Tụt lợi răng lung lay thường xảy ra ở những trường hợp bị mất răng, viêm nha chu lâu năm và không biết cách chăm sóc răng miệng. Để phòng tránh tình trạng răng lung lay và gãy, rụng, cần phải thăm khám sớm và can thiệp kịp thời các biện pháp cải thiện.
Nhận biết tụt lợi răng lung lay
Lợi (nướu) là mô mềm bao bọc xung quanh chân răng để đảm bảo răng được cố định trên cung hàm. Ngoài ra, mô nướu còn có chức năng miễn dịch và bảo vệ các cơ quan bên trong tránh khỏi sự xâm nhập của virus, vi khuẩn và tác động cơ học, hóa học,… Do đó khi lợi bị tụt, cổ chân răng sẽ bị lộ ra và có hiện tượng lung lay.
Tụt lợi răng lung lay gặp chủ yếu ở người trưởng thành và tương đối ít xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này cần được xử lý sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngăn chặn kịp thời các biến chứng nặng nề. Để phát hiện sớm tụt lợi răng lung lay, bạn có thể quan sát nướu, răng và chú ý đến cảm giác khi ăn uống.
Các dấu hiệu nhận biết tụt lợi răng lung lay:
- Có cảm giác răng không chắc chắn và gặp khó khăn khi ăn uống. Chạm tay vào răng nhận thấy răng lung lay, không cố định và mức độ lung lay có thể nghiêm trọng dần theo thời gian.
- Quan sát thấy lợi tụt xuống phía dưới chân răng để lộ một phần cổ chân răng.
- Chân răng lộ ra khiến răng bị ê buốt, đau nhức và nhạy cảm khi ăn uống. Bởi lớp men răng ở chân răng thường mỏng hơn so với thân răng.
- Trường hợp nặng có thể bị mòn cổ chân răng, răng ê buốt và đau nhức dai dẳng.
Tương tự như các bệnh về răng miệng thường gặp, tụt lợi răng lung lay tiến triển chậm và nghiêm trọng dần theo thời gian. Nếu không có biện pháp cải thiện, sức khỏe răng miệng sẽ bị suy giảm và một số trường hợp sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất răng.
Nguyên nhân gây tụt lợi răng lung lay
Tụt lợi răng lung lay là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Xác định nguyên nhân là bước quan trọng để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây tụt lợi răng lung lay. Trong đó, phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
1. Do thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân phổ biến gây tụt lợi hở chân răng. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở phụ nữ mang thai và đôi khi gặp ở phụ nữ mãn kinh. Theo các chuyên gia, sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố có thể khiến răng trở nên lung lay, nướu sưng và tụt lợi.
Tụt lợi răng lung lay do thay đổi nội tiết tố thường sẽ thuyên giảm sau khi hormone ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian này, cần có biện pháp chăm sóc hợp lý để ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức bên trong.
2. Do chấn thương
Chấn thương như té ngã, va chạm, đánh răng sai kỹ thuật,… cũng có thể là nguyên nhân gây tụt lợi răng lung lay. Tình trạng này tương đối dễ cải thiện. Tuy nhiên, nếu không thay đổi các thói quen xấu, tụt lợi có thể chuyển biến nặng dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
3. Do viêm nha chu
Viêm nha chu được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tụt lợi răng lung lay. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong nướu răng, sau đó phát triển vào cement, dây chằng nha chu và xương hàm. Viêm nha chu không có triệu chứng rõ ràng nên đa phần đều không được phát hiện và điều trị sớm.
Theo thời gian, nhiễm trùng ở nha chu khiến cho mô nướu giảm độ đàn hồi và không bám chắc chắn vào chân răng. Kết quả là tụt lợi, răng lung lay và suy yếu. Ngoài ra, sự hình thành của các túi nha chu ở chính giữa các răng cũng là nguyên nhân gây khiến răng lung lay và giảm khả năng ăn nhai.
4. Tiêu xương răng
Tiêu xương răng là tình trạng giảm thể tích và mật độ xương hàm. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa số do viêm nha chu, mất răng, răng mọc ngầm trong xương hoặc chấn thương.
