Niềng răng cho trẻ khi nào phù hợp? Có ảnh hưởng gì không?

Niềng răng cho trẻ là giải pháp giúp khắc phục tình trạng hô, móm, vẩu, răng khấp khểnh, răng thưa, mọc lộn xộn,… Tuy nhiên để đạt hiệu quả chỉnh nha cao, phụ huynh cần lựa chọn thời điểm niềng răng thích hợp.

Niềng răng cho trẻ
Cần lựa chọn thời điểm phù hợp để niềng răng cho bé nhằm đạt được hiệu quả chỉnh nha cao

Khi nào nên niềng răng cho trẻ?

Niềng răng (chỉnh nha) là giải pháp sử dụng máng trong suốt và hệ thống mắc cài để chỉnh sửa răng khấp khểnh, hô, móm, lệch lạc, răng thưa, mọc lộn xộn,… Ngoài ra, chỉnh nha còn giúp cải thiện tình trạng sai lệch khớp cắn và giúp khuôn mặt trở nên cân đối, hài hòa hơn.

Niềng răng là phương pháp phức tạp và mất nhiều thời gian thực hiện (khoảng 1 – 3 năm hoặc hơn). Phương pháp này không chỉ thích hợp với người lớn mà còn có thể áp dụng cho trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có cấu trúc răng chưa phát triển hoàn chỉnh và chân răng mềm, dễ tác động nên quá trình niềng được rút ngắn và có thể duy trì kết quả lâu dài, ít gặp phải tình trạng răng “chạy” về vị trí cũ như ở người trưởng thành.

Khi nào nên niềng răng cho trẻ là mối bận tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Bởi độ tuổi là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình và kết quả sau khi niềng. Theo các chuyên gia chỉnh nha của ADA (Hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ), trẻ từ 7 tuổi cần được thăm khám và can thiệp chỉnh nha sớm.

Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Để hạn chế tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm, mọc khấp khểnh,… bác sĩ thường chỉ định dùng hàm trainer trong giai đoạn này. Đây được xem là giai đoạn tiền chỉnh nha. Ngoài ra trong giai đoạn này, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng các khí cụ chức năng để cải thiện tình trạng khớp cắn chéo, sâu và phòng tránh tình trạng răng vĩnh viễn mọc lệch, mọc ngầm.

khi nào Niềng răng cho trẻ
Giai đoạn 12 – 13 tuổi là thời điểm “vàng” để can thiệp niềng răng – chỉnh nha

Sau khi kết thúc giai đoạn tiền chỉnh nha, giai đoạn từ 12 – 13 tuổi được xem là “thời điểm vàng” để can thiệp niềng răng. Nếu răng của trẻ mọc đều và thẳng, bác sĩ sẽ không yêu cầu can thiệp chỉnh nha. Tuy nhiên nếu răng hô, móm và thưa, bác sĩ sẽ lên phác đồ niềng phù hợp với tình trạng răng miệng của từng trẻ.

Thời gian niềng răng của bé thường mất từ 12 – 18 tháng (trường hợp không nhổ răng). Nếu phải nhổ bỏ răng, thời gian niềng có thể kéo dài khoảng 20 – 24 tháng. Trên thực tế, niềng răng sớm rất hiếm phải nhổ răng. Trong khi đó, đa phần người trưởng thành đều phải nhổ răng khi niềng để tạo khoảng trống cho các răng trên cung hàm dễ dàng dịch chuyển.

Niềng răng cho trẻ có ảnh hưởng gì không?

Niềng răng sớm ở giai đoạn từ 12 – 13 tuổi mang lại hiệu quả chỉnh nha cao, thời gian niềng ngắn và chi phí cũng thấp hơn so với niềng răng ở giai đoạn sau. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng và rủi ro trong quá trình thực hiện.

khi nào Niềng răng cho trẻ
Niềng răng cho trẻ có thể gây ra một số ảnh hưởng nhưng thường không đáng kể và có thể thuyên giảm sau một thời gian ngắn

Một số ảnh hưởng khi niềng răng cho trẻ:

  • Khó chịu, vướng víu: Khi niềng răng, trẻ phải sử dụng mắc cài hoặc máng niềng trong suốt. Các dụng cụ chỉnh nha này sẽ tạo ra lực kéo nhằm điều chỉnh vị trí của răng. Tuy nhiên khi mới sử dụng, trẻ có thể cảm thấy khó chịu và vướng víu.
  • Tổn thương niêm mạc miệng: Không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, dây cung và mắc cài được sử dụng khi niềng răng có thể ma sát và gây tổn thương niêm mạc miệng. Tình trạng này có thể khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi và chán ăn, ăn uống kém.
  • Đau nhức hàm và răng: Đau nhức khi niềng răng là tình trạng thường gặp trong thời gian đầu gắn khí cụ và sau mỗi lần siết răng. Nguyên nhân là do áp lực từ dụng cụ chỉnh nha tác động đến phần chân răng và xương hàm. Ngoài đau răng, trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng nhức hàm trong thời gian niềng.
  • Khó khăn khi ăn uống: Hệ thống mắc cài trên răng có thể gây phiền toái và khó khăn trong quá trình ăn uống. Ngoài ra sau mỗi lần nong hàm, trẻ sẽ gặp phải tình trạng đau nhức và ê buốt nên thường có hiện tượng chán ăn và ăn uống kém.
  • Một số ảnh hưởng khác: Niềng răng ở trẻ còn có thể gây ra một số ảnh hưởng khác như sâu răng, mất canxi ở răng, tiêu chân răng, cứng liền khớp và răng chạy về vị trí cũ. Trong trường hợp hiếm gặp, trẻ cũng có thể bị dị ứng với chất liệu chế tác mắc cài và khay niềng trong suốt.

