Tụt lợi khi mang thai là vấn đề nha khoa thường gặp ở mẹ bầu. Do có liên quan đến sự thay đổi của nội tiết tố nên tình trạng này có tiến triển dai dẳng, kéo dài đến cả giai đoạn sau sinh. Chính vì vậy, mẹ bầu cần có hướng điều trị và chăm sóc hợp lý để bảo vệ sức khỏe.
Tụt lợi khi mang thai – Dấu hiệu nhận biết
Tụt lợi (tụt nướu) là tình trạng mô nướu dịch chuyển và co lại về phía chân răng (chóp răng) khiến thân răng lộ và dài hơn so với bình thường. Tụt lợi cũng khiến khoảng cách giữa các răng thưa hơn, răng trở nên lỏng lẻo, lung lay và dễ tổn thương.
Tụt lợi có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ mang thai, sau sinh và người từ 50 tuổi trở lên. Đối với mẹ bầu, tụt lợi thường xuất hiện từ tháng 2 – 3 thai kỳ và tiến triển mãn tính đến khi sinh nở. Ở phụ nữ mang thai, tụt lợi không chỉ gây đau nhức, ê buốt, khó khăn khi ăn uống mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Các dấu hiệu nhận biết mẹ bầu bị tụt lợi:
- Quan sát thấy mô lợi tụt về phía chân răng, thân răng lộ ra và dài hơn bình thường
- Mô nướu sưng viêm, phù nề, đổi sang màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm
- Nướu mất đi độ bám dính với thân răng, thường có kết cấu lỏng lẻo và thiếu độ chắc chắn
- Tình trạng tụt lợi có thể xảy ra ở một hoặc nhiều răng
- Chân răng lộ gây ra tình trạng ê buốt, nhạy cảm trong quá trình ăn uống. Một số trường hợp nặng còn gây ê buốt ngay khi hít thở không khí lạnh
- Khoảng cách giữa các răng tăng lên, mảng bám và cao răng tích tụ nhiều
- Theo thời gian, răng lung lay, lỏng lẻo, mô nướu dễ chảy máu
- Đôi khi đi kèm với tình trạng đổi màu men răng và hơi thở có mùi hôi
Tụt lợi hở chân răng ở mẹ bầu có xu hướng dai dẳng trong suốt thai kỳ và có thể kéo dài cả sau khi sinh. Nếu không điều trị sớm, răng có thể bị hư hại nặng và thậm chí là gãy, rụng. Hơn nữa, các bệnh nha khoa xảy ra trong thời gian mang thai còn tác động gián tiếp đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị tụt lợi
Tụt lợi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do sự thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, nguy cơ tụt lợi cũng có thể tăng lên nếu có thêm một số yếu tố thuận lợi khác.
1. Do thay đổi nội tiết tố
Nội tiết tố có sự thay đổi ngay từ khi phôi thai hình thành. Cụ thể trong 3 tháng đầu, hormone progesterone tăng mạnh khiến hoạt động tuần hoàn máu ở mô nướu cũng tăng lên đáng kể. Hormone này giữ nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng cũng không gây ra không ít phản ứng bất lợi.
Tăng progesterone mạnh khiến mô nướu sưng viêm và trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Do đó trong thời gian mang thai, mẹ bầu dễ bị tụt lợi, chảy máu chân răng, răng ê buốt và đau nhức. Hơn nữa, sự thay đổi của nội tiết tố còn làm giảm chức năng đề kháng của cơ thể. Đây là điều kiện thuận lợi để hại khuẩn bên trong khoang miệng phát triển mạnh gây tổn thương răng và mô nướu.
2. Do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa
Tụt lợi khi mang thai còn là dấu hiệu của một số bệnh nha khoa (viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm quanh chân răng,…). Các vấn đề nha khoa ở bà bầu có thể xảy ra trước đó hoặc khởi phát trong thai kỳ khi có các yếu tố thuận lợi.
Dưới tác động của sự thay đổi hormone và hệ miễn dịch suy giảm, các bệnh lý răng miệng thường tiến triển nhanh hơn trong thời gian mang thai. Hậu quả là gây tụt lợi, răng lung lay, lỏng lẻo và đau nhức nhiều. Nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn gây ra các bệnh lý này còn có thể di chuyển đến bào thai dẫn đến nhiều biến chứng thai kỳ.
