Bọc răng sứ cho răng hàm được thực hiện trong trường hợp răng bị sâu nặng, răng đã lấy tủy/ chết tủy, răng bị nứt, mẻ và gãy chỉ còn phần chân. Kỹ thuật này giúp khôi phục hình thể và các chức năng sinh lý, thẩm mỹ của răng.
Có nên bọc răng sứ cho răng hàm không?
Răng hàm là răng ở vị trí số 6, 7 và 8 (răng số 8 còn được gọi là răng khôn). So với các răng khác, răng hàm có kích thước lớn hơn, mặt nhai rộng, nhiều rãnh kẽ và chân răng. Với cấu tạo đặc biệt, răng hàm có thể thực hiện tốt chức năng nghiền nát thức ăn.
Vì phải chịu áp lực lớn trong quá trình ăn nhai nên nhiều người băn khoăn về việc có nên bọc răng sứ cho răng hàm hay không. Bọc răng sứ là kỹ thuật phục hình sử dụng mão răng được làm từ sứ kim loại hoặc sứ nguyên khối để phục hình răng bị hư tổn, nhiễm màu,…
Các chất liệu được sử dụng để làm mão sứ có độ cứng chắc cao, độ bền và khả năng chịu lực tốt hơn so với răng thật. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể bọc răng sứ cho răng hàm nếu có nhu cầu. Các loại răng sứ được sử dụng hiện nay có thể dùng được từ 5 – 12 năm tùy theo từng chất liệu và cách chăm sóc. Sau thời gian này, bạn cần làm lại mão sứ để tránh ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
Trường hợp nào nên bọc răng sứ cho răng hàm?
Đa phần các trường hợp bọc răng sứ đều được áp dụng cho răng cửa và răng tiền hàm. Bởi đây là những vị trí có thể dễ nhìn thấy khi cười và giao tiếp. Bọc răng sứ giúp cải thiện hình dáng, màu sắc của răng, từ đó mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và gia tăng sự tự tin khi giao tiếp.
Răng hàm nằm ở những vị trí cuối cung hàm nên ít bị lộ ra. Dù không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng một số vấn đề ở răng hàm có thể gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Chính vì vậy, bọc răng sứ cho răng hàm vẫn có thể được thực hiện trong một số trường hợp.
Dưới đây là một số trường hợp nên bọc răng sứ cho răng hàm:
1. Răng hàm bị sâu nặng
Răng hàm nằm ở những vị trí khuất, diện tích mặt nhai lớn và có nhiều rãnh kẽ nên rất khó vệ sinh hoàn toàn thức ăn và mảng bám. Do đó, răng ở vị trí số 6, 7 và 8 có nguy cơ bị sâu cao hơn so với răng ở những vị trí thông thường.
Sâu răng là tình trạng răng bị mất các mô cứng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans. Vi khuẩn tạo ra axit gây hòa tan các mô cứng ở men răng. Theo thời gian, răng xuất hiện các lỗ sâu màu nâu đen với kích thước lớn dần.
Những trường hợp sâu răng nhẹ có thể cải thiện bằng kỹ thuật trám răng (hàn răng). Tuy nhiên nếu lỗ sâu lớn gây ảnh hưởng đến mặt nhai của răng hàm, bác sĩ thường chỉ định bọc răng sứ để bảo vệ cùi răng thật. Tránh tình trạng răng bị vỡ, gãy và nứt do áp lực trong quá trình ăn nhai. Ngoài ra, bọc sứ còn giúp ngăn ngừa sâu răng tái phát và giảm nguy cơ mắc các vấn đề răng miệng khác.
2. Răng hàm đã lấy tủy, chết tủy
Tủy răng nằm sâu bên trong ngà răng và men răng. Cơ quan này có vai trò nuôi dưỡng ngà răng và dẫn truyền cảm giác về não bộ. Tuy nhiên, tủy răng có thể bị hoại tử và viêm nhiễm do ảnh hưởng của bệnh viêm nha chu, sâu răng, áp xe răng và chấn thương.
