Trám răng hàm sử dụng được bao lâu? Giá bao nhiêu?

Trám răng hàm được chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau. Tương tự như răng ở những vị trí khác, hàn trám răng hàm có độ bền dao động từ 1 – 10 năm tùy theo từng chất liệu cụ thể. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, bạn đọc nên tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau.

trám răng hàm giá bao nhiêu
Trám răng hàm là phương pháp nha khoa được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau

Khi nào cần trám răng hàm?

Răng hàm (răng cối) là răng mọc ở vị trí số 6, 7 và 8 (hay còn gọi là răng khôn). Đây là nhóm răng giữ chức năng chính trong việc ăn, nhai. Răng hàm có mặt nhai rộng, nhiều múi và rãnh kẽ để thuận lợi cho hoạt động nghiền nát thức ăn. Tuy nhiên, răng nằm ở cuối cung hàm nên gặp không ít khó khăn hơn trong quá trình vệ sinh răng miệng.

So với răng ở những vị trí khác, răng hàm có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề nha khoa như sâu răng, mẻ răng, mòn mặt nhai,… Trong đó, trám răng là phương pháp phổ biến được áp dụng để điều trị các vấn đề xảy ra ở răng hàm. Trám răng (hàn răng) là thủ thuật nha khoa sử dụng vật liệu chuyên dụng để bù lấp và sửa chữa các khiếm khuyết của răng. Bên cạnh tác dụng điều trị, phương pháp này còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.

trám răng hàm dưới
Trám răng hàm thường được chỉ định trong trường hợp sâu răng, răng sứt mẻ, mòn mặt nhai,…

Trám răng hàm thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Sâu răng hàm: Sâu răng là vấn đề thường gặp ở răng hàm. Vì khó vệ sinh hơn so với những răng khác nên thức ăn thừa và mảng bám dễ tích tụ ở kẽ, mặt nhai của răng số 6, 7 và 8. Theo thời gian, vi khuẩn phát triển trong mảng bám sẽ sản xuất axit liên tục gây hòa tan các mô cứng của men răng và ngà răng. Trám răng hàm bị sâu giúp ngăn chặn sâu răng phát triển và khắc phục triệt để tình trạng ê buốt, đau nhức khi ăn uống.
  • Răng hàm bị mẻ, vỡ: Răng hàm có thể bị mẻ do dùng thức ăn quá cứng, dai và khô. Mẻ răng làm lộ phần ngà bên trong ra ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây hư hại cấu trúc răng bên trong. Vì vậy, bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu chuyên dụng để phục hồi hình dáng để răng dễ dàng hơn khi ăn uống. Ngoài ra, hàn trám kịp thời còn giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa ở răng bị nứt, mẻ.
  • Răng hàm thưa: Thưa răng hàm khiến thức ăn dễ bám vào kẽ răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra hàng loạt các vấn đề nha khoa. Do đó để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bác sĩ sẽ chỉ định hàn trám răng thưa.
  • Mòn mặt nhai: Răng hàm có chức năng chính là nhai và nghiền nát thức ăn. Chính vì vậy nếu có thói quen ăn uống không thích hợp, mặt nhai của răng có thể bị mòn theo thời gian. Mòn mặt nhai gây ra hiện tượng quá cảm ngà khiến răng dễ ê buốt và đau nhức trong quá trình ăn uống. Trám răng hàm lên mặt nhai giúp bù lấp phần men răng bị mài mòn, từ đó giảm ê buốt và đau nhức hiệu quả.

Trám răng hàm được chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau. Ngoài những trường hợp được đề cập trong bài viết, phương pháp này cũng được xem xét trong một số trường hợp khác như viêm tủy răng, răng bị chết tủy (hoại tử tủy),…

Quy trình trám răng hàm

Trám răng hàm là phương pháp nha khoa tương đối đơn giản. Tùy theo kỹ thuật hàn trám (trám trực tiếp hoặc gián tiếp), phương pháp này có thể hoàn tất chỉ sau 1 – 2 buổi hẹn. Hàn trám răng hàm được thực hiện theo quy trình như sau:

Bước 1: Khám và tư vấn

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám răng miệng trực tiếp để đánh giá mức độ tổn thương của răng. Sau đó, tư vấn lựa chọn vật liệu hàn trám răng thích hợp. Răng hàm nằm sâu bên trong cung hàm nên không nhất thiết phải hàn trám bằng composite (chất liệu có màu sắc tương tự răng thật).

Nếu muốn lựa chọn vật liệu có độ bền tốt, bạn nên trám răng bằng Amalgam, kim loại quý (vàng, bạc,…). Đối với lỗ sâu và vết mẻ lớn, nên hàn trám bằng Inlay/ Onlay để mang lại hiệu quả cao hơn.