3. Do thói quen vệ sinh răng miệng
Ngoài những nguyên nhân trên, tụt lợi khi mang thai cũng có thể bắt nguồn từ thói quen vệ sinh răng miệng. Khác với người bình thường, răng miệng của mẹ bầu khá nhạy cảm nên cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Nếu vẫn duy trì những thói quen cũ, nướu có thể bị tổn thương, tụt lợi, sưng viêm và dễ chảy máu.
Tình trạng tụt nướu khi mang thai có thể bắt nguồn từ những thói quen sau:
- Chải răng quá mạnh, sử dụng bàn chải cứng là thói quen hàng đầu gây tụt nướu. Ngoài ra, các thói quen này còn mài mòn men răng khiến răng lộ ngà và dễ ê buốt.
- Đánh răng quá 3 lần/ ngày cũng có thể gây tụt nướu răng. Theo khuyến cáo, chỉ nên chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Đánh răng quá thường xuyên khiến men răng bị mài mòn, mô lợi tổn thương và dễ chảy máu.
- Tình trạng tụt lợi khi mang thai có thể bắt nguồn từ thói quen sử dụng chỉ nha khoa sai cách hoặc dùng tăm xỉa răng. Các thói quen này đều khiến mô nướu tụt xuống phía dưới chóp răng để lộ thân răng ra bên ngoài.
Không chỉ gây tụt lợi, các thói quen vệ sinh răng miệng không phù hợp còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng ê buốt, nhạy cảm ở bà bầu. Nếu không thay đổi những thói quen này, các vấn đề răng miệng sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu không chỉ phải cung cấp chất dinh dưỡng cho bản thân mà còn phải đáp ứng đủ nhu cầu cho thai nhi. Từ tháng thứ 4 trở đi, bà bầu rất dễ bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, thiếu vi chất dinh dưỡng còn gây ra không ít tác động tiêu cực đối với sức khỏe răng miệng.
Tụt lợi khi mang thai có thể xảy ra do thiếu hụt các vitamin và khoáng chất sau:
- Vitamin C: Vitamin C là thành phần cần thiết để tăng cường số lượng và chức năng của các tế bào miễn dịch. Đây cũng là loại vitamin thiết yếu để tổng hợp collagen – một loại protein có chức năng gắn kết các mô trong cơ thể. Thiếu hụt vitamin C khiến mô nướu trở nên lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tụt lợi, răng ê buốt và dễ đau nhức.
- Vitamin A: Vitamin A không chỉ cần thiết cho thị lực mà còn đóng góp nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Tương tự như vitamin C, vitamin A có vai trò sản xuất và kiểm soát hoạt động của các tế bào miễn dịch. Đồng thời chi phối hoạt động bài tiết nước bọt – yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Do đó, không cung cấp đủ vitamin A cũng có thể làm tăng nguy cơ tụt lợi và mắc phải các bệnh lý nha khoa thường gặp khác.
- Vitamin nhóm B: Thiếu vitamin nhóm B được xem là nguyên nhân phổ biến gây tụt lợi hở chân răng, nướu sưng viêm, nhạy cảm và dễ đau nhức. Nhóm vitamin này góp phần vào công cuộc duy trì sức khỏe răng miệng, làm lành niêm mạc bị tổn thương và nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể.
- Canxi, vitamin D: Canxi và vitamin D là hai thành phần dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng. Thiếu hụt các thành phần này khiến răng lung lay, suy yếu và dễ bị tổn thương. Ngoài tình trạng tụt lợi, thiếu canxi trong quá trình mang thai còn khiến răng giảm chức năng ăn nhai, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống của mẹ bầu.
- Các thành phần dinh dưỡng khác: Ngoài ra, tình trạng mẹ bầu bị tụt lợi cũng có thể bắt nguồn từ việc thiếu hụt các thành phần dinh dưỡng như vitamin K, vitamin D, magie, phốt pho, sắt,… Đây đều là những thành phần cần thiết để duy trì sức khỏe răng miệng.
Có thể bạn quan tâm: Bị viêm lợi nên bổ sung vitamin gì tốt?
5. Một số nguyên nhân khác
Nguy cơ bị tụt lợi khi mang thai cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố, nguyên nhân khác như:
- Hút thuốc lá
- Răng chen chúc, lệch lạc
- Thường xuyên dùng thức ăn cứng, khô, khó nhai nuốt
- Có thói quen nghiến răng khi ngủ
- Thường xuyên dùng răng để cắn xé các vật cứng
Tụt lợi khi mang thai có ảnh hưởng gì không?
