Răng Mọc Lệch Vào Trong: Nguyên nhân và Biện pháp xử lý

Răng mọc lệch vào trong thường do thói quen xấu (mút môi, nghiến răng khi ngủ…), kích thước răng không phù hợp với cung hàm. Điều này khiến răng cụp vào trong, không khớp với hàm cắn. Lâu ngày làm tăng nguy cơ phát triển vấn đề răng miệng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mặc cảm.

Răng mọc lệch vào trong
Răng mọc lệch vào trong do thói quen xấu, bất thường ở răng/ hàm khiến răng cụp vào trong, sai lệch khớp cắn

Răng mọc lệch vào trong là gì?

Răng mọc lệch vào trong là tình trạng các răng hàm trên hoặc/ và hàm dưới bị lệch so với vị trí tự nhiên, không theo đường thẳng của khuôn hàm. Các răng bị ảnh hưởng (đặc biệt là răng cửa) thường có xu hướng cụp vào trong, sai lệch khớp cắn.

Ở những bệnh nhân có răng mọc lệch vào trong, nhìn nghiêng có thể thấy vết gấp khúc ở vùng dưới mũi hoặc miệng. Nhìn thẳng có thể nhận thấy các răng cửa cụp hoặc quặp vào trong. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ.

Ngoài ra răng mọc lệch, hướng vào trong còn làm ảnh hưởng quá trình nhai và nghiền nát thức ăn, khó vệ sinh răng. Lâu ngày phát sinh những vấn đề về sức khỏe và bệnh răng miệng. Vì thế, răng mọc lệch lạc, cụp vào trong cần được khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Dấu hiệu nhận biết răng mọc lệch vào trong

Răng lệch vào trong được nhận biết thông qua một số dấu hiệu dưới đây:

  • Kích thước của các răng nhỏ hơn hoặc lớn hơn so với cung hàm
  • Các răng mọc lệch lạc và chen chúc
  • Phần lớn các răng quặp/ cụp vào trong. Một số răng khác như răng nanh và răng hàm có hướng mọc đa dạng hơn
  • Sai lệch khớp cắn của cung hàm
  • Nhìn nghiêng có thể thấy vết gấp khúc ở vùng dưới mũi hoặc miệng
  • Nhìn thẳng có thể nhận thấy các răng cửa cụp hoặc quặp vào trong.
Phần lớn các răng quặp/ cụp vào trong
Răng mọc lệch vào trong khiến các răng quặp/ cụp vào trong, sai lệch khớp cắn của cung hàm

Răng mọc lệch vào trong do đâu?

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến răng mọc lệch vào trong:

  • Do bẩm sinh, di truyền

Răng mọc lệch vào trong thường phát triển ở những trẻ được sinh ra trong gia đình có bất thường ở hàm/ răng (bố hoặc mẹ). Các răng được sắp xếp không đúng vị trí hoặc chen chúc khiến các răng cửa lệch vào trong.

  • Do bất thường của răng

Răng vĩnh viễn mọc với kích thước to, không phù hợp với cung hàm. Điều này khiến các răng chen chúc và xô đẩy, răng cửa vị chèn ép dẫn đến tình trạng di lệch. Răng có kích thước to thường do di truyền từ bố hoặc mẹ, mất răng sữa sớm.

  • Mất răng sớm

Mất răng sớm tạo ra những khoảng trống trên cung hàm. Điều này khiến các răng tự di chuyển, có xu hướng giãn cách xa nhau và mọc lệch vào trong.

  • Do cấu trúc hàm nhỏ

Cấu trúc hàm nhỏ khiến răng không đủ chỗ phát triển, chen chúc và có xu hướng quặp vào trong. Điều này thường do bẩm sinh, di truyền từ bố hoặc mẹ, tiền sử tai nạn chấn thương dẫn đến những bất thường ở cấu trúc cung hàm.

  • Thói quen xấu

Duy trì những thói quen xấu trong giai đoạn phát triển răng và hàm có thể khiến răng mọc lệch vào trong. Cụ thể:

    • Cắn môi má
    • Nghiến răng
    • Thở bằng miệng
    • Mút môi
    • Nuốt lưỡi hoặc đẩy lưỡi
    • Chống cằm
    • Mút ngón tay…

Răng mọc lệch vào trong có ảnh hưởng gì không?

Nhiều người cho rằng răng mọc lệch vào trong chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, không đáng lo ngại. Do đó người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không sớm thăm khám và chữa trị. Tuy nhiên thực tế cho thấy, bất kỳ sự bất thường nào của răng và hàm cũng ảnh hưởng đến chức năng nhai và sức khỏe chung.

Ngoài ra răng mọc lệch vào trong còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng (sâu răng, các tình trạng viêm nhiễm…). Chính vì thế việc thăm khám và điều trị sớm là điều cần thiết.