Xương hàm là cơ quan nâng đỡ răng và lợi. Khi bị tiêu xương hàm, nướu răng sẽ có hiện tượng tụt xuống làm lộ cổ chân răng và răng trở nên suy yếu, lung lay. Nếu không có biện pháp cải thiện, toàn bộ răng trên cung hàm đều sẽ bị lung lay, xô lệch và cuối cùng là gãy, rụng.
5. Các nguyên nhân khác
Tụt lợi răng lung lay là tình trạng tương đối phổ biến. Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng này có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như:
- Chải răng không đúng cách (chải răng mạnh, đánh răng theo chiều ngang và dùng bàn chải có lông cứng)
- Thói quen nghiến răng
- Hút thuốc lá
- Sử dụng tăm xỉa răng thường xuyên
- Ảnh hưởng của bệnh loãng xương
- Do quá trình lão hóa
Dù xảy ra do nguyên nhân nào, tụt lợi răng lung lay đều gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Nếu không cải thiện, răng có thể lung lay nặng và gãy, rụng sau một thời gian ngắn.
Các biện pháp điều trị tụt lợi răng lung lay
Có khá nhiều phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị tụt lợi răng lung lay. Tùy theo nguyên nhân cụ thể và mức độ tụt lợi hở chân răng, bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp sau:
1. Cạo vôi răng
Vôi răng là kết quả khoáng hóa mảng bám của hại khuẩn trong khoang miệng. Vôi răng có màu trắng đục hoặc vàng nhạt và bám chặt vào các mặt của răng. Vôi răng đã được khoáng hóa nên vô cùng cứng chắc và không thể làm sạch bằng cách đánh răng thông thường.
Vôi răng tích tụ nhiều sẽ tạo môi trường thuận lợi để các vi khuẩn có hại phát triển và bài tiết độc tố. Độc tố từ vi khuẩn là yếu tố trực tiếp gây sưng đỏ nướu, chảy máu và tụt lợi. Do đó, phương pháp đầu tiên được chỉ định trong trường hợp tụt lợi răng lung lay là cạo vôi răng.
Thực tế, cạo vôi răng là biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng nên được thực hiện 1 – 2 lần/ năm. Trong trường hợp mắc các bệnh nha khoa mãn tính, cần cạo vôi răng 3 – 4 tháng/ lần để ngăn ngừa tiến triển của bệnh và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Khi cao răng được làm sạch, số lượng hại khuẩn trong khoang miệng sẽ giảm đi đáng kể. Đây là điều kiện để nướu răng tái tạo, phục hồi và tăng độ bám dính vào cổ chân răng. Để phòng tránh các vấn đề nha khoa tái phát, bạn nên tập thói quen cạo vôi răng ít nhất 1 lần/ năm.
2. Phẫu thuật ghép lợi
Phẫu thuật ghép lợi được cân nhắc trong trường hợp tụt lợi nặng khiến cho chân răng lộ ra bên ngoài và răng dài bất thường. Phương pháp này được thực hiện nhằm tái tạo lại hình dáng ban đầu cho nướu răng. Từ đó giúp nướu răng bám chặt vào chân răng, giúp răng cố định và tránh hiện tượng lung lay khi ăn uống. Ngoài hiệu quả điều trị, ghép nướu còn giúp tạo độ tương quan giữa răng – lợi và mang đến nụ cười rạng rỡ, hài hòa.
Sau khi ghép lợi, cần chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để vết thương phục hồi hoàn toàn. Nướu răng là cơ quan có tốc độ tái tạo nhanh hơn tất cả các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, thông thường chỉ sau 6 – 7 ngày, vết thương đã lành hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần theo dõi từ 1 – 3 tháng để chắc chắn nướu răng đã ổn định, răng chắc chắn và không bị lung lay.
3. Cố định răng lung lay
Cố định răng lung lay được chỉ định trong trường hợp tụt lợi răng lung lay do chấn thương hoặc các bệnh lý nha khoa. Phương pháp này được cân nhắc khi răng lung lay ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, cố định răng chỉ được thực hiện khi không có hiện tượng viêm nhiễm cấp trong khoang miệng.
Cố định răng lung lay sử dụng thanh thép cố định ở mặt trong hoặc mặt nhai của răng tùy theo vị trí răng cần cố định. Nẹp sẽ được cố định lên răng bằng composite (chất liệu có màu trắng sứ như màu răng tự nhiên).
