Răng ê buốt (nhạy cảm) là vấn đề nha khoa thường gặp. Tùy theo mức độ ê buốt răng, bạn có thể chăm sóc và điều trị bằng một số phương pháp như vệ sinh răng miệng đúng cách, liệu pháp fluor, hàn trám răng, bọc răng sứ, đeo máng nhai chống nghiến răng,…
9 Cách chăm sóc, điều trị răng bị ê buốt hiệu quả nhất
Răng ê buốt (răng nhạy cảm) là một trong những vấn đề nha khoa thường gặp. Răng nhạy cảm là hiện tượng men răng bị mài mòn khiến ngà răng trở nên quá cảm với các yếu tố kích thích như không khí lạnh, thức ăn chua, món ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh. Cảm giác ê buốt thường bùng phát đột ngột và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng gây khó chịu, cản trở quá trình ăn uống và sinh hoạt.
Răng ê buốt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dựa vào nguyên nhân cụ thể, bạn có thể áp dụng một số cách chăm sóc và điều trị sau:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách – Biện pháp chăm sóc răng ê buốt
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp hiệu quả trong điều trị và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa, bao gồm cả răng ê buốt. Chăm sóc răng miệng hợp lý giúp men răng tái tạo, phục hồi, qua đó giảm tình trạng ê buốt và đau nhức khi ăn uống. Ngoài ra, duy trì các thói quen này còn duy trì hàm răng chắc khỏe và giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề răng miệng.
Cách vệ sinh răng miệng giúp chăm sóc và hỗ trợ điều trị tình trạng răng ê buốt:
- Đối với răng nhạy cảm, nên lựa chọn bàn chải có lông chải mềm và mảnh để tăng hiệu quả làm sạch. Đồng thời giảm tác động lên mô nướu và men răng trong quá trình chải răng.
- Hạn chế sử dụng các loại kem đánh răng, nước súc miệng,… chứa axit và các thành phần tẩy trắng. Các sản phẩm này đều có thể làm mòn men răng khiến tình trạng răng ê buốt trở nên nghiêm trọng hơn.
- Dùng nước súc miệng chứa thành phần sát trùng, kháng khuẩn để tăng hiệu quả làm sạch. Duy trì hệ vi sinh trong khoang miệng có vai trò quan trọng giúp tái khoáng men răng và giảm mức độ nhạy cảm của răng hiệu quả.
- Đối với kẽ răng, bạn nên làm sạch bằng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm hay các vật cứng.
- Sau khi dùng các bữa ăn nhẹ, nên súc miệng với nước sạch và nhai kẹo cao su không đường để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa. Các biện pháp này có hiệu quả làm sạch tương đối nhưng không gây mòn men răng nếu thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Tránh chải răng quá 3 lần/ ngày. Thói quen này có thể khiến men răng bị bào mỏng dần theo thời gian và gây ê buốt răng nhiều khi ăn uống, sinh hoạt.
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể giảm tình trạng ê buốt răng đáng kể. Với những trường hợp nhẹ, tình trạng này có thể được cải thiện hoàn toàn chỉ sau khoảng vài tuần.
2. Liệu pháp fluor – Cách điều trị răng ê buốt hiệu quả
Fluor là khoáng chất cần thiết giúp duy trì và cải thiện sức khỏe răng miệng. Nghiên cứu cho thấy, fluor có thể kết hợp với lớp ngoài của men răng tạo thành hợp chất cứng chắc fluorapatite. Hợp chất này có khả năng chống lại tác động của các vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng.
Bằng cách bổ sung fluor, men răng bị mài mòn sẽ được tái tạo và phục hồi hoàn toàn. Qua đó giúp làm giảm mức độ quá cảm ngà và cải thiện tình trạng ê buốt răng hiệu quả. Hiện nay, liệu pháp fluor còn được áp dụng để phòng ngừa và điều trị sâu răng.
Một số cách bổ sung fluor giúp cải thiện tình trạng răng ê buốt hiệu quả:
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor như kem đánh răng, nước súc miệng,… Dùng các sản phẩm này đều đặn 2 – 3 lần/ ngày có thể làm giảm mức độ nhạy cảm của răng và cải thiện tình trạng răng ê buốt rõ rệt.