Dưới đây là một số tác hại thường gặp:

  • Ảnh hưởng đến tâm lý

Tính thẩm mỹ giảm ở những trường hợp có răng mọc lệch vào trong. Điều này khiến trẻ thiếu tự tin, ngại giao tiếp với người xung quanh. Lâu dần ảnh hưởng đến tâm sinh lý, trẻ khép kín và thường xuyên cảm thấy mặc cảm.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng

Những trường hợp có răng lồi xỉ, mọc lệch vào trong thường khó vệ sinh răng miệng. Những mảng bám và cặn thức ăn trong góc khuất không được làm sạch có thể hình thành vôi răng (cao răng) dưới tác động của vi khuẩn.

Vôi răng bám dính lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, các bệnh hô hấp (viêm amidan, viêm VA, viêm họng…), gây ố màu men răng và hôi miệng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng
Khó vệ sinh răng miệng khi mọc lệch vào trong làm tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu…
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe

Sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn tăng cao trong khoang miệng do không được làm sạch hoàn toàn. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh hô hấp.

Ngoài ra răng mọc lệch vào trong gây sai lệch khớp cắn của cung hàm, ảnh hưởng đến khả năng nhai, thức ăn không được nghiền nát hoàn toàn. Điều này xảy ra lâu ngày làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đau dạ dày và suy giảm sức khỏe tổng thể.

Điều trị răng mọc lệch vào trong

Răng mọc lệch vào trong không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn gây ra một số vấn đề về răng miệng và sức khỏe chung. Chính vì thế, người bệnh cần sớm thăm khám và khắc phục những bất thường của răng.

Trong lần đầu thăm khám, người bệnh được kiểm tra lâm sàng cấu trúc hàm và tình trạng vô lệch của răng. Ngoài ra bệnh nhân còn được chỉ định chụp X-quang để chắc chắn hơn và tình trạng. Từ đó có hướng điều trị thích hợp nhất.

Dưới đây là những phương pháp thường được tư vấn trong điều trị răng mọc lệch vào trong:

1. Niềng răng – chỉnh nha

Hầu hết bệnh nhân có răng mọc lệch lạc được tư vấn niềng răng – chỉnh nha để điều chỉnh. Đây là phương pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân có răng mọc lệch vào trong ở mức độ nặng hoặc nhẹ, răng chen chúc, xô lệch, răng không đủ chỗ mọc do có kích thước lớn hoặc cung hàm nhỏ.

Niềng răng – chỉnh nha giúp điều chỉnh răng và hàm bằng lực kéo từ khí cụ, hỗ trợ răng xô lệch và răng quặp vào trong trở về vị trí đúng. Từ đó tăng tính thẩm mỹ cho răng miệng.

Có nhiều kỹ thuật niềng răng, bao gồm:

  • Niềng răng mắc cài

Niềng răng mắc cài là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Phương pháp này sử dụng hệ thống mắc cài dán trên bề mặt răng, kết hợp lực kéo từ dây cung và thun có độ đàn hồi cao. Từ đó điều chỉnh vị trí và hướng của các răng sai lệch.

Tùy thuộc vào nhu cầu, mắc cài có thể được làm từ vật liệu kim loại, sứ hay pha lê. So với niềng răng mắc cài kim loại thường, mắc cài sứ/ pha lê có tính thẩm mỹ cao hơn. Vì thế chi phí điều trị cũng cao hơn.

Ngoài ra người bệnh có thể được niềng răng mắc cài thông thường hoặc tự buộc. Niềng răng thông thường sử dụng mắc cài kết hợp dây cung, thun kéo, thun tách kẽ và một số khí cụ khác. Trong khi đó niềng mắc cài tự buộc (tự khóa) dùng mắc cài có nắp trượt tự động giữ cố định dây cung (thay vì giữ dây cung bằng dây thun). Điều này tạo ra lực kéo thích hợp giúp răng di chuyển.

Niềng răng mắc cài
Niềng răng mắc cài kim loại/ sứ giúp tạo lực kéo thích hợp, điều chỉnh răng và hàm bị sai lệch

Tùy thuộc vào tình trạng răng miệng, bệnh nhân có thể được nhổ răng hoặc không. Phương pháp này giúp tạo khoảng trống trên cung hàm, tạo điều kiện cho răng lệch lạc di chuyển về vị trí đúng.

Quá trình niềng răng mọc lệch vào trong thường kéo dài từ 1 – 3 năm tùy thuộc vào tốc độ cải thiện của răng và hàm. Phương pháp này an toàn và phù hợp cho người lớn, trẻ em trên 10 tuổi.

  • Niềng răng trong suốt

Phương pháp này còn được gọi là niềng răng không mắc cài. Khi điều trị, bệnh nhân được điều chỉnh các răng lệch lạc bằng khay niềng trong suốt, được làm từ nhựa. Khay nhựa được thiết kế ôm sáp vào răng để điều chỉnh. Điều này không gây vướng víu hay khó chịu.

