Các Giai Đoạn Phát Triển Của Sâu Răng: Cách xác định và điều trị

Sâu răng phát triển qua các giai đoạn khác nhau bao gồm hủy khoáng, sâu men, sâu ngà và giai đoạn phát sinh biến chứng. Phát hiện sâu răng từ giai đoạn sớm sẽ giúp bảo tồn răng và hạn chế tối đa biến chứng.

các giai đoạn của sâu răng
Hiểu rõ các giai đoạn của sâu răng sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm

Các giai đoạn của sâu răng – Cách nhận biết

Sâu răng là bệnh răng miệng thường gặp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này là do quá trình hủy khoáng của vi khuẩn Streptococcus mutans. Streptococcus mutans là vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Vi khuẩn sẽ bài tiết axit gây phá hủy và hòa tan các mô cứng của men răng (hủy khoáng) khiến cho răng xuất hiện các lỗ sâu.

Thực tế, trong khoang miệng luôn xảy ra quá trình hủy khoáng và tái khoáng. Nếu tái khoáng diễn ra nhanh hơn, cấu trúc răng vẫn sẽ được bảo tồn và không xuất hiện lỗ sâu. Tuy nhiên, khi có những yếu tố thuận lợi như vệ sinh răng miệng kém, chế độ ăn nhiều đường, khô miệng,… vi khuẩn Streptococcus mutans sẽ phát triển mạnh khiến cho tốc độ hủy khoáng tăng lên. Kết quả là men răng bị phá hủy và răng xuất hiện các lỗ sâu trên bề mặt.

Sâu răng là bệnh tiến triển theo từng giai đoạn và có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị. Ở giai đoạn đầu, sâu răng rất khó nhận biết vì hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng nào khác thường. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào sâu bên trong cấu trúc gây ra nhiều biến chứng và hậu quả nặng nề.

Để nhận biết và điều trị sâu răng sớm, bạn cần biết cách xác định các giai đoạn sâu răng:

1. Hủy khoáng

Hủy khoáng là quá trình các mô cứng của răng bị hòa tan, phá hủy do axit từ vi khuẩn Streptococcus mutans bài tiết. Môi trường có độ pH thấp hơn 5.5 sẽ bắt đầu xảy ra hiện tượng hủy khoáng.

Quá trình hủy khoáng diễn ra khá chậm và mất nhiều thời gian. Do đó, mặc dù hủy khoáng luôn diễn ra nhưng hầu hết răng trên cung hàm đều không bị sâu nhờ vào sự bù đắp của quá trình tái khoáng. Tuy nhiên, hủy khoáng sẽ là cơ sở để sâu răng hình thành và phát triển.

2. Sâu men

Răng được cấu tạo từ men răng, ngà răng và tủy răng. Trong đó, men răng là lớp bao bọc bên ngoài chứa hàm lượng khoáng chất cao. Men răng là cơ quan cứng chắc nhất trên cơ thể nên có thể bảo vệ răng khỏi tác động vật lý và hóa học.

Sâu men là giai đoạn đầu của bệnh sâu răng. Lúc này, trên men răng đã xuất hiện những lỗ sâu li ti do quá trình hủy khoáng của Streptococcus mutans. Quá trình hủy khoáng ở men răng diễn ra khá chậm do men răng có đặc điểm cứng chắc, khó bị ăn mòn. Do đó, sâu men là giai đoạn có tiến triển lâu nhất trong tất cả các giai đoạn sâu răng.

Men răng chỉ có khoáng chất và các chất vô cơ, không chứa mạch máu hay tế bào thần kinh. Vì vậy, sâu men thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào khác thường. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết giai đoạn này bằng cách quan sát răng. Lúc này trên bề mặt răng sẽ xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu hoặc đen.

3. Sâu ngà

Ngà răng là cấu trúc bên trong men răng. Ngà răng có cấu tạo xốp hơn, bên trong chứa mạch máu và dây thần kinh có khả năng thụ cảm. Do đó, trong giai đoạn sâu ngà, răng sẽ có cảm giác đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Lúc này, bạn có thể dễ dàng nhận thấy lỗ sâu lớn xuất hiện ở mặt nhai hoặc thân răng.

các giai đoạn của sâu răng
Sâu ngà là giai đoạn vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong ngà răng tạo ra lỗ sâu có kích thước khá lớn

Ngà răng có cấu trúc mềm, xốp hơn so với men răng. Vì vậy, quá trình hủy khoáng ở giai đoạn này sẽ diễn ra nhanh hơn so với giai đoạn sâu men. Sâu ngà có triệu chứng rất rõ ràng và mức độ của các triệu chứng cũng sẽ tăng dần theo thời gian.

Đa phần mọi người đều phát hiện sâu răng ở giai đoạn sâu ngà. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ sử dụng nghiệm pháp thử tủy và chụp X quang để chẩn đoán bệnh. Nếu phát hiện sớm, sâu ngà vẫn có thể điều trị như sâu men. Ngược lại, trong trường hợp chủ quan, sâu răng sẽ tiếp tục tiến triển gây tổn thương tủy răng và những cơ quan khác.

4. Các biến chứng sâu răng

Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng sẽ tiến triển gây ra các biến chứng như viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng, áp xe răng,… Các biến chứng này thường xảy ra ở những trường hợp không thăm khám và điều trị sớm khiến cho vi khuẩn di chuyển vào những cơ quan khác như tủy răng, chóp răng.

