Đau nhức răng khi nằm xuống xảy ra do tăng lưu lượng máu về mô nướu và răng gây kích thích cơn đau và cảm giác khó chịu bùng phát. Tình trạng này là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe như viêm tủy răng, sâu răng ăn vào tủy, viêm xoang hàm,…
Đau răng nhiều khi nằm xuống là bị gì?
Đau răng là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Đau nhức răng có mức độ nhẹ đến nặng tùy theo từng trường hợp, cơn đau có thể bùng phát vào ban đêm hoặc xảy ra khi ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, răng cũng có thể bị đau nhức nhiều khi nằm xuống.
Khi nằm xuống, lưu lượng máu tuần hoàn lên đầu nói chung và mô nướu, răng nói riêng tăng lên đáng kể. Tình trạng này làm tăng áp lực lên răng bị đau nhức dẫn đến hiện tượng bùng phát cơn đau và cơn đau có mức độ nặng hơn bình thường. Để có biện pháp điều trị thích hợp, bạn cần xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng răng đau nhức khi nằm xuống.
Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như:
1. Bệnh viêm tủy răng
Viêm tủy răng là một trong những bệnh nha khoa thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi tủy răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn (thường là các chủng vi khuẩn thường trú trong khoang miệng). Thông thường, tủy răng được bảo vệ bởi ngà răng, men răng và tổ chức nha chu. Tuy nhiên khi bị sâu răng nặng và viêm nha chu, vi khuẩn có thể phát triển mạnh và tấn công vào khoang tủy gây viêm nhiễm tủy răng.
Viêm tủy răng trong giai đoạn đầu thường gây đau nhức răng nhiều, mức độ tăng lên khi ăn uống và nằm xuống. Ngoài ra, bệnh lý này còn biểu hiện qua một số dấu hiệu như răng ê buốt, hôi miệng, mô nướu sưng viêm, phù nề và rỉ dịch.
Ở những trường hợp nặng, viêm tủy răng còn gây sưng hạch góc hàm, sốt, ớn lạnh và mệt mỏi. Viêm tủy răng đã tiến triển sang giai đoạn mãn tính và hoại tử tủy thường không có triệu chứng hoặc răng chỉ đau nhức nhẹ do mạch máu và các dây thần kinh bên trong khoang tủy đã bị hư hại hoàn toàn.
2. Dấu hiệu của bệnh viêm xoang
Trong một số trường hợp, đau răng nhiều khi nằm xuống có thể là dấu hiệu của bệnh viêm xoang. Viêm xoang là tình trạng mô xoang bị phù nề, viêm do nhiễm trùng hoặc do dị ứng, kích ứng. Ngoài những triệu chứng điển hình như nghẹt mũi, nặng và đau nhức vùng mặt, viêm xoang còn gây ra tình trạng đau nhức răng khi nằm xuống.
Khi nằm xuống, mô xoang bị viêm nhiễm sẽ làm tăng áp lực lên răng hàm trên. Bên cạnh đó, lượng dịch ứ đọng trong mô xoang sẽ chảy xuống cổ họng tạo điều kiện cho hại khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh. Những tác động này khiến răng hàm trên bị đau nhức nhiều khi nằm xuống.
Tuy nhiên nếu xảy ra do nguyên nhân này, tình trạng đau nhức răng thường có mức độ nhẹ và chỉ xảy ra khi nằm, ít bùng phát khi ngồi hoặc nằm. Trong trường hợp có sẵn các bệnh lý nha khoa, viêm xoang hàm có thể làm nghiêm trọng mức độ và tần suất của cơn đau.
3. Sâu răng ăn vào tủy
Ngoài viêm tủy răng, bị đau răng nhiều khi nằm xuống cũng có thể là dấu hiệu răng sâu vào tủy. Như đã biết, răng được cấu tạo từ 3 phần bao gồm men răng, ngà răng và tủy răng. Ban đầu, vi khuẩn gây sâu răng Streptococcus mutans phá hủy lớp men ngoài cùng, sau đó tiến triển vào phần ngà răng và tủy răng.