Tùy theo tình trạng cụ thể, nẹp cố định sẽ được áp dụng trong 1 tháng hoặc 4 – 5 tháng. Sau thời gian này, cần có biện pháp chăm sóc răng miệng để tránh viêm nhiễm và các vấn đề nha khoa thường gặp. Thông thường, bác sĩ sẽ ghép nướu và điều trị tình trạng viêm nhiễm trong khoang miệng trước khi cố định răng. Như vậy, phương pháp này mới mang lại kết quả tốt nhất.
4. Các phương pháp khác
Nếu tụt lợi răng lung lay xảy ra do các vấn đề răng miệng như viêm nha chu hoặc tiêu xương răng, một số phương pháp khác có thể được cân nhắc bao gồm:
- Nạo túi nha chu: Túi nha chu là túi rỗng hoặc có chứa dịch, mủ hình thành ở mô nướu nằm ở kẽ răng. Sự xuất hiện của túi nha chu làm giảm độ bám dính của nướu và cổ chân răng, kết quả là gây tụt lợi, răng lung lay và đau nhức. Để bảo tồn răng, bác sĩ sẽ nạo túi nha chu và làm sạch các ổ mủ. Sau khi phẫu thuật, nướu răng sẽ phục hồi và bao bọc quanh chân răng để cố định răng trên cung hàm.
- Ghép xương: Trong trường hợp tụt lợi răng lung lay do tiêu xương hàm, bác sĩ sẽ chỉ định ghép xương. Ghép xương sử dụng xương tổng hợp hoặc xương tự thân để phục hồi mật độ lẫn thể tích xương hàm. Khi thể tích xương được phục hồi, bác sĩ sẽ chỉ định cắm Implant để phục hồi hình thể của răng và đảm bảo các răng còn lại không bị lung lay, xô lệch.
Chăm sóc khi bị tụt lợi răng lung lay
Tụt lợi răng lung lay thường mất nhiều thời gian điều trị – đặc biệt là trong trường hợp viêm nha chu và tiêu xương răng. Vì vậy, bên cạnh các phương pháp y tế, bạn cần kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc để thúc đẩy nướu, răng phục hồi và tái tạo.
Các biện pháp chăm sóc trong thời gian điều trị tụt lợi răng lung lay:
- Chải răng nhẹ nhàng, ưu tiên sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh để làm sạch kẽ răng hiệu quả. Không đánh răng theo chiều ngang mà thao tác bàn chải theo chiều dọc để tăng hiệu quả làm sạch răng miệng mà không gây tụt lợi và mòn men răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm xỉa răng. Nếu nướu răng nhạy cảm và dễ chảy máu, bạn nên dùng máy tăm nước để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa bên trong các kẽ răng – đặc biệt là răng hàm.
- Dùng nước súc miệng 2 lần/ ngày để làm sạch khoang miệng và ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
- Khi điều trị tụt lợi răng lung lay, nên hạn chế dùng thức ăn cứng, dai, khô, món ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu can thiệp các phương pháp xâm lấn, bạn nên dùng món ăn mềm, nguội và ít gia vị trong khoảng vài ngày để vết thương phục hồi nhanh chóng.
- Bổ sung đầy đủ protein, khoáng chất và vitamin nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng một cách toàn diện. Ngoài ra, nên thêm thực phẩm giàu chất xơ trong bữa ăn để giảm tích tụ mảng bám và cao răng.
Tụt lợi răng lung lay cần được xử lý sớm để phòng ngừa biến chứng mất răng, răng xô lệch và sai khớp cắn. Nếu can thiệp sớm, điều trị thường không mất nhiều thời gian và chi phí cũng sẽ thấp hơn. Ngược lại, tình trạng chậm trễ sẽ khiến sức khỏe răng miệng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải can thiệp cùng lúc nhiều phương pháp khác nhau.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Phẫu thuật chữa tụt lợi chân răng: Quy trình và chi phí
Emofluor Gel trị tụt lợi, hở chân răng có tốt không? Giá bao nhiêu?
Tụt lợi gây ê buốt răng và cách xử lý
Top 3 Thuốc Trị Tụt Lợi Của Nhật Bản cực tốt (Bôi + Súc miệng)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!