- Dùng gel bôi chứa fluor trực tiếp lên răng và mô nướu để bù lấp các vị trí men răng bị bào mòn. Sản phẩm này thường được dùng từ 1 – 2 lần/ ngày trong thời gian nhất định, không được khuyến khích sử dụng lâu dài.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung fluor thông qua một số loại thực phẩm như nho khô, khoai tây, tôm, cua,…
- Trường hợp thiếu hụt fluor nghiêm trọng sẽ được chỉ định dùng fluor dạng viên uống. Tuy nhiên, dùng fluor toàn thân tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
3. Hàn trám răng
Hàn răng (trám răng) là kỹ thuật nha khoa được áp dụng phổ biến trong nhiều trường hợp khác nhau. Phương pháp này sử dụng vật liệu nhân tạo để phục hồi chức năng và hình dáng của răng trong một số trường hợp như răng sâu, răng nứt, mẻ, răng hư hại, mòn cổ chân răng, răng bị chết tủy, viêm tủy răng không hồi phục,…
Ê buốt răng do răng nứt, mẻ, sâu răng và mòn cổ chân răng sẽ được hàn trám để cải thiện. Tùy theo vị trí răng bị tổn thương, bác sĩ sẽ dùng một trong các vật liệu trám như xi măng, Amalgam, Composite, Inlay/ Onlay. Sau khi trám răng, tình trạng răng ê buốt trong quá trình ăn uống và sinh hoạt sẽ được cải thiện đáng kể.
4. Sử dụng máng nhai chống nghiến răng
Nghiến răng khi ngủ là một trong những nguyên nhân gây mòn men răng khiến răng ê buốt và dễ đau nhức khi ăn uống. Đeo máng nhai là giải pháp giúp cải thiện tình trạng nghiến răng khi ngủ và giảm hiện tượng mòn men răng. Máng nhai là khí cụ có màu trong suốt được dùng để bao phủ toàn bộ lên răng nhằm giảm ma sát và áp lực giữa hai hàm.
Đeo máng nhai khi ngủ giúp cải thiện tình trạng nghiến răng hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp này còn tạo điều kiện để men răng bị mài mòn có thể hồi phục và tái tạo. Trong trường hợp răng ê buốt nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định đeo máng nhai kết hợp với liệu pháp fluor hoặc can thiệp hàn trám răng nếu men răng bị hư hại nhiều.
5. Bọc răng sứ trị ê buốt răng hiệu quả
Bọc răng sứ là phương pháp phục hình nha khoa được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này sử dụng vật liệu nhân tạo (kim loại, sứ,…) để chế tác mão sứ có hình dáng và kích thước tương tự răng thật. Sau đó, tiến hành mài cùi răng thật và lắp răng sứ vào.
Bọc răng sứ được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như răng ố màu nặng, răng thưa, răng bị sứt mẻ, hư hại nghiêm trọng, răng chết tủy cần được bảo vệ để kéo dài tuổi thọ và răng ê buốt. Với trường hợp răng nhạy cảm, thường xuyên bị ê buốt, phương pháp này được cân nhắc cho những đối tượng sau:
- Người có men răng mỏng bẩm sinh, không cải thiện khi áp dụng các phương pháp thông thường
- Men răng bị hư hại nặng
- Răng sứt mẻ lớn không thể phục hình bằng Inlay/ Onlay
Mão răng sứ có vai trò cách ly ngà răng với nhiệt độ nóng, lạnh và vị chua trong thức ăn. Ngoài ra, mão sứ còn giúp bảo vệ thân răng trước tác động của vi khuẩn, đồng thời phục hồi hình dáng và màu sắc tự nhiên của răng.
6. Ghép nướu
Ngoài các nguyên nhân thông thường như men răng bị mài mòn, sâu răng,… ê buốt răng còn bắt nguồn từ tình trạng tụt nướu làm lộ chân răng (xảy ra do viêm nha chu). Chân răng được bao bọc bởi mô nướu nên thường không tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Trong trường hợp tụt nướu, nhiệt độ nóng, lạnh, chua có thể kích thích cảm giác ở ngà răng gây ra tình trạng ê buốt và khó chịu khi ăn uống.
Nếu xảy ra do hiện tượng tụt nướu, bác sĩ sẽ chỉ định ghép nướu răng (ghép lợi). Phương pháp này là thủ thuật tái tạo phần nướu răng để bao phủ toàn bộ phần chân răng bị lộ ra bên ngoài. Sau khi ghép lợi, cảm giác ê buốt răng khi ăn đồ lạnh, nóng sẽ được cải thiện rõ rệt.
Ngoài tác dụng điều trị ê buốt răng, ghép lợi còn giúp ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm, tăng độ thẩm mỹ cho nụ cười, phòng ngừa sâu răng, viêm nha chu và các bệnh nha khoa thường gặp. Đây là kỹ thuật khá phức tạp nên cần lựa chọn bệnh viện/ phòng khám nha khoa uy tín nếu có ý định thực hiện.