Khi sâu răng ăn vào tủy, răng rất dễ bị đau nhức – ngay cả khi không ăn uống và có tác động mạnh. Lúc này, những hoạt động như nằm xuống và cử động đột ngột cũng có thể khiến răng bị đau nhức nhiều. Nếu xảy ra do sâu răng ăn vào tủy, bạn có thể nhận thấy bề mặt răng xuất hiện lỗ sâu lởm chởm có màu nâu đen.
4. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, tình trạng đau răng nhiều khi nằm xuống cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như:
- Mọc răng khôn: Khi mọc răng khôn, nướu và răng xung quanh có thể bị kích thích dẫn đến hiện tượng phù nề và đau nhức. Khi nằm xuống, lưu lượng máu dồn về nướu, răng sẽ tăng lên dẫn đến tình trạng răng đau nhức nhiều và khó chịu. Nếu nằm nghiêng về phía răng bị đau, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
- Viêm nướu răng: Tương tự như mọc răng khôn, hiện tượng tăng lưu lượng máu về nướu có thể kích thích cơn đau do viêm nướu răng bùng phát. Thực tế, viêm nướu răng (viêm lợi) là bệnh lý có triệu chứng khá mờ nhạt. Tuy nhiên trong giai đoạn cấp tính, nướu có thể bị sưng viêm nhiều dẫn đến chảy máu và đau nhức khi ăn uống, nằm xuống,…
- Sau khi nhổ răng: Sau khi nhổ răng, mô nướu bao xung quanh răng có thể bị kích thích và đau nhức trong khoảng vài ngày. Mức độ đau thường tăng lên khi nằm xuống do áp lực và tăng lưu lượng máu. Ngoài ra, tình trạng đau nhức sau khi nhổ răng còn có thể bùng phát trong quá trình ăn uống và vệ sinh răng miệng.
Hầu hết những trường hợp bị đau nhức răng đều có thể nặng hơn khi nằm xuống do tăng lưu lượng máu về răng và nướu. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất là do viêm tủy răng và sâu răng ăn vào tủy.
Đau răng nhiều khi nằm xuống có nguy hiểm không?
Đau răng nhiều khi nằm xuống là tình trạng khá phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này thường là dấu hiệu của các bệnh nha khoa, viêm xoang hàm và ảnh hưởng sau khi nhổ răng, mọc răng khôn. Nếu chăm sóc và điều trị hợp lý, đau nhức răng khi nằm xuống có thể thuyên giảm sau một thời gian ngắn.
Tình trạng đau nhức răng khi nằm xuống gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ. Thực tế cho thấy, không ít người gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ và ngủ chập chờn, không sâu giấc do đau răng vào ban đêm. Giấc ngủ giúp phục hồi cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, chất lượng giấc ngủ suy giảm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Bên cạnh đó, các vấn đề sức khỏe gây đau nhức răng khi nằm cũng cần được kiểm soát sớm để tránh biến chứng. Nếu không được khắc phục kịp thời, tình trạng có thể chuyển biến xấu dẫn đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng như áp xe răng, viêm nhiễm lan rộng và thậm chí là mất răng.
Cách khắc phục đau răng nhiều khi nằm xuống hiệu quả
Đau răng nhiều khi nằm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Để kiểm soát tình trạng này, bạn nên kết hợp biện pháp giảm đau tạm thời với các phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý nguyên nhân.
1. Biện pháp giảm đau tạm thời
Để giảm nhanh cơn đau nhức răng, bạn có thể áp dụng một số mẹo giảm đau tạm thời. Thực hiện các biện pháp này có thể đẩy lùi cơn đau, giảm cảm giác khó chịu và giúp cải thiện giấc ngủ đáng kể.
