Răng sâu bị ê buốt là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đã xâm nhập vào ngà răng (sâu ngà). Nếu không điều trị sớm, sâu răng có thể tiến triển gây ra các biến chứng nặng nề. Tùy vào mức độ tổn thương của răng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị và phục hồi hiệu quả.
Vì sao răng sâu bị ê buốt?
Ê buốt là tình trạng răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng, lạnh và các loại gia vị có trong thức ăn. Thậm chí, một số trường hợp răng có thể bị ê buốt ngay cả khi hít không khí lạnh. Đa số răng ê buốt đều có liên quan đến men răng mỏng, mòn men răng và thiểu sản men răng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp răng ê buốt do sâu răng.
Sâu răng là bệnh nhiễm khuẩn của răng, đặc trưng bởi hiện tượng mất các mô cứng (hủy khoáng) gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans. Do men răng rất cứng nên quá trình hủy khoáng phải diễn ra trong một thời gian dài mới phát triển thành sâu răng.
Biểu hiện ban đầu của sâu răng là tình trạng men răng đổi sang màu trắng ngà và xuất hiện các lỗ sâu li ti trên bề mặt răng. Vì men răng không có tế bào sống nên sâu răng ở giai đoạn đầu (sâu men) hoàn toàn không gây đau hay khó chịu.
Theo thời gian, sâu răng sẽ tiến triển và xâm lấn vào ngà răng. Ngà răng có kết cấu xốp hơn men răng, bên trong chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh nên có khả năng thụ cảm. Lúc này, răng sẽ dễ bị ê buốt khi ăn uống – đặc biệt là khi dùng thức ăn quá nóng, quá lạnh, chứa nhiều đường và axit. Cảm giác ê buốt có thể tăng lên khi thức ăn lọt vào bên trong lỗ sâu và kích thích các dây thần kinh.
Ở giai đoạn sâu răng tiến triển vào ngà răng (sâu ngà), các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Lúc này, bạn có thể dễ dàng nhận thấy trên bề mặt răng sẽ xuất hiện lỗ sâu có màu nâu hoặc đen. Lỗ sâu răng thường có bờm lởm chởm, hình tròn và xuất hiện ở mặt nhai của răng.
Nếu không điều trị sớm, tình trạng răng sâu bị ê buốt sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian. Đến khi sâu răng ăn vào tủy, răng sẽ bị đau nhức dữ dội và mất hoàn toàn cảm giác khi tủy răng bị hoại tử hoàn toàn.
Nhận biết ê buốt do sâu răng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho răng bị ê buốt và sâu răng chỉ là một trong những nguyên nhân thường gặp. Để nhận biết răng ê buốt do sâu răng, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng sau:
- Bề mặt răng xuất hiện lỗ sâu có kích thước đa dạng, bờ lởm chởm và lỗ sâu thường sẽ xuất hiện ở mặt nhai của răng.
- Răng bị ê buốt và đau nhức, cơn đau thường âm ỉ kéo dài.
- Tình trạng ê buốt thường bùng phát sau khi dùng thức ăn quá nóng, quá lạnh hoặc món ăn có nhiều gia vị như vị chua, ngọt,…
- Chức năng ăn nhai giảm do răng bị đau nhức và khó chịu dai dẳng
Răng sâu bị ê buốt có nguy hiểm không?
Răng sâu bị ê buốt là dấu hiệu cho thấy sâu răng đã tiến triển. Nếu như ở giai đoạn đầu, sâu răng hoàn toàn không gây ra bất cứ triệu chứng gì thì ở giai đoạn này, răng thường xuyên bị ê buốt, đau nhức và khó chịu – đặc biệt là khi ăn uống.
Ở giai đoạn sâu ngà, sâu răng sẽ tiến triển nhanh hơn so với sâu men do ngà răng có kết cấu xốp và chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, sâu răng có thể tiến triển gây ra các biến chứng như viêm tủy răng, hoại tử tủy, áp xe chóp răng,… Ngoài ra, sâu răng không được điều trị có thể lây lan sang các răng lân cận khiến răng bị đau nhức và khó khăn khi ăn nhai.
Tình trạng đau nhức, ê buốt do sâu răng cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc ăn uống và giao tiếp. Thậm chí, một số người còn có thể bị mất ngủ, khó ngủ do răng đau nhức nhiều vào ban đêm. Mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng rõ ràng răng sâu bị ê buốt làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể.
Cách khắc phục răng sâu bị ê buốt
Răng sâu bị ê buốt là tình trạng cần được chú ý bởi đây là dấu hiệu cho thấy răng đang bị tổn thương nặng. Ngay khi nhận thấy triệu chứng này, bạn nên đến phòng khám/ bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Trám răng
Trong trường hợp sâu răng chưa ăn vào tủy và lỗ sâu có kích thước quá lớn, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng (hàn răng). Trước tiên, bác sĩ sẽ nạo bỏ lỗ sâu và sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn Streptococcus mutans. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu trám phù hợp với kích thước và vị trí của lỗ sâu.