7. Phẫu thuật nha chu trị ê buốt răng
Phẫu thuật nha chu cũng được cân nhắc trong trường hợp ê buốt răng xảy ra do viêm nha chu. Phẫu thuật được thực hiện nhằm tái tạo mô nha chu quanh răng và làm sạch túi nha chu. Sau khi thực hiện phương pháp này, tình trạng ê buốt do tụt nướu sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, phẫu thuật nha chu kịp thời còn giúp phòng ngừa tình trạng răng lung lay và mất răng vĩnh viễn.
8. Sử dụng thảo dược tự nhiên
Ngoài các phương pháp y tế, một số thảo dược tự nhiên cũng có tác dụng giảm mức độ ê buốt và đau nhức răng. Áp dụng các mẹo chữa này thường xuyên có thể đẩy nhanh tiến độ hồi phục của men răng và giảm mức độ nhạy cảm của răng đáng kể.
Các loại thảo dược có tác dụng giảm ê buốt răng hiệu quả:
- Lá bạc hà: Hoạt chất menthol trong lá bạc hà đã được chứng minh có tác dụng giảm đau nhức, chống viêm và tiêu sưng tại chỗ. Từ lâu thảo dược này được tận dụng để chữa đau nhức, ê buốt răng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giảm tình trạng răng nhạy cảm, bạn có thể dùng trà bạc hà hoặc súc miệng với nước bạc hà sắc.
- Dùng gel nha đam: Gel nha đam có đặc tính làm dịu da và niêm mạc. Ngoài ra, thảo dược này còn chứa các chất chống viêm và kháng sinh tự nhiên. Với tác dụng dược lý đa dạng, sử dụng gel nha đam thoa lên răng và mô nướu bị ê buốt, sưng viêm có thể cải thiện triệu chứng rõ rệt. Bên cạnh đó, cách chữa từ nha đam còn giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị sâu răng.
- Súc miệng với dầu dừa: Hòa 1 thìa dầu dừa với 200ml nước ấm, sau đó dùng để súc miệng có thể cải thiện tình trạng răng ê buốt và đau nhức rõ rệt. Trong dầu dừa có chứa axit lauric có tác dụng kháng khuẩn và chống nấm mạnh. Ngoài ra, các axit béo và vitamin E trong nguyên liệu này còn tạo lớp màng mỏng bảo vệ mô nướu và men răng.
Các biện pháp cải thiện ê buốt răng bằng thảo dược tự nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, bạn nên kết hợp với chăm sóc răng miệng đúng cách và một số phương pháp y tế khác để kiểm soát tình trạng triệt để. Phụ thuộc hoàn toàn vào mẹo chữa dân gian có thể khiến tình trạng ê buốt trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian.
9. Thay đổi thói quen ăn uống
Ê buốt răng có mối liên hệ mật thiết với thói quen ăn uống. Thống kê cho thấy, đa phần người gặp phải các vấn đề nha khoa nói chung và răng nhạy cảm nói riêng đều có các thói quen ăn uống không lành mạnh. Những thói quen này chính là yếu tố khiến men răng mài mòn, suy yếu dễ bị ê buốt và đau nhức.
Vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, bạn cũng có thể cải thiện chứng ê buốt răng bằng cách thay đổi một số thói quen ăn uống như:
- Tránh sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit như chanh, me, cóc, nước ngọt có gas,… Axit trong các loại thực phẩm và đồ uống này có thể khiến men răng bị mài mòn, tăng mức độ nhạy cảm và ê buốt.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt có gas, bánh kẹo, socola, siro,… Đường làm tăng số lượng hại khuẩn trong khoang miệng và đẩy nhanh quá trình hủy khoáng. Hủy khoáng là hiện tượng hòa tan các mô cứng của men răng, ngà răng. Nếu quá trình này bị đẩy nhanh, men răng sẽ trở nên mỏng và nhạy cảm hơn.
- Thay đổi các thói quen có hại cho răng miệng như dùng thức ăn quá lạnh, quá nóng, nhai đá, ăn các thực phẩm có kết cấu dai, cứng,…
- Để men răng có thời gian hồi phục, nên dùng các món ăn mềm, lỏng và nguội. Ngoài ra, nên bổ sung thêm khoáng chất cần thiết như canxi, phốt pho, magie,… thông qua các thực phẩm lành mạnh như hàu, tôm, cá, nghêu, cua,…
Bài viết đã tổng hợp một số cách chăm sóc, điều trị ê buốt răng hiệu quả. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trên, bạn đọc sẽ hướng điều trị phù hợp để kiểm soát chứng răng nhạy cảm và bảo vệ sức khỏe răng miệng toàn diện.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Ê buốt răng sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục an toàn
7 Cách Giảm Ê Buốt Răng Sau Khi Tẩy Trắng Cực Đơn Giản
Ê Buốt Chân Răng Hàm Dưới: Nguyên nhân và cách khắc phục
Răng bị ê buốt có tự hết không? Có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!