Các biện pháp giảm đau nhức răng khi nằm xuống:
- Chườm đá: Chườm đá là biện pháp giảm đau nhức răng an toàn và dễ thực hiện. Biện pháp này có hiệu quả giảm đau nhức răng do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm tủy răng, mọc răng khôn, sau khi nhổ răng, sâu răng ăn vào tủy,… Trước khi nằm xuống, bạn nên chườm từ 10 – 15 phút lên vùng má cùng bên với răng đau nhức để ngăn cơn đau bùng phát.
- Thay đổi tư thế nằm: Để hạn chế đau nhức răng khi nằm xuống, nên kê đầu cao và nằm ngửa để cân bằng lực sang hai bên xương hàm. Tình trạng nằm nghiêng một bên có thể tăng áp lực lên răng bị tổn thương dẫn đến tình trạng đau nhức và ê buốt nhiều.
- Súc miệng với tinh dầu đinh hương: Tinh dầu đinh hương có đặc tính gây tê, giảm đau và kháng khuẩn. Hiệu quả chữa đau nhức răng của thảo dược này được xác định là nhờ hoạt chất Eugenol. Để giảm đau nhức răng, bạn có thể dùng tinh dầu đinh hương pha loãng với nước, sau đó dùng để ngậm và súc miệng. Nếu răng đau cục bộ, có thể cho tinh dầu đinh hương vào bông gòn và áp chặt vào răng đau nhức để kiểm soát triệu chứng.
- Dùng một số loại trà: Ngoài các mẹo chữa trên, bạn cũng có thể dùng một số loại trà có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau nhẹ như trà bạc hà, trà hoa cúc, trà cam thảo,… để cải thiện tình trạng đau nhức răng. Bên cạnh đó, các loại trà này còn chứa một số hợp chất chống oxy hóa có tác dụng an thần giúp ngủ ngon và sâu giấc.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa: Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng các mẹo chữa trên, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê toa để cải thiện. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Paracetamol (Acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc bôi gây tê, dung dịch súc miệng sát khuẩn,…
Các biện pháp giảm đau tạm thời chỉ giúp kiểm soát cơn đau trong thời gian ngắn. Vì vậy, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám để được chẩn đoán và can thiệp các phương pháp điều trị sớm. Nếu không điều trị y tế, tình trạng đau nhức có thể tái phát ngay sau khi ngưng áp dụng các mẹo giảm đau tại nhà.
2. Các biện pháp điều trị dứt điểm
Răng đau nhiều khi nằm xuống là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe như viêm xoang hàm, sâu răng ăn vào tủy, viêm tủy răng, mọc răng khôn,… Nếu cơn đau không thuyên giảm sau 3 – 5 ngày chăm sóc tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Sau khi xác định được bệnh lý mà bạn gặp phải thông qua khám lâm sàng, chụp X-Quang, CT,… bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc và can thiệp thêm một số thủ thuật nha khoa. Nếu xảy ra do viêm xoang hàm, điều trị chủ yếu là vệ sinh mũi, họng đúng cách kết hợp với ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và sử dùng thuốc theo hướng dẫn.
Hầu hết các bệnh lý gây đau nhức răng nhiều khi nằm xuống đều có thể điều trị dứt điểm. Trong trường hợp thăm khám và khắc phục kịp thời, đúng cách, các bệnh lý này có thể thuyên giảm chỉ sau một đến vài tuần. Tuy nhiên nếu không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh có thể kéo dài, tái phát nhiều lần dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí điều trị.
Bị đau nhức răng khi nằm xuống là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe. Để xác định đúng nguyên nhân, bạn nên xem xét thêm một số triệu chứng đi kèm. Trong trường hợp răng đau nhức dữ dội, đau buốt nhói lên tai và đầu, cần gọi cấp cứu hoặc chủ động đến bệnh viện sớm để được xử trí kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị đau răng dữ dội không bớt phải làm sao?
Trồng răng giả xong bị đau có nguy hiểm không?
Bị đau răng có ăn trứng được không?
Răng hàm bị ê ẩm và đau nhức khi nhai phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!