Thường xuyên áp dụng các cách trị ê buốt răng tại nhà có thể giảm mức độ nhạy cảm răng. Đa phần các mẹo chữa này đều tận dụng nguyên liệu sẵn có nên không mất nhiều chi phí, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng.
10 Cách trị ê buốt răng tại nhà hiệu quả
Ê buốt răng (răng nhạy cảm) là cảm giác buốt, khó chịu khi dùng thức ăn nóng, lạnh và thức ăn quá chua. Cảm giác này hình thành khi tủy răng thụ cảm và dẫn truyền tín hiệu đến não bộ. Răng thường được bảo vệ bởi lớp men cứng chắc nên rất hiếm khi bị ê buốt khi ăn uống. Tình trạng này chỉ xảy ra khi men răng bị mài mòn hay còn được gọi là hiện tượng quá cảm ngà (nhạy cảm ngà).
Men răng là lớp ngoài cùng của răng được tạo thành nhờ quá trình khoáng hóa. Men răng có độ cứng chắc cao giúp bảo vệ ngà răng và tủy răng khỏi tác động cơ học, vật lý và tránh sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Vì vậy khi cơ quan này bị mài mòn, ngà răng trở nên nhạy cảm với nhiệt độ, mùi vị từ thức ăn dẫn đến cảm giác ê buốt và khó chịu khi ăn uống.
Ê buốt răng là tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ăn uống, cản trở bạn thưởng thức các món ăn và thức uống yêu thích. Với những trường hợp nhẹ, bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng một số mẹo đơn giản tại nhà như:
1. Ngậm nước muối ấm giảm ê buốt răng
Ngậm nước muối ấm là cách trị ê buốt răng đơn giản tại nhà. Nước muối có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn. Sử dụng nước muối ấm ngậm và súc miệng giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh nha khoa và làm dịu mô nướu sưng đau. Ngoài ra nhờ có đặc tính kháng khuẩn, biện pháp này còn giúp duy trì hàm răng chắc khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên.
Với răng bị ê buốt, cảm giác khó chịu thường bùng phát khi dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Khi ngậm nước muối ấm có nhiệt độ vừa phải, cảm giác buốt sẽ dịu đi đáng kể. Bên cạnh đó, muối biển còn chứa một số khoáng chất tốt cho men răng như natri, canxi, sắt, iot, magie, phốt pho,… Vì vậy ngay cả khi không bị ê buốt răng, bạn cũng có thể duy trì thói quen ngậm nước muối ấm để tăng cường độ cứng chắc cho men răng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 200ml nước ấm và ¼ thìa cà phê muối biển
- Hòa muối biển với nước muối ấm
- Dùng 1 lượng vừa đủ súc miệng, sau đó ngậm nước muối trong khoảng 3 – 5 phút
- Sau khi nhổ bỏ không nhất thiết phải súc miệng lại bằng nước sạch
- Bạn có thể ngậm nước muối sau khi chải răng hoặc thực hiện bất kỳ lúc nào cảm giác ê buốt bùng phát
2. Sử dụng đinh hương trị ê buốt răng tại nhà
Từ lâu đinh hương đã được sử dụng để giảm đau nhức do các bệnh nha khoa gây ra. Thảo dược này có mùi thơm tự nhiên giúp khử mùi hôi do vi khuẩn bài tiết và cải thiện tình trạng hơi thở có mùi rõ rệt. Ngoài ra, đinh hương còn chứa Eugenol – hoạt chất có tác dụng khử trùng và kháng khuẩn hiệu quả. Các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này hiệu quả với nhiều loại virus, vi khuẩn và nấm men thường gây bệnh ở người.
Eugenol còn là hoạt chất có tác dụng gây tê và giảm đau tại chỗ. Khi sử dụng đinh hương, Eugenol trong thảo dược này sẽ giúp giảm nhanh cơn đau và cảm giác ê buốt tại răng nhạy cảm. Một vài nghiên cứu được thực hiện cũng nhận thấy, thảo dược này có hiệu quả chống viêm tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Cụ thể, đinh hương chứa chất ức chế prostaglandin – thành phần trung gian trong phản ứng viêm sưng, phù nề.
Cách sử dụng đinh hương trị ê buốt răng tại nhà:
- Cách 1: Ngậm vài nụ đinh hương đến khi mềm, sau đó nhai nhẹ nhàng để tinh dầu tỏa ra khắp khoang miệng. Thực hiện cách này đều đặn có thể giảm hôi miệng và ê buốt răng khá hiệu quả.
