Dấu hiệu răng sâu vào tủy và cách chữa trị an toàn

Răng bị sâu vào tủy thường gây đau nhức dữ dội, ê buốt, lung lay và gặp nhiều khó khăn khi ăn uống. Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh viêm nhiễm lan rộng gây áp xe quanh chóp răng, răng suy yếu và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn. 

biểu hiện răng sâu vào tủy
Răng sâu vào tủy thường gây đau nhức, ê buốt dữ dội

Răng sâu vào tủy và dấu hiệu nhận biết

Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến nhất hiện nay. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Sâu răng là tình trạng răng bị mất các mô cứng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn.

Như đã biết, răng có cấu tạo từ 3 phần chính là men răng, ngà răng và tủy răng. Ban đầu, vi khuẩn chỉ phá hủy các chất vô cơ ở men răng. Tuy nhiên theo thời gian, vi khuẩn có thể gây hư hại toàn bộ men răng và bắt đầu xâm nhập vào ngà răng, tủy răng. Trong đó, tủy răng là cơ quan có kết cầu mềm chứa nhiều chất hữu cơ, mạch máu và tế bào thần kinh. Đồng thời có vai trò cảm giác và nuôi dưỡng ngà răng, men răng.

triệu chứng răng sâu vào tủy
Sâu răng ăn vào tủy là giai đoạn nặng nhất của bệnh sâu răng

Nếu không kiểm soát sâu răng sớm, tình trạng có thể tiến triển nặng và ăn vào tủy. Răng sâu vào tủy thường gây ra các dấu hiệu như:

  • Giai đoạn chớm đầu: Có cảm giác đau và ê buốt nhưng không quá nghiêm trọng. Các triệu chứng thường bùng phát khi dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thực phẩm có vị chua, ngọt, cay,… Ngoài ra, cơn đau cũng có thể bùng phát khi có tác động cơ học và vật lý.
  • Giai đoạn viêm tủy cấp: Viêm tủy cấp là tình trạng tủy bị viêm nhiễm do răng sâu vào tủy. Vì cơ quan này chứa nhiều chất hữu cơ nên vi khuẩn phát triển nhanh và mạnh hơn so với ở men răng, ngà răng. Ở giai đoạn viêm tủy cấp, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng sốt, sưng hàm, nổi hạch bạch huyết, đau nhức, ê buốt răng, mệt mỏi,… Cơn đau có mức độ nặng còn có thể gây mất ngủ, ảnh hưởng nhiều đến học tập và làm việc.
  • Giai đoạn hoại tử tủy (chết tủy): Sau một thời gian gây viêm nhiễm, tủy có thể bị hoại tử. Lúc này, các tế bào thần kinh và mạch máu bên trong khoang tủy đã bị phá hủy hoàn toàn nên hầu như không có cảm giác đau hay khó chịu. Ở giai đoạn hoại tử tủy, răng thường có dấu hiệu lung lay và khoang miệng có mùi hôi.

Răng sâu vào tủy là tình trạng có mức độ nặng hơn so với giai đoạn sâu men và sâu ngà. Nếu không xử lý sớm, tủy có thể bị hoại tử hoàn toàn dẫn đến mất cảm giác ở răng, răng suy yếu, lung lay và dễ gãy rụng. Ngoài ra, răng sâu vào tủy còn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề khác trong trường hợp chủ quan, không can thiệp điều trị.

Nguyên nhân gây ra tình trạng răng sâu vào tủy

Răng bị sâu vào tủy thường xảy ra do sâu răng không được thăm khám và điều trị kịp thời. Trên thực tế, sâu răng là bệnh lý có tiến triển khá chậm. Hố sâu do vi khuẩn gây ra cần rất nhiều thời gian để hình thành. Do đó, phần lớn các trường hợp răng sâu vào tủy đều bắt nguồn từ tình trạng chủ quan ở người bệnh.

