Vệ sinh răng miệng hàng ngày có vai trò quan trọng đối với độ chắc khỏe của răng, đồng thời giúp cải thiện hơi thở và ngăn ngừa các vấn đề nha khoa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vệ sinh răng miệng đúng cách và khoa học.
Vì sao cần vệ sinh răng miệng đúng cách?
Răng miệng là cơ quan chịu trách nhiệm ăn nhai và nghiền nát thức ăn trước khi vào các cơ quan tiêu hóa. Trong khoang miệng có khoảng 700 loại vi khuẩn, bao gồm cả hại khuẩn và lợi khuẩn. Đảm bảo sự cân bằng của hệ vi sinh trong khoang miệng chính là yếu tố tiên quyết giúp duy trì hàm răng chắc khỏe và phòng ngừa các vấn đề nha khoa hiệu quả.
Các hại khuẩn trong khoang miệng có thể phát triển mạnh khi có nhiều mảng bám, vôi răng tích tụ. Do đó, vệ sinh răng miệng hằng ngày có vai trò quan trọng trong việc củng cố sức khỏe răng miệng. Cụ thể, làm sạch răng miệng đúng cách mang đến nhiều lợi ích như:
- Đảm bảo khoang miệng luôn được làm sạch, từ đó ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại
- Cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng.
- Cải thiện tình trạng hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát, giúp bạn tự tin và thoải mái hơn khi ăn uống.
- Phòng ngừa hiệu quả các bệnh răng miệng thường gặp như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, áp xe răng,…
- Giữ răng trắng sáng, hạn chế tình trạng xỉn màu và ố vàng.
- Kéo dài tuổi thọ của răng, hạn chế nguy cơ răng lung lay và gãy, rụng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách còn giúp răng chắc khỏe, từ đó thực hiện tốt chức năng ăn nhai, đảm bảo dạ dày, đường ruột tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt.
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa tiến triển của các bệnh nha khoa mãn tính như viêm nha chu, viêm nướu răng, áp xe răng,… Những bệnh lý này không chỉ gây đau nhức và ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn gia tăng nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp và các biến chứng thai kỳ. Do đó, mỗi người cần đặc biệt quan tâm đến việc vệ sinh răng miệng hàng ngày.
Hướng dẫn vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách
Thực tế, đa phần mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng hằng ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người không biết làm sạch răng đúng cách dẫn đến mảng bám tích tụ nhiều. Ngoài ra, thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách đôi khi là tác nhân gây mòn men răng, tụt lợi và nhiều vấn đề nha khoa khác.
Thông tin sau sẽ giúp bạn đọc biết cách vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách:
1. Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày
Hiện tại, các chuyên gia Răng hàm mặt đã phát hiện 700 loại vi khuẩn có trong khoang miệng và mỗi người sẽ có từ 34 – 72 loại khác nhau. Tương tự như hệ vi sinh đường ruột, khoang miệng có cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Quản lý hại khuẩn chính là cách bảo vệ răng miệng và phòng ngừa các bệnh nha khoa hiệu quả nhất.
Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày là biện pháp vệ sinh răng miệng cơ bản cần phải thực hiện hằng ngày. Sau mỗi bữa ăn, vi khuẩn sẽ tác động vào một số thành phần trong thức ăn tạo thành mảng bám. Mảng bám là môi trường để vi khuẩn sinh sôi và bài tiết axit gây ra quá trình hủy khoảng. Nếu đánh răng đủ 2 – 3 lần/ ngày, mảng bám sẽ bị loại bỏ và vi khuẩn có hại sẽ không có cơ hội phát triển.
Trong khi đó, không đánh răng thường xuyên sẽ khiến cho mảng bám tích tụ lâu ngày, sau đó khoáng hóa thành vôi răng dẫn đến hôi miệng, viêm nướu và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng thường gặp khác. Vì vậy, các nha sĩ luôn khuyến khích mỗi người tập thói quen đánh răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch răng miệng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa.
2. Chải răng đúng cách
Có thể nói, đánh răng là biện pháp vệ sinh răng miệng đơn giản và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người chải răng sai cách khiến cho mảng bám, thức ăn thừa không được làm sạch hoàn toàn. Ngoài ra, đánh răng sai cách đôi khi là nguyên nhân gây tụt lợi hở chân răng, mòn men răng, răng ê buốt và chảy máu chân răng.
