Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng là dấu hiệu cho thấy cấu trúc răng bị hư hại nặng nề. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của chân răng để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu không khắc phục kịp thời, vi khuẩn gây sâu răng có thể tiếp tục phát triển dẫn đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dấu hiệu nhận biết răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng
Theo ước tính, có khoảng 70% dân số nước ta bị sâu răng. Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Đây là một dạng nhiễm khuẩn răng gây ra bởi hại khuẩn thường trú trong khoang miệng (chủ yếu là Streptococcus mutans). Bệnh lý này đặc trưng bởi hiện tượng mất các mô cứng của răng khiến răng xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu, đen kèm theo đau nhức và ê buốt.
Sâu răng là bệnh nha khoa có tiến triển chậm và triệu chứng khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Cũng chính vì vậy mà nhiều người có tâm thế chủ quan khi gặp phải bệnh lý này. Theo thời gian, vi khuẩn gây sâu răng có thể phát triển mạnh khiến lỗ sâu lớn dần và đi sâu vào bên trong ngà răng, tủy răng.
Hiện tượng hủy khoáng làm mất một lượng lớn mô cứng của răng có thể khiến cấu trúc răng hư hại nhiều và có thể bị vỡ do tác động trong quá trình ăn uống, sinh hoạt. Trường hợp sâu răng bị vỡ chỉ còn chân răng thường gặp ở người bị sâu răng lâu năm nhưng không thăm khám và điều trị sớm.
Tình trạng này thường biểu hiện qua một số dấu hiệu sau:
- Răng vỡ thành từng mảnh nhỏ khi ăn uống hoặc chải răng
- Lỗ sâu có kích thước lớn, quan sát rõ thấy ngà răng và tủy răng
- Răng hư hại gần như hoàn toàn chỉ còn phần cổ và chân răng nằm bên dưới mô nướu và xương ổ răng
- Khoang miệng thường có mùi hôi do viêm nhiễm lâu ngày
- Mô nướu xung quanh răng có hiện tượng viêm, phù nề, chuyển sang màu đỏ thẫm hoặc đỏ tím
- Khoang tủy có mô mềm màu hồng đỏ (viêm tủy triển dưỡng xảy ra ở răng sâu chết tủy lâu ngày)
Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng. Nếu phát hiện kịp thời, bạn có thể bảo tồn răng bằng một số phương pháp phục hình. Ngược lại, tình trạng chậm trễ có thể khiến chân răng bị hư hại nặng và buộc phải nhổ bỏ.
Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng có nguy hiểm không?
Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng gây ra nhiều ảnh hưởng trong quá trình ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, tình trạng này không được xử lý sớm còn dẫn đến một số hệ lụy và biến chứng nặng nề.
Các ảnh hưởng, biến chứng có thể gặp phải nếu răng sâu bị vỡ không được điều trị sớm:
- Hôi miệng dai dẳng: Ngoài ê buốt và đau nhức, răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng có thể gây hôi miệng dai dẳng. Tình trạng hơi thở có mùi do sâu răng thường kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và tâm lý.
- Xô lệch các răng khác trên cung hàm: Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng để lâu dài có thể gây xô lệch các răng còn lại trên cung hàm. Về lâu dài, răng hàm trên và răng lân cận sẽ lệch ra khỏi vị trí ban đầu gây ra nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.
- Sâu các răng lân cận: Sâu răng và các bệnh lý nha khoa thường gặp khác đều có thể lây lan nếu không được thăm khám – điều trị sớm. Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân có thể lan sang các răng lân cận dẫn đến sâu men và sâu ngà. Nếu không điều trị sớm, tủy răng có thể bị viêm nhiễm do sâu răng tiến triển.
Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng là tình trạng cho thấy sâu răng đã tiến triển nặng. Vì vậy, bạn nên tiến hành thăm khám và điều trị sớm để được khắc phục kịp thời, hạn chế biến chứng và những ảnh hưởng về sau.
Cách điều trị răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng
Răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng cho thấy cấu trúc răng đã bị hư hại đáng kể. Tùy theo tình trạng của chân răng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ hoặc can thiệp các phương pháp phục hình để bảo tồn răng thật.
