Mọc răng khôn bị đau họng thường xảy ra do sự phát triển của vi khuẩn thường trú hoặc do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn ngoại sinh. Tình trạng này có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà và can thiệp điều trị y tế.
Mọc răng khôn bị đau họng – Dấu hiệu nhận biết
Răng khôn (răng số 8) là răng hàm thứ 3 nằm ở vị trí cuối cung hàm. Khác với răng số 6 và số 7, răng khôn thường mọc ở người trưởng thành từ 17 – 25 tuổi. Tại thời điểm này, xương hàm đã tương đối cứng chắc nên quá trình mọc răng thường kéo dài và gây đau nhức nhiều.
Ngoài hiện tượng đau nhức răng, sưng hạch góc hàm và sốt, mọc răng khôn cũng có thể gây đau họng. Tình trạng này biểu hiện qua một số dấu hiệu sau:
- Cổ họng đau rát và ngứa nhẹ, quan sát thấy niêm mạc họng đỏ và sưng hơn bình thường
- Mô nướu xung quanh răng số 8 có hiện tượng sưng viêm, đỏ rát và nhạy cảm. Dưới tác động của quá trình ăn uống và chải răng, nướu răng có thể bị chảy máu và rỉ dịch/ mủ.
- Khoang miệng bị khô và có mùi hôi có chịu
- Răng đau nhức, cơn đau tăng lên đáng kể vào ban đêm và khi ăn uống. Ở một số trường hợp, cơn đau lan dần lên phía tai và đầu.
- Sưng má và hạch góc hàm.
Các triệu chứng trên có thể nghiêm trọng hơn nếu răng khôn mọc ngầm, mọc ngang và mọc nghiêng. Ngoài ra, những trường hợp mọc răng khôn bị viêm lợi trùm còn có thể bị sốt nhẹ, mệt mỏi và ăn uống kém.
Nguyên nhân gây đau họng khi mọc răng khôn
Thông thường, mọc răng khôn sẽ gây ra hiện tượng sưng nướu và đau nhức do mầm răng gây áp lực lên nướu và các răng lân cận. Những trường hợp kèm theo tình trạng đau họng có thể xảy ra do 2 nguyên nhân chính sau:
1. Do viêm lợi trùm răng khôn
Viêm lợi trùm là vấn đề khá phổ biến khi mọc răng khôn. Tình trạng này xảy ra khi lợi bao trùm lên một phần của răng khôn tạo ra kẽ hở. Từ đó khiến thức ăn cùng với mảng bám tích tụ nhiều, thúc đẩy sự phát triển của hại khuẩn và gây ra hiện tượng viêm nhiễm.
Viêm lợi trùm thường xảy ra trong thời gian răng khôn đang mọc. Ngoài các triệu chứng thông thường, bệnh lý này còn khiến nướu răng ứ mủ, khoang miệng có mùi hôi và vị khó chịu. Răng khôn nằm gần với cổ họng nên vi khuẩn ở nướu cũng có thể lây lan đến niêm mạc hầu họng dẫn đến tình trạng sưng và đau rát.
2. Do sự tấn công của virus, vi khuẩn ngoại sinh
Ngoài nguyên nhân trên, đau họng khi đang mọc răng khôn cũng có thể xảy ra do sự tấn công của virus và vi khuẩn ngoại sinh (thường là do virus RSV gây cảm lạnh). Khi mọc răng khôn, các tế bào bạch cầu từ hạch bạch huyết sẽ di chuyển đến xung quanh nướu răng khôn để bảo vệ răng và ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng này khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm.
Hầu họng và amidan có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi tác động của virus, nấm men và vi khuẩn. Trong thời gian mọc răng khôn, hệ miễn dịch suy giảm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn ngoại sinh xâm nhập gây viêm nhiễm niêm mạc hầu họng. Chính vì vậy, không ít người gặp phải tình trạng đau họng khi đang mọc răng khôn.
Cách xử lý tình trạng đau họng khi mọc răng khôn
Mọc răng khôn bị đau họng là tình trạng khá phổ biến. Dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ra cảm giác khó chịu và nhiều phiền toái trong cuộc sống. Để cải thiện tình trạng đau họng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Áp dụng các biện pháp tại nhà
Đau họng khi mọc răng khôn thường không quá nghiêm trọng mà chủ yếu chỉ gây đau rát và ngứa nhẹ. Vì vậy, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để cải thiện tình trạng này.
Các biện pháp giảm đau họng do mọc răng khôn tại nhà:
- Ngậm nước muối ấm: Ngậm nước muối ấm là cách giảm đau họng, sưng nướu và đau nhức răng hiệu quả. Nước muối có tác dụng sát trùng, tiêu viêm nên có thể giảm viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại. Trong trường hợp bị đau họng khi đang mọc răng khôn, có thể ngậm nước muối ấm và súc miệng 2 – 3 lần/ ngày để cải thiện.