Để vệ sinh răng miệng đúng cách, trước tiên bạn cần học cách chải răng khoa học:
- Súc miệng với nước sạch từ 2 – 3 lần để loại bỏ thức ăn thừa còn bám dính trong khoang miệng
- Làm ướt bàn chải, sau đó cho kem đánh răng lên bàn chải
- Đặt bề mặt bàn chải nằm ngang, sau đó để đầu bàn chải tiếp xúc với cả răng và nướu.
- Chải răng theo chiều dọc một cách nhẹ nhàng để làm sạch mảng bám trên thân răng và kẽ răng.
- Ban đầu, làm sạch mặt ngoài của răng, sau đó làm sạch mặt nhai và cuối cùng là mặt trong.
- Với mỗi mặt, nên chải từ 4 – 5 lần để đảm bảo mảng bám được làm sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, nên chú ý dùng lực nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương men răng và nướu răng.
- Khi đánh răng, cần chú ý đánh kỹ ở răng hàm, đặc biệt là những răng nằm cuối cung hàm.
- Thời gian đánh răng sẽ kéo dài khoảng 3 phút, sau đó làm sạch khoang miệng bằng nước sạch.
Đánh răng đúng cách giúp làm sạch răng miệng hiệu quả, đồng thời không gây tổn thương men răng và nướu răng. Chải răng là biện pháp vệ sinh răng miệng cơ bản nên được thực hiện hằng ngày. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể chải răng theo sự hướng dẫn của người lớn để phòng ngừa các vấn đề ở răng sữa.
3. Sử dụng nước súc miệng hàng ngày
Ngoài đánh răng, bạn cần sử dụng nước súc miệng hằng ngày. Có thể dùng từ 1 – 2 lần/ ngày tùy theo công thức của sản phẩm. Các loại nước súc miệng thường có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn nên sẽ giúp tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa sự phát triển quá mức của hại khuẩn.
Bên cạnh đó, công thức của nước súc miệng còn được bổ sung thêm tinh dầu bạc hà có hiệu quả khử mùi hôi và mang lại hơi thở thơm mát. Tùy vào mục đích sử dụng, bạn có thể chọn cho mình sản phẩm có công thức phù hợp.
4. Dùng chỉ nha khoa/ máy tăm nước
Kẽ răng là những vị trí dễ bị giắt thức ăn và tích tụ mảng bám, cao răng. Tuy nhiên, vị trí này có kích thước nhỏ, khuất nên khó có thể làm sạch hoàn toàn bằng chỉ nha khoa. Do đó, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước 1 lần/ ngày (nên dùng trước khi đi ngủ) để làm tăng hiệu quả làm sạch.
Chỉ nha khoa và máy tăm nước nên dùng sau khi đánh răng và trước khi súc miệng. Duy trì thói quen này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe răng miệng và hạn chế lượng cao răng tích tụ. Những người mắc các bệnh nha khoa mãn tính như viêm nướu răng, viêm nha chu,… nên cân nhắc dùng máy tăm nước để tránh gây chảy máu và kích ứng nướu răng. Bên cạnh đó, làm sạch răng miệng hiệu quả cũng sẽ giúp kiểm soát tiến triển của bệnh và phòng ngừa những biến chứng nặng nề.
5. Vệ sinh lưỡi
Thực tế, rất ít người có thói quen vệ sinh lưỡi. Như đã đề cập, trong khoang miệng có rất nhiều chủng vi khuẩn và các vi khuẩn này có thể phát triển ở bất cứ đâu từ răng, nướu răng, niêm mạc miệng và lưỡi. Bề mặt lưỡi là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn, đặc biệt là nấm men Candida.
Không vệ sinh lưỡi khiến cho khoang miệng thường có mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, đây cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển quá mức và làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng.
Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, nên vệ sinh lưỡi 1 lần/ tuần để kiểm soát sự phát triển quá mức của hại khuẩn. Đối với trẻ sơ sinh, nên sử dụng dụng cụ rơ lưỡi làm sạch lưỡi 2 – 3 lần/ tuần. Bởi trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nấm men và vi khuẩn dễ phát triển gây nấm miệng, nấm lưỡi.
