Ngà Răng Là Gì? Cấu Tạo, Phân Loại Và Chức Năng

Ngà răng nằm giữa lớp men răng và ống tủy. Cùng với men răng, nó có nhiệm vụ bảo vệ ống tủy, đảm bảo chức năng bình thường của răng, ngăn ngừa kích thích và tình trạng viêm tủy. Ngà răng bị tổn thương khi men răng bị phá hỏng bởi các bệnh răng miệng.

Ngà răng
Ngà răng nằm giữa lớp men răng và ống tủy tạo thành răng chắc khỏe và bảo vệ tủy răng

Ngà răng là gì?

Ngà răng là một trong những bộ phận cấu thành răng, được che phủ và bảo vệ bởi lớp men răng cứng. Bên dưới ngà răng là ống tủy. Nó phát triển từ những nguyên bào ngà trong tủy, trước khi men răng hình thành.

Cùng với men răng, ngà răng bao phủ hoàn toàn (trừ phần lỗ chân răng) và bảo vệ tủy răng. Những vấn đề ở tủy răng chỉ xảy ra khi hai lớp bao bọc này đã bị phá vỡ hoặc có một điểm khuyết sâu.

Đặc tính của ngà răng

Trong khi men răng cứng và dễ vỡ thì ngà răng có độ đàn hồi rất tốt, xốp, có tính thấm và khó hỏng hơn. Thông thường, nó có màu vàng nhạt. Tuy nhiên màu sắc của ngà cũng có thể từ xám đến đen. Lớp ngà thường sáng lên khi sử dụng một số chất tẩy trắng trong quá trình làm trắng răng.

Độ cứng khác nhau tùy theo từng vùng. Vị trí cách tủy 0,4 – 0,6mm đến giữa lớp ngà, ngà răng cứng và khó hỏng nhất. Lớp ngà mềm hơn ở vùng ngoại vi và gần sát tủy răng.

Từ thân xuống cổ và chân răng, lớp ngà mỏng dần. Ở thân răng, lớp ngà được bao bọc bởi men răng. Ở cổ răng, lớp ngà được bao bọc bởi ngà vỏ. Ở chân răng, lớp ngà được bao bọc bởi xương răng và men xi măng.

Chức năng của ngà răng

Trong giải phẫu răng, ngà răng là một bộ phận quan trọng, giữ nhiều chức năng quan trọng, cụ thể:

  • Ngà răng cùng với men răng, ống tủy và tủy răng cấu thành nên răng
  • Bao bọc và bảo vệ tủy răng, tránh những kích thích từ bên ngoài đến tủy. Khi ngà răng bị tổn thương hoặc bị vỡ, tủy răng sẽ bị tấn công dẫn đến bệnh viêm tủy răng.
  • Đảm bảo chức năng bình thường của răng
  • Tạo cảm giác cho răng khi tiếp xúc với không khí lạnh hoặc trong quá trình ăn uống thực phẩm nóng, lạnh, chua, ngọt
  • Hỗ trợ men răng
  • Truyền xung kích thích từ chân răng hoặc bề mặt răng đến tủy răng.
Cùng với men răng, ống tủy và tủy răng, ngà răng cấu thành nên răng
Cùng với men răng, ống tủy và tủy răng, ngà răng cấu thành nên răng và đảm bảo chức năng bình thường của răng

Thành phần cấu tạo của ngà răng

Lớp ngà có thành phần cấu tạo gồm:

  • Thành phần vô cơ: 70% lớp ngà là khoáng chất hydroxyapatite. Trong đó Photphas và Canxi chiếm tỉ lệ cao nhất.
  • Thành phần hữu cơ: 20% lớp ngà là thành phần hữu cơ. Thành phần này chủ yếu tập trung ở ngà vỏ, trong đó collagen type 1 chiếm 90%. Ở ngà quanh ống tủy, thành phần hữu cơ khá thấp.
  • Nước: Chiếm 10% lớp ngà.

Cấu tạo của ngà răng

Cấu trúc mô học của ngà răng (bắt đầu từ men răng vào tủy) gồm:

  • Men răng tiếp nối men ngà
  • Ngà vỏ
  • Ngà nguyên phát
  • Ngà thứ phát
  • Đuôi bào tương
  • Nguyên bào ngà
  • Tủy tiếp nối nguyên bào ngà

Cấu tạo của ngà răng như sau:

1. Ống ngà

Ống ngà là những kênh siêu nhỏ nằm trong lớp ngà, chứa chất lỏng và đuôi của nguyên bào ngà. Chúng nằm xung quanh tủy, sắp xếp theo mô hình xuyên tâm. Từ bề mặt tủy răng, ống ngà dọc theo chiều dài của răng đến ranh giới giữa ngà và men răng (điểm cuối cùng).

