Nướu răng (lợi) là cơ quan giữ vai trò quan trọng không thua kém răng, dây chằng nha chu và xương hàm. Tuy nhiên, mọi người thường chỉ chú ý vệ sinh răng mà quên mất nướu cũng cần được chăm sóc. Nội dung trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ nướu răng là gì, chức năng và cách chăm sóc hiệu quả.
Nướu răng là gì?
Nướu răng hay còn gọi là lợi. Thuật ngữ này đề cập đến mô mềm màu hồng hoặc hồng cam bao bọc xung quanh răng ở cả hàm dưới và hàm trên. Nướu là một phần của niêm mạc miệng với vai trò bám chắc vào răng và xương hàm nhằm cố định răng, tránh tình trạng răng lung lay và dịch chuyển khi ăn uống.
Nướu răng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Nướu thường có màu hồng hoặc hồng cam tùy theo màu da của từng người. Người có làn da sáng sẽ ít tổng hợp melanin nên nướu thường có màu hồng nhạt. Người sở hữu làn da tối màu sẽ có nướu màu hồng cam hoặc hồng đậm hơn do ảnh hưởng của sắc tố melanin. Tuy nhiên, màu sắc của nướu khỏe mạnh không giống với tình trạng nướu sưng đỏ do viêm nhiễm.
Khác với răng, nướu là mô mềm nên những dấu hiệu bất thường ở cơ quan này dễ dàng nhận thấy hơn. Màu sắc, kết cấu và hình thái của nướu đều là dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn mọi người đều chỉ tập trung chăm sóc răng mà bỏ qua mất nướu (lợi).
Nướu răng (lợi) bao gồm các phần nào?
Nướu răng là mô mềm bao bọc xung quanh răng và nối liền với niêm mạc miệng. Về mặt giải phẫu, nướu bao gồm các phần sau đây:
1. Lợi tự do/ nướu viền
Lợi tự do hay nướu viền là phần nướu mỏng bao bọc xung quanh cổ răng. Phần nướu này thường có màu sắc nhạt hơn nướu ở những vị trí khác. Lý do vị trí này được gọi là lợi tự do vì nướu răng không bám dính trực tiếp mà chỉ ôm sát bên ngoài răng. Thông thường, nướu viền sẽ phủ lên cổ răng khoảng 0.5 – 2mm và thường uốn lượn theo đường nối men cement.
Vì nướu không bám dính trực tiếp nên giữa răng và nướu có kẽ hở nhỏ. Đây là điều kiện để mảng bám tích tụ tạo thành cao răng. Cao răng sẽ nằm ở bên trong răng và nướu khiến cho nướu bị kích thích trở nên sưng đỏ, nhạy cảm và dễ chảy máu. Do đó, bạn cần cạo vôi răng 1 – 2 lần/ năm để loại bỏ cao răng và mảng bám tích tụ ở vị trí này.
2. Lợi dính
Lợi dính là phần nướu nằm ở giữa lợi viền và đường tiếp nối nướu – niêm mạc miệng. Khác với lợi tự do, lợi dính bám chặt vào phần xương hàm, cấu tạo nhiều sợi đàn hồi và ít sợi collagen. Kích thước của lợi dính có sự khác biệt ở từng răng.
Thông thường, phần lợi dính ở vùng răng cửa sẽ có kích thước lớn nhất (khoảng 3.5 – 4.5mm hàm trên và 3.3 – 3.9mm ở hàm dưới). Ở các răng còn lại, kích thước lợi dính sẽ dao động từ 1.8 – 1.9mm.
3. Rãnh nướu
Rãnh nướu chỉ có một số người, khoảng 30 – 40% người trưởng thành. Rãnh nướu được xác định là đường lõm cạn trên bề mặt nướu phân chia lợi tự do và lợi dính.
4. Khe nướu
Khe nướu là khoảng trống nằm giữa răng và phần lợi tự do có đáy là biểu mô liên kết. Ở người có sức khỏe răng miệng tốt, khe nướu thường sẽ có độ sâu không quá 3mm. Tuy nhiên khi có các vấn đề nha khoa, khe nướu sẽ rộng và sâu hơn khiến cho thức ăn, mảng bám dễ dàng bám dính và răng trở nên lỏng lẻo, lung lay do phần lợi bao bọc xung quanh răng giảm đi đáng kể.