Nếu không xử trí kịp thời, răng có thể bị tổn thương nặng và không thể hồi phục hoàn toàn. Những trường hợp này buộc phải nhổ bỏ răng, sau đó can thiệp các biện pháp phục hình.

Cách điều trị sâu răng theo từng giai đoạn

Sâu răng là bệnh răng miệng rất phổ biến. Nếu được điều trị sớm, bệnh lý này gần như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý của răng. Ngược lại, những trường hợp chủ quan sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề về sức khỏe.

1. Sâu răng nhẹ

Đối với sâu răng nhẹ (sâu men), điều trị chủ yếu là các phương pháp bảo tồn. Tùy theo mức độ của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị như sau:

Các giai đoạn sâu răng
Trám răng (hàn răng) có thể điều trị sâu răng ở giai đoạn sâu men và sâu ngà
  • Liệu pháp fluor: Nếu sâu răng ở mức độ nhẹ, bề mặt chỉ mới xuất hiện các lỗ sâu li ti, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp fluor tại chỗ. Fluor là khoáng chất cần thiết để củng cố độ chắc khỏe của men răng, đồng thời gia tăng khả năng chống chọi với axit từ vi khuẩn. Bác sĩ sẽ dùng dung dịch hoặc gel chứa fluor thoa lên bề mặt răng để bù lấp những lỗ sâu li ti. Với cách này, men răng sẽ được củng cố và sâu răng sẽ không có cơ hội phát triển.
  • Trám răng: Trong trường hợp đã hình thành lỗ sâu, bác sĩ sẽ nạo bỏ lỗ sâu răng và sát khuẩn. Sau đó, sử dụng composite trám bít lỗ sâu răng nhằm bảo vệ răng khỏi vi khuẩn Streptococcus mutans. Ngoài ra, bổ sung fluor bằng kem đánh răng và nước súc miệng cũng giúp ích rất nhiều trong ngăn ngừa sâu răng tiến triển.

2. Sâu răng mức độ trung bình

Trong trường hợp sâu ngà, răng sẽ xuất hiện lỗ sâu khá lớn. Do đó, liệu pháp fluor hoàn toàn không thể phục hồi lỗ sâu hoàn toàn. Điều trị sâu ngà sẽ bao gồm các phương pháp sau:

  • Trám răng: Trám răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp sâu ngà. Trước tiên, bác sĩ sẽ làm sạch lỗ sâu để chắc chắn vi khuẩn đã bị tiêu diệt. Sau đó, dùng vật liệu cho vào lỗ sâu để trám bít và phục hình răng.
  • Inlay/ onlay: Trong trường hợp lỗ sâu có kích thước lớn, bạn cần phải phục hình Inlay/ Onlay. Phương pháp này có cơ chế khá giống với trám răng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng vật liệu để trám bít trực tiếp, bác sĩ sẽ phục hình miếng trám bằng sứ, sau đó cố định lên răng. Inlay/ Onlay có thể phục hình lỗ sâu có kích thước lớn và xảy ra ở 2 mặt của răng (mặt nhai + mặt bên thân răng).

3. Sâu răng nặng

Đối với những trường hợp sâu răng nặng, vi khuẩn đã xâm nhập vào tủy răng và chóp răng nên điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau.

Các giai đoạn sâu răng
Trường hợp sâu răng nặng đã phát sinh biến chứng sẽ được lấy tủy, trám răng hoặc bọc răng sứ

Các phương pháp điều trị sâu răng nặng:

  • Lấy tủy răng: Lấy tủy răng (điều trị nội nha) được chỉ định trong trường hợp sâu răng đã gây viêm tủy răng. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi viêm tủy răng không thể hồi phục hoặc răng bị chết tủy. Tủy răng bị viêm nhiễm sẽ được loại bỏ hoàn toàn, sau đó sát khuẩn và trám bít bằng vật liệu gutta-percha.
  • Trám răng: Sau khi lấy tủy, bác sĩ sẽ trám răng lại để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cấu trúc răng. Quá trình trám răng cũng sẽ được diễn ra tương tự như trám răng trong giai đoạn sâu men và sâu ngà.
  • Bọc răng sứ: Đối với những trường hợp răng sâu nặng và thân răng bị hư hại nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ. Bọc răng sứ sử dụng mão sứ có hình dáng và màu sắc tương tự răng thật, sau đó chụp lên phía trên cùi răng thật để bảo vệ thân răng ở bên trong.
  • Chích rạch áp xe: Trong trường hợp sâu răng nặng gây áp xe, bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch áp xe để loại bỏ ổ mủ. Sau đó, bạn cần dùng kháng sinh trong 5 – 7 ngày để kiểm soát hoàn toàn tình trạng viêm nhiễm. Đa phần những trường hợp áp xe đều đã bị viêm tủy răng. Do đó, sau khi chích rạch áp xe, bác sĩ sẽ lấy tủy và phục hình răng để đảm bảo chức năng ăn nhai.
  • Nhổ bỏ răng: Nhổ bỏ răng ít khi được chỉ định khi bị sâu răng. Tuy nhiên, nếu răng bị sâu nặng, thân răng bị hư hại và phá hủy nghiêm trọng, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ răng và phục hình lại bằng cầu răng sứ hoặc trồng răng Implant. Những phương pháp này đều rất phức tạp và chi phí đắt đỏ. Do đó, nên thăm khám và điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về các giai đoạn của sâu răng. Qua đó biết cách phát hiện sớm và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, nên tập thói quen khám răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các vấn đề nha khoa.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!