Lộ ngà răng là hiện tượng lớp ngà màu vàng nằm dưới men răng bị lộ hẳn ra ngoài gây mất thẩm mỹ và khiến cho răng bị đau nhức, ê buốt. Nguyên nhân chủ yếu là do men răng bị tổn thương, ăn mòn. Bệnh lộ ngà răng cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ bị mất răng.
Lộ ngà răng là gì?
Lộ ngà răng là hiện tượng lớp dày cứng vốn phải nằm phía trong men răng bị lộ hẳn ra ngoài. Điều này khiến cho răng trở nên nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn tấn công hoặc bị tác động bởi nhiệt độ nóng lạnh quá mức dẫn đến ê buốt răng, sâu ngà răng hoặc nặng hơn là viêm tủy răng.
Bình thường, răng được tạo thành từ 3 lớp chính. Ngoài cùng là men răng, ở giữa là lớp ngà và trong cùng là tủy răng. Ngà răng có màu vàng nhạt, xốp nhưng cứng chắc và dày, có tính thấm và khả năng đàn hồi cao hơn so với men răng. Bộ phận này có chức năng định hình răng và bảo vệ ống tủy.
Khi răng khỏe mạnh, lớp ngà cùng với ống tủy sẽ được bảo vệ bởi men răng. Sự bất thường trong cấu trúc của men răng, chẳng hạn như mòn men răng hay vỡ men răng sẽ dẫn đến tình trạng lộ ngà răng.
Lộ ngà răng không chỉ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe răng miệng của bạn mà còn gây khó khăn cho ăn uống, giảm tính thẩm mỹ, thậm chí còn gây biến chứng mất răng. Do vậy, nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên thăm khám và điều trị lộ ngà răng càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây lộ ngà răng
Tổn thương và những bất thường trong cấu trúc của men răng là nguyên nhân chính dẫn đến lộ ngà răng. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ các yếu tố cơ học hoặc bệnh lý. Bao gồm:
1. Ngà răng bị lộ do mòn răng cơ học
Khi men răng bị mòn, ngà răng không còn lớp che chắn, bảo vệ nên dễ dàng bị lộ ra ngoài. Bạn có thể bị mòn men răng vì những nguyên nhân dưới đây:
- Đánh răng quá mạnh: Thao tác chải răng quá mạnh hoặc thói quen đánh răng theo chiều ngang có thể khiến cho men răng bị tổn thương, ăn mòn.
- Sử dụng bàn chải đánh răng quá cứng: Đầu lông chải quá cứng sẽ khiến men răng dễ dàng bị ăn mòn theo thời gian. Quá trình này xảy ra nhanh hơn ở những người có men răng yếu.
- Ăn nhiều đồ chua: Thói quen ăn chua, thường xuyên dùng các thực phẩm có chứa nồng độ axit cao như chanh, giấm có thể gây mòn men răng và dẫn đến lộ ngà răng.
- Tật nghiến răng: Nhiều người có tật nghiến răng trong lúc ngủ. Hành động này diễn ra trong thời gian dài liên tục vô tình làm cho mặt nhai bị ăn mòn.
- Giảm tiết nước bọt: Nước bọt tiết ra ít khiến cho thức ăn và axit bám vào men răng không được làm sạch ngay. Điều này khiến cho quá trình ăn mòn diễn ra nhanh hơn.
- Ăn ngọt nhiều: Bánh kẹo hay nước ngọt thường chứa nhiều đường. Khi tồn đọng trong miệng, đường có thể lên men và làm tăng nồng độ axit gây phá hủy men răng, từ đó khiến cho ngà răng bị lộ ra ngoài.
- Nhai đồ cứng: Men răng có thể bị tổn thương, ăn mòn khi bạn thường xuyên nhai đồ cứng, chẳng hạn như xương, sụn, đồ sấy khô.
- Mở nút chai bằng răng: Thay vì dùng dụng củ mở chuyên dụng, nhiều người lại có thói quen mở nút chai bằng răng. Nút chai thường được đóng rất chắc chắn nên việc cố gắng cạy mở có thể khiến bạn bị mẻ răng, nứt men răng và để lộ lớn ngà ra ngoài.
- Cắn móng tay: Đây là thói quen xấu thường gặp ở trẻ em. Nhiều bé cắn móng tay giống như bị nghiện. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của móng mà còn làm men răng bị ăn mòn do lớp men răng của bé khá yếu, không chắc chắn như người lớn.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit trong khoang miệng, chẳng hạn như Aspirin dạng nhai hay viên ngậm bổ sung vitamin C. Sử dụng chúng trong thời gian dài có thể khiến mặt răng bị ăn mòn. Lộ ngà răng chính là một hậu quả tất yếu.
- Di truyền: Một số người có men răng yếu do di truyền. Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày khiến cho mặt răng dễ dàng bị ăn mòn và để lộ ngà răng ra ngoài.
- Uống ít nước: Cơ thể không uống đủ nước sẽ dẫn đến giảm tiết nước bọt và khiến cho mảng bám cũng như axit không được làm sạch. Tất cả đều làm tăng nguy cơ bị hôi miệng, sâu răng, mòn men răng hay lộ ngà răng.
Lộ ngà răng là bị bệnh gì?
Bên cạnh các nguyên nhân cơ học, tình trạng lộ ngà răng có thể xảy ra khi mắc các bệnh lý dưới đây:
- Thiếu sản men răng: Ở những người mắc căn bệnh này, men răng khá mềm và dễ vỡ khi có tác động mạnh.