5. Nướu sừng hóa
Nướu sừng hóa bao gồm nướu tự do và nướu dính, được giới hạn từ bờ viền nướu cho đến đường tiếp nối nướu – niêm mạc miệng. Chiều dài của nướu sừng hóa sẽ dao động từ 1 – 9mm tùy theo từng vị trí.
6. Đường tiếp nối giữa nướu và niêm mạc miệng
Đường tiếp nối giữa nướu và niêm mạc miệng là đường lượn phân chia niêm mạc xương ổ và nướu sừng hóa. Niêm mạc xương ổ thường có màu đỏ đậm trong khi nướu sừng hóa có màu hồng hoặc hồng cam. Đường tiếp nối này sẽ uốn lượn theo hình vỏ sò dựa trên kích thước của răng và nướu sừng hóa.
7. Nhú nướu (gai nướu)
Nhú nướu/ gai nướu đề cập đến mô nướu nằm ở kẽ răng. Giữa các kẽ răng sẽ có hai gai nướu là gai nướu trong và gai nướu ngoài. Thực tế, nhú nướu được xếp vào nướu sừng hóa. Trong trường hợp không có răng kế cận thì sẽ không xuất hiện gai nướu.
8. Lõm nướu giữa các răng
Lõm nướu giữa các răng là vị trí lõm xuống nằm ở phía dưới kẽ răng. Các đường lõm này thường nằm song song nhau và xuất hiện ở trong vùng nướu dính.
Đặc điểm mô học của nướu răng
So với răng, đặc điểm mô học của nướu răng đơn giản hơn. Nướu răng được chia thành 2 phần chính là biểu mô nướu và mô liên kết.
1. Biểu mô nướu
Biểu mô nướu thuộc nhóm biểu mô lát tầng bong vảy. Trong khi niêm mạc xương ổ là biểu mô không sừng hóa thì phần nướu tự do cho đến nướu dính là biểu mô sừng hóa hoặc cận sừng hóa. Mức độ sừng hóa của nướu sẽ phụ thuộc vào vị trí của nướu và độ tuổi. Thông thường, người có tuổi tác càng cao thì mức sừng hóa càng giảm và đặc biệt giảm mạnh sau giai đoạn mãn kinh.
Biểu mô miệng được chia thành 3 loại chính:
- Biểu mô nướu miệng
- Biểu mô khe nướu
- Biểu mô kết nối hay còn gọi là biểu mô bám dính
2. Mô liên kết
Mô liên kết của nướu răng bao gồm hệ thống mạch máu, thần kinh, chất căn bản, sợi và tế bào. Trong đó:
- Tế bào: Tế bào trong mô liên kết của nướu răng chủ yếu là tế bào sợi và nguyên bào sợi. Ngoài ra, mô liên kết còn chứa các tế bào bảo vệ như tương bào, tế bào lympho, tế bào dạng tủy, dưỡng bào, tế bào nội mạc, tiểu cầu, tế bào trình diện kháng nguyên,… Tương tự như mức độ sừng hóa, số lượng và chức năng của tế bào giảm dần theo độ tuổi.
- Sợi: Sợi trong mô liên kết của mô liên kết là elastin và collagen.
- Hệ tuần hoàn máu ở nướu răng: Bao gồm các tiểu động mạch nối liền từ vách giữa răng với dây chằng nha chu, mao mạch trong khe nướu và xương ổ. Ngoài ra, hệ thống mạch máu còn xuất hiện ở dây chằng nha chu và màng xương.
- Phân bố thần kinh ở nướu: Dây thần kinh ở nướu là dây thần kinh V2, V3 nằm ở lưỡi, miệng, khẩu cái, dây chằng nha chu,… Hệ thống dây thần kinh có mối liên hệ chặt chẽ với mạch máu. Hệ thống này có vai trò cảm nhận nhiệt độ và cảm giác khi ăn nhai.
Cơ chế miễn dịch, phục hồi của nướu răng
Nếu như tổn thương ở răng không thể hoàn nguyên thì với nướu răng, cơ quan này có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Tốc độ thay thế của biểu mô trong nướu răng là 5 – 7 ngày. Vì vậy, thông thường sau khi nhổ răng khoảng một tuần, bạn có thể cắt chỉ và ăn uống bình thường trở lại. Trong trường hợp phải cắt bỏ nướu viền, toàn bộ biểu mô sẽ mọc lại sau 2 tuần.