Những trường hợp răng bị chết tủy, viêm nhiễm đều phải lấy tủy để tránh hiện tượng nhiễm khuẩn lây lan rộng. Sau khi loại bỏ tủy, răng có xu hướng trở nên giòn, dễ nứt và suy yếu. Trung bình, răng đã lấy tủy chỉ có tuổi thọ từ 10 – 15 năm. Để bảo vệ và tăng tuổi thọ của cùi răng thật, bác sĩ thường chỉ định bọc răng sứ cho răng hàm đã chữa tủy.
3. Răng hàm bị mòn men
Men răng là lớp ngoài của răng có đặc tính cứng chắc, chịu lực và chịu nhiệt tốt. Lớp men giúp bảo vệ ngà răng và tủy răng ở bên trong. Nếu không có biện pháp chăm sóc đúng cách, men răng có thể mỏng dần theo thời gian. Tình trạng này khiến răng dễ bị ê buốt, đau nhức khi ăn uống và có nguy cơ sâu răng cao.
Với những trường hợp mòn men nhẹ và chỉ xảy ra ở cổ răng, bạn có thể hàn trám để cải thiện. Tuy nhiên nếu mòn men xảy ra ở mặt nhai và thân răng, giải pháp tối ưu là bọc răng sứ. Sau khi phục hình bằng răng sứ, bạn có thể ăn nhai thoải mái mà không gặp phải tình trạng ê buốt hay khó chịu. Ngoài ra, mão sứ còn có tác dụng bảo vệ thân răng khỏi tác động của axit trong thức ăn, đồ uống và vi khuẩn.
4. Răng bị nứt, mẻ, gãy chỉ còn chân
Bọc răng sứ cũng có thể được thực hiện trong trường hợp răng nứt, mẻ và gãy chỉ còn chân (thường do chấn thương, nhai thức ăn khô, cứng, nền răng yếu,…). Khi răng bị tổn thương, ngà răng sẽ trở nên nhạy cảm và dễ gặp phải tình trạng ê buốt, đau nhức khi ăn uống.
Hơn nữa, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng thông qua vết nứt, mẻ. Do đó khi gặp phải tình trạng này, nên bọc răng sứ cho răng hàm để bảo vệ cùi răng thật. Ngoài ra, làm răng sứ còn giúp khôi phục hình dáng, màu sắc và hoàn thiện chức năng ăn nhai.
5. Răng hàm thưa, nhỏ
Những trường răng hàm bị thưa kẽ, kích thước nhỏ cũng có thể bọc răng sứ để cải thiện tính thẩm mỹ và giúp quá trình ăn nhai diễn ra thuận lợi hơn. Sau khi làm răng sứ, khoảng cách giữa các răng sẽ được rút ngắn. Từ đó hạn chế thức ăn và mảng bám tích tụ gây hôi miệng, viêm nướu răng và viêm nha chu.
Quy trình bọc răng sứ cho răng hàm
Bọc sứ cho răng hàm có quy trình tương tự như bọc sứ cho răng ở những vị trí khác. Tùy theo số lượng răng, thời gian cho mỗi buổi thực hiện sẽ kéo dài khoảng 1 – 3 giờ đồng hồ. Nếu thực hiện theo đúng kỹ thuật, bọc răng sứ có thể hoàn thiện sau 2 – 3 buổi hẹn.
Bước 1 – Khám và tư vấn
Các khuyết điểm, vấn đề ở răng hàm có thể được khắc phục bằng nhiều phương pháp khác nhau. Do đó trước khi quyết định bọc răng sứ, bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn các phương pháp phù hợp. Với những trường hợp có thể lựa chọn nhiều phương pháp, bác sĩ sẽ tư vấn ưu nhược điểm, chi phí, quy trình để bạn nắm rõ trước khi đưa ra quyết định.