- Cách 2: Sử dụng tinh dầu đinh hương hòa với 150ml nước ấm và súc miệng hằng ngày. Cách này không chỉ giúp giảm ê buốt răng mà còn phòng ngừa các bệnh thường gặp ở mô nướu như viêm nướu răng, viêm nha chu,…
Đinh hương có hoạt tính khá mạnh nên cần tránh sử dụng tinh dầu nguyên chất và nên điều chỉnh liều lượng phù hợp, tránh lạm dụng quá mức.
3. Mật ong làm dịu răng ê buốt
Nhiều người lầm tưởng mật ong có vị ngọt sẽ gây ra sâu răng. Tuy nhiên trên thực tế, vị ngọt trong mật ong được tạo ra từ đường tự nhiên nên rất ít khi tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển. Ngược lại, mật ong còn có hiệu quả chữa đau nhức và ê buốt răng.
Hydrogen peroxide trong mật ong là chất sát khuẩn tự nhiên có tác dụng tiêu diệt nấm, virus và vi khuẩn. Ngoài ra, nguyên liệu này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm, giảm sưng tấy và đẩy nhanh tốc độ lành thương. Với những trường hợp bị ê buốt răng, mật ong có thể làm dịu cảm giác khó chịu chỉ trong thời gian ngắn.
Hướng dẫn thực hiện:
- Ngậm 1 thìa mật ong nguyên chất
- Dùng lưỡi đảo đều mật ong đến vùng nướu và răng nhạy cảm
- Ngậm trong khoảng 5 – 7 phút và súc miệng lại với nước ấm
- Cách này khá hiệu quả với ê buốt răng do sâu răng, răng nứt, mẻ, mòn men do chăm sóc răng miệng không đúng cách
Để tăng hiệu quả, bạn cũng có thể kết hợp mật ong với một số nguyên liệu có đặc tính kháng khuẩn mạnh như tỏi, bột quế, lá trầu không, gừng tươi,…
4. Trà bạc hà – Mẹo giảm ê buốt răng tại nhà hiệu quả
Bạc hà là một trong loại thảo dược có công năng, dược tính đa dạng. Thảo dược này thường được dùng để chữa cảm lạnh, ho khan, ho có đờm, viêm họng, viêm amidan, buồn nôn, nôn mửa do các bệnh lý về dạ dày. Ngoài ra, bạc hà còn có tác dụng giảm ê buốt và đau nhức răng.
Hoạt chất menthol trong lá bạc hà có tác dụng làm mát, gây tê và giảm đau nhức tại chỗ. Cũng chính vì vậy mà thảo dược này thường được dùng để cải thiện tình trạng ê buốt và đau nhức răng. Tinh dầu trong bạc hà còn có đặc tính khử mùi, giúp mang lại hơi thở thơm mát và sảng khoái.
Cách pha trà bạc hà trị ê buốt răng ngay tại nhà:
- Chuẩn bị 1 nắm lá bạc hà tươi hoặc trà bạc hà túi lọc (nếu có thể nên lựa chọn lá bạc hà tươi để mang lại hiệu quả cao)
- Rửa sạch lá bạc hà, để ráo nước và vò xát nhẹ
- Sau đó hãm với 200ml nước sôi từ 5 – 7 phút
- Dùng khi trà còn ấm để đảm bảo hiệu quả (để tạo vị ngọt có thể dùng mật ong hoặc đường phèn, tránh sử dụng đường cát)
Trong trường hợp dùng trà túi lọc, bạn có thể tận dụng túi trà còn ấm đắp lên răng bị ê buốt và đau nhức. Cách này giúp giảm nhanh cảm giác khó chịu do men răng bị mài mòn.
5. Trị ê buốt răng tại nhà bằng lá trầu không
Tương tự như đinh hương, lá trầu không cũng chứa hoạt chất Eugenol có tác dụng gây tê, giảm đau và kháng khuẩn. Tuy nhiên, nồng độ thành phần này trong lá trầu không quá cao nên ít khi gây khó chịu khi sử dụng. Nếu gặp phải tình trạng nóng rát khoang miệng khi dùng đinh hương, bạn có thể thay thế bằng cách trị ê buốt răng tại nhà bằng lá trầu không.