Tương tự như biểu mô nướu, mô liên kết của nướu răng cũng có khả năng phục hồi rất nhanh – tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với xương ổ răng và da. Khả năng tái tạo nhanh cho phép các tổn thương trong khoang miệng phục hồi tốt ngay trong môi trường ẩm ướt do hoạt động tiết nước bọt.
Bên trong nướu răng chứa các tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm và virus. Cụ thể, biểu mô của nướu răng có tính thẩm thấu theo cả hai hướng nên có thể ngăn vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
Khi nướu răng bị viêm nhiễm, khe nướu sẽ xuất tiết dịch chứa các globulin miễn dịch và bạch cầu trung tính cũng di chuyển đến mô nướu bị nhiễm trùng xuyên qua các biểu mô liên kết. Lúc này, các tế bào miễn dịch sẽ tập hơn để tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu nhằm bảo vệ nướu răng và những cơ quan bên trong.
Hình thái của nướu răng khỏe mạnh
Theo các chuyên gia, nướu răng khỏe mạnh sẽ có hiện tượng viêm mãn tính ở mức độ thấp. Bởi vốn dĩ trong khoang miệng luôn tồn tại vi khuẩn và luôn có mảng bám, cao răng tích tụ ở khe nướu. Do đó, nướu khỏe mạnh thường có hiện tượng viêm nhẹ và màu sắc thường là màu hồng hoặc hồng cam.
Ngược lại, nướu bị viêm sẽ có màu đỏ thẫm, viêm, sưng hoặc đôi khi nướu chuyển sang màu đỏ ngả tím. Biểu hiện của nướu khỏe mạnh và nướu bị viêm đôi khi khá mơ hồ. Dù vậy, cũng có nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng rõ rệt và dễ nhận biết.
1. Màu sắc
Nướu khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt hoặc hồng cam và màu sắc thường đỏ hơn so với niêm mạc miệng. Tuy nhiên, màu sắc của nướu là không đồng nhất. Tương tự như màu da, màu của lợi phụ thuộc vào cơ địa, mật độ tế bào melanin và những yếu tố khác.
2. Đường viền nướu
Nướu khỏe mạnh sẽ có đường viền nướu mỏng và nằm sát vào thân răng. Trong khi nếu có vấn đề về răng miệng, nướu sẽ có hiện tượng sưng, trở nên lỏng lẻo và khoảng cách khe nướu tăng lên đáng kể.
3. Độ chắc chắn, đàn hồi
Nướu là mô mềm có độ đàn hồi cao và bám chặt vào xương. Ở phần lợi viền, lợi không bám dính trực tiếp nhưng sẽ ôm sát cổ răng. Ngược lại nếu có vấn đề, nướu sẽ trở nên lỏng lẻo và có hiện tượng kém đàn hồi khi ấn vào.
Chức năng nướu răng
Nướu răng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, chức năng của nướu ít khi được chú ý nên không được chăm sóc kỹ như răng. Đây cũng là lý do các vấn đề về nướu có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Kết quả từ một cuộc thống kê gần đây cho thấy, các vấn đề về nướu mới là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng. Trong khi đó, nhiều người lầm tưởng các vấn đề răng mới chính là nguyên nhân gây mất răng vĩnh viễn.
Mặc dù không đảm nhiệm chức năng ăn nhai trực tiếp nhưng nướu răng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Trong đó, phải kể đến những chức năng sau đây:
- Cố định răng trên cung hàm: Chân răng sẽ được cắm sâu xuống xương hàm nhưng trên thực tế, độ chắc chắn của răng còn phụ thuộc vào nướu răng. Nướu bao phủ xung quanh chân răng và xương ổ sẽ giúp răng chắc chắn và không bị lung lay khi ăn uống.
- Chống vi khuẩn: Nướu răng không chỉ có tác dụng cố định răng trên cung hàm mà còn là phòng tuyến ngoại vi ngăn sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn. Đây cũng là lý do vì sao khi mắc các bệnh lý nha khoa, nướu lại có hiện tượng sưng viêm.