Bước 2: Vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng là bước quan trọng khi thực hiện bất cứ thủ thuật nha khoa nào. Trước khi trám răng hàm, bác sĩ sẽ làm sạch vị trí răng cần hàn trám và yêu cầu dùng nước súc miệng sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng.

Bước 3: Gây tê và tạo hình xoang trám

Thông thường, trám răng không cần gây tê vì phương pháp này chỉ can thiệp đến mô cứng của răng. Tuy nhiên, trong trường hợp sâu răng quá nặng gây đau nhức nhiều, bác sĩ sẽ gây tê để giảm thiểu cảm giác đau nhức khi thực hiện.

Sau đó, sử dụng dụng cụ để làm sạch phần ngà răng bị sâu và vụn thức ăn. Kế tiếp, dùng mũi khoan để tạo hình xoang trám phù hợp với từng kỹ thuật và vật liệu trám khác nhau.

Bước 4: Tiến hành trám răng

Sau khi làm sạch răng hàm và tạo hình xoang trám, bác sĩ sẽ phủ một lớp dung dịch axit nhẹ lên vị trí răng cần hàn trám. Sau đó, sử dụng keo dán chuyên dụng để tạo độ dính. Dùng chất liệu trám tương ứng lên phần răng bị khiếm khuyết, sau đó chiếu đèn quang trùng hợp để miếng trám và răng tạo thành một khối đồng nhất.

Sau khi miếng trám đã được cố định, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ để đánh bóng và làm nhẵn bề mặt miếng trám. Nếu trám răng Inlay/ Onlay, miếng trám sẽ được chế tác bên ngoài trước khi gắn vào mô răng bị khiếm khuyết, hư tổn.

Bước 5: Kiểm tra lại miếng trám và tư vấn cách chăm sóc

Sau khi thực hiện xong hàn trám răng hàm, bác sĩ sẽ kiểm tra lại miếng trám lần cuối để chắc chắn miếng trám không bị chênh, cộm và thừa. Kế tiếp, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc để tăng độ bền cho miếng trám và phòng ngừa các vấn đề nha khoa tái phát.

Trám răng hàm có đau không? Sử dụng được bao lâu?

Trám răng hàm có đau không là vấn đề được quan tâm bên cạnh quy trình và chi phí – nhất là với những người có khả năng chịu đau kém. Tương tự như trám các răng thông thường, hàn răng hàm hầu như không gây đau mà chỉ có cảm giác ê buốt nhẹ.

Tuy nhiên đối với những trường hợp răng hàm sâu nặng, bác sĩ có thể tiêm thuốc tê để giảm cảm giác đau nhức trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, chích thuốc tê khi trám răng cũng được chỉ định trong trường hợp viêm tủy răng nhưng tủy chưa bị hoại tử hoàn toàn.

trám răng hàm dưới
Hàn trám răng hàm hầu như không gây đau vì chỉ tác động đến phần mô cứng của răng

Trám răng hàm sử dụng được bao lâu cũng là mối bận tâm của những người đang có ý định thực hiện phương pháp này. Tuy nhiên, độ bền của miếng trám phụ thuộc vào chất liệu trám răng. Trong đó, vàng, amalgam và sứ Inlay/ Onlay có độ bền tốt khoảng 5 – 7 năm, thậm chí miếng trám bằng vàng có thể bền đến 10 năm nếu chăm sóc tốt.

Các vật liệu khác như GIC, composite, xi măng silicat thường chỉ có độ bền dao động từ 1 – 3 năm tùy theo chất liệu. Ngoài chất liệu, độ bền của miếng trám còn phụ thuộc vào kỹ thuật hàn trám, tay nghề của bác sĩ và chế độ chăm sóc của từng người.

Trám răng hàm hết bao nhiêu tiền?

Trám răng hàm là phương pháp nha khoa đơn giản nên chi phí thường không quá cao. Nếu hàn răng trực tiếp, chi phí thường dao động khoảng 200 – 400.000 đồng/ răng. Tuy nhiên trong trường trám răng hàm bằng Inlay/ Onlay, chi phí có thể lên đến 1.5 – 4 triệu đồng.

Ngoài ra, chi phí trám răng hàm cũng có thể cao hơn nếu kết hợp với lấy tủy và cạo vôi răng. Trên thực tế, giá thành thực hiện các thủ thuật nha khoa có sự chênh lệch tại các phòng khám/ bệnh viện. Vì vậy, bạn nên liên hệ trước với cơ sở có ý định thực hiện để được tư vấn cụ thể về vấn đề này trước khi hàn trám.

Trám răng hàm là phương pháp được áp dụng trong điều trị nhiều vấn đề nha khoa khác nhau. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn có thể hiểu rõ hơn về phương pháp này và có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!