Tụt lợi khi mang thai là tình trạng khá phổ biến ở mẹ bầu. Tình trạng này thường có mức độ nhẹ và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, tụt lợi có thể gây ê buốt, răng lung lay, đau nhức và dễ chảy máu. Các triệu chứng này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống của bà bầu. Nếu chăm sóc tốt, tình trạng tụt lợi khi mang thai sẽ thuyên giảm đáng kể và ít tiến triển nặng dần theo thời gian.
Tuy nhiên trong trường hợp tụt lợi xảy ra do các bệnh lý nha khoa, mẹ bầu cần phải thăm khám và can thiệp điều trị sớm. Nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, các bệnh nha khoa xảy ra trong thời gian mang thai còn làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ như sinh non, sảy thai và trẻ sinh ra nhẹ cân.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi, mẹ bầu cần thăm khám sớm nếu nhận thấy tình trạng tụt lợi. Nếu do ảnh hưởng của nội tiết tố, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu chăm sóc và giữ vệ sinh răng miệng đúng cách. Ngược lại, trong trường hợp xảy ra do các bệnh nha khoa, cần can thiệp điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng.
Cách chữa tụt lợi khi mang thai an toàn
Tụt lợi khi mang thai là tình trạng khá phổ biến. Để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, mẹ bầu nên thăm khám và can thiệp các biện pháp điều trị trong thời gian sớm nhất.
Các phương pháp điều trị tụt lợi khi mang thai an toàn với mẹ bầu:
1. Các phương pháp y tế
Thực hiện các phương pháp y tế trong thời gian mang thai tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ. Vì vậy, điều trị tụt lợi thường được thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ để giảm thiểu những tình huống không mong muốn. Tùy theo nguyên nhân và mức độ tụt lợi, bác sĩ có thể xem xét áp dụng các phương pháp sau:
- Cạo vôi răng: Cạo vôi răng là phương pháp được ưu tiên trong điều trị tụt lợi ở mẹ bầu. Cao răng tích tụ nhiều khiến nướu bị teo, viêm nhiễm và dễ chảy máu. Khi cao răng được loại bỏ, mô nướu sẽ dần hồi phục và tái tạo trở lại. Phương pháp này khá an toàn nên có thể được áp dụng cho phụ nữ mang thai.
- Các kỹ thuật khác: Ngoài cạo vôi răng, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng cụ thể của mẹ bầu để chỉ định một số kỹ thuật nha khoa khác. Đối với tụt lợi do viêm quanh răng và viêm nha chu, bác sĩ có thể yêu cầu cố định răng, xử lý mặt gốc răng,… để bảo tồn răng và ngăn không cho bệnh tiến triển nặng.
- Sử dụng thuốc: Bên cạnh các phương pháp trên, mẹ bầu có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm ở mô nướu bao xung quanh răng. Đối với phụ nữ mang thai, loại thuốc được ưu tiên chủ yếu là thuốc dùng tại chỗ như thuốc gây tê tại chỗ, nước súc miệng chứa dung dịch sát khuẩn,…
Các phương pháp điều trị tụt lợi được áp dụng cho mẹ bầu rất hạn chế do tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Chính vì vậy, ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ cạo vôi răng + dùng thuốc tại chỗ để trì hoãn tiến triển của bệnh. Sau khi sinh nở và sức khỏe đã ổn định, mẹ bầu có thể can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu để điều trị bệnh triệt để.
2. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng tụt lợi khi mang thai rõ rệt. Giữ vệ sinh răng miệng có thể hạn chế mảng bám, cao răng tích tụ và giúp mô nướu phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, duy trì các thói quen tốt còn giúp phòng ngừa các bệnh nha khoa trong thai kỳ.
Cách vệ sinh răng miệng giúp kiểm soát tình trạng tụt lợi khi mang thai:
- Khi mang thai, răng miệng trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy, nên lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm và mảnh để thuận tiện cho việc làm sạch. Hơn nữa khi chải răng, nên thao tác nhẹ nhàng để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa, tránh chải răng quá mạnh gây tổn thương nướu và chảy máu chân răng.