6. Súc miệng ngay sau khi ăn
Mỗi ngày bạn chỉ cần đánh răng 2 – 3 lần (thường là trước khi ăn sáng và trước khi đi ngủ). Sau bữa ăn sáng, ăn trưa, bữa xế,… bạn có thể làm sạch răng miệng bằng cách súc miệng bằng nước sạch. Súc miệng sẽ giúp loại bỏ thức ăn thừa, trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết, từ đó có thể hạn chế tích tụ mảng bám và vôi răng.
Sau các bữa ăn chứa nhiều đường, axit và sau khi dùng thức ăn, đồ uống có màu đậm, bạn nên súc miệng bằng nước sạch để tránh hiện tượng răng ố vàng, răng bị hủy khoáng dẫn đến mòn men và sâu răng. Nếu có thể, bạn nên nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt và hỗ trợ làm sạch mảng bám sau các bữa ăn trong ngày.
7. Cạo vôi răng 1 – 2 lần/ năm
Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà, bạn cần đến nha khoa cạo vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm. Thực tế, dù vệ sinh răng miệng đúng cách, răng miệng cũng không thể làm sạch hoàn toàn. Do đó, một lượng nhỏ mảng bám sẽ tích tụ lâu ngày dẫn đến sự hình thành của vôi răng.
Vôi răng có kết cấu cứng và bám chặt vào bề mặt răng nên không thể làm sạch thông qua biện pháp đánh răng. Cách duy nhất để làm sạch vôi răng là cạo vôi tại phòng khám. Vôi răng không chỉ tích tụ ở bên ngoài thân răng mà còn nằm khuất bên trong chân răng và được bao bọc bởi nướu.
Cạo vôi răng định kỳ sẽ giúp phòng ngừa các vấn đề nha khoa và bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả. Thông thường, bạn chỉ cần lấy vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm. Tuy nhiên, đối với người bị viêm nha chu, lấy vôi răng nên được thực hiện 3 – 4 tháng/ lần.
Một số vấn đề cần chú ý khi vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp bảo vệ răng, nướu răng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa thường gặp. Ngoài ra, làm sạch răng miệng hiệu quả còn giúp ngăn ngừa tiến triển của các bệnh nha khoa mãn tính. Tuy nhiên khi vệ sinh răng miệng hằng ngày, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Không nên đánh răng ngay sau khi ăn. Thông thường sau khi ăn uống, độ pH trong khoang miệng sẽ giảm thấp do vi khuẩn tiết nhiều axit. Sau đó, khoang miệng sẽ điều chỉnh lại độ pH cân bằng bằng cách tiết nước bọt. Nếu đánh răng sau khi ăn, tác động của bàn chải cùng với axit sẽ khiến cho men răng bị mài mòn và răng dễ ê buốt. Do đó, bạn chỉ nên chải răng sau khi ăn ít nhất 30 phút.
- Mỗi ngày bạn chỉ cần đánh răng từ 2 – 3 lần. Trong đó, đánh răng trước khi đi ngủ là thời điểm quan trọng nhất. Vì khi ngủ, khoang miệng không tiết ra nước bọt nên vi khuẩn sẽ phát triển và tiết nhiều axit. Nếu không vệ sinh răng miệng kỹ, các vấn đề nha khoa có thể bùng phát ồ ạt làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai.
- Nhiều người lo ngại răng miệng không được làm sạch kỹ nên đánh răng nhiều hơn 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, thói quen này khiến cho men răng bị bào mòn, nướu răng kích ứng và có hiện tượng tụt lợi. Để làm sạch răng trong những trường hợp này, bạn có thể súc miệng bằng nước sạch và nhai kẹo cao su không đường.
- Không đánh răng quá mạnh, thay vào đó nên dùng lực vừa phải để đảm bảo răng miệng được làm sạch hoàn toàn nhưng không gây mòn men.
- Cần lựa chọn bàn chải đánh răng có kích thước vừa phải với kích thước cung hàm, ưu tiên các loại bàn chải có lông mềm, mảnh để việc vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.Ngoài ra, nên chú ý thay bàn chải định kỳ 2 – 3 tháng/ lần hoặc bất cứ khi nào lông chải có dấu hiệu sờn.
Vệ sinh răng miệng đúng cách có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc đã biết cách làm sạch răng đúng cách và an toàn. Ngoài ra, bạn cũng cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để củng cố độ chắc khỏe của răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng lung lay làm sao để chắc lại?
Lộ Ngà Răng Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Hàm lệch là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý
Răng mọc lộn xộn: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!