Niềng răng có phải nhổ răng khôn (răng số 8) không là vấn đề được quan tâm khi can thiệp chỉnh nha. Trên thực tế, nhổ bỏ răng dư thừa có thể tạo không gian để dịch chuyển các răng còn lại một cách dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể đạt được hiệu quả chỉnh nha cao mà không cần phải nhổ răng số 8.
Niềng răng (chỉnh nha) là kỹ thuật nha khoa sử dụng khay niềng hoặc mắc cài để điều chỉnh răng về vị trí mong muốn. Phương pháp này có thể khắc phục tình trạng sai lệch khớp cắn, răng hô vẩu, móm, răng thưa, răng mọc lệch lạc, chen chúc và khoảng cách giữa các răng không đồng đều.
Chỉnh nha là quá trình mất nhiều thời gian (trung bình từ 1 – 3 năm) và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh. Nếu niềng răng đúng kỹ thuật, răng sẽ được nắn chỉnh về đúng vị trí, từ đó mang lại hàm răng đều tăm tắp, cân đối và hài hòa.
Niềng răng có cần phải nhổ răng khôn (răng số 8)?
Răng khôn (răng số 8) là răng vĩnh viễn nằm ở cuối cung hàm. Khác với răng ở những vị trí thông thường, răng số 8 chỉ mọc ở độ tuổi trưởng thành. Cũng chính vì vậy mà răng thường gặp phải tình trạng mọc lệch, mọc ngầm gây chen chúc và xô lệch các răng khác.
Răng khôn có hình dáng tương tự như răng số 6 và số 7. Tuy nhiên, răng ở vị trí này không giữ vai trò quá quan trọng trong hoạt động ăn uống và hỗ trợ phát âm. Trên thực tế, một số người hoàn toàn không mọc răng khôn hoặc mọc không đủ 4 chiếc. Dù không đảm nhiệm chức năng quá quan trọng nhưng răng số 8 vẫn giữ một số vai trò như điều chỉnh cấu trúc xương hàm và ổn định các răng trên cung hàm.
Niềng răng có cần nhổ răng khôn (răng số 8) không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Trong quá trình niềng răng, bác sĩ có thể phải chỉ định nhổ bỏ một vài răng để tạo khoảng trống trên cung hàm giúp các răng dễ dàng dịch chuyển đến vị trí mong muốn. Răng khôn không giữ chức năng quá quan trọng nên bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ khi chỉnh nha để việc di chuyển răng trở nên thuận lợi hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải trường hợp chỉnh nha nào cũng có chỉ định nhổ răng khôn (răng số 8). Bác sĩ sẽ đánh giá cấu trúc răng và một số vấn đề đi kèm để xem xét có nên nhổ bỏ răng hay không.
1. Những trường hợp cần nhổ răng khôn khi niềng
Như đã đề cập, răng khôn không đảm nhiệm những chức năng quan trọng như các răng khác. Vì vậy nếu cung hàm không có đủ không gian, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng khôn để quá trình dịch chuyển răng diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, nhổ răng số 8 sớm còn giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và hạn chế được tình trạng răng khôn xô đẩy, chèn ép các răng khác.
Những trường hợp được chỉ định nhổ răng khôn khi niềng:
- Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm gây chen chúc và chèn ép các răng còn lại trên cung hàm (bắt buộc nhổ răng)
- Răng số 8 bị sâu, viêm tủy răng, mẻ, nứt,… thường có chỉ định nhổ bỏ thay vì điều trị bảo tồn
- Cung hàm hẹp, không có đủ không gian để dịch chuyển các răng về vị trí mong muốn
Ngoài răng số 8, bác sĩ cũng có thể chỉ định nhổ bỏ răng số 4 hoặc số 5 nếu cung hàm có không gian quá hẹp. Răng ở những vị trí này đều không giữ chức năng quá quan trọng. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để đảm bảo hiệu quả chỉnh nha.
2. Các trường hợp không cần nhổ răng số 8
Không phải tất cả các trường hợp can thiệp chỉnh nha đều phải nhổ răng số 8 (răng khôn). Một số trường hợp sau sẽ được bảo tồn răng thay vì nhổ bỏ:
- Răng khôn mọc thẳng, không chen chúc các răng khác trên cung hàm
- Cung hàm có đủ không gian để các răng dịch chuyển
- Niềng răng sớm trong giai đoạn từ 11 – 16 tuổi (chưa mọc răng khôn)
Để biết chính xác có phải nhổ răng khôn khi niềng hay không, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý nhổ răng trước khi chỉnh nha khiến quá trình niềng răng gặp nhiều bất lợi và không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Một số lưu ý khi nhổ răng khôn trong thời gian niềng
Khác với các răng thông thường, răng khôn nằm ở cuối cung hàm và có chân răng sâu, phức tạp nên rất khó nhổ bỏ. Trường hợp răng mọc lệch, mọc ngầm thường phải tiểu phẫu để loại bỏ hoàn toàn chân răng nằm sâu bên trong.
Khi nhổ răng khôn trong quá trình chỉnh nha, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn phòng khám/ bệnh viện đáng tin cậy nếu có ý định niềng răng – chỉnh nha và nhổ răng khôn.
- Chỉ nhổ răng số 8 khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý nhổ bỏ răng trước khi chỉnh nha. Tình trạng này có thể khiến quá trình niềng răng không mang lại hiệu quả như mong đợi.
- Răng có thể bị đau nhức, sưng viêm sau khi nhổ răng. Để giảm các triệu chứng khó chịu, bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, có thể chườm đá để cầm máu và giảm sưng trong 48 giờ đầu tiên.
- Nên dùng thức ăn mềm, lỏng và nguội trong vài ngày đầu để tránh kích thích lên vết thương. Bên cạnh đó, nên tránh dùng lưỡi đẩy vào vị trí của răng vừa bị nhổ bỏ.
- Chú ý các biểu hiện sau khi nhổ răng khôn để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Niềng răng có cần phải nhổ răng khôn (răng số 8) không?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ những trường hợp nên/ không nên nhổ răng số 8 trong thời gian chỉnh nha. Tuy nhiên trước khi quyết định nhổ bỏ răng, cần trao đổi thêm với bác sĩ chuyên khoa để nhận được lời khuyên hữu ích.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mắc Cài là gì? Các loại Mắc Cài Niềng Răng phổ biến hiện nay
Cách Tự Niềng Răng Tại Nhà & Những điều cần lưu ý
Niềng răng bị đau, ê buốt: Nguyên nhân và cách xử lý
Niềng Răng Có Làm Thay Đổi Khuôn Mặt Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!