- Tăng cường sức khỏe răng miệng bằng cách dùng nước súc miệng và kem đánh răng chứa fluor. Fluor là khoáng chất cần thiết để tái khoáng men răng và củng cố độ chắc khỏe của mô nướu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể sử dụng nước súc miệng chứa một số thành phần kháng khuẩn dịu nhẹ để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Không nên chải răng quá 3 lần vì có thể gây mòn men răng và tổn thương mô nướu.
- Không dùng tăm xỉa răng. Để làm sạch thức ăn và mảng bám ở kẽ răng, nên sử dụng chỉ nha khoa sau các bữa ăn. Chỉ nha khoa có kích thước mảnh, mềm nên dễ làm sạch răng miệng và hoàn toàn không gây hại cho mô nướu.
- Tránh dùng thực phẩm, thức uống có hại cho sức khỏe răng miệng như món ăn chứa nhiều đường, tinh bột, đồ uống chứa cồn và axit.
3. Áp dụng các mẹo chữa tại nhà
Tình trạng tụt lợi khi mang thai có thể kéo dài dai dẳng do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone. Vì vậy ngoài cách vệ sinh răng miệng, mẹ bầu cũng nên áp dụng một số mẹo để giảm phần nào cảm giác đau nhức và ê buốt.
Các mẹo chữa tụt lợi khi mang thai an toàn với mẹ bầu:
- Ngậm nước muối: Ngậm nước muối là cách đơn giản nhưng khá hiệu quả với tình trạng tụt nướu hở chân răng. Nước muối có đặc tính tiêu viêm, sát trùng và kháng khuẩn nên có thể làm dịu hiện tượng viêm và sưng ở mô nướu. Ngoài ra, các khoáng chất trong muối biển còn giúp cải thiện sức khỏe răng miệng.
- Dùng dầu dừa: Tụt lợi khiến răng trở nên ê buốt và dễ bị đau nhức trong quá trình ăn uống. Để làm dịu các triệu chứng này, mẹ bầu có thể dùng dầu dừa thoa nhẹ lên nướu và chân răng từ 3 – 5 phút, sau đó súc miệng với lại với nước ấm. Axit lauric trong dầu dừa giúp làm dịu mô nướu, kháng khuẩn và ngăn ngừa hình thành mảng bám hiệu quả.
- Súc miệng với nước lá trầu không: Lá trầu không chứa hoạt chất Eugenol có tác dụng kháng virus, chống nấm và vi khuẩn. Cho 1 nắm trầu không sắc với 200ml nước trong 5 – 7 phút, sau đó dùng để ngậm và súc miệng hằng ngày có thể làm giảm tình trạng tụt lợi hở chân răng.
Phòng ngừa tụt lợi trong thời gian mang thai
Tụt lợi gây ra không ít phiền toái trong quá trình sinh hoạt, đồng thời tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai cần có biện pháp phòng ngừa tụt lợi để bảo vệ sức khỏe răng miệng và đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
Các biện pháp phòng ngừa tụt lợi khi mang thai:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để phòng ngừa tụt lợi và các bệnh nha khoa khác.
- Nếu có thể, nên khám răng miệng và xử lý triệt để các bệnh lý nha khoa trước khi mang thai. Bởi trong thai kỳ, các bệnh lý này rất dễ tiến triển nặng, đe dọa đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.
- Trong thời gian mang thai, nên khám răng miệng định kỳ 2 – 3 tháng/ lần và cần chủ động gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường.
- Hạn chế dùng thực phẩm và đồ uống dễ hình thành mảng bám như đồ nếp dẻo, món ăn chứa nhiều đường, nước ngọt có gas,… Tăng sinh mảng bám khiến vi khuẩn phát triển nhanh dẫn đến tổn thương men răng và mô nướu.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin để cải thiện sức khỏe răng miệng. Trong giai đoạn thai nhi phát triển nhanh, nên dùng thêm các viên uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa loãng xương và các bệnh lý nha khoa.
Mẹ bầu bị tụt lợi là tình trạng khá phổ biến. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi, phụ nữ mang thai cần thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để kiểm soát bệnh triệt để.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Ghép nướu là gì? Quy trình và cách chăm sóc
Chữa tụt lợi ở đâu tốt? Chi phí bao nhiêu?
Tụt lợi gây ê buốt răng và cách xử lý
Bị tụt lợi chân răng có bọc răng sứ được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!