răng miệng cho bà bầu bị viêm lợi trùm răng khôn:
- Sử dụng bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm, mảnh để làm sạch răng miệng 2 – 3 lần/ ngày. Khi mang thai, nướu răng trở nên nhạy cảm hơn bình thường nên cần đánh răng nhẹ nhàng và đúng cách để làm sạch khoang miệng hoàn toàn.
- Mẹ bầu nên sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn bám trong kẽ răng. Chỉ nha khoa có kích thước mảnh nên dễ dàng len lỏi vào kẽ răng, không gây tổn thương nướu và men răng như sử dụng tăm tre thông thường.
- Dùng các loại dung dịch súc miệng sát khuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó, có thể súc miệng bằng nước muối ấm, dầu dừa, tinh dầu đinh hương,… để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng.
- Nên khám răng miệng 2 – 3 tháng/ lần và lấy cao răng khi cần thiết. Cao răng tích tụ chính là khởi nguồn dẫn đến nhiều bệnh lý nha khoa như viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng, sâu răng,…
- Giảm tác động lên nướu, răng bằng cách dùng thực phẩm mềm, lỏng, dễ nhai nuốt, chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tránh sử dụng món ăn chứa nhiều đường, gia vị, khô, cứng, thức uống chứa cồn và nhiều axit.
Chăm sóc răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng trong điều trị bệnh viêm lợi trùm răng khôn. Ngoài ra sau khi bệnh được cải thiện, bà bầu vẫn nên duy trì các thói quen này để bảo vệ sức khỏe răng miệng và dự phòng nguy cơ tái phát.
Phòng ngừa viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai
Viêm lợi trùm răng khôn ở bà bầu ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sức khỏe của mẹ và thai nhi. Hơn nữa trong thời gian mang thai, các phương pháp điều trị thường bị hạn chế hơn dẫn đến tình trạng răng đau nhức dai dẳng và kéo dài.
Để phòng ngừa viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Nên khám sức khỏe răng miệng trước khi có ý định mang thai. Nếu phát hiện sớm răng khôn mọc lệch, mọc ngầm và các bệnh nha khoa mãn tính (viêm lợi, viêm nha chu), cần điều trị dứt điểm trước khi mang thai.
- Trong thời gian mang thai, cần chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Thăm khám và điều trị sớm có thể hạn chế được nguy cơ bệnh tiến triển nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng (chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng 2 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn và lấy cao răng định kỳ).
- Bổ sung các thực phẩm lành mạnh để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý nha khoa như viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng,…
Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai là vấn đề nha khoa thường gặp. Để tránh những biến chứng do bệnh lý này gây ra, mẹ bầu nên chủ động thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, cần nâng cao thể trạng và vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Hướng Dẫn Chữa Viêm Lợi Bằng Lá ổi Đúng Cách
Trẻ bị viêm lợi và sốt nguy hiểm không? Cách trị an toàn cho bé
Cách dùng máng giữ thuốc chữa viêm lợi hiệu quả
Viêm Lợi Răng Hàm Gây Sưng Đau Và Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!