Nhiều người thắc mắc răng mẻ có hồi phục được không. Đây là những chiếc răng có khuyết điểm, trong đó vùng cạnh cắn của răng lỏm chỏm hoặc có một mảnh răng lớn bị gãy, tách khỏi răng chính. Các chuyên gia cho biết tình trạng này không thể tự hồi phục, cần dùng các kỹ thuật phục hình răng để lấy lại cấu trúc và chức năng cho răng hỏng.
Răng mẻ có hồi phục được không?
Răng bị mẻ xảy ra khi cấu trúc của răng không còn nguyên vẹn, một mảnh vỡ có kích thước lớn/ nhỏ tách ra từ răng chính. Những trường hợp nhẹ có vùng cạnh cắn của răng lỏm chỏm.
Khi men răng (lớp ngoài cứng chắc của răng) bị tổn thương, bạn có thể bị lộ ngà răng hoặc tổn thương tủy. Điều này khiến răng ê buốt, yếu, đau khi cắn, tăng nguy cơ nhiễm trùng răng và giảm tính thẩm mỹ. Răng bị mẻ thường do chấn thương (va đập mạnh, té ngã…), sâu răng, cắn vật cứng.
Vậy răng mẻ có hồi phục được không? Theo các chuyên gia, răng bị mẻ không tự hồi phục được. Không giống như những cơ quan khác trên cơ thể, răng không thể tái sinh, cần có những biện pháp điều trị và vật liệu y tế để phục hồi cấu trúc của răng. Riêng ở trẻ nhỏ, răng sữa bị mẻ được thay thế bởi răng vĩnh viễn.
Người lớn bị mẻ răng vĩnh viễn cần được khám và phục hình răng sớm. Bởi khiếm khuyết này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng sau:
- Mất tính thẩm mỹ của răng
- Cạnh cắn sắc nhọn làm tổn thương mô mềm như lưỡi, má
- Răng ê buốt hoặc đau nhức kéo dài
- Lộ ngà răng hoặc lộ tủy, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dẫn đến các bệnh lý răng miệng. Cụ thể như nhiễm trùng răng, sâu răng, viêm tủy răng…
- Khó khăn trong ăn uống
Sau khi thăm khám, các phương pháp phục hình thích hợp sẽ được chỉ định.
Các phương pháp khắc phục răng mẻ
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể (vị trí, kích thước mảnh gãy…), phương pháp thích hợp sẽ được chỉ định để phục hình răng mẻ. Những phương pháp phục hình thường được áp dụng gồm:
1. Dán mảnh răng bị mẻ
Các chuyên gia khuyên rằng mảnh vỡ của răng nên được giữ lại và bảo quản trong chén sữa. Với hàm lượng canxi cao, sữa giúp duy trì chất lượng của răng, mảnh vỡ không bị hư hỏng, tạo điều kiện phục hình răng.
Nếu răng không có tổn thương tủy và không hở chân răng, kỹ thuật hàn răng (dán mảnh răng bị mẻ) sẽ được áp dụng. Trong kỹ thuật này, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, răng mẻ được lau khô và ngăn cách với nước bọt. Mảnh vỡ được đưa vào vị trí ban đầu. Sau đó xi măng y tế được dùng để răng và mảnh gãy dính chặt vào nhau.
Sau khi dán mảnh gãy, răng bị mẻ có thể phục hồi về cấu trúc, tăng tính thẩm mỹ và cải thiện chức năng nhai. Tuy nhiên mảnh gãy có thể bị rớt nếu không thận trọng trong quá trình ăn uống.
2. Mài răng
Răng cửa bị mẻ ở mức độ nhẹ có thể được mài cạnh và mặt cắn. Điều này giúp khắc phục khiếm khuyết. Thông thường răng cận kề cũng được mài dũa cẩn thận để các răng đều nhau, phục hồi chức năng nhai và tăng tính thẩm mỹ.
3. Trám răng
Những trường hợp mẻ răng hàm, mẻ cạnh cắn của răng thường được yêu cầu trám răng để phục hình. Kỹ thuật này sử dụng vật liệu nhân tạo (như sứ, composite…) để thay thế cho phần răng mất đi.
Khi thực hiện, răng cần sửa chữa được làm sạch, tạo hình xoang trám và lau khô. Vật liệu thích hợp được dùng để lắp đầy phần răng mất đi hoặc bị hỏng. Sau đó làm cứng phần trám và tăng độ bám dính bằng tia laser. Cuối cùng mảnh trám sẽ được điều chỉnh để không gây cộm và đạt tính thẩm mỹ tối đa.
Những vật liệu dùng trong hàn trám răng bền bỉ, thường có màu sắc trùng với răng thật. Chính vì thế mà kỹ thuật hàn răng là một trong những phương pháp thường được đề xuất trong phục hình răng sứt mẻ.
