Răng lung lay làm sao để chắc lại là mối bận tâm của những người đang gặp phải tình trạng này. Trên thực tế, những trường hợp răng lung lay nhẹ đến trung bình hoàn toàn có thể cải thiện sau khi điều trị y tế và chăm sóc đúng cách.
Răng bị lung lay làm sao để chắc lại?
Răng lung lay thường xảy ra khi chân răng hoặc tổ chức nha chu bị tổn thương. Răng được cấu tạo từ 3 phần bao gồm men răng, ngà răng và tủy răng với chức năng chính là ăn nhai, hỗ trợ phát âm và giúp khuôn mặt trở nên cân đối, hài hòa hơn. Thông thường, chỉ có phần thân răng nằm ở phía trên còn phần chân răng được cắm sâu ở dưới xương hàm.
Khi chân răng hoặc tổ chức nha chu (xương hàm, dây chằng nha chu, nướu và cement) bị tổn thương, răng sẽ trở nên lỏng lẻo và lung lay. Tình trạng răng lung lay có thể gây đau nhức kèm theo ê buốt và chảy máu chân răng. Tuy nhiên, nếu không được cố định chắc chắn trên cung hàm, chức năng ăn nhai của răng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Ban đầu, bạn chỉ gặp khó khăn khi nhai thực phẩm dai, cứng nhưng về sau, răng gần như không thể nghiền nát các loại thực phẩm mềm. Nếu không có biện pháp điều trị, răng sẽ dần lung lay nặng và gãy, rụng. Vậy “Răng bị lung lay làm sao để chắc lại?”.
Răng lung lay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, nên xác định nguyên nhân để lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số biện pháp có thể cải thiện tình trạng răng lung lay và hạn chế tối đa nguy cơ mất răng.
1. Sử dụng nẹp cố định răng
Cố định răng bị lung lay tạo điều kiện để chân răng và tổ chức năng nha chu hồi phục, từ đó cải thiện tình trạng chân răng lỏng lẻo và đau nhức. Phương pháp này thường được thực hiện đối với trường hợp răng lung lay do chấn thương, té ngã và viêm nha chu.
Trường hợp đang gặp phải các vấn đề viêm nhiễm cấp tính trong khoang miệng nên điều trị trước khi sử dụng nẹp cố định. Ngoài ra, kỹ thuật này còn chống chỉ định với những trường hợp mất răng. Khi có khoảng trống trên cung hàm, răng không điểm tựa nên sẽ có hiện tượng lệch lạc khi sử dụng nẹp.
Nẹp cố định sử dụng dây thép mảnh gắn vào mặt trong của răng bằng composite. Đối với những trường hợp răng lung lay do chấn thương, cement và dây chằng nha chu sẽ phục hồi sau khoảng 1 tháng. Tuy nhiên với các trường hợp răng lung lay do viêm nha chu, các tổ chức bao xung quanh răng mất khá nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn. Do đó, nẹp có thể phải sử dụng trong 4 – 5 tháng.
2. Cạo vôi răng
Vôi răng thực chất là mảng bám đã được khoáng hóa bởi vi khuẩn có trong khoang miệng. Vôi răng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là nơi cư ngụ của các chủng hại khuẩn. Về lâu dài, số lượng vi khuẩn tăng lên sẽ gây ra nhiều vấn đề răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, viêm nướu răng,…
Cao răng tích tụ quá nhiều làm giảm độ bám dính giữa nướu và chân răng. Tình trạng này khiến cho chân răng bị lung lay, lỏng lẻo và dễ chảy máu – đặc biệt là khi đánh răng. Với những trường hợp này, mức độ lung lay thường không đáng kể và sẽ nhanh chóng cải thiện sau khi cạo vôi răng.
Ngoài ra, cạo vôi răng cũng là bước đầu trong điều trị răng lung lay do viêm nha chu. Sau khi làm sạch phần vôi răng tích tụ, bác sĩ sẽ tiến hành xử lý mặt gốc răng để hạn chế tích tụ cao răng.
3. Phẫu thuật túi nha chu
Trong giai đoạn đầu, viêm nha chu chỉ gây sưng đỏ nướu kèm theo chảy máu. Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm, các mô nâng đỡ răng sẽ bị hư hại dẫn đến hiện tượng tụt lợi hở chân răng và răng lung lay. Khi chuyển sang giai đoạn nặng, cần phải kết hợp nhiều biện pháp điều trị để mang lại hiệu quả tối ưu.
Trước tiên, bác sĩ sẽ cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng. Sau đó, phẫu thuật làm sạch các túi nha chu (túi rỗng hoặc chứa dịch, mủ ở giữa nướu và răng). Kế tiếp, tiến hành phẫu thuật để tái tạo các mô nha chu xung quanh răng nhằm tăng cường chức năng nâng đỡ và cố định răng trên cung hàm.
Nếu được điều trị sớm, những trường hợp răng lung lay do viêm nha chu có thể chắc lại sau khoảng vài tháng. Về cơ bản, tổn thương ở tổ chức nha chu gần như không thể hồi phục. Các biện pháp điều trị chỉ phần nào cải thiện và tái tạo được các mô hư tổn. Chính vì vậy, cần phải có các biện pháp chăm sóc hợp lý để phòng ngừa tình trạng tái phát.
4. Ghép nướu, ghép xương
Với những trường hợp răng lung lay nặng do tiêu xương hàm và tụt nướu, có thể phải phẫu thuật ghép xương và mô nướu. Mục đích của các phương pháp này là tăng thể tích xương và tái tạo các mô nướu bị tổn thương. Khi xương hàm và mô nướu được tái tạo, chân răng sẽ được nâng đỡ và bảo vệ. Từ đó có thể cải thiện tình trạng răng lung lay và lỏng lẻo.