Ngoài ra dùng khay nhựa trong suốt mang đến tính thẩm mỹ cao. Do đó niềng răng trong suốt có chi phí cao hơn nhiều so với niềng răng mắc cài. Cụ thể niềng răng mắc cài có giá dao động từ 25 – 50 triệu đồng. Trong khi niềng răng trong suốt có giá dao động từ 80 – 140 triệu đồng.

Trước khi niềng răng mọc lệch vào trong, người bệnh được cạo vôi răng và điều trị các vấn đề về nha khoa. Sau khi tháo niềng, bệnh nhân được sử dụng hàm duy trì từ 6 – 12 tháng. Điều này giúp giữ răng ở vị trí đúng trong khi hàm cứng và chặt lại, tránh răng di chuyển về vị trí ban đầu.

2. Bọc răng sứ

Bọc răng sứ có thể mang đến hiệu quả tốt cho quá trình điều trị răng mọc lệch vào trong. So với niềng răng, phương pháp này có khả năng điều chỉnh và phục hình răng trong thời gian ngắn, thường kết thúc sau 3 – 4 buổi hẹn.

Trong điều trị răng mọc lệch vào trong, bọc răng sứ sử dụng mão răng có kích thước, hình dáng và màu sắc tương tự răng thật chụp lên cùi răng được mài nhỏ trước đó. Từ đó đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng nhai của hàm.

Bọc răng sứ
Bọc răng sứ giúp điều chỉnh và phục hình răng mọc lệch vào trong với thời gian ngắn

Có 4 phương pháp bọc răng sứ được áp dụng phổ biến, bao gồm:

  • Chụp mão sứ trực tiếp lên răng
  • Bọc răng sứ gián tiếp (cầu răng sứ)
  • Dán răng sứ trực tiếp
  • Bọc răng sứ trên trụ Implant

Chi phí bọc răng sứ phụ thuộc vào chất liệu, số lượng răng… Tuy nhiên phương pháp này thường có giá dao động từ 1, 5 – 9 triệu đồng/ răng.

Ngăn ngừa răng mọc lệch vào trong

Răng mọc lệch vào trong không được ngăn ngừa hoàn toàn. Đặc biệt là những trường hợp có răng lệch lạc do di truyền, bẩm sinh. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi áp dụng những phương pháp được liệt kê dưới đây:

  • Theo dõi quá trình mọc răng của trẻ. Thăm khám và xử lý ngay nếu có bất thường.
  • Loại bỏ những thói quen xấu trong quá trình phát triển răng miệng. Cụ thể như cắn môi má, nghiến răng, thở bằng miệng, mút môi, mút ngón tay…
  • Ngưng cho bé ngậm ti giả trước 2 tuổi. Ngoài ra nên hạn chế bú sữa bình.
  • Đeo máng hoặc khay chống nghiến răng cho trẻ.
  • Tránh cho trẻ ngậm, cắn hoặc ăn những thực phẩm cứng.
  • Tránh để trẻ cắn vào những vật dụng cứng như đồ chơi.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng 2 – 3 lần/ ngày. Sử dụng kem đánh răng chứa flour và bàn chải có lông mảnh. Điều này giúp tăng khả năng làm sạch các góc khuất của răng. Đồng thời loại bỏ mảng bám, phòng ngừa vi khuẩn phát triển gây sâu răng. Bởi mất răng sớm là một trong những nguyên nhân khiến răng mọc lệch vào trong.
  • Cho trẻ súc miệng với nước lọc hoặc dùng khăn mềm sạch lau miệng và răng của trẻ sau khi bú xong.
  • Hạn chế tiêu thụ nhiều đồ ngọt hoặc những loại thực phẩm có khả năng bám dính cao.
  • Trẻ em nên được bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và nhiều vi chất dinh dưỡng khác từ thực phẩm lành mạnh (sữa, cá, trứng, rau xanh, ớt chuông, cà chua, trái cây, củ quả, đậu, hạt, thịt…). Bởi những thành phần dinh dưỡng này góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xương hàm và răng, tránh răng xô lệch hay mọc quặp vào trong.
  • Thay răng sữa vào thời điểm thích hợp. Không tự ý nhổ răng cho trẻ để tránh răng vĩnh viễn phát triển bất thường.
  • Khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện và điều trị kịp thời những vấn đề tìm ẩn.
Giúp trẻ loại bỏ các thói quen xấu để ngăn ngừa răng mọc lệch vào trong
Giúp trẻ loại bỏ các thói quen xấu (mút ngón tay, nghiến răng…) để ngăn ngừa răng mọc lệch vào trong

Răng mọc lệch vào trong là tình trạng thường gặp, chủ yếu xảy ra do thói quen xấu, những bất thường bẩm sinh ở răng/ hàm. Để điều trị, bệnh nhân được tư vấn niềng răng chỉnh nha hoặc bọc răng sứ. Đây đều là những phương pháp mang đến tính thẩm mỹ cao, có khả năng chỉnh hình răng lệch hiệu quả. Vì thế, người bệnh nên sớm khám chữa trị để được tư vấn, tránh phát sinh các bất thường.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!