Hướng dẫn cách dùng lá trầu không chữa ê buốt răng ngay tại nhà:
- Chuẩn bị khoảng 5 – 7 lá trầu không và 1 ít muối biển
- Rửa sạch lá trầu và vò xát nhẹ
- Cho lá trầu vào nồi đun sôi với 300ml nước, tắt bếp và cho muối biển vào khuấy đều
- Để nước nguội và dùng ngậm, súc miệng hằng ngày để giảm đau nhức, ê buốt răng
6. Súc miệng bằng nước gừng tươi
Gừng tươi là loại gia vị quen thuộc đối với người Việt. Ngoài tác dụng tăng hương vị cho món ăn, gừng còn được tận dụng để chữa một số bệnh lý thường gặp như đau dạ dày, cảm lạnh, cảm cúm, ho khan, ho có đờm, giải độc do dị ứng cá tôm và chữa ê buốt, đau nhức răng. Theo y học cổ truyền, thảo dược này có đặc tính tiêu viêm và sát trùng mạnh nên có thể giảm đau răng, cải thiện tình trạng sưng viêm và phù nề ở mô nướu.
Không chỉ được lưu truyền trong phạm vi dân gian, tác dụng chữa bệnh cũng được chứng minh qua một số nghiên cứu khoa học. Hoạt chất Cineol trong thảo dược này được chứng minh có hiệu quả sát trùng, kháng khuẩn mạnh. Trong khi đó, Gingerol trong gừng giúp giảm viêm bằng cách ức chế tổng hợp chất trung gian gây viêm – prostaglandin.
Cách dùng gừng trị ê buốt răng tại nhà:
- Chuẩn bị 1 củ gừng tươi, rửa sạch và xắt thành từng lát mỏng
- Hãm gừng với 200ml nước sôi trong 5 – 10 phút
- Đợi nước nguội bớt dùng để ngậm và súc miệng
- Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để giảm mức độ nhạy cảm của mô nướu và ngà răng
7. Dùng nha đam trị ê buốt răng tại nhà
Ngoài tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da, nha đam còn có đặc tính kháng sinh mạnh. Thành phần trong thảo dược này đã được chứng minh có hiệu quả ức chế Streptococcus mutans – chủng vi khuẩn gây bệnh sâu răng và nhiều vấn đề nha khoa thường gặp khác. Với hiệu quả kháng khuẩn mạnh, nha đam được tận dụng để làm dịu mô nướu sưng đau và giảm hiện tượng ê buốt răng.
Nghiên cứu khoa học còn cho thấy, nha đam có chứa một số hoạt chất chống viêm hiệu quả như enzyme bradykinase, axit salicylic và chromone C-glucosyl. Các thành phần này có tác dụng giảm viêm ở mô nướu và các cơ quan bên trong khoang miệng. Có thể thấy, nha đam mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Do đó, bạn hoàn toàn có thể tận dụng thảo dược này để cải thiện tình trạng ê buốt răng.
Cách sử dụng nha đam trị ê buốt răng ngay tại nhà:
- Chuẩn bị 1 lá nha đam tươi
- Rửa sạch, gọt bỏ phần vỏ và rửa sạch phần mủ màu vàng
- Dùng thìa cạo lớp gel trong suốt để sử dụng
- Súc miệng với nước muối ấm trước khi dùng gel nha đam
- Sử dụng gel thoa lên mô nướu và răng, sau đó massage nhẹ trong khoảng vài giây
- Lưu lại gel nha đam trong khoảng vài phút và súc miệng bằng nước sạch
8. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách là một trong những biện pháp cải thiện tình trạng ê buốt và đau nhức răng ngay tại nhà. Chăm sóc răng miệng giúp men răng có điều kiện thuận lợi để phục hồi, tái tạo. Qua đó giảm mức độ nhạy cảm của ngà răng và hạn chế cảm giác ê buốt khi dùng thức ăn chua, nóng và lạnh.
Hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng cải thiện tình trạng ê buốt răng tại nhà:
- Chải răng nhẹ nhàng để tránh gây mài mòn men răng và tổn thương mô nướu. Bạn nên lựa chọn bàn chải có đầu lông mảnh, mềm và kích cỡ phù hợp để thuận tiện cho việc làm sạch. Ngoài ra, không nên chải răng quá 3 lần/ ngày.
- Tăng hiệu quả làm sạch răng bằng cách sử dụng nước súc miệng sát khuẩn và dùng chỉ nha khoa.
- Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa nhiều chất tẩy để làm trắng răng. Hầu hết các sản phẩm này đều có thể khiến tình trạng ê buốt răng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sau khi ăn, nên súc miệng bằng nước sạch để loại bỏ thức ăn thừa bám ở mặt nhai và kẽ răng. Nếu chưa thể chải răng, bạn có thể ngăn ngừa hình thành mảng bám bằng cách uống nhiều nước và nhai kẹo cao su không đường.