- Bảo vệ chân răng: Cổ răng và chân răng có lớp men răng mỏng hơn so với thân răng. Do đó, những vị trí này đều sẽ có nướu răng bao phủ. Nướu giúp bảo vệ cổ răng và chân răng, từ đó giúp hạn chế tình trạng ê buốt khi ăn uống. Khi có hiện tượng tụt lợi, nướu răng lộ ra sẽ gây ê buốt khi ăn uống.
- Bảo vệ các cơ quan khác: Ngoài cổ chân và chân răng, nướu còn bao bọc cement, xương hàm và dây chằng nha chu. Các cơ quan này đều có vai trò bảo vệ và cố định răng trên cung hàm. Trong đó, nướu là phòng tuyến bên ngoài chịu trách nhiệm bảo vệ những cơ quan bên trong. Vì lý do này, ngay khi nướu răng gặp phải vấn đề, cần điều trị sớm để tránh biến chứng và hậu quả lâu dài.
- Các chức năng khác: Ngoài những chức năng kể trên, nướu răng còn có một số chức năng khác như liên kết các răng tạo thành một tổng thể và duy trì sự liên tục của niêm mạc miệng. Bên cạnh đó, màu sắc và đường viền nướu cũng có vai trò thẩm mỹ giúp tạo ra nụ cười đẹp, tự tin và rạng rỡ.
Có thể thấy, nướu răng giữ vai trò quan trọng không kém răng. Do đó, cần phải kết hợp chăm sóc răng và nướu nếu muốn bảo vệ sức khỏe răng miệng một cách toàn diện.
Các vấn đề thường gặp ở nướu răng
Nướu răng là hàng “phòng vệ” của răng và các cơ quan bên trong. Do đó, cơ quan này không tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, virus. Ngoài ra, các tác nhân vật lý cũng là nguyên nhân gây ra những vấn đề ở nướu răng.
1. Viêm nướu răng (viêm lợi)
Viêm nướu răng là vấn đề thường gặp nhất ở nướu răng. Bệnh lý này xảy ra khi vôi răng tích tụ nhiều ở khe nướu, từ đó tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố khiến nướu bị sưng viêm, phù nề. Viêm nướu răng không có triệu chứng rõ ràng nên đôi khi không được chú ý.
Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng nướu sưng đỏ, đổi màu, thường có màu đỏ thẫm hoặc đỏ ngả tím thay vì màu hồng nhạt như bình thường. Viêm nướu răng khiến cho nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị chảy máu khi đánh răng. Đối với bệnh lý này, cách điều trị khá đơn giản đó là cạo vôi răng, vệ sinh răng miệng đúng cách và sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn.
Viêm nướu răng là dạng viêm nhiễm nhẹ nên tương đối dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm, tình trạng viêm nhiễm có thể tiến triển gây nhiễm trùng mãn tính các cơ quan khác như dây chằng nha chu, xương ổ răng,…
2. Tụt lợi
Tụt lợi là tình trạng lợi bị tụt về phía chân răng khiến cho cổ răng lộ ra. Vì không có lợi tự do bao phủ ở bên ngoài nên răng trở nên nhạy cảm và dễ ê buốt. Tụt lợi thường có liên quan đến bệnh lý (viêm nha chu), thoái hóa lợi sinh lý (tuổi tác cao) hoặc do thói quen đánh răng sai cách, đánh răng quá mạnh khiến lợi bị tụt về phía chân răng.
Nếu không được cải thiện sớm, tình trạng tụt lợi có thể nghiêm trọng dần theo thời gian khiến cho răng bị lung lay và suy yếu. Nguyên nhân gây tụt lợi khá đa dạng. Vì vậy, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này cũng phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
3. Viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm khuẩn mãn tính xảy ra ở nướu răng, cement, dây chằng nha chu và xương hàm. Tình trạng viêm nhiễm ở những cơ quan này bắt đầu từ hiện tượng tích tụ cao răng và viêm nướu răng được xem là giai đoạn đầu của viêm nha chu.
Độc tố do vi khuẩn tạo ra sẽ gây sưng mô nướu, sau đó tiến triển gây tổn thương các cơ quan nâng đỡ răng và cuối cùng là khiến răng lung lay, gãy rụng. Viêm nha chu không có triệu chứng rõ ràng nhưng là vấn đề răng miệng nghiêm trọng. Hiện nay, viêm nha chu là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người cao tuổi.