Ngoài ra, sâu răng cũng có thể tiến triển nhanh hơn và gây tổn thương tủy nếu có những yếu tố thuận lợi như:

  • Thường xuyên sử dụng món ăn và thực phẩm chứa nhiều đường
  • Dùng nhiều rượu bia, ít uống nước và hút thuốc lá thường xuyên khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt. Ngoài vai trò làm mềm và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nước bọt còn có chức năng trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết và thực hiện quá trình tái khoáng men răng.
  • Vệ sinh răng miệng kém khiến răng hình thành nhiều mảng bám, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh và tấn công nhanh vào phần tủy răng

Răng bị sâu vào tủy có nguy hiểm không?

Răng bị sâu vào tủy là tình trạng sâu răng đã tiến triển nặng. Ở giai đoạn này, sâu răng thường gây đau, ê buốt dữ dội tạo cảm giác mệt mỏi và khó chịu. Những trường hợp nặng còn có thể bị mất ngủ, giảm hiệu suất học tập và lao động do tủy bị viêm nhiễm.

triệu chứng răng sâu vào tủy
Răng sâu vào tủy có thể gây viêm, áp xe quanh chóp răng nếu không được điều trị kịp thời

Nếu không điều trị sớm, răng sâu vào tủy có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Chết tủy (hoại tử tủy): Hoại tử tủy là biến chứng xảy ra khi viêm tủy cấp, mãn tính không được điều trị khiến tủy bị phá hủy hoàn toàn. Chết tủy khiến răng mất cảm giác, men răng và ngà răng không được nuôi dưỡng dẫn đến tình trạng răng lung lay, nhai kém và có thể làm tăng nguy cơ mất răng.
  • Áp xe quanh chóp răng: Viêm tủy răng có thể tiến triển gây ra áp xe quanh chóp răng (phần cuối cùng của răng). Áp xe là tổ chức bao gồm vi khuẩn gây nhiễm trùng, tế bào chết và các tế bào bạch cầu bị vi khuẩn tiêu diệt. Áp xe quanh chóp răng gây đau nhức dữ dội và có thể phá hủy chân răng nếu không được điều trị sớm.
  • Viêm nha chu: Ở một số trường hợp, vi khuẩn gây viêm nhiễm ở buồng tủy có thể đi sâu xuống các tổ chức nâng đỡ răng như dây chằng, nướu và xương ổ răng. Tình trạng viêm nhiễm ở những cơ quan kể trên được gọi là viêm nha chu. Viêm nha chu là bệnh nha khoa có mức độ nặng có thể dẫn đến tiêu xương hàm và mất răng nếu không được điều trị kịp thời.
  • Một số biến chứng khác: Ngoài ra, sâu răng ăn vào tủy còn có thể gây tổn thương các răng lân cận, giảm chức năng nhai, gây hôi miệng, ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp, sinh hoạt,…

Các phương pháp điều trị răng bị sâu vào tủy

Nếu nghi ngờ sâu răng đã ăn vào tủy, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được thăm khám và điều trị. Bệnh lý này thường được chẩn đoán thông qua các kỹ thuật như thực hiện các kích thích lên răng (nhiệt độ, gõ, sờ,…) để đánh giá phản ứng, xét nghiệm tủy và chụp X-Quang. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của từng trường hợp và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Dưới đây là các phương pháp được áp dụng trong điều trị răng sâu vào tủy:

1. Điều trị nội nha (chữa tủy)

Điều trị nội nha là phương pháp nha khoa được áp dụng phổ biến trong điều trị răng bị sâu vào tủy. Phương pháp này được thực hiện bằng cách làm sạch phần tủy bị hoại tử để ngăn chặn vi khuẩn lây lan sang những cơ quan kế cận. Sau đó tiến hành sát khuẩn và trám bít khoang tủy bằng vật liệu nhân tạo để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn.

triệu chứng răng sâu vào tủy
Điều trị nội nha (chữa tủy) là giải pháp được ưu tiên trong trường hợp răng bị sâu vào tủy

Chữa tủy có thể giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm, phục hồi hình dáng và chức năng của răng. Hệ thống tủy răng có kích thước nhỏ nên đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có tay nghề cao cùng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Nếu 1 trong 2 yếu tố không được đáp ứng, phần tủy viêm nhiễm có thể bị sót lại trong buồng tủy dẫn đến áp xe quanh chóp răng và nhiều biến chứng khác.