Những ảnh hưởng của niềng răng – chỉnh nha không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người trưởng thành. Nếu niềng răng đúng kỹ thuật, những ảnh hưởng này có thể thuyên giảm sau một thời gian ngắn mà không cần phải can thiệp điều trị.

Niềng răng cho trẻ em bao nhiêu tiền?

Niềng răng cho trẻ em thường có chi phí thấp hơn so với người trưởng thành. Chi phí niềng phụ thuộc vào phương pháp niềng (mắc cài/ khay niềng), cơ sở y tế thực hiện và tình trạng răng miệng của bé. Vì vậy để biết chi phí chính xác, phụ huynh nên liên hệ với nha khoa/ bệnh viện có ý định thực hiện.

niềng răng cho trẻ giá bao nhiêu
Chi phí niềng răng cho trẻ phụ thuộc vào phương pháp niềng, loại mắc cài, tình trạng răng miệng của trẻ,…

Dưới đây là chi phí niềng răng cho trẻ em (tham khảo):

  • Niềng răng bằng mắc cài kim loại có giá dao động từ 15 – 30 triệu đồng/ ca
  • Niềng răng mắc cài sứ có giá khoảng 30 – 40 triệu đồng
  • Niềng răng bằng mắc cài kim loại tự khóa có giá từ 30 – 40 triệu đồng
  • Niềng răng bằng mắc cài sứ tự khóa có giá dao động từ 45 – 60 triệu đồng
  • Niềng răng mặt lưỡi/ mặt trong có giá từ 60 – 70 triệu đồng
  • Niềng răng không mắc cài Invisalign có giá 80 – 100 triệu đồng

Một số lưu ý khi niềng răng cho trẻ nhỏ

Niềng răng cho trẻ nhỏ là giải pháp giúp khắc phục tình trạng răng mọc ngầm, lệch lạc, răng hô, móm, vẩu,… Tuy nhiên khi cho trẻ thực hiện biện pháp này, phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề sau:

niềng răng cho trẻ giá bao nhiêu
Cần hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách trong thời gian niềng răng để hạn chế các bệnh lý nha khoa
  • Ngay khi trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn, phụ huynh nên cho trẻ đến gặp nha sĩ sớm để được khám răng miệng và can thiệp một số biện pháp nhằm hạn chế các khuyết điểm ở răng như răng mọc lệch, mọc lệch lạc,…
  • Nếu có ý định niềng răng cho trẻ, cần lựa chọn nha khoa uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp gặp phải tình trạng sai lệch khớp cắn, răng xô lệch nghiêm trọng do chỉnh nha ở những phòng khám kém chất lượng.
  • Trong thời gian niềng răng, trẻ sẽ gặp khó khăn khi vệ sinh răng miệng. Tình trạng này tạo điều kiện cho mảng bám, cao răng tích tụ gây sâu răng, viêm lợi và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác. Do đó, phụ huynh nên hỗ trợ con trẻ trong việc vệ sinh răng miệng để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh các vấn đề nha khoa.
  • Nên cho trẻ tái khám thường xuyên để được bác sĩ đánh giá tốc độ chỉnh nha và cạo vôi răng thường xuyên. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cho trẻ đến nha khoa nếu xảy ra tình trạng bung súc mắc cài, dây cung,…
  • Khi niềng răng, phụ huynh cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe răng miệng cũng như tổng thể. Bên cạnh các nhóm thực phẩm lành mạnh, nên bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi và vitamin D để tăng độ cứng chắc của răng.
  • Nếu niềng răng trong suốt, nên dặn dò trẻ đeo khay niềng từ 20 – 22 giờ/ ngày để đảm bảo hiệu quả. Tình trạng quên dùng khay niềng hoặc sử dụng ít hơn thời gian khuyến cáo có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trên đây là những thông tin giải đáp “Khi nào nên niềng răng cho trẻ?”, đồng thời đề cập đến những ảnh hưởng và lưu ý khi can thiệp niềng răng – chỉnh nha. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, phụ huynh nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi quyết định niềng răng cho bé.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!