Bước 2 – Vệ sinh răng miệng và điều trị (nếu có)
Răng hàm nằm ở vị trí khuất nên dễ tích tụ cao răng và mảng bám. Trước khi làm răng sứ, bác sĩ sẽ cạo vôi răng và loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám. Đối với những trường hợp mắc các bệnh lý nha khoa, cần phải điều trị dứt điểm trước khi bọc răng sứ.
Bước 3 – Gây tê và mài răng
Tất cả các trường hợp bọc răng sứ cho răng hàm đều phải mài bớt răng. Điều này sẽ giúp cho mão răng được cố định trên cung hàm, không gặp phải tình trạng chênh, cộm và hở. Mài răng ít nhiều sẽ tác động lên răng nên sẽ gây đau nhức và ê buốt. Vì vậy, bác sĩ thường sẽ cho gây tê trước khi thực hiện.
Bước 4 – Lấy dấu mẫu hàm
Sau khi đã mài nhỏ răng, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy dấu mẫu hàm. Sau đó, gửi dấu mẫu hàm đến phòng labo để chế tác mão răng sứ. Quá trình chế tác mão răng sẽ kéo dài từ 2 – 3 ngày.
Bước 5 – Bọc răng sứ
Khi mão răng đã được chế tác, bác sĩ sẽ dùng mão răng sứ chụp lên cùi răng thật. Sau khi điều chỉnh răng đúng vị trí, bác sĩ sẽ mài bớt phần răng thừa để đảm bảo không gặp phải tình trạng cộm, vướng và hở.
Sau khi bọc răng sứ cho răng hàm, bạn cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh răng miệng đúng cách để kéo dài tuổi thọ của răng. Ngoài ra, nên đến nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để được kiểm tra tình trạng răng sứ và sức khỏe răng miệng.
Bọc răng sứ cho răng hàm có giá bao nhiêu?
Chi phí cũng là vấn đề được quan tâm khi bọc răng sứ cho răng hàm. Trên thực tế, giá thành của răng sứ phụ thuộc vào chất liệu mà bạn lựa chọn (răng sứ kim loại thường, răng sứ Titan, răng toàn sứ,…). Ngoài ra, chi phí bọc sứ cho răng hàm còn phụ thuộc vào số lượng răng cần phục hình, cơ sở thực hiện và một số yếu tố khác.
Theo khảo sát, bọc răng sứ cho răng hàm có chi phí như sau:
- Răng sứ kim loại thường có giá 1 triệu đồng
- Răng sứ kim loại Titan có giá 2.5 triệu đồng
- Răng sứ toàn sứ có giá khoảng 4 – 8 triệu đồng
Các vật liệu sứ có giá thành thấp chỉ sử dụng được trong khoảng 5 – 7 năm, trong khi sứ cao cấp có tuổi thọ dao động từ 9 – 12 năm. Sau thời gian này, bạn cần phải thay mão sứ mới để tránh các vấn đề răng miệng phát sinh. Do đó, nên cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn vật liệu làm răng sứ bởi đa phần các loại răng sứ giá rẻ đều phải phục hình lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Bọc răng sứ cho răng hàm có thể thực hiện trong trường hợp răng sâu nặng, răng nứt, mẻ, răng gãy chỉ còn chân, mòn men răng,… Ngoài hiệu quả thẩm mỹ, phương pháp này giúp phục hồi hình thể và các chức năng vốn có của răng. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi làm răng sứ, bạn nên lựa chọn phòng khám/ bệnh viện đáng tin cậy.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Những Trường Hợp Bọc Răng Sứ Không Lấy Tủy Bạn Nên Lưu Ý
Bọc răng sứ 1 chiếc có được không? Giá bao nhiêu?
Chi Tiết: Quy Trình Bọc Răng Sứ Chuẩn Y Khoa Gồm Mấy Bước?
Có Nên Bọc Răng Sứ Cho Trẻ Em? Cần Lưu Ý Gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!