4. Áp xe nướu/ áp xe nha chu
Áp xe nướu/ áp xe nha chu là tình trạng nhiễm trùng cục bộ có sự xuất hiện của ổ mủ tích tụ bên trong mô liên kết của túi quanh răng. Tình trạng này cần được cấp cứu để được điều trị kịp thời. Nếu không xử trí sớm, áp xe có thể phá hủy dây chằng nha chu và xương ổ răng liền kề khiến cho răng bị lung lay.
Áp xe răng có biểu hiện rất dễ nhận biết. Nếu nhìn bên ngoài, nướu sẽ có hiện tượng sưng và đôi khi xuất hiện u cục. Vùng nướu bị áp xe có cảm giác đau nhức, rỉ dịch, khoang miệng có mùi hôi và răng trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Với những trường hợp bị nhiễm trùng nặng, phần hạch góc hàm có thể bị sưng viêm kèm theo sốt và đau nhức.
Nguyên nhân chủ yếu gây áp xe răng là do viêm nha chu mãn tính không được điều trị. Ngoài ra, bệnh cũng có liên quan đến một số yếu tố như sử dụng kháng sinh toàn thân, chấn thương tại chỗ, bất thường giải phẫu răng,… Đối với bệnh lý này, điều trị bao gồm chích rạch dẫn lưu mủ, loại bỏ vôi răng và mảng bám. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh và thuốc giảm triệu chứng để cải thiện tình trạng sốt, đau nhức, sưng nướu răng,…
5. Ung thư nướu răng
Ung thư nướu răng là một trong những dạng ung thư khoang miệng phổ biến hiện nay. Theo thống kế, dạng ung thư này nằm trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. So với các dạng ung thư khác, ung thư nướu răng có triệu chứng rất mờ nhạt nên đa phần đều không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ung thư lợi hình thành ngay trên bề mặt lợi. Khi quan sát sẽ thấy khối u có màu sắc đậm hơn so với màu thông thường của nướu răng. Ngoài ra, ung thư lợi còn có những biểu hiện như chảy máu chân răng, chân răng lung lay, hơi thở có mùi, mô nướu có xu hướng dày lên,…
Có thể thấy, ung thư nướu răng có biểu hiện khá mờ nhạt và hầu như không đau nhức. Để tránh những tình huống đáng tiếc, bạn nên thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn khi ung thư đã di căn.
Cách chăm sóc nướu răng hiệu quả
Tương tự như răng, nướu răng cũng cần được chăm sóc đúng cách để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe. Nướu khỏe mạnh sẽ giúp củng cố độ chắc khỏe của răng, ngăn ngừa hôi miệng và đảm bảo các chức năng sinh lý như ăn uống, giao tiếp,…
Các biện pháp chăm sóc nướu răng đơn giản và hiệu quả:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày là cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, nên lưu ý không đánh răng quá mạnh vì có thể gây tụt lợi và kích ứng nướu.
- Sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày để làm sạch mảng bám ở kẽ răng. Như vậy có thể hạn chế tích tụ mảng bám và vôi răng ở kẽ nướu.
- Sử dụng rượu bia và hút thuốc lá là những yếu tố gia tăng các vấn đề về răng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia và thuốc lá làm cản trở quá trình phục hồi, tái tạo nướu. Dù chưa có kết luận chính thức nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, hút thuốc làm gia tăng nguy cơ ung thư lợi và các dạng ung thư khoang miệng khác.
- Dùng kem đánh răng chứa fluor để củng cố độ chắc khỏe của răng và lợi.
- Sử dụng nước súc miệng có khả năng ngăn ngừa mảng bám, giảm viêm lợi, khử mùi hôi miệng,… cũng giúp ích rất nhiều trong việc chăm sóc nướu.
- Khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện các dấu hiệu bất thường ở răng và lợi.
Nướu răng là cơ quan quan trọng có vai trò cố định răng, bảo vệ chân răng và những cơ quan bên trong. Hy vọng qua các thông tin hữu ích trong bài viết, bạn đọc đã có thêm kiến thức và chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Hàm Là Gì? Vị Trí, Cấu Tạo Và Chức Năng
Răng Là Gì? Cấu Tạo, Phân Loại Và Chức Năng Của Răng Người
Cách Để Mọc Răng Khểnh Tự Nhiên Tại Nhà Cực Đơn Giản
Răng Hàm Có Thay Không? Chuyên gia giải đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!