- Uống trà gừng: Ngoài cách ngậm nước muối ấm, bạn cũng có thể uống trà gừng để giảm đau rát họng. Gừng chứa Gingerol có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và virus. Hơn nữa, thảo dược này cũng chứa một lượng lớn tinh dầu có tác dụng khử mùi và mang lại hơi thở thơm mát. Dùng 1 tách trà gừng ấm mỗi ngày có thể giảm đáng kể các triệu chứng khi mọc răng khôn như đau họng, sưng nướu, hôi miệng,…
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Trong khoang miệng chứa đến 50 tỷ vi khuẩn. Khi mọc răng khôn, hệ miễn dịch suy giảm nên hại khuẩn rất dễ phát triển gây viêm nhiễm nướu và niêm mạc họng. Do đó ngoài những biện pháp trên, bạn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để cải thiện đau nhức răng, đau họng và một số triệu chứng đi kèm.
2. Sử dụng thuốc
Trên thực tế, đau họng khi mọc răng khôn có thể không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà. Vì vậy, bạn có thể sử dụng thuốc để cải thiện các triệu chứng này.
Các loại thuốc được dùng để giảm tình trạng mọc răng khôn bị đau họng:
- Dung dịch súc miệng sát khuẩn (Chlorhexidine, Hexetidine)
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol)
- Thuốc kháng viêm dạng men (Alphachymotrypsin)
- Vitamin C, kẽm
- Thuốc kháng sinh (dùng trong trường hợp viêm lợi trùm)
3. Cắt lợi trùm
Viêm lợi trùm là tình trạng khá phổ biến khi mọc răng khôn. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần đến nha khoa thăm khám và điều trị sớm. Trước tiên, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát hiện tượng viêm cấp. Sau đó, chỉ định cắt lợi trùm để răng có thể mọc thuận lợi.
Ngoài ra, cắt lợi trùm còn giảm thiểu tình trạng thức ăn bám dính vào tạo thành mảng bám, cao răng. Qua đó có thể ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại và ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát. Khi hiện tượng viêm ở lợi trùm được kiểm soát, tình trạng đau họng, sưng nướu, nướu ứ mủ,… sẽ thuyên giảm rõ rệt.
4. Nhổ răng khôn
Trong trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc nghiêng và mọc ngầm, giải pháp tối ưu là nhổ bỏ răng khôn. Về cơ bản, răng khôn không giữ chức năng quan trọng trong việc ăn nhai hay thẩm mỹ. Ngược lại, răng khôn nằm sâu bên trong cung hàm nên rất dễ bị sâu, viêm nướu răng,…
Nhổ răng khôn là tiểu phẫu khá đơn giản chỉ mất khoảng 20 – 30 phút. Mặc dù vậy, tiểu phẫu không được thực hiện đối với những người bị ung thư bạch cầu hoặc đang xạ trị ở vùng hàm mặt. Những trường hợp có nguy cơ cao như tiểu đường, rối loạn đông máu, đang mang thai, đang bị viêm nhiễm cấp tính,… cần phải theo dõi và ổn định sức khỏe trước khi nhổ bỏ răng.
Cách phòng ngừa đau họng khi mọc răng khôn
Đau họng khi mọc răng khôn là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng này khó có thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể hạn chế nguy cơ mắc phải thông qua các biện pháp sau:
- Khi mọc răng khôn, bạn cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ và hạn chế thức ăn dễ tích tụ mảng bám như thực phẩm chứa nhiều đường, bột nếp,… để ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Đến nha khoa kiểm tra ngay khi mọc răng khôn để bác sĩ phát hiện sớm tình trạng lợi trùm và răng mọc nghiêng, mọc lệch. Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định cắt lợi trùm và nhổ bỏ răng sớm để phòng ngừa viêm nhiễm.
- Trong thời gian mọc răng khôn, hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm và suy yếu. Đây là điều kiện thuận lợi để virus và vi khuẩn ngoại sinh xâm nhập vào. Do đó, bạn nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý để phòng ngừa đau họng khi mọc răng khôn.
Bị đau họng khi mọc răng khôn là tình trạng khá phổ biến có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà và sử dụng thuốc không kê toa. Tuy nhiên để nắm bắt rõ tình trạng của răng khôn, bạn nên đến nha khoa thăm khám. Từ đó có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhổ Răng Ăn Thịt Gà Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Răng Lung Lay Đau Nhức Có Nên Nhổ Không?
Các Trường Hợp Không Được Nhổ Răng Người Bệnh Cần Biết
Mọc răng khôn bị sưng mủ có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!