- Sai khớp cắn: Khớp cắn lệch tâm khiến cho hai hàm răng bị ma sát mạnh với nhau. Tình trạng sai lệch khớp cắn diễn ra trong thời gian dài tất yếu sẽ dẫn đến mòn men răng, lộ ngà răng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh thường gây buồn nôn, nôn ói, ợ chua hoặc trào ngược axit lên trên miệng. Axit bám vào bề mặt răng gây ra hiện tượng ăn mòn men răng và khiến ngà răng mất đi lớp bảo vệ.
- Các vấn đề khác về sức khỏe: Đau mỏi khớp hàm, kêu khớp hàm…
Triệu chứng lộ ngà răng
Tình trạng lộ ngà răng có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu sau:
- Chân răng bị mất và thu nhỏ dần
- Mất men răng tạo ra một lỗ nhỏ trên mặt nhai giống như lỗ sâu răng nhưng không có màu đen.
- Có thể nhìn thấy rõ lớp ngà răng màu vàng nhạt bị lộ ra ngoài
- Đau răng
- Răng ê buốt, nhất là ở chân răng
Ngà răng bị lộ có nguy hiểm không?
Ngà răng có nhiệm vụ bảo vệ tủy, nơi chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh cảm giác. Chính vì vậy, khi lớp ngà bị lộ ra ngoài, hệ thống dây thần kinh trong tủy cũng trở nên nhạy cảm hơn và dễ dàng chịu tác động khi có lực va đập hoặc khi răng tiếp xúc với nhiệt độ nóng lạnh quá mức. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác đau nhức, ê buốt răng vô cùng khó chịu.
Khi bị lộ ngà răng, vi khuẩn cũng dễ dàng tấn công gây sâu ngà răng, viêm tủy răng. Nghiêm trọng hơn, chân răng bị ăn mòn dần và phá hủy hoàn toàn dẫn đến mất răng.
Tình trạng hở ngà diễn ra ở nhiều răng, nhất là các răng cửa còn gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống. Chưa kể đến tình trạng lộ ngà răng xuất phát từ các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe cũng có thể phát sinh thêm nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cách điều trị lộ ngà răng
Mục tiêu điều trị:
Lộ ngà răng thường được điều trị tại nhà khoa. Các biện pháp được áp dụng hướng đến mục tiêu sau:
- Làm giảm độ nhạy cảm của ngà răng
- Tái tạo men răng, giúp ngà răng chắc khỏe hơn.
- Trám bít lỗ hở.
Các phương pháp chữa lộ ngà răng:
Quy trình điều trị lộ ngà răng diễn ra theo các bước sau:
+ Giảm độ nhạy cảm của răng:
- Bác sĩ sử dụng một loại kem đặc chế thoa lên khu vực răng bị lộ ngà. Kem có tác dụng giảm tính nhạy cảm của ngà răng, đồng thời bít kín ống ngà mở.
- Tiến hành bôi Vecni Fluor giúp men răng và ngà răng chắc khỏe hơn.
+ Làm chắc răng:
Một khay duy trì được thiết kế cho vừa vặn với hàm răng của người bệnh. Trong khay chứa thành phần Fluor giúp đẩy nhanh quá trình tái khoáng men răng, làm răng chắc khỏe hơn.
+ Trám bít lỗ hở:
Bước cuối cùng trong quy trình chữa lộ ngà răng đó là trám bít lỗ hở. Bác sĩ sử dụng vật liệu trám bít lỗ hay dán phục hình mặt ngà răng, phục hồi cấu trúc bình thường và tăng tính thẩm mỹ cho răng.
Cách ngăn ngừa lộ ngà răng
Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị lộ ngà răng:
- Đánh chải răng nhẹ nhàng, đúng cách theo chiều dọc hoặc đánh theo vòng tròn.
- Sử dụng bàn chải có đầu lông tơ mềm mại
- Mỗi ngày đánh răng từ 2 -3 lần lá đủ. Không chải răng quá nhiều lần khiến cho men răng bị ăn mòn
- Hạn chế ăn đồ ngọt và các thực phẩm chứa nhiều axit
- Uống nhiều nước nhằm đảm bảo hoạt động bài tiết nước bọt diễn ra bình thường và giúp mặt răng được sạch sẽ hơn.
- Lựa chọn các sản phẩm kem đánh răng hoặc nước súc miệng chứa thành phần flour để đẩy nhanh quá trình tái khoáng men răng, giúp răng chắc khỏe hơn.
- Từ bỏ các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như cắn móng tay, nhai đồ cứng, nghiến răng hoặc mở nắp chai bằng răng.
- Không sử dụng thuốc Tây bừa bãi. Hãy đề nghị bác sĩ thay đổi loại thuốc khác an toàn hơn nếu bạn đang dùng các loại thuốc gây hại cho men răng.
- Kiểm soát tốt các vấn đề về sức khỏe có thể gây lộ ngà răng.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết liên quan
Quy Trình Phẫu Thuật Hàm Hô, Chi Phí Thực Hiện Và Lưu Ý
Các Bệnh Về Răng Miệng Thường Gặp Và Thông Tin Cần Lưu Ý
Phẫu thuật hàm hô có nguy hiểm không? Gây biến chứng gì?
Chuyên Gia Giải Đáp Đau Răng Uống Panadol Được Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!