Ở phần chân răng, chúng kéo dài từ tủy về phần xi măng, thẳng hoặc hơi cong nhẹ. Ở phần thân răng, chúng kéo dài từ tủy về men răng, đường dẫn hình chữ S.

Nhờ có ống ngà mà lớp ngà có độ thẩm thấu cao. Khi không có bất thường, ngà răng giúp tăng cảm giác cho răng, bảo vệ ống tủy. Khi vi khuẩn xâm nhập và sâu răng, độ thẩm thấu cao khiến tình trạng sâu răng phát triển nhanh và tăng mức độ đau đớn.

Đường kính, mật độ và đường đi của đuôi nguyên bào làm thay đổi đường kính và mật độ của ống ngà ở mỗi người và mỗi lớp. Thông thường ống ngà sát lại khi càng gần tủy răng.

2. Ngà vỏ

Ngà vỏ có cấu tạo gồm collagen dạng sợi khoáng hóa. So với ngà quanh tủy, mật độ khoáng hóa của nó thấp hơn. Trong một số nghiên cứu, người ta đo được độ dày của ngà vỏ là 10 – 20μm.

3. Ngà răng nguyên phát

Ngà quanh tủy, ngà quanh ống và gian sống là các dạng của ngà nguyên phát.

  • Ngà quanh tủy: Ngà quanh tủy nằm giữa khoang tủy và ngà vỏ, được hình thành từ sự kết hợp của những nguyên bào ngà. Trong một số vùng, nó chứa các phân nhánh của nguyên bào ngà. Ngà quanh tủy hầu như không có sợi alpha.
  • Ngà quanh ống: Ngà quanh ống phát triển và bao phủ thành ống ngà. Chúng chứa những tinh thể hydroapatite hình lăng trụ lục giác, dày đặc (mức độ dày lên phụ thuộc vào độ tuổi và vị trí của ống ngà). Ngà quanh ống cản quang và khoáng hóa đồng nhất.
  • Gian ống: Giữa những ống ngà là gian ống. Lớp này chứa rất nhiều sợi collagen. Chúng vuông góc với những ống ngà tạo nên cấu trúc đan kết. So với ngà quanh ống, ngà gian ống có mức độ khoáng hóa, mức độ cản quang và mật độ thấp hơn.

Phân loại ngà răng

Ngà răng được phân thành hai loại gồm: Ngà răng nguyên phát và ngà răng thứ phát. Mỗi tổ chức sẽ có cấu tạo khác nhau.

1. Ngà răng nguyên phát

Ngà răng nguyên phát hình thành khi răng bắt đầu mọc và phát triển, nằm giữa buồng tủy và men răng. Lớp trong gần với buồng tủy nhất là nguyên bào ngà, lớp ngoài gần với men răng nhất là ngà vỏ.

Ngà răng nguyên phát
Ngà răng nguyên phát nằm giữa buồng tủy và men răng, hình thành khi răng bắt đầu mọc và phát triển
  • Ngà vỏ

Những nguyên bào ngà kết hợp tạo thành ngà vỏ, rộng khoảng 15 – 20 micromet. Khi răng phát triển đến một giới hạn nhất định, ngà vỏ chính là phần còn lại của ngà nguyên phát.

Trải qua giai đoạn phát triển của ngà nguyên phát, cấu trúc của ngà vỏ chứa những sợi collagen lỏng lẻo. Bên cạnh đó nó cũng ít khoáng hóa và bị thiếu phosphoryl hóa.

  • Ngà quanh tủy

Ngà quanh tủy nằm bên dưới ngà vỏ, tiếp nối với tủy răng. Nó hình thành trước khi hoàn thiện chân răng. Ngà quanh tủy chiếm phần lớn ngà răng, được các nguyên bào ngà hình thành sau lớp ngà vỏ. So với ngà vỏ, ngà quanh tủy khoáng hóa hơn.

  • Tiền ngà

Tiền ngà là lớp ngà mới được tiết ra nhưng không được khoáng hóa. Nó nằm ở vùng trong cùng của ngà, có độ dày khoảng 10 – 47μm. Trong cấu trúc, tiền ngà chứa collagen, proteoglycan và glycoprotein.

So với ngà răng, tiền ngà răng ít bắt màu và dễ dàng được phát hiện trong những thử nghiệm có chất nhuộm nhuộm hematoxylin và eosin. Bên cạnh đó tiền ngà không được khử khoáng.