2. Sử dụng thuốc

Trong trường hợp răng sâu vào tủy gây viêm tủy cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để kiểm soát hiện tượng viêm trước khi can thiệp điều trị nội nha. Ngoài ra sau khi chữa tủy, bạn cũng cần phải sử dụng thuốc để giải quyết hiện tượng viêm nhiễm hoàn toàn.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị răng sâu vào tủy:

  • Kháng sinh: Kháng sinh được dùng để kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm ở tủy răng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang những cơ quan khác. Tùy theo tình trạng cụ thể ở từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng các kháng sinh như Amoxicillin, Metronidazole,…
  • Thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm được sử dụng để giảm phù nề ở mô nướu xung quanh răng bị sâu vào tủy. Các loại thuốc kháng viêm thông dụng bao gồm Lysozym, Dexamethasone, Prednisone,…
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) được sử dụng trong giai đoạn viêm tủy răng cấp tính gây ra các triệu chứng như đau nhức răng, nổi hạch bạch huyết, sốt nhẹ đến sốt cao,…

Các loại thuốc điều trị răng sâu vào tủy được dùng liên tục trong 5 – 7 ngày tùy theo từng loại. Khi sử dụng kháng sinh, nên chú ý dùng đúng liều lượng và sử dụng đều đặn để kiểm soát hoàn toàn hiện tượng viêm nhiễm. Tình trạng quên liều hoặc dùng không đều có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc và gây tái phát tình trạng viêm nhiễm.

3. Nhổ răng

Nhổ răng là giải pháp cuối cùng đối với trường hợp răng bị sâu vào tủy. Phương pháp này thường được chỉ định cho những đối tượng sau:

triệu chứng răng sâu vào tủy
Nhổ ăng được cân nhắc khi răng bị sâu nặng, hình dáng bị phá hủy nghiêm trọng không thể hồi phục
  • Nhiễm trùng nhiều, không thể kiểm soát bằng sử dụng thuốc và điều trị nội nha
  • Răng lung lay không giữ được
  • Sâu răng nặng khiến răng vỡ, hình dáng răng bị phá hủy nghiêm trọng không thể hồi phục

Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ phục hình răng bằng một số kỹ thuật như bọc răng sứ, cấy ghép Implant,… tùy theo tình trạng của từng trường hợp. Tuy nhiên, trường hợp nhổ bỏ răng khôn không nhất thiết phải trồng răng.

Phòng ngừa răng bị sâu vào tủy

Răng bị sâu vào tủy có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả sức khỏe răng miệng, thể trạng và chất lượng cuộc sống. Do đó sau khi điều trị, bạn nên phòng ngừa tình trạng này bằng các biện pháp sau:

  • Trám bít các hố rãnh bị sâu men, sâu ngà để phòng ngừa sâu răng tiến triển nặng ăn vào tủy.
  • Tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sâu răng như răng ê buốt, đau nhức, nhạy cảm, bề mặt răng xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu, đen,…
  • Giữ vệ sinh răng miệng là cách hiệu quả nhất trong phòng ngừa các bệnh nha khoa. Cần đảm bảo chải răng đúng cách từ 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa và súc miệng thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
  • Tăng cường fluor cho men răng bằng sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa khoáng chất này. Bên cạnh đó, nên ăn uống điều độ, tập trung vào các nhóm thực phẩm giàu canxi và phốt pho để cải thiện sức khỏe răng miệng, tránh sâu răng và các bệnh răng miệng thường gặp khác.

Răng sâu vào tủy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Do đó, cần chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu khác thường. Bên cạnh đó, nên xây dựng chế độ chăm sóc răng miệng khoa học và điều chỉnh thói quen ăn uống để phòng ngừa tình trạng tái phát.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!