4. Dán sứ Veneer
Phương pháp này sử dụng miếng dán siêu mỏng (bằng sứ hoặc nhựa composite), hình dáng và màu sắc giống răng thật để dán lên mặt ngoài / mặt trong của răng. Từ đó che lắp khuyết điểm của răng, phục hồi hình dáng và tăng tính thẩm mỹ cho răng bị mẻ.
Miếng dán được dùng trong dán sứ Veneer có độ bền cao, khả năng chịu lực tốt, hầu như không bị mài mòn nếu được chăm sóc tốt. Trước khi dán miếng dán, men răng sẽ được mài nhám.
5. Bọc răng sứ
Những người bị gãy 1/2 răng hoặc kích thước mảnh gãy lớn làm tổn thương nhiều mô răng sẽ được bọc răng sứ. Trong kỹ thuật này, cùi răng được mài nhỏ, sau đó mão răng toàn sứ hoặc sứ – kim loại được dùng để chụp lên cùi răng.
Mão răng có khung sườn rỗng, lớp men sứ bên ngoài tương tự như răng thật (từ hình dáng đến màu sắc). Do đó việc sử dụng có thể phục hình răng bị mẻ, đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng nhai.
Ngoài ra bọc răng sứ còn giúp bảo vệ phần răng thật bên trong, ngăn vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng và làm mất răng. Mão răng toàn sứ có độ bền cao, chăm sóc tốt có thể giúp duy trì răng sứ trong thời gian dài.
Biện pháp phòng ngừa răng bị mẻ
Răng bị mẻ có thể xảy ra ở răng cửa hoặc răng hàm (ít gặp hơn), thường liên quan đến tình trạng sâu răng, chấn thương với lực tác động lớn và trực tiếp vào răng, cắn vật cứng. Ngoài ra thiếu khoáng chất và men răng yếu hoặc bị mòn cũng góp phần làm tăng nguy cơ mẻ răng.
Để phòng ngừa mẻ răng, các nguyên nhân cần được loại bỏ. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa cụ thể:
- Chải răng với kem đánh răng chứa flour để bổ sung khoáng chất, cải thiện men răng, ngăn sâu răng và mẻ răng.
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Khi chải răng, nên dùng bàn chải có lông mềm, chải sạch mặt nhai và các bề mặt của răng,
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng, giúp làm sạch mảng bám và vụn thức ăn.
- Dùng dung dịch nước súc miệng để làm sạch hoàn toàn các loại vi khuẩn trong khoang miệng và mảng bám trên răng.
- Uống nhiều nước sau khi ăn xong để làm sạch khoang miệng, rửa trôi thức ăn, tạo độ ẩm cần thiết, ngăn vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh răng miệng.
- Ăn nhiều rau xanh, củ, các loại trái cây có nhiều chất xơ. Bởi những loại thực phẩm này có khả năng làm sạch răng.
- Tăng cường bổ sung vitamin D, C, canxi, magie và nhiều khoáng chất khác từ sữa, các loại rau xanh, sữa chua, trứng, cá, nấm… Các vitamin và khoáng chất giúp tăng chất lượng răng, cải thiện men răng, hạn chế nhiễm trùng và phòng ngừa các bệnh lý về răng miệng.
- Hạn chế ăn thức ăn khô cứng.
- Tránh ăn thực phẩm quá lạnh, quá nóng, chứa nhiều đường, có tính axit cao. Đồng thời hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá. Bởi việc tiêu thụ có thể gây mòn men răng, tăng nguy cơ sâu răng và mẻ răng.
- Phòng ngừa té ngã, chấn thương khi chơi các môn thể thao tiếp xúc.
- Những người có tật nghiến răng hoặc thường xuyên chơi các bộ môn thể thao nguy hiểm nên dùng dụng cụ bảo vệ răng và hàm.
- Điều trị sớm và tích cực những bệnh lý nha khoa.
- Khám nha khoa định kỳ mỗi năm 2 lần và cạo vôi răng.
Thông tin cơ bản trong bài giúp giải đáp “Răng mẻ có hồi phục được không?”, các biện pháp phục hình hiệu quả. Nhìn chung, răng bị mẻ không thể tự phục hồi, cần can thiệp y tế để phục hồi chức năng cơ bản và cấu trúc của răng. Chính vì thế bạn cần đến nha khoa để được khám và can thiệp bằng những phương pháp thích hợp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Những tác hại của việc trám răng và cách phòng ngừa nên biết
Trám răng hàm sử dụng được bao lâu? Giá bao nhiêu?
Trám răng bị cộm: Nguyên nhân và cách khắc phục
Trám răng xong bị đau nhức nguyên nhân do đâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!