2. Ngà răng thứ phát

Khi răng đã tồn tại trên cung răng, ngà răng thứ phát sẽ hình thành. So với ngà răng nguyên phát, nó phát triển chậm hơn nhưng cứng chắc và duy trì được sự tăng trưởng lâu hơn.

Khi ngà răng thứ phát hoàn thiện, kích thước buồng tủy giảm dần theo độ tuổi. Điều này làm tăng nguy cơ lộ tủy ở người trẻ khi có các tình trạng về răng và sửa soạn răng.

Về cơ bản, ngà thứ phát được chia thành hai loại, bao gồm:

  • Ngà sinh lý: Trong suốt thời gian tồn tại của răng, ngà sinh lý hình thành và phát triển liên tục nhưng rất chậm.
  • Ngà thứ phát bệnh lý: Khi răng của bạn bị tổn thương hoặc gặp những vấn đề về bệnh lý (như mòn men răng, sâu răng, tạo lỗ trám răng…), sự phản ứng của lớp ngà khiến ngà răng thứ phát bệnh lý hình thành. Ngà thứ phát bệnh lý được phân thành hai loại nhỏ hơn gồm ngà phản ứng và ngà sửa chữa. Sự hình thành của chúng bắt đầu từ nguyên bào ngà bị ảnh hưởng trực tiếp từ một số kích thích cụ thể. Chính vì thế mà thời gian và cường độ kích thích ảnh hưởng đến cấu trúc của lớp ngà.
    • Ngà phản ứng: Sau khi phản ứng với kích thích, nguyên bào ngà có từ trước sẽ phát triển và hình thành ngà răng.
    • Ngà sửa chữa: Khi những nguyên bào ngà ban đầu mất đi, một hoặc nhiều tế bào trung mô trong tủy sẽ phát triển và hình thành nguyên bào ngà mới.

Quá trình hình thành và phát triển ngà răng

Dưới tác động của nhú răng, những nguyên bào ngà kết hợp với nhau tạo thành một khung hữu cơ. Sau khi được khoáng hóa và phát triển, ngà răng chứa các ống ngà được tạo ra. Sau khi ngà răng được sản xuất, nhú răng sau cùng giúp tủy răng phát triển.

Tại nơi phát triển khởi đầu của múi răng, ngà răng bắt đầu hình thành. Chúng nhanh chóng lan xuống sườn múi đến viền cổ răng. Sau đó phát triển chiều ngang làm tăng độ dày đến khi hình thành ngà thân răng.

Khi những tế bào biểu mô từ viền cổ răng tăng sinh, ngà răng sẽ hình thành và phát triển liên tục cho đến khi hình thể bên ngoài của răng hoàn tất. Giai giai đoạn này, lớp ngà được gọi là ngà răng sinh lý nguyên thủy. Sau đó, tốc độ sản xuất ngà răng chậm lại. Lúc này lớp ngà được gọi là ngà răng sinh lý thứ phát.

Các vấn đề, bệnh lý ở ngà răng

Những vấn đề, bệnh lý ở lớp ngà sẽ xảy ra khi men răng bị vỡ hoặc bị phá hỏng để lộ ngà. Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp nhất:

1. Sâu răng

Sâu răng là tình trạng mô cứng của răng bị tổn thương hoặc phá vỡ do vi khuẩn ở mảng bám phát triển và tạo quá trình hủy khoáng. Điều này khiến bề mặt răng xuất hiện những lỗ nhỏ, gia tăng kích thước và độ sâu theo thời gian.

Nguyên nhân gây sâu răng liên quan đến vi khuẩn trong mảng bám, tiêu thụ thức ăn có đường và không vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Khi lỗ sâu tăng kích thước, ngà răng bị tổn thương, tăng nguy cơ viêm tủy. Đây là nguyên nhân gây đau răng phổ biến.

Sâu răng
Sâu răng khiến men răng bị vỡ hoặc tổn thương, ảnh hưởng đến ngà răng và tủy bên trong

2. Viêm nha chu

Viêm nha chu là tình trạng mô nướu và những tổ chức năng đỡ răng (như xương ổ răng, cement và dây chằng nha chu) bị nhiễm trùng. Điều này khiến xương xung quanh răng và mô mềm bị phá hủy, các răng lỏng lẻo, lung lây và dễ gãy rụng.

Mảng bám (chứa đường và vi khuẩn) ở cổ và thân răng không được loại bỏ khiến cao răng hình thành. Lâu ngày dẫn đến viêm nướu và viêm nha chu. Bệnh viêm nha chu thường ảnh hưởng nhiều răng cùng một cung hàm. Từ đó dẫn đến sự mất răng đồng loạt.