1. Trường hợp chân răng còn khỏe
Nếu chân răng còn khỏe, chưa bị hư hại nhiều, phương pháp được áp dụng là làm sạch phần viêm nhiễm và bọc răng sứ để bảo vệ răng thật. Phương pháp này có thể giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm, phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ của răng.
Các phương pháp được áp dụng khi điều trị răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng trong trường hợp chân răng còn khỏe:
- Điều trị tủy răng (điều trị nội nha): Đa phần các trường hợp răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng đều đã nhiễm trùng tủy. Vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nội nha để làm sạch phần tủy bị viêm nhiễm. Sau đó, tiến hành dùng vật liệu gutta percha để trám bít khoang tủy.
- Bọc răng sứ: Sau khi làm sạch ống tủy và vô trùng phần mô nướu xung quanh răng, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ để phục hồi phần thân răng. Mão răng sứ được chế tác từ chất liệu sứ cao cấp có độ bền cao. Mão sứ sẽ được chụp lên phần răng thật nhằm bảo vệ chân răng, đồng thời phục hồi hình dáng và chức năng thẩm mỹ của răng.
2. Trường hợp chân răng hư hại nặng
Trong trường hợp chân răng hư hại nặng, yếu và không còn khả năng bảo tồn, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm, ngăn vi khuẩn lây lan và hạn chế các biến chứng nguy hiểm về sau. Nhổ bỏ răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn chức năng thẩm mỹ và sinh lý. Chính vì vậy, phương pháp này chỉ được xem xét khi chân răng đã bị phá hủy trầm trọng và không còn khả năng hồi phục.
Sau khi nhổ bỏ răng, bác sĩ thường khuyến khích trồng lại răng để tránh gây tiêu xương hàm. Hiện nay, phương pháp phục hình răng hiệu quả nhất đối với trường hợp chân răng hư hại nặng là cấy ghép Implant. Cấy ghép Implant sử dụng trụ Implant để thay thế chân răng. Sau đó, dùng khớp nối để đặt mão sứ lên trên nhằm phục hồi hình dáng và chức năng sinh lý.
Các biện pháp chăm sóc trong thời gian điều trị
Sâu răng và các bệnh nha khoa đều có thể tiến triển nặng nếu không có các biện pháp chăm sóc hợp lý. Để hỗ trợ các phương pháp y tế, bạn nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc sau:
- Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng. Thói quen vệ sinh kém chính là yếu tố làm tăng hình thành mảng bám, cao răng và kích thích sâu răng tiến triển theo chiều hướng xấu. Vì vậy, cần đảm bảo chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày.
- Sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng. Ngoài ra, nên dùng nước súc miệng để loại bỏ vi khuẩn, nấm và virus tích tụ.
- Hạn chế các loại thức uống, món ăn chứa nhiều đường. Carbohydrate trong đường chính là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi khuẩn. Sử dụng nhiều đường khiến sâu răng tiến triển nặng và có nguy cơ gây ra các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
- Không dùng thức ăn khô, cứng, dai, đồ uống chứa cồn và các loại thức uống chứa nhiều axit. Ngoài vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn uống thiếu khoa học cũng chính là nguyên nhân khiến sâu răng tiến triển nặng và nhanh chóng hơn.
- Có thể sử dụng nước súc miệng và kem đánh răng chứa fluor để tái khoáng men răng. Fluor còn có hiệu quả giảm hình thành mảng bám và hỗ trợ phục hồi các sang thương sâu răng.
Sâu răng bị vỡ chỉ còn chân răng là tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng, cấu trúc răng bị hư hại và tổn thương nặng nề. Để bảo toàn răng và hạn chế những ảnh hưởng, biến chứng nặng nề, bạn nên thăm khám sớm ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Sâu răng để lâu có gây ung thư?
Răng sâu bị lung lay có nên nhổ không?
Trẻ bị sún răng, viêm lợi có nguy hiểm không?
Sâu răng gây viêm lợi sưng đau và cách xử lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!