Vật liệu trám có dạng dung dịch và được cho vào lỗ sâu để bù lấp cho các mô cứng bị phá hủy. Kế tiếp, bác sĩ sẽ dùng đèn Halogen để làm đông vật liệu và tăng độ kết dính giữa miếng trám với răng.
Sau khi trám răng, lỗ sâu trên răng sẽ được phục hồi hoàn toàn nên răng không bị đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Tuy nhiên, miếng trám răng có tuổi thọ nhất định nên cần phải thay thế sau một thời gian (tùy theo vật liệu cụ thể). Để kịp thời thay thế miếng trám, bạn nên tái khám 1 lần/ năm. Hoặc cũng có thể chủ động đến bệnh viện nếu nhận thấy miếng trám có dấu hiệu hở, bong.
2. Inlay/ Onlay
Đối với những trường hợp có lỗ sâu lớn, trám răng thông thường có thể không phục hình được. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định phục hình bằng Inlay/ Onlay. Phương pháp này sử dụng các vật liệu như sứ, vàng, kim loại, titan, composite để phục hình miếng trám. Sau đó, mới tiến hành gắn lên răng để phục hồi hình thể và chức năng của răng bị sâu.
Trong đó, Inlay đề cập đến miếng trám có khả năng phục hồi một bề mặt tổn thương. Còn Onlay là miếng trám có khả năng phục hồi 2 bề mặt tổn thương. Do tổn thương lớn nên việc trám răng bằng vật liệu lỏng không thể khôi phục hình thể nguyên bản của răng. Bằng cách phục hình miếng trám trước, hình thể răng sẽ được khôi phục và bạn sẽ thoải mái hơn khi ăn uống.
Do phải phục hình miếng trám trước nên phục hình Inlay/ Onlay sẽ mất khoảng 2 buổi hẹn và chi phí cũng cao hơn so với trám răng thông thường. Bù lại, phương pháp này có độ bền khá tốt. Sau khi phục hình, hình thể của răng được hồi phục, răng không bị đau nhức hay ê buốt khi ăn uống.
3. Bọc răng sứ
Trong trường hợp sâu răng nặng, lỗ sâu lớn và thân răng bị phá hủy nghiêm trọng, bọc răng sứ sẽ được xem xét. Thực tế, những trường hợp này không thể khôi phục bằng trám răng hay phục hình Inlay/ Onlay mà chỉ có thể bọc răng sứ.
Bọc răng sứ là phương pháp sử dụng mão răng có hình dáng và kích thước như răng thật, chụp lên cùi răng đã được mài nhỏ. Bên cạnh hiệu quả phục hồi hình thể và chức năng của răng, mão sứ còn có vai trò bảo vệ thân răng ở bên trong. Vì lý do này, những trường hợp sâu răng nặng đều được khuyến khích bọc sứ để bảo vệ răng thật, tránh tình trạng răng thật bị hư hại nặng và phải nhổ bỏ.
Đối với bọc răng sứ, quy trình thực hiện sẽ mất khoảng 2 buổi và mỗi buổi sẽ kéo dài khoảng 60 phút. Có khá nhiều loại sứ được dùng để bọc răng sứ. Tuy nhiên, bạn nên chọn răng sứ toàn sứ để hạn chế tình trạng đen viền nướu sau một thời gian sử dụng.
Chăm sóc răng miệng cho răng sâu bị ê buốt
Đa phần các bệnh răng miệng đều có liên quan đến thói quen vệ sinh kém hoặc không đúng cách. Ngoài các phương pháp y tế, bạn có thể cải thiện tình trạng răng sâu bị ê buốt bằng những biện pháp sau:
- Chọn bàn chải có lông mềm, mảnh để làm sạch răng miệng hiệu quả. Đảm bảo chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày để tránh tích tụ mảng bám và vôi răng.
- Trong thời gian điều trị sâu răng, nên sử dụng nước súc miệng chứa fluor và Chlorhexidine để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Streptococcus mutans. Ngoài ra, fluor còn giúp củng cố men răng và bù lấp những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, ngăn không cho thức ăn thừa và mảng bám tích tụ ở vị trí này.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và các loại khoáng chất để tăng cường độ chắc khỏe của răng. Ngoài ra, nên chú ý uống đủ 2 lít nước/ ngày để ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và axit trong chế độ ăn. Bởi đường chính là nguyên liệu chính để hình thành mảng bám và cao răng.
Khi nhận thấy răng sâu bị ê buốt, bạn nên đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu xử lý kịp thời, tình trạng sâu răng sẽ được kiểm soát nhanh chóng. Ngược lại, sâu răng có thể tiến triển nặng gây viêm tủy răng, hoại tử răng, áp xe chân răng và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Ê Buốt Răng: Nguyên nhân và Cách khắc phục hiệu quả
Ê buốt răng sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục an toàn
Răng bị ê buốt có tự hết không? Có chữa được không?
Cách điều trị và chăm sóc răng bị ê buốt hiệu quả nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!