Để nhận biết bệnh viêm nha chu, hãy dựa vào một số triệu chứng sau:

  • Sưng nướu
  • Thay đổi màu sắc của nướu (màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi)
  • Có mủ giữa răng và nướu
  • Nướu dễ chảy máu, không bao chặt răng
  • Hôi miệng
  • Răng lung lay
  • Đau khi nhai

3. Mòn men răng

Mòn men răng lâu ngày khiến ngà răng lộ ra ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Bệnh lý này là tình trạng hao mòn khiến lớp men răng bị mất dần theo thời gian. Mòn men răng thường do chăm sóc răng miệng không đúng cách, ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh, tiếp xúc với chất có tính axit.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết mòn men răng:

  • Răng đổi màu, thường ngã vàng do men răng mất đi làm lộ ngà răng
  • Tăng độ nhạy cảm
  • Cảm thấy buốt hoặc đau khi ăn thực phẩm chua, ngọt, nhiệt độ nóng, lạnh
  • Hình dáng răng thay đổi, lỗ chỗ, sứt hoặc bị mẻ

4. Thiểu sản men răng

Thiểu sản men răng là tình trạng thiếu hụt số lượng men răng do quá trình hình thành men răng bị lỗi hoặc không hoàn toàn. Điều này thường liên quan đến di truyền, sự thiếu hụt chất khoáng chất, nhiễm trùng và vệ sinh răng miệng không tốt.

Những đốm nâu/ trắng lỗ chỗ trên bề mặt răng cùng với men răng mỏng làm răng nguy cơ sau răng và để lộ ngà răng. Điều này làm răng độ nhạy cảm, răng ê buốt khi ăn đồ lạnh, có vị chua, ngọt hoặc quá nóng.

Một số dấu hiệu nhận biết khác:

  • Bề mặt răng đổi màu
  • Thiểu sản răng sữa ở trẻ khiến răng bị cụt và mủn
  • Bề mặt của răng lõm hình bán nguyệt
  • Cạnh cắn của răng có khía hình chữ V

Biện pháp bảo vệ ngà răng

Ngà răng bị tổn thương không thể tự phục hồi. Để điều trị, vật liệu y tế sẽ được sử dụng. Khi ngà răng bị vỡ, tủy răng lộ ra ngoài và bị tấn công. Điều này tạo cảm giác đau nhức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của răng.

Để bảo vệ ngà răng, xương răng và lợi, men răng cần được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp chăm sóc răng miệng và bảo vệ men răng hiệu quả:

Chải răng đúng cách mỗi ngày 2 lần với kem đánh răng có chứa flour
Chải răng mỗi ngày 2 lần với kem đánh răng có chứa flour để duy trì men răng và bảo vệ lớp ngà
  • Chải răng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 3 phút với kem đánh răng có chứa flour. Điều này giúp loại bỏ mảng bám, vụn thức ăn, cải thiện men răng và tăng sự chắc khỏe cho răng.
  • Chải răng nhẹ nhàng. Không chải răng quá mạnh, quá lâu hoặc quá nhanh.
  • Đảm bảo chải sạch các bề mặt của răng.
  • Sử dụng nước súc miệng chứa flour hoặc diệt khuẩn để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Đồng thời tái khoáng răng và bảo vệ men răng.
  • Tránh ăn thực phẩm quá chua, nhiều đường, quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tránh hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
  • Bổ sung canxi và vitamin D thông qua chế độ ăn uống nhiều rau xanh, động vật có vỏ, trứng, sữa, nấm, cá hồi, các loại hạt, đậu… Những chất dinh dưỡng này giúp tái khoáng răng, tăng sự cứng chắc cho răng, bảo vệ men răng và tránh những thương tổn ở ngà.
  • Khám nha khoa định kỳ từ 1 – 2 lần/ năm. Điều này giúp phát hiện bất thường (như sâu răng…). Từ đó có biện pháp xử lý sớm và thích hợp, tránh ảnh hưởng đến ngà răng.

Ngà răng là một bộ phận cấu thành răng, bao bọc và bảo vệ tủy răng. Đồng thời tạo cảm giác và đảm bảo chức năng bình thường của răng. Chính vì thế ngà răng cần được bảo vệ bằng cách chăm sóc và giữ men răng chắc khỏe. Nếu bị sâu răng hoặc có bất thường, hãy thăm khám để được hướng dẫn xử lý đúng cách.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!