Vì các tổ chức nâng đỡ răng đã bị hư tổn nặng nên trong trường hợp phải ghép răng và nướu, chân răng cần ít nhất 6 tháng để ổn định và chắc chắn trên cung hàm. Đây đều là những kỹ thuật nha khoa phức tạp. Do đó, bạn nên lựa chọn phòng khám/ bệnh viện đáng tin cậy nếu có ý định ghép xương và ghép nướu.
5. Điều trị tủy răng
Ngoài viêm nha chu, răng cũng có thể bị lung lay do viêm tủy răng hoặc sâu răng nặng ăn vào tủy. Những trường hợp này sẽ được điều trị tủy để bảo tồn răng và tránh tình trạng răng lung lay nặng dần theo thời gian. Sau khi làm sạch tủy răng bị viêm nhiễm, bác sĩ sát khuẩn buồng tủy và trám bít bằng vật liệu nhân tạo.
Sau một thời gian, chân răng và các cơ quan bao xung quanh sẽ dần hồi phục. Răng sẽ chắc lại và giảm mức độ lung lay đáng kể. Với những người có cơ địa nhạy cảm và người cao tuổi, răng sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn.
Trong trường hợp răng đã bị lấy tủy, bác sĩ thường khuyến cáo bọc răng sứ ngay sau khi chân răng đã ổn định và cứng chắc trên cung hàm. Không chỉ có hiệu quả phục hồi hình dáng và màu sắc của răng, mão sứ còn giúp bảo vệ cùi răng thật ở bên trong.
6. Bổ sung canxi, vitamin C
Ngoài các biện pháp điều trị chính, bạn cũng cần thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ để cải thiện sức khỏe răng miệng và tăng độ chắn chắc của răng trên cung hàm. Trong đó, bổ sung canxi và vitamin C là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả khá rõ rệt – nhất là với những trường hợp răng lung lay do ảnh hưởng của quá trình mang thai.
Canxi là khoáng chất chính trong cấu tạo xương hàm và men răng. Bổ sung khoáng chất này giúp tăng độ chắc chắn của chân răng và kích thích sự tái tạo của xương hàm. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để kích thích sản xuất collagen – một loại protein đặc biệt có khả năng tái tạo da, niêm mạc và nướu răng. Cung cấp đầy đủ vitamin C giúp cải thiện sức khỏe của nướu và giúp nướu bám sát vào chân răng nhằm bảo vệ răng trước tác động của vi khuẩn.
7. Chú ý thói quen ăn uống, sinh hoạt
Trong thời gian chân răng và tổ chức nha chu phục hồi, nên chú ý đến thói quen ăn uống, sinh hoạt để làm giảm áp lực lên răng. Bởi áp lực trong hoạt động ăn nhai quá lớn có thể gây tổn thương chân răng, xương hàm và thậm chí gây gãy, rụng răng.
Cách ăn uống, sinh hoạt hợp lý để cải thiện tình trạng răng lung lay:
- Để răng lung lay chắc lại, bạn nên dùng thức ăn mềm, nguội, tránh dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Ngoài ra, cần hạn chế thực phẩm cứng, khô và dai.
- Hạn chế sử dụng các đồ uống và thực phẩm chứa nhiều axit và đường. Đây là các chất gây hại cho sức khỏe răng miệng. Nếu đang điều trị răng lung lay, bạn nên kiêng cữ các đồ uống và thực phẩm này để răng nhanh chóng phục hồi và chắc lại.
- Không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.
- Tránh dùng răng cắn, xé và cạy các vật cứng. Tác động từ những hoạt động này có thể khiến răng bị tổn thương nặng và lung lay nghiêm trọng hơn trước.
- Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, nên sử dụng máng chống nghiến để bảo vệ răng, tránh tình trạng răng lung lay và mòn men nặng.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng. Ngoài ra, cần thay đổi một số thói quen xấu như chải răng quá mạnh, dùng tăm xỉa răng và sử dụng các loại nước miệng chứa cồn và chất kích ứng.
Răng lung lay – Khi nào cần nhổ bỏ?
Những trường hợp răng lung lay nhẹ đến trung bình có thể thực hiện một số biện pháp để làm cho răng chắc lại. Tuy nhiên, có không ít trường hợp răng lung lay phải nhổ bỏ để tránh ảnh hưởng đến các răng lân cận.
Các trường hợp răng lung lay cần phải nhổ bỏ:
- Răng lung lay nặng (độ 4)
- Chân răng bị hư hại nặng không thể hồi phục
- Răng bị tổn thương nhiều đi kèm với hiện tượng tiêu xương hàm và tụt lợi
Đối với những trường hợp phải nhổ bỏ răng, bác sĩ sẽ khuyến cáo trồng răng Implant trong thời gian sớm nhất để phục hồi chức năng của răng và ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương hàm. Tuy nhiên, cấy ghép Implant là kỹ thuật phức tạp nên có chi phí khá cao. Trường hợp không thể thực hiện có thể thay thế bằng làm cầu răng sứ và hàm giả tháo lắp.
Trên đây là một số cách làm cho răng lung lay chắc lại được áp dụng phổ biến. Trước khi điều trị, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp phù hơp. Hạn chế tình trạng tự ý điều trị dẫn đến những can thiệp không cần thiết và không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày bảo vệ răng chắc khoẻ
Quy Trình Phẫu Thuật Hàm Hô, Chi Phí Thực Hiện Và Lưu Ý
Thuốc Tê Nha Khoa: Tác dụng phụ và cách làm tan nhanh nhất
Sai lệch khớp cắn là gì? Phân loại và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!