Sau một thời gian duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, tình trạng răng ê buốt sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, giữ gìn vệ sinh răng miệng còn giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu răng, viêm tủy răng, áp xe răng,…
9. Sử dụng kem đánh răng dành cho răng ê buốt, nhạy cảm
Sử dụng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm cũng là một cách để cải thiện tình trạng răng ê buốt ngay tại nhà. Hầu hết các sản phẩm này không chứa thành phần tẩy trắng, an toàn và dịu nhẹ với men răng, mô nướu. Để giảm mức độ nhạy cảm cho răng, các sản phẩm kem đánh răng thường được bổ sung thêm một số khoáng chất cần thiết như fluor, kali, canxi,…
Các sản phẩm kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm có thể giảm cảm giác khó chịu trong quá trình chải răng. Tuy nhiên, bạn nên duy trì dùng sản phẩm này lâu dài để cải thiện tình trạng răng ê buốt khi ăn các thực phẩm chua, nóng và lạnh.
10. Điều chỉnh thói quen ăn uống – Cách trị răng ê buốt hiệu quả ngay tại nhà
Thói quen ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Nguy cơ mắc các bệnh nha khoa tăng lên đáng kể khi thường xuyên duy trì các thói quen ăn uống thiếu khoa học như nhai đá, sử dụng thức ăn quá nóng, dùng thực phẩm cứng, khô, khó nhai,… Để cải thiện tình trạng răng ê buốt, bạn nên điều chỉnh một số thói quen. Chỉ sau một thời gian, men răng sẽ được phục hồi và cảm giác ê buốt, khó chịu khi ăn uống sẽ được cải thiện đáng kể.
Chế độ ăn uống giúp cải thiện tình trạng răng ê buốt hiệu quả:
- Tránh sử dụng thức ăn quá nóng, quá lạnh và chua. Các món ăn này đều có thể kích thích phản ứng của tủy răng dẫn đến cảm giác ê buốt và khó chịu.
- Hạn chế dùng các thực phẩm cứng, khô như các loại đậu, hạt sấy khô, trái cây sấy, khô bò, gân bò,… Sử dụng thực phẩm cứng, dai làm tăng áp lực lên răng khiến răng đau nhức và ê buốt.
- Tăng cường bổ sung khoáng chất có lợi cho răng bằng một số loại thực phẩm như hàu, tôm, nghêu, cá, trứng, sữa,… Ngoài ra, nên dùng thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ và trái cây để làm sạch răng miệng và ngăn ngừa hình thành mảng bám.
- Trong thời gian điều trị răng bị ê buốt, nên sử dụng các món ăn mềm, ít gia vị và dễ nhai nuốt để răng có điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục và tái tạo.
- Cải thiện tình trạng nghiến răng bằng cách giảm căng thẳng hoặc sử dụng máng chống nghiến răng tại nhà.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các loại đồ uống có màu đậm.
Lưu ý khi chữa ê buốt răng tại nhà
Ê buốt răng gây ra không ít phiền toái trong quá trình ăn uống. Tình trạng men răng bị mài mòn nghiêm trọng còn có thể gây ê buốt ngay cả khi hít thở không khí lạnh. Chủ động khắc phục tình trạng này bằng một số mẹo tại nhà sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu và cải thiện sức khỏe răng miệng đáng kể.
Để đạt hiệu quả cao khi áp dụng các cách trị ê buốt răng tại nhà, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cách mẹo trị ê buốt răng tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ và mang lại hiệu quả rõ rệt với những trường hợp nhẹ. Nếu răng bị ê buốt nghiêm trọng, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn hướng khắc phục phù hợp.
- Đa phần các cách trị ê buốt răng tại nhà đều có tác dụng chậm. Do đó, nên áp dụng đều đặn trong thời gian dài để nhận thấy tình trạng được cải thiện.
- Với một số mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên, cần lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Ngoài ra, khi nhận thấy các triệu chứng dị ứng, nên ngưng áp dụng để phòng ngừa tình trạng chuyển biến nặng.
Trên đây là 10 cách trị ê buốt răng tại nhà an toàn, hiệu quả bạn có thể áp dụng. Nếu thực hiện đều đặn, các biện pháp này có thể giảm mức độ nhạy cảm của răng và giúp cải thiện sức khỏe răng miệng đáng kể. Tuy nhiên, bạn vẫn nên can thiệp các phương pháp y tế để kiểm soát tình trạng này triệt để.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách điều trị và chăm sóc răng bị ê buốt hiệu quả nhất
Bị Ê Buốt Răng Sau Khi Cạo Vôi Răng Phải Làm Sao?
Ê buốt răng sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục an toàn
Răng bị ê buốt khi ăn đồ chua và cách xử lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!